Hà Nội xưa - nay

“Cờ ngày nào tung bay trên phố”

Nhà văn Lê Phương Liên 06/10/2024 06:39

Từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành, tôi đã bao lần hòa giọng ca của mình cùng bạn bè hát bài “Tiến về Hà Nội” (Nhạc và lời của Văn Cao). Lần nào hát đến câu: “Cờ ngày nào tung bay trên phố…” tôi đều xúc động đến nghẹn lời. Ký ức những ngày mùa thu lịch sử năm 1954 như hiển hiện ra trước mắt, đưa tôi trở về với tuổi thơ trong ngôi nhà cổ kính bên hồ Hoàn Kiếm ngày xưa.

pho-phuong-ha-noi-treo-co-don-doi-quan-tiep-quan-thu-do.jpg
Phố phường Hà Nội rợp cờ chào đón đội quân tiếp quản Thủ đô

Tôi như nghe thấy tiếng gió thổi xào xạc trên vòm lá cây đa cổ thụ bên đền Bà Kiệu, tiếng xe Jeep của nhà binh Pháp phóng lướt trên con đường nhựa quanh Bờ Hồ tạo ra một tiếng rít ghê sợ.

Ngày ấy, trong căn phòng đóng cửa kín mít mẹ tôi, bà ngoại tôi, các dì tôi, chị tôi và các cô giáo ở trường của mẹ tôi ngồi quây quần bên nhau may cờ Tổ quốc… Tôi nhớ khi ấy, thấy mẹ đưa trên bàn máy khâu một tấm vải đỏ hình chữ nhật khá to, tôi đã hỏi: “Mẹ làm gì đấy?”, mẹ tôi ra hiệu im lặng rồi nói khẽ: “Mẹ may cờ”. Tôi lại hỏi: “May cờ để làm gì ạ?”, mẹ tôi nghiêm mặt lại, giơ ngón tay trỏ đặt lên môi: “Suỵt! Không hỏi nhiều!” Tôi lại nhìn sang dì út. Dì cũng đang ngồi khâu một lá cờ màu đỏ ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Lá cờ này nhỏ hơn lá cờ mẹ tôi may. Tôi lại thấy bà tôi, chị tôi và các cô giáo ngồi cắt những tấm giấy bóng kính màu đỏ, sau đó dán những ngôi sao bằng giấy màu vàng vào chính giữa rồi cuốn vào một cán tre nhỏ như chiếc đũa. A! Đó là những lá cờ nhỏ! Tôi rất thích thú cầm một chiếc lên vẫy vẫy. Bà tôi nghiêm nét mặt lại: “Không được nghịch! Cờ Tổ quốc đấy!”. Nhìn bà, mẹ, các dì và các cô giáo nâng niu gấp những lá cờ lớn lại ngay ngắn rồi xếp những lá cờ nhỏ lại thành bó cẩn thận, lòng tôi thấy nao nao.

cac-em-hoc-sinh-vay-co-ngay-giai-phong-thu-do.jpg
Các em học sinh vẫy cờ ngày Giải phóng Thủ đô

Buổi tối hôm ấy, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy cờ đỏ sao vàng. Trước đây tôi có nhìn thấy cờ ba sắc (xanh, trắng, đỏ) mà mẹ tôi bảo là quốc kỳ của nước Pháp, không phải cờ Tổ quốc! Thành phố Hà Nội khi ấy đang bị quân đội Pháp tạm chiếm nên ở các công sở phải tạm treo quốc kỳ nước Pháp. Lúc đó tôi mới là đứa trẻ lên ba. Bỗng nhiên tâm hồn tôi vụt lớn lên như cậu bé làng Phù Đổng để hiểu rằng: cờ đỏ sao vàng là cờ Tổ quốc Việt Nam.

Sáng sớm ngày 10/10, tôi thức giấc khi nghe thấy tiếng giày đinh của đội quân Pháp đi đều bước từ phía khu vực Tòa thị chính ra phía cầu Long Biên. Mọi người lớn trong nhà đều đã dậy từ lâu. Sự tò mò khiến tôi chạy ra phía hành lang dài trên gác hai nhìn ra hồ Hoàn Kiếm. Cả vùng hồ tĩnh lặng, mặt nước Hồ Gươm xanh gợn sóng lăn tăn ẩn hiện trong làn sương thu mỏng nhẹ. Con đường vòng quanh hồ vắng vẻ chỉ có gió thổi, lá rơi và bóng chim bay qua bay lại.

Buổi sáng ngày 10/10/1954, các em học sinh của trường Tiểu học tư thục Đinh Bộ Lĩnh ở số 22 phố Hàng Dầu (nay là Trụ sở UBND phường Hàng Bạc) đến trường bình thường. Toàn thể học trò được phát những lá cờ nhỏ cầm trên tay. Các giáo viên thì cùng nhau cắm cán cho những lá cờ vải lớn. Khoảng 8h30, khu vực Bờ Hồ bắt đầu nhộn nhịp. Đoàn học sinh và giáo viên trường Đinh Bộ Lĩnh xếp hàng tiến ra đường phố vào vị trí dưới gốc cây đa cổ thụ bên đền Bà Kiệu. Khi ấy, tôi được đi theo lớp học sinh nhỏ nhất trường gọi là lớp vỡ lòng. Được cầm lá cờ đỏ xinh xắn trên tay tôi sung sướng vô cùng! Nắng đã bừng lên chan hòa khắp nơi.

Khoảng 9h30, tiếng reo hò từ phía ngã tư Tràng Tiền đã vang lên dội về phía đền Ngọc Sơn. “Bộ đội ta về rồi! Bộ đội ta về đến Bờ Hồ rồi! Hoan hô!”. Kia rồi, những chiến sĩ đầu tiên mặc quần áo màu xanh lá, chân đi giày vải, đầu đội mũ lưới có ngôi sao vàng đã tiến tới gốc cây đa đền Bà Kiệu! Tất cả học sinh nhảy lên reo hò vẫy cờ tưng bừng. Các cô giáo ôm hoa chạy đến tặng các chú bộ đội! Tôi thấy bà tôi chảy tràn nước mắt! Bà đang ngóng tìm bác tôi trong đoàn quân chiến sĩ rạng rỡ nụ cười trong vòng chào đón của người dân Hà Nội. Bà đã không hề biết rằng bác tôi đã về Hà Nội từ ngày 2/10 và làm công việc tiếp quản tại Tòa thị chính Thành phố Hà Nội. Nơi ấy chỉ cách ngôi nhà của gia đình chừng hơn 500m. Thế mà các chiến sĩ bộ đội ta ngày ấy đã giữ bí mật hoàn toàn. Đến buổi tối 10/10/1954, bà tôi mới được gặp lại người con trai yêu quý sau 9 năm kháng chiến.

Bao nhiêu năm đã qua mà tiếng kèn của đội Quân nhạc như còn vang vọng trong tâm trí tôi: “Bao chiến sĩ anh hùng… Quân xung phong! Nước Nam đang chờ mong tay người. Hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời…”. Trong tiếng nhạc hùng dũng, người dân ở khu vực Hồ Gươm đã nồng nhiệt tung cờ đón chào các vị lãnh đạo thành phố trên hai chiếc xe ô tô nhỏ mui trần qua Hàng Đào, Hàng Ngang... Đoàn bộ đội Cụ Hồ tiến bước tới đâu là tiếng reo hò; cờ đỏ sao vàng xuất hiện phất phới đến đó trên những cửa sổ và ban công các tòa nhà. Đoàn quân đi qua rồi mà dân phố phường vẫn đứng nhìn theo.

Từ gốc cây đa đền Bà Kiệu trở về, tất cả người lớn và trẻ con vẫn còn bàn tán mãi về hình ảnh các anh bộ đội hiền lành trẻ trung tươi cười vừa đi qua. Các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh đều đem theo những lá cờ đỏ sao vàng về nhà. Buổi chiều ngày 10/10/1954 ấy, chỉ có bà tôi ở nhà trông hai chị em tôi. Mẹ tôi cùng các cô các dì và cả chị gái tôi đều đi lên sân Cột Cờ dự lễ thượng cờ tại Thành cổ Hà Nội.

Vào lúc 15h chiều ngày 10/10/1954, tiếng còi Nhà hát Lớn thành phố nổi lên. Tôi chạy vụt từ phòng băng qua hai phòng lớp học thẳng ra ban công cổng chính, nơi mẹ tôi đã treo cờ Tổ quốc. Tôi đứng yên bên lá cờ đang bay nhè nhẹ. Hồi còi Nhà hát Lớn thành phố ngân vang kéo dài, một cảm giác linh thiêng tràn ngập tâm hồn thơ bé của tôi. Tiếng còi Nhà hát Lớn thành phố như một hồi còi báo hiệu cho toàn dân biết: Lịch sử Thành phố Hà Nội đã mở sang một trang mới! Tôi nhìn xuống phố Hàng Dầu chợt thấy bòng một cụ già mặc âu phục, tay cầm ba toong đứng lại trên vỉa hè. Cụ già nhấc cái mũ phớt ra rồi đặt lên trên ngực. Cụ đứng yên, hướng về phía Thành cổ Hà Nội cho đến lúc hết hồi còi, mới đội lại mũ và bước đi thong thả. Những hình ảnh trang nghiêm của người lớn khiến tôi nhìn về lá cờ đỏ sao vàng trên ban công nhà mình. Bỗng nhiên tôi cảm thấy trên từng đường may như có hơi ấm của bàn tay mẹ. Màu đỏ và sao vàng lộng lẫy mà thân yêu với tôi vô cùng. Cảm giác ấy đã ở trong tim tôi cho đến tận hôm nay 70 năm sau, khi tôi viết những dòng này. Và, chắc rằng sẽ ở trong tim tôi mãi mãi./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Phục dựng nghi lễ tế Đinh tại đền Đức Thánh Cả
    Ngày 9/3/2025, nghi lễ tế Đinh đã điễn ra tại đền Đức Thánh Cả, thôn Hữu Vĩnh, xã Bình Lưu Quang, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội. Việc phục dựng nghi lễ là một phần trong chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.
  • Tây Hồ – Nơi giao thoa giữa quá khứ và hiện tại trong bảo tồn văn hóa
    Quận Tây Hồ, một trong những quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội, không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên mà còn là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Quận Tây Hồ là một khu vực đặc biệt với sự kết hợp hài hòa giữa không gian xanh mát của các hồ, làng nghề truyền thống và các di sản văn hóa phong phú. Những năm qua, Tây Hồ đã và đang thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tạo nên một hình ảnh đầy bản sắc và thu hút du khách.
  • Một thoáng ký ức Hà Nội xưa
    Nếu mang nắng chiều chiếu nghiêng nghiêng vào ngăn ký ức của người Hà Nội, dễ sẽ thấy gói hàng Tết thời xa vắng, thấy chiếc áo chần bông xúng xính chờ cái rét ngọt để diện đi chơi… Thời gian có khả năng diệu kỳ, đôi khi có thể biến những khoảnh khắc tưởng chừng như thiếu thốn, khó khăn nhất trở thành tình cảm nhất, vui vẻ nhất; biến những điều răn dạy khắt khe nay trở thành lời vàng thước ngọc muốn gửi gắm lại cho thế hệ sau…
  • Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống qua chương trình "Tết Việt - Tết Phố 2025"
    Hòa chung không khí đón chào Xuân mới, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội sẽ tổ chức chương trình hoạt động văn hóa với chủ đề “Tết Việt - Tết Phố 2025” nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa độc đáo, kết nối cộng đồng và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
  • Xôi cây làng Tây Mỗ
    Phường Tây Mỗ (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có ba thôn là Miêu Nha, Phú Thứ và Tây Mỗ. Nhắc đến Mỗ, người ta nhớ câu “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương”. Có danh hương từ bốn làng khoa bảng và hương nếp từ ngày hội thi xôi cây. Đình làng thờ Thủy Hải Long vương, Ả Lã nàng Đê - nữ tướng thời Hai Bà Trưng; đền làng thờ Phúc Vương Tranh - người con của vua Lê Thánh Tông.
  • Hà Nội - 36 khúc giao thời: Khám phá sự giao thoa quá khứ và hiện tại của 36 phố phường
    “Hà Nội - 36 khúc giao thời” - chuỗi hoạt động khám phá 36 phố phường Hà Nội và những nét văn hóa đặc sắc từ Hà Nội xưa sẽ diễn ra vào ngày 15/12/2024 tại Cafe Phố Hàng (251 Phố Hồng Hà, Phường Phúc Tân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đến với không gian mang đậm dấu ấn đặc trưng của từng góc phố cổ Hà Nội, công chúng, đặc biệt là giới trẻ sẽ có cơ hội khám phá và hiểu hơn những giá trị văn hóa của Thủ đô.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” - Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
    Tối 31/3, tại Landmark 81 (TP.HCM) đã diễn ra sự kiện ra mắt bộ phim 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối'. Bộ phim tái hiện cuộc sống và quá trình chiến đấu của những du kích ở Củ Chi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ khởi công và xây dựng 43 cụm công nghiệp
    UBND TP Hà Nội ban hành Thông báo số 171/TB-VP ngày 31/3 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp rà soát quy trình thành lập cụm công nghiệp.
  • Hà Nội điều chỉnh lộ trình và tần suất hàng loạt các tuyến xe buýt từ 1/4
    Căn cứ vào quyết định của Sở Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã điều chỉnh lộ trình luồng tuyến, tần suất hoạt động, các chỉ tiêu dịch vụ đối với 44 tuyến buýt của Tổng công ty từ ngày hôm nay (1/4).
Đừng bỏ lỡ
“Cờ ngày nào tung bay trên phố”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO