Mỹ thuật

Triển lãm “Bài ca thống nhất” tái hiện ký ức hào hùng của dân tộc

Thụy Phương 25/04/2025 22:08

Sáng 25/4/2025, tại khuôn viên công viên Thống Nhất (phía mặt đường Trần Nhân Tông, Hà Nội), triển lãm mỹ thuật “Bài ca thống nhất” chính thức khai mạc, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật và lịch sử. Sự kiện do Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân và Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và 70 năm ngày thành lập Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam (7/5/1955 – 7/5/2025).

Buổi lễ khai mạc có sự tham dự của đại diện gia đình các họa sĩ Huy Toàn, Phạm Ngọc Liệu, Lê Lam; đại diện Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh cùng gần 100 học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An và các thầy cô giáo.

cat-bang-khai-mac-trien-lam-bai-ca-thong-nhat.jpg
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ chia sẻ: “Triển lãm được tổ chức trong không gian ngoài trời giàu giá trị biểu tượng – công viên Thống Nhất, nơi vào năm 1961 đã được đặt tên như một lời khẳng định khát vọng thống nhất đất nước. Tại đây, mỗi tác phẩm không chỉ là kết tinh của tài năng và tâm huyết từ các họa sĩ mà còn là những lát cắt sống động, chân thực về hành trình dựng nước và giữ nước đầy gian khổ nhưng oanh liệt của dân tộc”.

Tấm pano in các tác phẩm hội họa sơn mài, sơn dầu và các ký họa chiến trường của các họa sĩ quân đội.

Tâm điểm của triển lãm là tấm pano khổ lớn, cao 4 mét, dài 45 mét, in phóng to các tác phẩm hội họa sơn mài, sơn dầu và ký họa chiến trường của các họa sĩ từng trực tiếp tham gia kháng chiến như: Huy Toàn, Lê Lam, Trần Hữu Chất, Phạm Ngọc Liệu, Phan Oánh. Bên cạnh đó là thế hệ họa sĩ tiếp nối như: Trịnh Bá Quát, Ngân Chài, Đinh Công Khải, Thế Hữu, Đào Hoa Vinh… Ngoài ra còn có sự góp mặt của các họa sĩ trẻ sinh ra trong thời bình nhưng vẫn mang trong mình tình yêu sâu sắc với lịch sử và tinh thần tri ân thế hệ cha anh như Phạm Hoàng Văn, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Thu Thủy, Đào Thế Am, Nguyễn Doãn Sơn…

Đại diện Ban tổ chức, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy chia sẻ, đằng sau mỗi tác phẩm là những câu chuyện cảm động, chân thực. Chẳng hạn, năm 1966, họa sĩ Lê Lam từ chối cơ hội tu nghiệp tại Liên Xô để tình nguyện vào chiến trường miền Nam. Tại đây, năm 1967, ông đã tìm đến Long An để ký họa chị Tư Cào – người phụ nữ tay không chặn xe địch, trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm.

ban-to-chuc-cung-cac-cuu-chien-binh-tham-trien-lam.jpg
Ban tổ chức cùng các Cựu chiến binh thăm triển lãm.

Nếu họa sĩ Lê Lam gắn bó với Bến Tre và thể hiện nhiều tác phẩm về con người nơi đây thì họa sĩ Phạm Ngọc Liệu lại để lại dấu ấn với loạt tranh phản ánh cuộc sống chiến đấu tại Vĩnh Linh, Quảng Trị. Họa sĩ Huy Toàn - người có mặt trong nhiều chiến dịch lịch sử từ Biên giới năm 1950 đến Đại thắng mùa Xuân 1975 từng chia sẻ: “Tôi vẽ chiến tranh vì yêu hòa bình”.

Một điểm nhấn đặc biệt khác của triển lãm là ba tác phẩm quý do hai nhà sưu tập tranh từ công ty Phú Gia Indochina đóng góp: bức sơn dầu “Điện Biên Phủ trên không” của họa sĩ Nguyễn Thuận, hai bức sơn mài “Giải phóng Buôn Ma Thuột”“Xe tăng húc cổng Dinh Độc Lập” của họa sĩ Trần Hữu Chất.

dung-lai-tranh-son-dau-cua-le-lam.jpg
"Dừng lại" - tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Lam.

Ấn tượng nhất là bức tranh khổng lồ “Chào Việt Nam quê hương tôi” của họa sĩ Ngô Bá Hoàng, dài 300 mét, cao 1,8 mét, vẽ bằng chất liệu acrylic, miêu tả một Việt Nam hòa bình, thống nhất từ cột cờ Lũng Cú đến mũi Cà Mau. Bức tranh thể hiện đầy đủ cảnh sắc thiên nhiên, bản sắc văn hóa và tinh thần kiên cường của con người Việt Nam với các địa danh đại diện cho ba miền đất nước: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

tac-pham-tiep-nhan-hang-tu-tau-khong-so-o-ca-mau.-tranh-son-dau-cua-pham-ngoc-lieu-1-.jpg
Tác phẩm "Tiếp nhận hàng từ tàu không số ở Cà Mau" - Tranh sơn dầu của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu.

Lễ khai mạc khép lại bằng màn trình diễn sắp đặt ấn tượng của 80 em học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An, khi các em cùng xếp hình trái tim và số “30-4” thể hiện niềm tự hào và lòng biết ơn thế hệ đi trước đã mang lại hòa bình, độc lập để các em được lớn lên trong một đất nước yên bình và phát triển.

Triển lãm “Bài ca thống nhất” không chỉ là sự kiện nghệ thuật đặc sắc mà còn là cầu nối ký ức lịch sử với hiện tại, thể hiện tinh thần tri ân, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, hướng tới tương lai tươi sáng của đất nước. Sau khi triển lãm kết thúc (vào ngày 5/5/2025), một số tác phẩm sẽ tiếp tục được giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025)./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước
    Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), sáng 23/4 tại Hà Nội Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối hợp với Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), Ban Dân vận Trung ương, Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng các cơ quan, đơn vị tổ chức Triển lãm Mỹ thuật kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước. Đây là hoạt động nghệ thuật có ý nghĩa chính trị - văn hóa sâu sắc, góp phần khẳng định tầm vóc vĩ đại của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
  • 18 nghệ sĩ hội ngộ trong triển lãm "Giãn nở đa chiều" tại Muong Art Today Museum
    Vào lúc 10h ngày 19/4/2025, Muong Art Today Museum (MAM) sẽ chính thức khai trương và mở màn với triển lãm mang tên “Giãn nở đa chiều” đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc phát triển không gian nghệ thuật đương đại tại tỉnh Hòa Bình.
  • Ký ức trên từng nét vẽ – Hành trình của một họa sĩ chiến sĩ
    Hơn 150 tác phẩm của họa sĩ Huỳnh Phương Đông vừa được giới thiệu với công chúng trong triển lãm “Hành trình Huỳnh Phương Đông”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng gia đình cố họa sĩ phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của họa sĩ Huỳnh Phương Đông (22/4/1925 – 22/4/2025) và hướng tới 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
  • Triển lãm gốm lấy cảm hứng từ các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
    Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950-2025), sáng 4/4 tại Hà Nội, không gian nghệ thuật mang tên ông (do gia đình vận hành) cùng Gallery 39 phối hợp tổ chức triển lãm mang tên “Gốm Thiệp”.
  • Khám phá hành trình nghệ thuật của họa sĩ Huỳnh Phương Đông
    Sáng ngày 11/4/2025, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra lễ khai mạc triển lãm chuyên đề “Hành trình Huỳnh Phương Đông”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam và gia đình họa sĩ tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và 100 năm ngày sinh chiến sĩ - họa sĩ Huỳnh Phương Đông (22/4/1925 – 22/4/2025), .
  • Tái hiện hình ảnh về Hà Nội qua triển lãm “Nghe vải kể chuyện”
    Triển lãm trưng bày 75 bức tranh cắt vải với nhiều kích thước và đề tài khác nhau của họa sĩ Trần Thanh Thục.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Triển lãm “Bài ca thống nhất” tái hiện ký ức hào hùng của dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO