Hà Nội triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” thúc đẩy chuyển đổi số toàn dân
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành kế hoạch số 05 - KH/BCĐ57 về việc triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Triển khai sâu rộng Phong trào “Bình dân học vụ số” trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.
Thông qua đó, nhằm phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người dân với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số; mọi người dân đều được trang bị kiến thức, kỹ năng số cần thiết để áp dụng trong cuộc sống hàng ngày nhằm nắm bắt, tận dụng, khai thác, thụ hưởng những thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo đó, kế hoạch nhấn mạnh 5 nội dung trọng tâm của phong trào, cụ thể, tuyên truyền, phổ biến, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chuyển đổi số và công tác phổ cập kỹ năng số cho người dân trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia;
Xây dựng cơ chế, chính sách, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản nhằm hỗ trợ và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, công tác phổ cập kỹ năng số cho người dân với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau” và “người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số”;
Triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; cập nhật, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công; phổ cập kỹ năng số cho học sinh, sinh viên, người lao động trong các doanh nghiệp, người dân trong học tập, nghiên cứu, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ thiết yếu khác;
Thi đua tự học về chuyển đổi số, rèn luyện phát triển kỹ năng số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; khai thác có hiệu quả các dịch vụ, nền tảng số, các công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo trong công việc và cuộc sống; xây dựng đơn vị số, cộng đồng số, gia đình và công dân số;
Gắn kết Phong trào với triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với các phong trào đang triển khai thực hiện, nhất là phong trào thi đua “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”. Đồng thời gắn kết Phong trào với việc tiếp tục triển khai Quyết định 06/QĐ-CP ngày 06/01/2022 về Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoan 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06); tiếp tục triển khai nền tảng iHanoi (Công dân Thủ đô số), nền tảng trực tuyến Đề án 06 của UBND thành phố Hà Nội nhằm thực hiện Đề án 06/Chính phủ...
Theo Kế hoạch đến năm 2026 Thành phố tiếp tục duy trì vị trí nằm trong tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về tỷ lệ người dân trong độ tuổi trưởng thành đạt phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền tảng VNeID.
Thành phố yêu cầu triển khai toàn diện, sâu rộng Phong trào “Bình dân học vụ số” đến tận thôn, tổ dân phố, khu dân cư tạo nên cuộc vận động toàn dân thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng số, tích cực tham gia vào tiến trình chuyển đổi số. Cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tiên phong, gương mẫu thực hiện góp phần lan tỏa tinh thần tự học, tự nâng cao tri thức, kỹ năng số, chuyển quá trình học tập, rèn luyện, nâng cao và ứng dụng tri thức số trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người dân Hà Nội.
Xây dựng cơ chế, chính sách, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản nhằm hỗ trợ và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, công tác phổ cập kỹ năng số cho người dân với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau” và “người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số”.
Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, bảo đảm hiệu quả thực chất. Kết quả của Phong trào phải được đo lường bằng sự thay đổi căn bản về năng lực số của người dân, thúc đẩy kinh tế số, xây dựng chính phủ số, xã hội số.../.