Góc nhìn

Câu mập mờ

Nhà thơ Phạm Đình Ân 07:59 06/09/2023

Vấn đề đem ra bàn bạc ở đây không phải là câu văn, câu thơ đa nghĩa, (hoặc mơ hồ), chứa nghĩa hàm ẩn, “ý tại ngôn ngoại”, mà là câu mập mờ.

Câu mập mờ về nghĩa thường thường do tác giả sơ ý, mải mê viết theo mạch suy nghĩ chủ quan mà quên đi trách nhiệm cần đưa đến người đọc câu văn trong sáng, giản dị, mạch lạc, không gây hiểu lầm. Đối với câu mập mờ, tác giả hiểu, độc giả có thể cũng hiểu (khi suy luận) nhưng do câu văn là sinh thể tồn tại độc lập, cho nên nó vẫn lộ ra những “khuyết tật”. Ý nghĩa của câu văn, lời nói cần luôn luôn ăn khớp với suy nghĩ của cả hai phía: phía tác giả người viết, người nói và phía người đọc, người nghe.

Câu mập mờ dễ xảy ra ở những trường hợp:

Diễn đạt rối rắm, cầu kỳ

Thí dụ: “Tôi ngạc nhiên thấy tác phẩm của mình được trao tặng phẩm, chứ không phải là ngược lại”. Đọc câu này, bất cứ ai cũng phải chú ý đến hai từ chốt là ngạc nhiênngược lại. Mệnh đề sau khẳng định mệnh đề trước bằng cách nói phủ định của phủ định. Theo đó, ý nghĩa còn lại của câu là: “Tôi ngạc nhiên thấy tác phẩm của mình được trao tặng phẩm”. Tuy nhiên, mệnh đề sau làm cho độc giả phải suy ra rằng, nếu ngược lại thì câu văn đã tạo ra hai nghĩa (giả định) ngược nhau: một là “Tôi không ngạc nhiên thấy tác phẩm của mình được trao tặng thưởng”, hai là: “Tôi không ngạc nhiên thấy tác phẩm của mình không được trao tặng thưởng”.

Không tách biệt mệnh đề

Thí dụ: - “Ông là người được đặt vào vị trí đứng đầu một ngành thuộc lĩnh vực “nóng” nhất, nhưng lại đang có nhiều yếu kém”. Độc giả có thể không hiểu lầm rằng sự yếu kém thuộc về người được nhắc đến, nhưng vẫn yêu cầu câu văn cần sáng rõ hơn. Bởi sau dấu phẩy có từ nhưng, thì muốn thêm mệnh đề, cần phải thêm từ ngành đó. Nên viết rõ là: “…thuộc lĩnh vực “nóng” nhất, nhưng ngành đó lại đang có nhiều yếu kém”.

- “Chỉ có duy nhất một nhân vật là đàn bà đã có chồng”. Người ta có thể hiểu theo cả hai hướng. Một là: chỉ có một người, người đó đã có chồng; hai là: ngoài một người đã có chồng, những người khác đều chưa chồng.

- “Tôi nói chuyện những kẻ ăn cắp tác phẩm của người khác để nhận giải thưởng (…) như trường hợp đối với họa sĩ X”. Cách diễn đạt này dễ gây hiểu rằng họa sĩ X là người bị phê phán, trong khi sự thật là ngược lại. Nên viết: (…) “như trường hợp gây ra tình trạng mất bản quyền đối với họa sĩ X”.

Diễn đạt không mạch lạc

Thí dụ: -“Anh ta bảo vợ phải lên thị xã thăm đứa bạn ốm”. Chồng đi hay là vợ đi? Nên viết: “Anh ta bảo rằng, vợ phải lên…”, hoặc: “Anh ta nói với vợ rằng, anh phải lên…”.

Một câu khác tương tự: “Tôi biết nó từ hồi còn học mẫu giáo”.Tôi học mẫu giáo hay là nó học mẫu giáo, hay là cả hai cùng học ? Có thể viết rõ hơn theo ba hướng. “Từ khi còn học mẫu giáo, tôi đã quen biết nó”. “Từ khi nó còn học mẫu giáo, tôi đã quen biết nó. Từ khi còn học mẫu giáo, chúng tôi đã quen nhau”.

- “Rút ngắn thời gian đưa luật vào cuộc sống”. Câu văn phản lại ý của tác giả. Câu này cũng mập mờ như câu: “Nên tăng tuổi nghỉ hưu của các nhà khoa học”. Nên viết: “Cần nhanh chóng đưa luật vào đời sống”. “Nên tăng tuổi làm việc cho các nhà khoa học” (hoặc tăng mốc năm được nghỉ hưu…”.

- “Tiếng trống trường mang tên Lê Quý Đôn”. Bản thân tiếng trống (âm thanh phát ra từ một vật thể bị người tác động vào) không thể mang tên một con người. Nên viết: “Tiếng trống vang lên ở một ngôi trường mang tên nhà văn hóa lớn Lê Quý Đôn”.

Chúng ta có thể nêu được nhiều thí dụ điển hình hơn hoặc phân loại chính xác hơn. Tác giả bài viết nhỏ này mong nhận được sự đồng cảm và sẻ chia của độc giả, nhằm giúp cho tiếng Việt càng ngày càng trong sáng hơn./.

Bài liên quan
  • Ấn tượng Vũ Minh Huệ
    Mấy năm gần đây, các hội viên mới được kết nạp vào Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Hà Nội có không ít gương mặt ấn tượng. Một trong số đó là nữ nhà thơ Vũ Minh Huệ, không chỉ xinh đẹp trẻ trung mà còn để lại dấu ấn bằng những sáng tác rất mới, có cá tính và giàu nữ tính.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Câu mập mờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO