Văn hóa – Di sản

Đào Nguyên Phổ - quan chức, nhà văn, nhà báo

Nguyễn Minh Tường 19/11/2023 16:39

Đào Nguyên Phổ, tên cũ là Đào Văn Mại, tự là Cần Giang, Hoành Hải, hiệu là Tảo Bi, ở xã Thượng Phán, tổng Đồng Trực, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình (nay là xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ - Thái Bình). Đào Nguyên Phổ sinh năm Tân Dậu (1861) trong một gia đình Nho học, là con trai thứ ba trong số năm anh em trai và ba chị em gái, vì thế, thường được gọi là cậu Ba. Thân phụ của ông là Đào Văn Lịch, đỗ Cử nhân khoa Mậu Thìn (1868), có đi làm Tri huyện ít năm ở Hải Dương, sau về mở trường dạy học. Hồi còn nhỏ, ông có tên là Đào Roãn Cung, sau đổi là Đào Văn Mại, được thân phụ trực tiếp dạy học.

dao-nguyen-pho.jpg
Danh nhân Đào Nguyên Phổ.

Ông đỗ Cử nhân khoa Giáp Thân (1884). Tác giả Đào Duy Mẫn trong bài Thân thế và sự nghiệp Đào Nguyên Phổ viết rằng: “Khoa thi năm 1877, Đào Văn Mại đỗ Cử nhân” và thêm chú thích: “Trong nhiều văn bản, đều ghi ông đỗ Cử nhân năm 1884... Thực tế là ông đỗ Cử nhân năm 17 tuổi (1877). Năm 1884, là năm ông bắt đầu nhậm chức Giáo thụ, huyện Tam Nông, tỉnh Hưng Hóa” (2008). Ở đây, chúng tôi ghi theo Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục. Vả lại năm 1877, không mở khoa thi Hương, bấy giờ chỉ có thi Hương các khoa: khoa Bính Tý (1876), Ân khoa năm Mậu Dần (1878) và khoa Kỷ Mão (1879).

Khoa thi này, theo Cao Xuân Dục, tác giả Quốc triều hương khoa lục: “... mới giảng hòa ở Bắc Kỳ, trường thi Nam Định chưa kịp tu bổ, nên hai trường (Hà Nội và Nam Định) thi chung ở trường Thanh Hóa” (Bản dịch, 1993). Cùng đỗ khoa Giáp Thân tại trường Hà Nội - Nam Định với Đào Nguyên Phổ có khá nhiều danh sĩ như: Vũ Phạm Hàm, Nguyễn Thượng Hiền, v.v... Sau khi đỗ Cử nhân, ông được bổ chức Huấn đạo và Tri huyện huyện Vũ Giàng một thời gian thì bị bãi chức vào năm 1891. Có thể khẳng định, việc ông bị bãi chức vào năm 1891 là bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông, tạo ra những điều kiện vô cùng thuận lợi cho ông có thể chuyển biến tư tưởng trong thời kỳ mới của lịch sử dân tộc vào những năm đầu thế kỷ XX. Chính trong thời kỳ này, Đào Nguyên Phổ đã kết bạn tâm giao với Nguyễn Thượng Hiền, đỗ Hoàng giáp năm 1892 được bổ làm việc ở Quốc sử quán, Huế, sau ra giữ chức Đốc học Ninh Bình, rồi Nam Định.

Năm 1895, Đào Nguyên Phổ nghe theo lời khuyên của Nguyễn Thượng Hiền vào Huế, theo học trường Quốc Tử Giám. Đây là một dịp may, để ông đọc các “Tân thư”, “Tân báo”, trong thư viện của nhà vị quan Tế tửu (Hiệu trưởng) của trường Quốc Tử Giám. Quan Tế tửu đã mến vì tài, yêu vì chí nên đã gả con gái cho Đào Nguyên Phổ.

Năm 1898, Đào Nguyên Phổ tham dự khoa thi Hội dưới triều vua Thành Thái (1889-1907) và đỗ Đình nguyên, Đệ nhị giáp, Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp). Ông được bổ dụng làm quan tại triều, sung chức Hàn Lâm viện Thừa chỉ, chuyên soạn thảo các đạo dụ và chiếu chỉ của nhà vua. Thời gian này, ông đã kết giao với một số sĩ phu yêu nước, có tư tưởng đổi mới như: Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, v.v..., nhờ vậy nhãn quan chính trị của ông được mở rộng, nhận thức chính trị của ông phát triển theo xu hướng tiến bộ một cách mạnh mẽ hơn, dứt khoát hơn. Trong thời kỳ này, thực dân Pháp chủ trương mở rộng nền giáo dục Pháp - Việt, đề cao việc dạy tiếng Pháp trong nhà trường và xã hội, nên cũng vào năm 1898, Đào Nguyên Phổ được chọn vào học theo lối mới tại “Pháp tự quốc gia học đường” tại Huế. Và chỉ một thời gian sau đó, ông đã có thể sử dụng thành thạo tiếng Pháp, một điều kiện cơ bản để Đào Nguyên Phổ tiếp nhận tư tưởng dân chủ của Cách mạng tư sản Pháp, cũng như nhận thức rõ về bước tiến hóa xã hội.

Sau khi tốt nghiệp Pháp tự quốc gia học đường, Đào Nguyên Phổ chỉ làm quan được hơn một năm (1901-1902). Tư tưởng một khi đã đổi mới, làm sao ông có thể cam chịu thân phận của một công chức “sáng vác ô đi, tối vác về”, trong một cơ quan do chính kẻ thù của dân tộc mở ra, để phục vụ chúng?! Đào Nguyên Phổ đã nộp đơn xin từ chức để trở ra Hà Nội. Việc ông quyết định từ chức để từ Huế trở ra Hà Nội là bước ngoặt thứ hai trong cuộc đời ông, mở ra cho ông nhiều triều vọng mới.

Ở Hà Nội, ông có nhiều bạn như Kiều Oánh Mậu (1854-1911), Hoàng Đạo Thành (nguyên là họ Cung (Cung Đạo Thành), đỗ Cử nhân khoa Giáp Thân (1884), hiệu Cúc Lữ, quê làng Kim Lũ, Thanh Trì, Hà Nội, làm quan tới chức Đồng Tri phủ, sau cáo quan về), Lương Văn Can (1854-1927)... Và Đào Nguyên Phổ nhận ra, lúc này, Hà Nội mới chính là nơi hội tụ nhân tài trong việc mưu tìm vận hội mới cho dân tộc, cho đất nước. Tại đây, ông đã dứt khoát chọn một nghề hoàn toàn mới trong đời sống văn hóa - xã hội Việt Nam thời đó. Năm 1903, Đào Nguyên Phổ nhận chức Đốc biện (Chủ bút) cho tờ Đại Nam đồng văn nhật báo, tờ báo đầu tiên viết bằng chữ Hán xuất hiện ở Hà Nội. Đây là một tờ “quan báo” dưới sự chỉ đạo của Nha Kinh lược Bắc Kỳ. Trong công việc mới này, ông đã cộng tác với một người Pháp, vốn là chủ nhà in tên là F. Henri Schneider đứng làm Chủ nhiệm, còn Đào Nguyên Phổ làm Chủ bút.

Năm 1905, Đào Nguyên Phổ lại cộng tác với một người Pháp, có tên là Ernest Bubut, mở tờ báo tư nhân có tên là Đại Việt tân báo, tờ báo đầu tiên ở Hà Nội, ngoài phần chữ Hán, còn có phần chữ Quốc ngữ, được đông đảo bạn đọc người Việt hoan nghênh, tìm đọc. Tờ Đại Việt tân báo còn chiếm được cảm tình và sự ái mộ của viên chức trong bộ máy chính quyền Bảo hộ, binh lính và những người biết chữ Quốc ngữ, tạo nên một hiện tượng mới trong xã hội thời bấy giờ.

Năm 1907, tờ Đại Nam đồng văn nhật báo chuyển thành Đăng cổ tùng báo cũng có phần chữ Hán vẫn do Đào Nguyên Phổ làm Chủ bút, còn phần chữ Quốc ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh làm Chủ bút. Với những chuyển biến về tư tưởng có tính tiến bộ, lại trong bối cảnh xã hội Việt Nam đổi mới, Đào Nguyên Phổ tham gia vào việc thành lập Đông Kinh nghĩa thục tháng 3 năm 1907 là một việc tự nhiên có tính tất yếu.

Như chúng ta đều biết: Đông Kinh nghĩa thục là một trường học theo lối mới được thành lập tại Hà Nội, đóng trụ sở tại nhà số 4 phố Hàng Đào Hà Nội, hoạt động theo mô hình phương Tây như Khánh Ứng Nghĩa Thục của Nhật Bản (1858). Trường Đông Kinh nghĩa thục do Lương Văn Can làm Thục trưởng, Nguyễn Quyền làm Giám học và một số vị khác làm sáng lập viên. Đôi câu đối dán ở cửa trường do Đào Nguyên Phổ viết:

Đem báo chương thay đuốc văn minh, soi rạng miền Nam cõi Bắc

Lấy Quốc ngữ làm chuông cảnh tỉnh, khua vang ngõ hẹp, hang cùng.

Đào Duy Mẫn trong bài Thân thế và sự nghiệp Đào Nguyên Phổ chép đôi câu đối này đảo trật tự. câu Xuất đối - chữ cuối vần trắc (Bắc) xuống dưới, câu Đôi đối - chữ cuối vần bằng (Cùng) lên trước. Tôi đảo lại như trên.

Đào Nguyên Phổ có chân trong Ban giảng huấn (phần chữ Hán) và Ban biên soạn. Thấy rõ tính chất nguy hiểm và ảnh hưởng sâu rộng của Đông Kinh nghĩa thục trong việc thức tỉnh quốc dân, đặc biệt là những bài Gọi hồn nước và bài Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu từ Nhật gửi về… đã thổi bùng lên ngọn lửa của lòng yêu nước, thực dân Pháp đã ra lệnh đóng cửa trường, chỉ sau 9 tháng hoạt động.

Tháng 3 năm 1908, Đào Nguyên Phổ bị thực dân Pháp vây bắt, nhưng lúc đó, ông không có nhà, nên kịp lẩn tránh tại nhà một thân hữu ở Hà Nội. Từ đây, ông bị lùng bắt ráo riết. Trước tình hình nguy cấp, để tránh gây liên lụy cho gia đình người bạn, và cũng không chịu để mình rơi vào tay giặc, Đào Nguyên Phổ đã chọn cho mình cái chết. Đó là ngày 24 tháng 5 năm Mậu Thân (tức ngày 22-6-1908), năm đó Đào Nguyên Phổ mới có 48 tuổi.

Tác phẩm của Đào Nguyên Phổ để lại có Tây Sơn thủy mạt ký (ghi chép về khởi đầu và chung cục của triều đại Tây Sơn), dùng cho trường Đông Kinh nghĩa thục; một số sách giáo khoa chữ Hán soạn chung như Việt sử tân ước toàn biên (Bộ sách tóm lược mới về sử Việt), biên soạn cùng Hoàng Đạo Thành và Đoàn Triển: Cương Việt tập thành... Đào Nguyên Phổ là người mang văn bản Truyện Kiều “bản Kinh” từ Huế ra Hà Nội, đề Tựa và giao cho Kiều Oánh Mậu tham khảo để biên tập thành Đoạn trường tân thanh (Quan Văn đường tàng bản - 1902). Bài Tựa của ông xác nhận Truyện Kiều là một tác phẩm có giá trị phổ biến sâu rộng trong nhiều tầng lớp công chúng. Ngoài ra, ông còn sáng tác một số bài thơ chữ Hán và chữ Nôm, trong đó có bài nhằm ký thác tâm sự,... và một số đôi câu đối. Bản dịch bài Tiền Xích Bích phú của Tô Đông Pha, do Đào Nguyên Phổ chuyển thành thơ song thất lục bát, được in trong bộ Việt Nam ca trù biên khảo (Đỗ Bằng Đoàn - Đỗ Trọng Huề):

Năm Nhâm Tuất, qua rằm tháng bảy,

Ông Tô công cùng mấy người quen.

Trên sông Xích Bích con thuyền,

Gió hiu hiu thổi, sóng êm êm dừng...

được học giả Nguyễn Hiến Lê tuyển in lại trong tập Cổ văn Trung Quốc và ngợi khen là “Một bản dịch rất hay”.

Đào Nguyên Phổ là thân phụ của học giả Đào Trinh Nhất (1900-1951). Cũng giống như cha mình, Đào Trinh Nhất cũng từng làm Chủ bút và là một nhà báo nổi tiếng của nhiều tờ báo như: Thực nghiệp dân báo, Hữu thanh, Phụ nữ tân văn, Thần chung, Đuốc nhà Nam, Mai, Trung Bắc chủ nhật.../.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Trần Khánh Dư – danh tướng thủy binh
    Trần Khánh Dư người huyện Chí Linh (Hải Dương), chưa rõ năm sinh, mất năm 1339, dòng dõi tôn thất nên được phong tước Nhân Huệ vương. Khi quân Nguyên mới sang xâm lược nước ta, ông thường nhằm chỗ sơ hở đánh úp, Trần Thánh Tông khen là có chí lược, lập làm thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua). Khi đánh dẹp ở miền núi thắng lớn, được phong chức Phiêu kỵ đại tướng quân. Rồi từ tước hầu, do được vua yêu, thăng mãi lên Thượng vị hầu áo tía, giữ chức phán thủ. Sau vì tư thông với công chúa Thiên Thụy, con dâu của Trần Quốc Tuấn nên bị cách hết quan tước, tịch thu sản nghiệp, phải lui về ở Chí Linh làm nghề bán than.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Đào Nguyên Phổ - quan chức, nhà văn, nhà báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO