Chính sách & Quản lý

Giữ gìn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa trên tạp chí văn nghệ

Thụy Phương 11/06/2023 20:11

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, sáng ngày 11/6/2023, Tạp chí Sông Hương tổ chức Hội thảo “Tạp chí văn nghệ bắc miền Trung, 5 vùng Kinh đô xưa và nay - Bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa quê hương”. Đây là dịp để nhìn nhận lại vai trò cũng như đóng góp của tạp chí văn nghệ trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa đồng thời gợi mở những giải pháp tuyên truyền, quảng bá di sản trên các ấn phẩm văn nghệ ở mỗi địa phương.

Kênh lưu giữ và khơi dậy văn hóa bản địa 

Phát biểu đề dẫn hội thảo, nhà thơ Lê Vĩnh Thái, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương nhấn mạnh: Văn hóa, di sản luôn là nền tảng của dân tộc. Cùng với những di sản quý giá, văn hóa làm sáng thêm những giá trị của tiền nhân và lịch sử để lại, và chính di sản sẽ là thước đo cho văn hóa của thế hệ sau khi chúng ta giữ gìn, phát huy và ứng xử với di sản như thế nào. 

Chủ đề mà hội thảo đặt ra chính là một trong những mục đích tôn chỉ, vấn đề cốt lõi mà các tờ tạp chí văn nghệ địa phương hướng tới. Ví như Tạp chí Sông Hương từ số báo đầu tiên cũng đã xác định tôn chỉ: “Từng bước giới thiệu truyền thống văn học nghệ thuật, những giá trị văn hóa của quê hương, thúc đẩy trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị đó trong tình hình mới”. 

hoi-thao.jpg
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các văn nghệ sĩ.

Nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Nguyệt - Phó Tổng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh minh chứng: “Có thể thấy sứ mệnh văn hóa, bản sắc địa phương ở ngay cái tên mà chúng ta đặt cho các tờ tạp chí: Sông Hương, Cửa Việt, Sông Lam, Nhật Lệ, Hồng Lĩnh, Xứ Thanh… “sông núi trên vai”! Sông núi là danh tính văn hóa của mỗi vùng đất, là hồn cốt đất đai, con người, là biểu tượng về phong thổ, linh khí núi sông trong đời sống văn hóa, tinh thần của con người xứ đó. Mỗi tờ văn hóa văn nghệ địa phương đang gánh vác sứ mệnh biểu đạt, truyền tải, lan tỏa những đặc trưng văn hóa của xứ mình”.

Đề cập tới vấn đề này, nhà văn Lưu Nga – Phó Tổng biên tập Tạp chí Xứ Thanh khẳng định: “Tạp chí văn học nghệ thuật là kênh thông tin phản ánh đa chiều về các sự kiện, các hoạt động liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc, để từ đó giúp cho các cơ quan chức năng và những người làm công tác quản lý, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử có thêm thông tin hữu ích”. 

Điểm qua mục lục các tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung, nhà phê bình Hoàng Thụy Anh, Tạp chí Nhật Lệ nhấn mạnh: “Có thể thấy tạp chí nào cũng có chuyên mục về văn hóa: Xứ Thanh với mục Văn hóa, Sông Lam với mục Đất Nghệ - Người Nghệ, Sông Hương với Huế - dòng chảy văn hóa, Cửa Việt với Người và đất quê hương, Hồng Lĩnh với Tìm trong di sản, Nhật Lệ với Nghiên cứu văn hóa. Bên cạnh đó, tranh, ảnh, nhạc, ký, ghi chép, thơ, truyện ngắn,… trên mỗi số tạp chí cũng thường hướng về đất và người địa phương. Chính sự duy trì liên tục các chuyên mục văn hóa, sự đa dạng về cách thức phản ánh văn hóa đã góp phần thể hiện tính chủ động, ý thức gìn giữ văn hóa dân tộc và xác tín diện mạo, căn cước riêng của tạp chí. Thông qua căn cước riêng của tạp chí, bạn đọc thấy được sức mạnh văn hóa của mỗi vùng miền”.

Với Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ, Văn nghệ Ninh Bình, những giá trị di sản văn hóa đã được chuyển tải qua nhiều loại hình nghệ thuật đặc biệt là ở những bài nghiên cứu chuyên sâu, giúp cho việc giữ gìn, phục hồi, phát huy các giá trị quý giá của vùng đất. Còn Người Hà Nội cũng đã xây dựng nhiều chuyên mục về văn hóa, di sản Hà Nội cả trên ấn phẩm tạp chí in và tạp chí điện tử. Những chuyên mục này đã khơi dậy và lan tỏa nét đẹp văn hóa của người Hà Nội trong dòng chảy lịch sử, với truyền thống văn hiến, văn minh thanh lịch. 

trao-co.jpg
Ông Nguyễn Thành Nhân - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc trao Cờ lưu niệm  cho các tạp chí tham dự hội thảo.

Tạp chí văn nghệ địa phương được ví von “là nơi lưu giữ và thức dậy ký ức văn hóa bản địa”. Việc bảo tồn, giới thiệu, phát huy các giá trị văn hóa, di sản của địa phương chính là tạo nên bản sắc vùng miền cho tờ tạp chí, làm nên nét riêng, nét độc đáo của nó và tạo dấu ấn riêng trong lòng bạn đọc. 

Phát huy vai trò cầu nối, chuyển tải và quảng bá di sản

Bên cạnh những vấn đề chung trong cách tiếp nhận và gìn giữ, bảo tồn di sản, văn hóa, các tham luận gửi tới hội thảo cũng đã nêu bật lên được nhiệm vụ, tâm huyết và phương cách để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa và di sản của vùng đất quê hương; đồng thời gợi mở những giải pháp nhằm gìn giữ, phát huy hơn nữa giá trị di sản và bản sắc văn hóa trên tạp chí văn nghệ.

Theo nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Nguyệt cần phát huy đặt bài, kích thích lượng bài vở ở hai mảng chính là nghiên cứu văn hóa, di sản chuyên sâu và bút ký văn hóa. Điều này dĩ nhiên cần sự hỗ trợ từ nhiều hướng, nhất là vấn đề lực lượng viết và sáng tác, vấn đề kinh phí, để có thể hướng đến những cuộc thi, trại sáng tác. 

Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh đặt vấn đề kích hoạt “đặc sản” văn hóa trong mỗi văn nghệ sĩ. Theo đó, tạp chí văn nghệ địa phương phải nỗ lực đảm nhiệm vai trò cầu nối, tích cực chuyển tải, giới thiệu, quảng bá hơn thở, sức sống và giá trị của địa phương” trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mau chóng và có nguy cơ tổn hại đến di sản văn hóa bản địa.

phat-bieu.jpg
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm phát biểu tại hội thảo.

Từ niềm đau đáu trước sự đứt gãy của văn hóa, sự thờ ơ với văn hóa của lớp trẻ, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương cho rằng các tạp chí văn nghệ phải rất cố gắng để thúc đẩy văn hóa trên ấn phẩm, làm sao để đánh thức di sản, để lớp trẻ đọc được di sản...

Phát biểu kết luận hội thảo, nhà thơ Lê Vĩnh Thái, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương nhấn mạnh: Những nội dung tham luận và các ý kiến tại hội thảo cho thấy văn nghệ phải hướng tới cái đẹp, phải góp phần gìn giữ di sản của cha ông để lại. Hi vọng rằng sau hội thảo, các tạp chí văn nghệ các tỉnh bắc miền Trung và tạp chí văn nghệ 5 vùng kinh đô xưa và nay sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ, đẩy mạnh quảng bá, tôn vinh tinh hoa, bản sắc dân tộc dân tộc, tạo điều kiện để những giá trị văn hóa, di sản đặc trưng trở thành đối tượng gần gũi hơn nữa của nghệ thuật.

phat-bieu-2.jpg
Nhà thơ Lê Vĩnh Thái - Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương phát biểu tại hội thảo.

“Hi vọng đây là dịp để các tạp chí văn nghệ cùng học hỏi nhau về vận dụng di sản văn hóa là đối tượng thẩm mỹ của nghệ thuật; về kinh nghiệm quảng bá di sản và văn hóa, từ đó góp phần phát huy tốt nhất giá trị văn hóa của mỗi địa phương . Thêm nữa, những vấn đề đặt ra trong hội thảo là cơ sở để các cơ quan ban ngành liên quan tham khảo về việc quản lý, quảng bá di sản, cũng như nhìn nhận thêm về những giá trị di sản chưa được tôn vinh...”, nhà thơ Lê Vĩnh Thái bày tỏ./.

Bài liên quan
  • Tạp chí Sông Hương tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập
    Với nhiệm vụ được giao từ ngày đầu thành lập đó là “Từng bước giới thiệu truyền thống văn học nghệ thuật, những giá trị văn hóa của quê hương, thúc đẩy trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị đó trong tình hình mới”, trong suốt 40 năm qua, Tạp chí Sông Hương đã từng bước khẳng định vị thế, góp thêm tiếng nói của vùng đất cố đô Huế vào dòng chảy văn học nghệ thuật nước nhà.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Giữ gìn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa trên tạp chí văn nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO