Cậu bé và ông bác sĩ

Xanh Nguyên| 05/03/2020 09:29

Cậu bé và ông bác sĩ
Minh họa của LÊ HUY QUANG

- Tao bảo mày đi mua rượu sao mày còn đứng đấy? Mày có muốn tao cho mày một trận không? Giọng anh Quỳnh hầm hầm quát nạt khiến cu Đồng mới lên 9 đứng nem nép ở xó cửa run lên bần bật. Nó ấp úng:

- Ba ơi… hết… hết tiền rồi! 

- Hả? Mày nói cái gì? Tiền… tiền hết thì đi kiếm. Miễn sao đem rượu về đây cho tao là được. Đi…! Đồng lững thững bước ra khỏi nhà, nước mắt chảy xuống hai má. Dáng nhỏ thó của nó khuất sau ô cửa sổ hoen gỉ. Trong nhà, anh Quỳnh vẫn lè nhè chửi.

- Anh Quỳnh! Anh Quỳnh ơi! Nhanh lên, thằng Đồng, thằng Đồng bị xe cán ngoài đầu làng…

- Hả? Thằng Đồng… thằng Đồng… Anh Quỳnh như tỉnh cơn rượu, vụt chạy về phía đám đông đang xì xào, kêu réo. Xe cứu thương nhanh chóng được người dân gọi tới. Có tiếng người xì xầm:

- Phải chở ngay lên bệnh viện tỉnh, nếu không thì…

- Đúng đấy, tốt nhất là lên tuyến trên. Chiếc xe cứ thế nháy đèn, hú còi, chạy đi vun vút. Đồng nằm bất động, máu me loang lổ thấm đẫm hết cả chiếc áo phông trắng đã cũ và cái quần đùi ngắn cũn. Anh Quỳnh ngồi bên con trai, sụt sùi:

- Đồng ơi, tỉnh lại đi con! Con mà có mệnh hệ nào thì ba… ba làm sao sống nổi. Ba… ba biết lỗi rồi. Ba sai rồi. Con hãy tỉnh lại đi. Đừng làm ba sợ con ơi. Đôi dòng nước mắt ứa ra, anh Quỳnh cứ thế nắm lấy tay con trai đang lạnh dần trong tay mình, cầu mong thần linh phù hộ.

- Bác sĩ… xin hãy cứu lấy con trai tôi. Hãy cứu lấy nó! Anh Quỳnh chạy theo chiếc xe đẩy chở Đồng chạy trên dãy hành lang bệnh viện vào phòng cấp cứu. Một cô y tá ngăn anh lại, cánh cửa phòng cấp cứu đóng chặt. Anh ngồi sụp xuống trên dãy ghế hành lang, vò đầu bứt tóc đau khổ, tự trách móc bản thân mình.

Anh Quỳnh nên chồng vợ với chị Nhung. Cả hai làm nghề chăn vịt thuê cho nhà ông Hộ trong làng từ nhỏ, lớn lên đồng cảm, yêu thương và đến với nhau. Chị Nhung mang bầu vẫn bì bõm lội đồng chăn vịt. Một ngày, giữa đồng không mông quạnh chỉ có tiếng vịt kêu quàng quạc inh tai, chị Nhung bỗng trở dạ đột ngột. Trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, một tay anh Quỳnh đã đỡ đẻ cho vợ. Dù đẻ thiếu tháng nhưng trộm vía, thằng bé cứ thế lớn lên khỏe mạnh. Để ghi nhớ kỷ niệm đặc biệt khi con chào đời, vợ chồng anh Quỳnh đặt tên con là Đồng.

Đồng càng lớn càng giống anh Quỳnh như đúc. Lên 5, lên 6 tuổi, nó đã lẽo đẽo theo ba mẹ ra đồng chăn vịt. Lớn lên chút nữa, anh Quỳnh dạy nó bắt cá, bắt cua; dạy nó biết cách lùa đàn vịt vào chuồng. Những chiều rảnh rỗi, hai cha con anh thường nằm trên bãi cỏ xanh, ngắm nhìn bầu trời, ngắm những đám mây lững lờ trôi, rồi cứ thế tưởng tượng, mơ ước và hy vọng… Đồng ríu rít như chim non còn anh Quỳnh thì đóng đủ vai: Thầy giáo, nhạc sĩ, nhà thơ,… Những khoảnh khắc yên bình, hạnh phúc ấy khiến anh nghĩ rằng, cuộc sống dẫu còn khó khăn nhưng được thế đã là vui rồi.

Đột nhiên, năm Đồng lên 8 tuổi, chị Nhung bỏ nhà đi vì nghe người ta nói ở trong Nam có việc nhẹ lương cao, không vất vả như nghề chăn vịt quanh năm dầm mưa dãi nắng ngoài đồng. Chị viết mấy dòng vào mảnh giấy con con để lại cho chồng rồi lặng lẽ đi biệt tăm biệt tích. Cũng thời gian đó, ông Hộ bỗng nhiên bị tai biến. Đàn vịt bị gia đình ông Hộ bán lại cho người khác để lấy tiền chữa trị bệnh cho ông. Vậy là anh Quỳnh thất nghiệp. Anh đâm ra chán nản, cáu bẳn. Cũng từ đó, anh không còn dành thời gian cho cu Đồng, không hỏi han, quan tâm, cũng chẳng thường xuyên cười nói hay vuốt tóc, cưng nựng thằng bé như trước nữa. Anh xưng tao, gọi nó là mày, là thằng ranh con thay vì cu Đồng, cu Tý của ba như ngày trước. Anh mượn rượu giải tỏa sầu muộn, ức chế trong lòng. Ngày đầu uống một ly, ngày thứ hai nửa chai, ngày thứ ba, thứ tư hết cả chai. Anh uống rượu trắng thay cơm đến mức rạc cả người. Chỉ tội cu Đồng, đã thiếu thốn tình cảm của mẹ, giờ ba lại sinh ra thế… Nhưng được cái thằng bé vẫn thương ba. Dù ba có nói, có chửi thế nào, nó cũng im lặng. Hàng xóm trách móc ba nó tệ, mấy đứa bạn của nó gọi ba nó là “Lão Quỳnh chăn vịt dở hơi, nghiện ngập”, nó nhất mực bảo vệ ba. Nó bảo ba nó không phải là người như thế, ba nó tốt lắm, ba nó thương nó lắm. Chỉ là...

Mỗi khi thấy buồn, Đồng thường ra con mương giáp cánh đồng ngồi bần thần một mình. Tay bứt ngọn cỏ non, đôi mắt nó đăm đắm nhìn lên khoảng mây trắng tựa khối bông gòn đang lửng lơ lưng trời rồi lại nhìn xuống cánh đồng trước mặt chỉ còn trơ lại gốc rạ liêu xiêu. Nó ngả mình trên cỏ. Cỏ mềm và êm. Êm như những kỉ niệm ngày xưa của nó. Nó nhớ về khoảng thời gian vui vẻ bên ba. Giá như mẹ đừng bỏ đi… Nó thầm nghĩ rồi thở dài và lại khóc. Những giọt nước mắt trong veo lăn dài xuống hai má nóng hổi. Nó nhắm mắt… thiu thiu ngủ. Trong giấc mơ, nó thấy ba, mẹ và nó ngồi quây quần trong chiếc lều dựng tạm ngoài đồng, cùng ăn bữa cơm đạm bạc, vui vẻ nói cười. Cho đến khi mặt trời ló rạng khỏi tảng mây đùng đục và chiếu thẳng vào mặt hừng hực, nó mới giật mình bật dậy. Nó vùng chạy một mạch về nhà vì chắc rằng giờ này ở nhà, ba nó đang gọi tên nó khản giọng.

- Ba ơi, ba đến chưa ạ? Buổi lễ sắp bắt đầu rồi.

- Ừ. Ba gần đến nơi rồi. Đang lái xe trên đường, bác sĩ Nhân dừng xe trả lời điện thoại của con gái. Hôm nay là một ngày đặc biệt. Ngày lễ tốt nghiệp trao bằng và vinh danh những thủ khoa có thành tích học tập xuất sắc tại trường Đại học Y Dược thành phố. Con gái ông là một trong số những thủ khoa xuất sắc ấy. Vậy là ông sắp sửa có đồng nghiệp mới. Người đó không ai khác chính là con gái của ông. Nghĩ đến đó, ông vừa xúc động lại vừa tự hào.

- Ba chưa bao giờ có mặt trong bất kỳ một sự kiện nào liên quan đến con, dù là sinh nhật, buổi họp phụ huynh, hay lễ tốt nghiệp các cấp. Khi thì ba bận đi công tác, khi thì ba trực mổ… Con gái đã rất nhiều lần nói với ông như thế. Bởi vậy, lần này, ông không muốn làm con buồn thêm nữa. Ông đã thu xếp mọi việc, đến tiệm hoa mua một bó hoa tươi (Ông nghĩ con gái mình sẽ rất thích). Còn khoảng 15 phút nữa. Ông nghĩ mình sẽ không đến trễ. Con gái là niềm tự hào của ông. Ông thương con thiệt thòi từ nhỏ. Vợ ông mất sớm sau thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư. Ông là một bác sĩ, lại là bác sĩ đầu ngành khoa phẫu thuật. Thời gian biểu của ông hầu như kín mít. Cũng bởi điều đó, con gái ông đã phải tự lập từ bé. 5 phút nữa là buổi lễ sẽ bắt đầu. Chiếc xe hơi đang chầm chậm rẽ vào khuôn viên của trường thì bỗng nhiên tiếng chuông điện thoại reo lên. Ở đầu dây bên kia, giọng bác sĩ Hạnh gấp gáp:

- Alo! Bác sĩ Nhân! Tôi biết… nhưng… 

- Cô cứ nói đi! 

- Thưa ông, khoa cấp cứu vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị tai nạn giao thông, mất rất nhiều máu. Chúng tôi đã kiểm tra. Bệnh nhân này thuộc nhóm máu AB có Rh- (nhóm máu hiếm). Trong khi đó ngân hàng máu của bệnh viện mình hiện  không đủ số máu trên. 

- Cô đã kiểm tra nhóm máu của người nhà bệnh nhân chưa?

- Chúng tôi đã kiểm tra, thưa ông. Tất cả đều không phù hợp. 

- Được rồi. Tôi sẽ về ngay… Bác sĩ Nhân quay đầu xe và lái một mạch về phía bệnh viện. Ông không quên gọi điện lại cho con gái.

Anh Quỳnh nhấp nhổm, đứng ngồi không yên vì lo lắng cho con trai. Một tiếng, hai tiếng rồi ba tiếng đồng hồ trôi qua, bỗng cánh cửa phòng cấp cứu mở.

- Con trai anh đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên cậu bé vẫn còn rất yếu, cần được chuyển tới phòng hồi sức để chăm sóc. Bác sĩ Hạnh mỉm cười thông báo với anh Quỳnh.

- Cảm ơn cô… Cảm ơn cô nhiều lắm!

- Người anh cần cảm ơn nhiều hơn chính là bác sĩ Nhân. Chính ông ấy đã hiến máu cho con trai anh. Cũng chính ông ấy đã tiến hành cuộc phẫu thuật thành công giúp cậu bé vượt qua lưỡi hái tử thần. Bác sĩ Hạnh còn kể cho anh Quỳnh nghe về việc bác sĩ Nhân quyết định bỏ cả việc tham dự buổi lễ tốt nghiệp quan trọng của con gái để kịp về bệnh viện cứu con trai mình. Chứng kiến tấm lòng nhân ái của bác sĩ Nhân, anh Quỳnh trăn trở chẳng biết lấy gì để báo đáp.

Đồng đã tỉnh lại. Anh Quỳnh ngồi bên nắm lấy tay con trai. Thằng bé hé môi cười khe khẽ. Nó nhấp môi, thì thào:

- Ba…! Anh Quỳnh mỉm cười nhìn con, hai mắt ngân ngấn nước.

- Cảm ơn con đã tỉnh lại. Ba hứa từ nay sẽ thay đổi, sẽ không khiến con buồn nữa! 

- Anh Quỳnh, đây là số tiền viện phí của con trai anh. Anh Quỳnh nhận lấy tờ giấy thông báo viện phí cô y tá đưa cho. Đôi mắt anh bỗng tối sầm vì số tiền quá lớn. Tay cầm tờ viện phí run run, anh ngồi sụp xuống hàng ghế ngoài hành lang thẫn thờ…

- Cháu thấy trong người thế nào rồi? Nghe giọng của người đàn ông khoác trên mình bộ đồ blouse trắng đang đứng trước mặt, Đồng thấy quen quen. Dáng người ấy, cặp kính ấy, nụ cười ấy, hình như Đồng đã gặp ở đâu rồi. 

- Ông là…? Đồng ấp úng. Bác sĩ Nhân mỉm cười:

- Chúng ta đã gặp nhau. Cháu còn nhớ không? Bác sĩ Nhân gợi lại chuyện cũ. Cách đây một năm, bác sĩ Nhân có chuyến công tác về vùng quê, nơi Đồng ở.  Giữa tiết trời mùa hè nắng như đổ lửa, Đồng gặp ông ngồi bên quán nước. Lúc rời đi, chẳng may ông làm rớt chiếc ví, bên trong là toàn bộ giấy tờ quan trọng và một số tiền khá lớn. Mặc dù không có tiền mua rượu cho ba, nhưng khi nhặt được ví tiền, Đồng đã chạy theo để trả cho ông. Để trả ơn, ông đã rút ra tờ tiền mệnh giá khá lớn đưa cho Đồng nhưng Đồng không lấy. Thằng bé chào ông rồi một mạch chạy đi khi ông chưa kịp cảm ơn.

- Thì ra, ông là bác sĩ. Chính ông là người đã cứu cháu ạ?

- Đúng vậy cậu bé à. Hai năm trước, ông chưa kịp cảm ơn cháu! Bác sĩ Nhân điềm đạm, nhìn Đồng trìu mến.

- Dạ không sao đâu ông ạ. Đó là việc cháu nên làm... Câu chuyện giữa bác sĩ Nhân và con trai khiến anh Quỳnh đang ngồi bên vô cùng ngạc nhiên. Bác sĩ Nhân còn quay sang anh Quỳnh, giọng vui vẻ:

- Để trả ơn cậu bé, toàn bộ số tiền viện phí của cậu bé suốt thời gian qua, tôi sẽ tài trợ.

- Bác sĩ… Anh Quỳnh vô cùng xúc động trước tấm lòng cao cả của bác sĩ Nhân. Ngắm nhìn nụ cười nhân hậu của bác sĩ rồi nắm lấy đôi bàn tay bé xíu của con trai áp lên trước ngực, một niềm hạnh phúc cứ thế tỏa lan trong trái tim anh.
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Cửu Long Giang khói lửa – Kí họa và thơ”: Kí ức nghệ thuật giữa lửa đạn chiến tranh
    Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bạn đọc cuốn sách “Cửu Long Giang khói lửa – Kí họa và thơ”. Đây là một art book gồm những kí họa, tranh màu nước, thơ và thư từ của các họa sĩ - chiến sĩ được sáng tác ngay giữa chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm do Sherry Buchanan và Nam Anandaroopa Nguyen biên soạn, dịch giả Phan Thanh Hảo chuyển ngữ sang tiếng Việt.
  • Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền Văn học, Nghệ thuật Việt Nam sau Ngày Thống nhất đất nước
    Sáng 25/4/2025, tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền Văn học, Nghệ thuật Việt Nam sau Ngày Thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
  • Trưng bày “Đất nước trọn niềm vui”: Khơi dậy hào khí của Đại thắng mùa Xuân 1975
    Thông tin từ Bảo tàng Hồ Chí Minh (19 Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) vừa cho biết, từ ngày 23/4 đến 10/8/2025, Bảo tàng mở trưng bày chuyên đề “Đất nước trọn niềm vui” nhằm Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
  • Ngành giáo dục Thủ đô đẩy mạnh tuyên truyền Kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước
    Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Vương Hương Giang vừa ký ban hành hướng dẫn tuyên truyền 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) trong các nhà trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố. Chủ đề tuyên truyền là “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc và ý chí thống nhất đất nước”.
  • 50 năm sân khấu Hà Nội: Thành tựu và thách thức
    Sáng 25/4/2025, tại hội trường Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội đã trang trọng tổ chức hội thảo "Thành tựu 50 năm sân khấu Thủ đô". Tại buổi hội thảo, các văn nghệ sĩ đã đóng góp nhiều tham luận giá trị về những thành tựu, hạn chế và đề ra các giải pháp thiết thực nhằm xây dựng và phát triển nền sân khấu Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đừng bỏ lỡ
Cậu bé và ông bác sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO