Góc nhìn

Trách nhiệm của người viết

Lý Uyên thực hiện 21/06/2023 07:02

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, ngay từ buổi đầu đã có nhiều tên tuổi vừa là nhà văn vừa là nhà báo. Họ đã tạo nên sự gắn kết giữa văn học và báo chí. Cho đến nay, các thế hệ sau vẫn tiếp nối tinh thần và nhiệm vụ đó. Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên Người Hà Nội đã  trò chuyện với một số nhà văn cũng đồng thời là những nhà báo để hiểu thêm về những câu chuyện nghề phía sau trang viết. Đó là những cây bút quen thuộc trên văn đàn như: Văn Giá, Sương Nguyệt Minh, Đoàn Văn Mật, Bảo Ngọc.

PV: Ông/ bà có thể chia sẻ những thuận lợi cũng như khó khăn đã từng gặp phải khi vừa làm văn lại vừa làm báo?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Ở nước ta nhà văn đồng thời là nhà báo nhiều lắm. Có những người bạn đọc biết nhiều qua báo chí, chứ không phải biết nhiều qua văn chương.

nha-van-suong-nguyet-minh.jpg
Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Cái khó khăn đầu tiên của nhà văn viết báo là không được đào tạo cơ bản về báo chí. Báo chí hiện đại đa phương tiện thì nhà văn lại càng xa lạ. Cho nên hầu hết các nhà văn viết báo, làm báo không tinh nhạy, không đáp ứng được tốc độ làm báo thời kinh tế thị trường và thông tin số.

Nhưng, cái thuận của nhà văn làm báo, viết báo lại chính là… cái chất nhà văn đó. Báo chí thì muôn hình vạn trạng, có nhiều phân khúc bạn đọc. Nhà văn làm báo, viết báo bao giờ cũng đã trải nghiệm viết lách, trải nghiệm hiện thực đời sống, chứ không có cái lơ ngơ, lóng ngóng ban đầu của cô cậu làm báo vừa mới ra trường. Tính phát hiện của văn học cũng chính là tính phát hiện của nhà văn, dự báo các vấn đề xã hội là thế mạnh của nhà văn. Cho nên nhà văn làm báo, viết báo có những phát hiện sâu sắc, mới mẻ, tinh tường mang phẩm chất nghề, mang cả tính tư tưởng thời đại nữa. Báo chí lại rất cần loại bài thế này.

Nhà văn Văn Giá: Tôi thấy thuận lợi là chính, chứ khó khăn thì cũng có nhưng ít thôi. Báo chí là cách phản ánh, lên tiếng trực tiếp về đời sống. Nó là tiếng nói công dân, dấn thân trực tiếp vì quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân. Cho nên, các nhà báo có ý thức công dân mạnh mẽ, có sự nhạy cảm trong việc quan sát, phát hiện đời sống, mẫn cảm với đời sống. Thêm nữa, báo chí luôn luôn có một thứ ngôn ngữ ăm ắp hơi thở đương đại vô cùng giàu có và sống động. Tất cả những ưu thế này giúp cho cánh viết văn nhiều lắm. Nhờ làm báo mà ý thức xã hội của nhà văn mạnh mẽ hơn, tư tưởng/ tâm hồn nghệ sĩ không bị xơ cứng, ngôn ngữ tươi mới hơn…

nha-van-van-gia.jpg..jpg
Nhà văn Văn Giá

Còn khó khăn của anh văn chương đi làm báo chí chủ yếu là kỹ thuật làm báo hiện đại với công nghệ 4.0, tiếp cận và làm chủ được nó là không hẳn dễ. Nếu không nắm vững công nghệ báo chí hiện đại ở nhiều khâu: trình bày báo, đồ họa, chụp ảnh, làm clip, audio, infographic, sản xuất báo chí trực tiếp… thì khó đáp ứng đòi hỏi của báo chí hiện đại.

Nhà thơ Bảo Ngọc: Ở vị trí của một nhà báo, nhiều năm làm việc tại báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng hay ở vị trí của một nhà thơ sáng tác cho thiếu nhi, thì sự tương hỗ này đã dành cho tôi nhiều thuận lợi đặc biệt hơn là những khó khăn.

nha-tho-bao-ngoc.jpg
Nhà thơ Bảo Ngọc

Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng gần 70 năm qua luôn là “người bạn thân thiết” của lớp lớp thiếu nhi măng non đất nước. Bởi vậy, muốn các em đọc báo, yêu báo ngay cả trong giai đoạn mạng xã hội và các phương tiện giải trí được phổ cập rộng rãi, những người làm báo cho thiếu nhi phải là những người hiểu bạn đọc của mình. Nghĩa là chúng tôi phải học cách diễn đạt, kể lại những câu chuyện dù mang tầm nhân loại hay những câu chuyện dung dị dưới mái trường, dưới ngôi nhà yêu dấu… đều phải bằng ngôn ngữ “là bạn của thiếu nhi”. Ở khía cạnh này, câu chữ của một nhà thơ đã giúp tôi rất nhiều trong việc “làm mềm cách diễn đạt” để có những bài báo mang thông tin đến với các em một cách gần gũi nhất.

Còn đứng ở góc độ của người sáng tác, việc thường xuyên giao lưu với các nhà trường lại tạo điều kiện cho tôi hiểu những điều khiến các bạn nhỏ yêu thích, say mê, cùng khả năng cảm thụ mới mẻ… trong đời sống tinh thần của các em. Sự trong trẻo cũng như sự trưởng thành của các em, những mong muốn chính đáng của thầy cô về việc có những tác phẩm hay giúp bồi đắp tâm hồn cho các em học sinh đã giúp tôi giữ và nối dài được mạch sáng tác của mình.

Tuy nhiên, cũng phải thành thực một điều, do tính chất đặc thù của tờ “Báo Đội” nên so với “các báo lớn” yêu cầu nhà báo phải có tư duy sâu, góc nhìn rộng, khả năng phân tích sắc bén… thì người làm báo thiếu nhi vẫn còn một khoảng cách trong kỹ năng và chuyên môn nghiệp vụ báo chí.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật: Tôi nghĩ rằng, từ rất lâu, trong lịch sử văn học và báo chí, đã có khá nhiều cây bút thành danh ở cả hai lĩnh vực. Có thể kể tới những tên tuổi lớn như Vũ Trọng Phụng. Trong đời sống hiện đại, một người làm việc ở cả hai lĩnh vực lại càng phổ biến. Ngoài văn chương, ta có thể thấy cả nhiều nhân sự ngành nghề khác cũng đã làm báo như: công nghệ thông tin, giảng viên, bác sĩ, chuyên gia nghiên cứu… Thuận lợi cơ bản là các cây bút sẽ kết hợp được ưu điểm, thế mạnh, sự tinh nhạy ở lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Ví dụ, chiều sâu văn hóa, ngôn ngữ linh hoạt ở văn chương khi kết hợp với báo chí sẽ cho ra những tác phẩm có bề dày, chiều sâu, uyển chuyển, thuyết phục được bạn đọc. Còn khó khăn thì trước hết ở sự sắp xếp thời gian, phân tách vai trò và cả việc tôn trọng đặc thù thể loại. Nếu chúng ta không làm tốt việc ấy sẽ có sự lẫn lộn, không rành mạch, thiếu chuyên nghiệp và thiếu hiệu quả.

nha-tho-doan-van-mat.jpg
Nhà thơ Đoàn Văn Mật

PV: Theo ông/ bà, chất văn chương đã góp phần chi phối báo chí ra sao?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Không chỉ viết văn mà viết báo cũng cần đến cá tính, tác phẩm phải có giọng riêng của tác giả. Điều này thì nhà văn làm rất tốt, đem cá tính lao động nhà văn sang làm báo, viết báo. Quan sát nhiều năm và ghi nhận từ bạn nghề là các nhà văn nhà thơ làm báo viết báo thì tôi thấy họ không đi làm tin, không truyền tin, không can dự vào những bài có tính chất thông tấn. Họ thường phụ trách các chuyên mục: ghi chép, bút ký, phóng sự, bình luận, mạn đàm, đối thoại…, và cũng viết cho các chuyên mục này. Có nghĩa là các bài dài, sâu, kỹ, ưu tư…, thậm chí tràn trang, hoặc dài kỳ. Cái chất văn chương cũng tràn vào bài, và nếu họ phụ trách chuyên mục thì cũng gọi đồng nghiệp viết, cũng sử dụng các bài ít nhiều có chất văn. Cái chất văn chương ấy nó làm cho báo bớt nặng nề, khô khan, thông tấn. Thế mới biết văn chương có sức mạnh!

Nhà văn Văn Giá: Nhìn từ phía văn chương, nhờ tâm hồn văn chương mà khi làm báo ngôn ngữ báo chí sẽ tinh tế hơn, đẹp hơn; viết có giọng điệu, cá tính hơn. Đây là điều rất quan trọng. Trong bối cảnh báo chí hiện nay, sức nặng của bài báo nằm ở sự phân tích và lối viết hấp dẫn, có cá tính (chứ không phải chạy theo thông tin thuần túy)… thì một nhà báo có phẩm chất văn chương là rất tốt.

Nhà thơ Bảo Ngọc: Nhìn lại lịch sử báo chí Việt Nam, ta có thể điểm danh kha khá tên các nhà văn lớn đồng thời cũng là nhà báo như: Tản Đà, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng... hay gần đây là Nguyễn Việt Chiến, Trần Đăng Khoa, Đỗ Bích Thúy… Điểm lại để thấy, khi một người viết giữ cả “hai vai” - nhà văn và nhà báo thì “chất văn chương” chính là nguyên liệu quan trọng làm nên “linh hồn” của một bài báo. Đây là tính đặc thù của báo chí truyền thống cũng như đặc thù của những tờ báo mang tính văn nghệ. Những năm gần đây, xu hướng báo chí hiện đại đang nghiêng về tính thông tin và truyền thông. Đây là xu thế tất yếu để báo chí đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của bạn đọc. Song với cá nhân tôi, một bài báo dù đậm chất văn chương hay nghiêng hẳn về tính truyền thông thì vẫn cần đảm bảo được giá trị cung cấp những thông tin chính xác đồng thời nâng cao tầm văn hóa cho người đọc.

nghe-bao...jpg

Nhà thơ Đoàn Văn Mật: Văn chương mang đến cho người sáng tạo cái nhìn vừa có tính bao quát, vừa chi tiết, bổ trợ tích cực vào bề dày, bề sâu của bất cứ tác phẩm nào là sự kết hợp giữa thể loại khác với văn chương. Ta có thể nhận thấy điều này khi đọc tác phẩm báo chí của các cây bút là nhà văn, nhà thơ… họ đã tạo được giọng điệu, cá tính rất riêng mà ngay cả khi không để tên thì độc giả vẫn nhận ra. Đó là điều mà có những nhà báo chỉ làm tròn vai chứ không làm được. Làm báo, ngoài chuyển tải thông tin, tư duy nhạy bén thì cá tính, văn hóa cũng rất quan trọng, nó sẽ quyết định những phần đáng kể để tạo ấn tượng, thuyết phục người đọc.

PV: Ông/ bà nhận định thế nào về văn hóa báo chí hiện nay cũng như trách nhiệm của những người làm báo văn nghệ?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Câu hỏi này khó quá, vấn đề cũng lớn nói vài ba câu e rằng không đủ. Tôi thấy có một tình trạng đáng lo ngại là: Các báo, đặc biệt là báo điện tử, có nhiều tin bài cứ ná ná giống nhau quá. Chẳng hạn một vụ tai nạn, hay bạo lực học đường, một báo đưa tin rồi các báo sau đưa tin chẳng khác nhau là bao. Cho nên, chỉ cần đọc một báo là biết. Thoảng hoặc lại thấy công an bắt một vài nhà báo vì tống tiền doanh nghiệp, hoặc tống tiền quan chức… mà nghĩ ngợi và buồn…

Tôi chỉ muốn các nhà báo làm văn nghệ trang bị cho mình kiến thức văn nghệ sâu sắc, rộng, nhiều hơn nữa thì sẽ viết bài hay, có chính kiến. Và viết gì thì viết nhưng cũng phải có cái nhìn nhân văn, nhân bản.

Nhà văn Văn Giá: Báo chí bây giờ đang chuyên nghiệp và hiện đại dần. Ngoài việc phản ánh, lên tiếng, tham mưu chính sách quản trị xã hội…, báo chí phải gia tăng vai trò dẫn dắt về tất cả các khâu: ý thức chuyên nghiệp, tính trí thức, tính đạo đức, tính nhân văn, ngôn ngữ và văn hóa… Hiện nay, năng lực dẫn dắt xã hội của báo chí chưa mạnh, rất cần phải ý thức trau dồi và nâng cao vấn đề này.

Nhà thơ Bảo Ngọc: Nói nhận định thì dùng mấy câu trả lời sẽ khó bao quát hết được các vấn đề về văn hóa báo chí hiện nay. Tôi tin điều này các nhà phê bình sẽ làm tốt hơn. Tuy nhiên cá nhân tôi thấy, những tờ báo lớn, những tờ báo chính thống đang hoàn thành khá tốt trách nhiệm của mình. Nghĩa là mang đến thông tin mà độc giả cần và góp phần định hướng dư luận, xây dựng phông văn hóa báo chí cho bạn đọc. Còn một số tờ báo không chính thống, khai thác thông tin ở những góc nhìn tiêu cực hoặc trái chiều, họ cũng có lượng bạn đọc riêng. Thời gian sẽ là cán cân công bằng nhất để những tờ báo có giá trị được tồn tại với đúng vị trí và sứ mệnh của mình.

Còn nói về trách nhiệm của những nhà báo văn nghệ thì tôi xin bày tỏ ngắn gọn: Đã là người viết, dù là viết văn hay viết báo đều là người phải làm việc cực kỳ nghiêm túc trên cánh đồng chữ nghĩa. Người rèn chữ cũng là rèn tâm. Tâm sáng thì chữ sáng. Chỉ cần mỗi người viết ý thức được rằng, ngòi bút của mình cũng giống “con thuyền tải đạo” - theo cách nói của người xưa - thì ở vai trò nào họ cũng là người xứng đáng với thiên chức của người cầm bút.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật: Ngoài những thành tựu đạt được, văn hóa báo chí hiện nay đứng trước nhiều thách thức và báo động. Nhiều tòa soạn báo quá tải trong điều hành, quản lý dẫn tới việc buông lỏng, không quan tâm sát sao tới văn hóa báo chí. Nhiều người làm báo đã rất lâu không viết nổi những tác phẩm hay mà thực tế đang hoạt động ở những công việc khác như: quảng cáo, sự vụ… khiến cho hình ảnh về người làm báo trong mắt nhân dân, bạn đọc đã giảm đi những ấn tượng tích cực. Chúng ta có nhiều tờ báo, nhiều người làm báo… chưa chắc đã có văn hóa báo chí nếu tiếp tục chủ quan, buông lỏng hoặc tiếp tay cho các hành vi, mục đích sai trái. Một người làm báo cần hội tụ nhiều phẩm chất để có văn hóa báo chí trong đó năng lực, đạo đức, quá trình không ngừng cập nhật và nhận thức là yếu tố quan trọng.

Về báo chí văn nghệ, từng có giai đoạn phát triển vàng son trong lịch sử, khi phương tiện nghe nhìn chưa cạnh tranh cao, khi có những cây bút thực sự xuất sắc đã thu hút được bạn đọc… Nhưng những năm gần đây, chính báo chí văn nghệ cũng đã trải qua nhiều thăng trầm, có lúc đã nhạt nhòa và một tín hiệu khá vui mà bây giờ ta có thể nhận thấy đó là sự hồi phục của một số ấn phẩm, sự mở rộng của chuyên san, một số báo cũng mở các chuyên mục, các cuộc thi liên quan tới văn hóa văn nghệ. Vấn đề lớn nhất hiện nay là làm sao thu hút được giới trẻ - một lực lượng quan trọng của việc đọc và viết báo – tham gia vào lĩnh vực này. Đây là bài toán khó mà nếu chỉ có những bài báo văn nghệ hay thôi chưa đủ, phía sau đó là cả một chiến lược phát triển, đầu tư ưu tiên và có giải pháp cụ thể đối với từng mô hình, từng tòa soạn, chuyên mục…/.

PV: Xin trân trọng cảm ơn các nhà văn, nhà báo!

nghe-bao.jpg
Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khai mạc triển lãm "Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”
    Sáng 17/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Tấm lòng của hoạ sĩ Việt kiều với Bác Hồ”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Hội Thái Việt tại tỉnh Nakhon Phanom Thái Lan phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 – 19/5/2024.
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • “Âm vang Việt Nam” hào hùng qua từng khúc hát
    Hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tối 16/5 tại Không gian biểu diễn Nghệ thuật - Ẩm thực đường phố quận Tây Hồ tiếp tục diễn ra Chung khảo “Liên hoan Tiếng hát cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Hà Nội 2024” (cụm 2), với những phần trình diễn đặc sắc, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân Thủ đô.
  • Góp thêm tiếng nói xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch
    6 đội tham gia “Liên hoan tiểu phẩm tuyên truyền, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” của Thị xã Sơn Tây đã có những màn trình diễn ý nghĩa góp phần xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm,…
  • Chuỗi tiện ích phong cách hoàng gia nâng tầm chuẩn sống thượng lưu tại Đảo Vua
    Tọa lạc tại vị trí đắc địa nơi cửa ngõ Thành phố Đảo Hoàng Gia Vinhomes Royal Island, phân khu Đảo Vua mang đến cho gia chủ trải nghiệm sống phong cách hoàng gia sang quý nhờ những tiện ích đặc quyền như Ngự Hoa Viên và trường học ngay nội khu hay Vincom Mega Mall cách vài bước chân.
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm của người viết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO