Văn hóa – Di sản

Bùi Văn Dị - nhà văn thân yêu nước chống xâm lược kiên cường, nhà văn hóa xuất sắc

Đinh Xuân Lâm 19/11/2023 11:48

Bùi Văn Dị chính là tên ông, nhưng vua Tự Đức đã đặt cho ông tên chữ là Ân Niên, vì vậy sử sách triều Nguyễn khi nói tới ông đều chỉ dùng tên mới.

mot-trong-nhung-van-ban-tai-lieu-luu-tru-ve-danh-nhan-bui-di.jpg
Một trong những văn bản tài liệu lưu trữ về Danh nhân Bùi Văn Dị.

Ông sinh ngày 28 tháng 3 năm Quý Tỵ (đối chiếu dương lịch là ngày 17 tháng 5 năm 1833) tại làng Châu Cầu, nay thuộc thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Họ Bùi vốn không phải là họ gốc làng này, mà từ xã Triều Động, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín (nay thuộc Thủ đô Hà Nội) dời vào. Trên quê hương mới họ Bùi qua các đời đều theo đòi việc học, thân sinh Bùi Văn Dị đã đỗ Tú tài.

Nối nghiệp nhà, Bùi Văn Dị đi học rất sớm và bộc lộ tư chất thông minh, có nhiều năng khiếu nên tiến bộ nhanh và đã đạt những thành tích xuất sắc, liền trong hai khoa thi Hương ông đều đỗ Tú tài, lúc mới 18 tuổi (1851) và 20 tuổi (1853), chỉ hai năm sau, đến khoa Ất Mão (1855) đã đỗ Cử nhân. Cứ tưởng rằng trên đà thuận lợi đó, ông sẽ còn sớm giành được những thành tích rực rỡ tiếp theo, nhưng số phận dun dủi, phải tới lúc 33 tuổi, tới khoa thi Hội năm Ất Sửu (1865) ông đã được chánh trúng cách, và như vậy là đương nhiên đỗ Tiến sĩ. Nhưng vào thi Đình lại bị đánh xuống Phó bảng, để rồi 20 năm sau, dưới triều Thành Thái (1889 - 1907), ông mới được xét lại lấy đỗ Tiến sĩ, một việc trước đó và cả về sau chưa từng có trong lịch sử thi cử của chế độ phong kiến. Về sự kiện này, ngày nay nhắc lại, một mặt cũng không rõ nguyên nhân vì sử sách triều đình không ghi cụ thể, nhưng điều quan trọng là qua đó thấy được thực lực học vấn uyên bác của Bùi Văn Dị, đã buộc triều đình phải “sửa sai”! Âu đó cũng là một điều hi hữu trong lịch sử thi cử thời phong kiến. Về khoa thi này, nhà nghiên cứu Tăng Khôi có viết trong bài Những nhà khoa bảng Hà Nội thời Nguyễn được khắc trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Huế: “Thực ra khoa thi này dưới triều Thành Thái không có thực, chỉ duy nhất ông Bùi Ân Niên (Bùi Văn Dị) được vua ban đặc ân đề danh bảng vàng và khắc riêng tên vào một tấm bia ở Văn Miếu, lấy khoa thi Ất Sửu (1865) dưới triều Tự Đức mà riêng ông đã đỗ Phó bảng để truy phong học vị Tiến sĩ cho ông”.

Sau khi thi đỗ Cử nhân (1855), ông bước vào hoạn lộ, một thời gian ngắn được bổ dụng ở các địa phương ngoài Bắc, sau đó ít lâu được tiến cử vào làm việc ở Nội các tại Kinh thành Huế. Bùi Văn Dị bước vào hoạn lộ đúng vào lúc đất nước đang trải qua những giờ phút khó khăn nhất. Lúc này ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ đã bị thực dân Pháp chiếm đóng, triều đình Huế đã phải ký Hiệp ước Nhâm Tuất (5-6-1862) xác nhận quyền chiếm đóng của kẻ thù. Để rồi 5 năm sau, chúng lại đưa quân lần lượt đánh chiếm ba tỉnh miền Tây, nuốt gọn toàn bộ Nam Kỳ (1867).

Chỉ không đầy ba năm sau khi Bùi Văn Dị vào Kinh đô Huế làm việc thì xảy ra việc quân Pháp từ Sài Gòn kéo ra Bắc Kỳ, đây là lần ra Bắc Kỳ thứ nhất. Tướng giặc Gác-ni-ê (Françis Garnier) sau một loạt hành động khiêu khích đối với quân dân Hà Nội, đã nổ súng đánh chiếm thành Hà Nội (20-11-1873) rồi thừa thắng phái quân đánh chiếm các thành Hưng Yên (23 tháng 11), Phủ Lý (26 tháng 11), Hải Dương (3 tháng 12), Ninh Bình (5 tháng 12), Nam Định (12 tháng 12). Nhưng vào sáng ngày 21 tháng 12 năm 1873, trong khi kéo quân đánh nống ra để nới rộng vòng vây đang ngày càng xiết chặt Hà Nội, quân Pháp đã rơi vào trận phục kích của quân dân ta tại Cầu Giấy, cửa ngõ phía Tây của Hà Nội, và chỉ huy giặc là Gác-ni-ê đã phải bỏ mạng.

Chiến thắng Cầu Giấy đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân Hà Nội và cả nước, dồn bè lũ thực dân Pháp ở Hà Nội và các tỉnh vào tình thế vô cùng hoảng loạn, nguy cơ bị tiêu diệt. Nhưng cơ hội quét sạch giặc đã bị bỏ qua, để dọn đường cho cuộc thương thuyết, vua Tự Đức đã ra lệnh triệt binh lên Sơn Tây, nới rộng vòng vây xung quanh Hà Nội. Mặc dù vậy khi ra tới Hà Nội, đứng trước tình hình tan rã của quân Pháp, phái viên Pháp là Philastre phải ra lệnh cho bọn Pháp ở các địa phương trả gấp các thành cho quan lại triều đình, rồi xuống tàu rút về Sài Gòn, chỉ để lại một trung đội hộ vệ viên lãnh sự Pháp tại Hà Nội.

Vua Tự Đức lúc đó chọn một số quan lại quê ngoài Bắc vốn quen thuộc với công việc và dân tình, phái họ ra ngay Bắc Kỳ để phối hợp với các quan lại địa phương giải quyết các vụ rắc rối. Chính vào lúc này Bùi Văn Dị được cử ra Ninh Bình cùng với các quan tỉnh tiếp quản, rồi giữ chức Án sát tỉnh này (1874).

Năm sau (1875), ông được rút về Huế, vào làm việc tại Nội các. Năm ấy, nhân khoa thi Hội và thi Đình năm Ất Hợi, ông được cử giữ chức duyệt quyển. Khoa thi này đã chọn được 11 tiến sĩ, trong số đó có hai người sau này đã trở thành những thủ lĩnh Cần vương nổi tiếng là Tống Duy Tân đứng đầu cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh ở Thanh Hóa và Vũ Hữu Lợi mưu việc nổi dậy chống Pháp tại Nam Định. Cả hai người về sau đều bị giặc Pháp xử chém. Vũ Hữu Lợi chính là con rể của Bùi Văn Dị.

Năm 1876, ông được cử làm Chánh sứ đoàn ngoại giao sang cống nhà Thanh. Đây là một ưu đãi của triều đình đối với ông vì chức quan của ông lúc đó còn thấp, nhưng nhờ có nhiều năm làm việc ở Nội các chuyên việc bút mực, nhiều lần đi theo nhà vua cùng nhau xướng họa nên vua Tự Đức đã thăng cho ông chức Thị lang Bộ Lễ để cầm đầu sứ bộ.

Cuối năm 1878, sứ bộ về tới kinh thành Huế, vừa đi vừa về hết 20 tháng. Ông được sung công việc Nội các như cũ, đến khoa Kỷ Mão (1879) lại được cử tham gia chấm thi Hội và thi Đình lần thứ hai, cũng với cương vị duyệt quyển. Vua Tự Đức biết và trọng tài Bùi Văn Dị, nhưng vì chức vị ông còn thấp, nên trước đó đã phải giao thêm cho ông chức quyền Tham tri Bộ Lại để hợp pháp hóa việc cử ông phụ trách việc chấm thi. Mãi đến năm 1881, ông mới lên chức đại thần chuyển sang quản lý Nha Thương bạc chuyên việc giao thiệp với Pháp và trông nom các thuyền buôn qua lại.

Bùi Văn Dị nhận chức mới được một năm tại Kinh thành Huế thì năm sau quân pháp lại từ Sài Gòn kéo ra Bắc Kỳ lần thứ hai. Lần này, cũng như chuyến kéo ra Bắc Kỳ 10 năm về trước, chỉ huy giặc Hãng-ri Ri-vi-e (Henri Rivière) sau hàng loạt hành động khiêu khích, lại nổ sung đánh chiếm thành Hà Nội (25-4-1882). Tổng đốc Hoàng Diệu đã tử tiết với thành.

Rút kinh nghiệm lần thất bại năm 1873, khi ra nhận chức Tổng đốc, Hoàng Diệu tuy vẫn đóng một bộ phận quan trọng quan quân trong thành, nhưng cũng bố trí một số quân đóng phía ngoài để cùng nhau hỗ trợ tác chiến khi thành bị tấn công. Không những vậy, Hoàng Diệu cùng các quan lại có trách nhiệm ở Bắc Kỳ hồi đó còn trình lên triều đình một kế hoạch phòng thủ trên cơ sở ba miền rừng núi, trung du và đồng bằng hiệp đồng tác chiến khi hữu sự. Kế hoạch đó không được triều đình chấp nhận, nhưng đã làm cho các quan lại ngoài Bắc có ý thức về sự cần thiết của công việc đó nên đã có phần chuẩn bị về các mặt. Chính đó là điều kiện tốt cho các đạo quân của Hoàng Tá Viêm ở Sơn Tây và của Trương Quang Đản ở Bắc Ninh hình thành hai gọng kìm lớn thường xuyên xiết chặt vòng vây xung quanh Hà Nội.

Nhưng bất chấp tất cả, với lực lượng mới được tăng viện từ Sài Gòn ra, từ Pháp sang, Ri-vi-e lập tức cho quân ra đánh chiếm Hồng Gai (31883), khống chế mặt biển Bắc Kỳ và áp đặt chủ quyền của tư bản Pháp trên vùng mỏ miền đông bắc. Chỉ mấy ngày sau, tàu chiến Pháp lại kéo tới chiếm đóng Quảng Yên. Rồi thừa thắng, Ri-vi-e trực tiếp kéo quân từ Hà Nội xuống đánh chiếm thành Nam Định (27-3-1883).

Tình hình giặc Pháp lấn lướt ngoài Bắc không khỏi làm cho Bùi Văn Dị băn khoăn lo ngại, bộc lộ sự quan tâm sâu sắc đối với vận mệnh Tổ quốc. Ngay khi còn ở Nội các, và tiếp đó là sau khi đi sứ về (1878), trong một số bài thơ của ông đã cho thấy rõ tâm trạng đó, tự trách mình tuy có “mộng ước với non sông” nhưng không đủ tài trí để đảm đương việc lớn giúp vua cứu nước:

Thơ dâng, lệ những tuôn ròng,

Diệt thù hiềm nỗi mình không đủ tài.

Tấm son dù thác khôn phai,

Bồng bềnh kiếp sống bạc phơi mái đầu.

(Họa nguyên vần thơ vua răn bảo các văn thần)

Khi lại trông đợi có người tài ra đảm đương việc nước, và nhắc nhở người cùng thời phải cảnh giác đối với mưu sâu của giặc:

Tin hồng từ năm trước,

Tiếng cuốc vọng canh khuya.

Cậy ai lo việc nước,

Trong cuộc chớ u mê.

(Tháng 7, Sứ bộ đi ký định ước về vâng lệnh vua làm thơ này)

Năm 1882, trước khi quân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai, ông đã dâng sớ lên triều đình xin đánh giặc. Nhưng cũng phải đến khi được cử ra giữ chức Khâm sai Phó Kinh lược sứ Bắc Kỳ, trực tiếp cầm quân ra Bắc đi kiểm tra, đôn đốc quan binh, phối hợp với quan lại các địa phương tổ chức việc phòng thủ đánh giặc Pháp, Bùi Văn Dị mới thực sự có điều kiện bộc lộ hết tình cảm yêu nước nồng nàn của mình. Nhiều bài thơ của tập Du Hiên thảo trong thời gian ông cầm quân ngoài Bắc cho chúng ta hình ảnh một nhà Nho yêu nước, một vị quan văn không quen công việc binh đao, nhưng đến khi nhà nước có việc và có lệnh vua thì vẫn hăng hái xông pha, dũng cảm dấn mình vào nơi sóng gió, đầu tên mũi đạn. Lần theo bước chân ông trong thời gian này trên địa bàn Bắc Kỳ thì thấy rõ điều đó, khi ở Sơn Tây, lúc ở Hà Nội, Ninh Bình, lúc lại Hải Dương, Hưng Yên. Để rồi đến cơ hội khi quân Pháp kéo xuống đánh chiếm Nam Định, số giặc còn lại ở Hà Nội không còn bao nhiêu, Bùi Ân Niên đã kịp thời phối hợp với Tổng đốc Bắc Ninh là Trương Quang Đản điều quân tới áp sát bờ sông Hồng quãng Gia Lâm - Đông Ngàn, rồi nổ súng vào trại Đồn Thủy của Pháp phía bên kia sông. Để giành thế chủ động, quân Pháp đã liều lĩnh vượt sông Hồng sang Gia Lâm, nhưng bị cánh quân Bùi Ân Niên, Trương Quang Đản phục kích sẵn đánh quyết liệt ngay khi chúng mới đặt chân lên bờ, buộc chúng phải rút lui về phố Dốc Gạch cố thủ qua đêm. Đến sáng hôm sau chúng lại liều chết phá thế bị bao vây uy hiếp, nhưng quân ta bám chắc trận địa bắn lại quyết liệt buộc chúng phải vừa đánh vừa lùi. Đúng vào lúc đó, Trần Xuân Soạn và Nguyễn Cao kéo quân đến tiếp sức. Núng thế, quân Pháp phải kéo nhau xuống tàu chạy về cố thủ ở Đồn Thủy, vừa chết vừa bị thương lên tới gần 30 tên. Trận đánh này diễn ra trong hai ngày 19 và 20 tháng hai âm lịch (tức là hai ngày 27 và 28 tháng 3 năm 1883).

Trận thắng không lớn, nhưng đây là trận đánh duy nhất Bùi Văn Dị trực tiếp chỉ huy trên chiến trường Bắc Kỳ. Điều đó làm cho ông thật sự phấn khởi và tin tưởng, thể hiện qua lời thơ sau:

Bờ bắc trào mặt sóng,

Gió đông sạch chiến trường.

Ngất trời, quân dũng khí,

Nghe tiếng, giặc kinh hoàng.

Tiếc chửa kịp chặn hậu,

Ai rằng giặc khó đương?

(Liền hai ngày 19 và 20 tháng 2 quan quân giao chiến với địch)

Sau trận thắng, Bùi Văn Dị được thưởng Quân công kỷ lục hai lần và một đồng tiền vàng, lại được cử làm Tham tán quân thứ Bắc Ninh, cùng Tổng đốc Bắc Ninh là Trương Quang Đản chỉ huy lực lượng quân sự trong tỉnh, chuẩn bị đánh giặc khi chúng quay trở lại.

Đế cứu nguy cho đội quân chiếm đóng ở Hà Nội, Ri-vi-e phải vội đưa quân từ Nam Định về. Và trong một trận đánh nống ra phía Sơn Tây, hắn lại cũng bị quân ta tiêu diệt tại Cầu Giấy (19-5-1883), cùng chung số phận với Gác-ni-ê mười năm về trước (21-12-1873).

Đến tháng 10 năm đó, lại có chiếu chỉ cử ông làm Tổng đốc Ninh - Thái (Bắc Ninh - Thái Nguyên), nhưng ông không nhận, một phần lấy cớ đang ốm nặng, mà cũng vì ông phản ứng lại lệnh bãi binh của triều đình. Trước đó ít lâu, vua Tự Đức đã chết (17-7-1883), rồi lại đến việc quân Pháp tấn công Thuận An cửa ngõ lên Kinh thành Huế buộc triều đình ký Hiệp ước Quý Mùi, còn gọi là Hiệp ước Hác-măng (Harmand) ngày 25-8-1883, để ngay sau đó lại quay ra thừa thắng đánh chiếm nhiều nơi (Sơn Tây 12-1883; Bắc Ninh và Thái Nguyên 3-1884; Hưng Hóa 4-1884; Tuyên Quang 5-1884).

Hiệp ước Quý Mùi thực chất là một hàng ước với những điều khoản vô cùng nghiệt ngã cho phía Nam triều như Nam Kỳ vốn đã là xứ thuộc địa thì nay thêm xứ Bắc Kỳ trở thành xứ bán bảo hộ, xứ Trung Kỳ là xứ bảo hộ của Pháp; phải gọi về toàn bộ số quân đã gửi ra chiến trường Bắc Kỳ và đình chỉ mọi hoạt động quân sự.

Bùi Văn Dị lại được triệu về Kinh làm Tả Tham tri Bộ Lại, đến khi mở tòa Kinh Diên ông lại được cử hàng ngày giảng sách cho vua Kiến Phúc. Chính thời gian này quân Pháp lại làm áp lực mới buộc triều đình Huế ký thêm Hiệp ước Giáp Thân (còn gọi là Hiệp ước Pa-tơ-nốt) ngày 6-6-1884, xác nhận quyền đô hộ lâu dài của chúng ở Việt Nam. Rồi đến khi vua Hàm Nghi lên ngôi (6-6-1884), ông lại được cử làm Tả Tham tri Bộ Lại, kiêm Sung biện sứ vu Viện Cơ mật. Chính thời gian này, phái chủ chiến trong triều do Tôn Thất Thuyết đứng đầu đang ráo riết chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến đấu sống mái với giặc Pháp khi thời cơ tới. Các quan chức văn võ đã từng cùng nhau tiễu phỉ, đánh giặc Pháp ở ngoài Bắc như Trương Quang Đản, Trần Xuân Soạn, v.v... đều được phái chủ chiến trong triều chú ý đưa về Kinh, Bùi Văn Dị cũng nằm trong số đó, hơn nữa ông lại làm việc trong Viện Cơ mật nên càng có điều kiện tham gia bàn bạc nhiều việc quan trọng. Nhưng ông đã không có điều kiện tham gia cuộc chiến đêm mồng 4 rạng sáng ngày mồng 5 tháng 7 năm 1885, thời gian này ông có bệnh nên trước đó đã được về huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa để chạy chữa.

Đến cuối năm 1887, Bùi Văn Dị lại được lệnh gọi về triều. Lúc này ngồi trên ngôi vua là Đồng Khánh mới được Pháp dựng lên sau vụ phản công Kinh thành Huế của phái kháng chiến thất bại. Ông được cử giữ chức Tham tri Bộ Binh, vẫn làm việc ở Viện Cơ mật và dạy vua học ở tòa Kinh Diên. Thống sứ Bắc Kỳ đã can thiệp ngay vào quyết định đó của triều đình, nói rõ không nên dùng lại ông và “yêu cầu cho về nghỉ hưu” (Đại Nam thực lục, Tập 36)... Sự can thiệp thô bạo của phía Pháp ngoài lý do trước kia ông đã từng chống Pháp, chắc một phần quan trọng cũng vì con rể ông là ông Nghè Giao Cù (Vũ Hữu Lợi) mưu đồ chống Pháp ở Nam Định, và đã bị kết án xử tử. Chưa rõ vì một lẽ gì mà một ông vua thân Pháp như Đồng Khánh, do chính Pháp dựng lên mà vẫn giữ lại Bùi Văn Dị ở triều, tuy rằng phải điều ông sang làm việc ở Nội các. Đến đầu năm sau ông được thăng quyền Thượng thư Bộ Lễ, kiêm Phó Tổng tài Quốc sử quán, biên soạn bộ sử lớn của triều Nguyễn là Đại Nam thực lục đệ tứ kỷ, viết về triều vua Tự Đức.

Đến khi Thành Thái lên ngôi (2-1889), ông càng được trọng dụng. Ông không chỉ làm Kinh Diên giảng quan mà còn là Phụ đạo đại thần dạy vua học, và chỉ mấy năm sau lại lên chức Thượng thư Bộ Lại, Phụ chính đại thần. Mặc dù hoạn lộ lúc này có thể nói là hanh thông, nhưng qua thơ văn ông vẫn kín đáo bộc lộ nỗi buồn của một ông quan mất nước, vẫn nhớ tới ngôi nhà nhỏ ở Hải Nông ở miền núi đồi huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa:

Cười với non xanh đi lại về,

Mây canh hộ cửa ghép bằng tre...

Nhà bên có rượu thường mang biếu,

Đình mới sang năm gạt lệ nhoà.

Với nỗi niềm tâm sự như vậy, đến năm 1890 ông từ chức Thượng thư Bộ Lại và Phụ chính đại thần, chỉ giữ chức Phụ đạo đại thần kiêm Phó Tổng tài Quốc sử quán. Những năm làm quan cuối đời, Bùi Văn Dị dốc tâm huyết vào việc dạy học cho vua Thành Thái sau này cũng có chí hướng cứu nước, và vào việc biên soạn quốc sử, đồng thời cũng biên tập hoàn chỉnh bộ thơ vịnh sử của vua Tự Đức. Khối lượng công việc biên soạn và trước tác của ông hoàn thành trong những năm cuối đời, tất nhiên là làm theo lệnh vua, nhưng chắc rằng cũng không ngoài mục đích phát huy nền văn hóa dân tộc, vì ông vẫn có lòng tin rằng nền văn hóa đó vẫn còn chưa mất hẳn (Tư văn do vị táng). Ông đã mất ngay tại Quốc sử quán tại Huế, theo tài liệu do dòng họ cung cấp thì mất ngay bên bàn làm việc, ngày mồng 4 tháng 8 năm Ât Mùi (22-9-1895), vào lúc 63 tuổi.

Một trăm mười lăm năm đã trôi qua (1895 - 2010), kể từ ngày Bùi Văn Dị (Bùi Ân Niên) trút hơi thở cuối cùng tại Kinh thành Huế. Ngày nay, với khoảng lùi thời gian cần thiết, lại có thêm những tư liệu mới bổ sung, chúng ta có điều kiện để đi tới một đánh giá đúng đắn về ông.

Trong hoàn cảnh Việt Nam đầy biến động vào nửa sau thế kỷ XIX, Bùi Văn Dị - cũng như một số bạn bè đồng liêu của ông - đã có mặt trên vũ đài chính trị với tư cách là một văn thân sĩ phu có lòng yêu nước, thương dân, khi ra làm quan thì có hoài bão lớn mang hết năng lực ra phò vua giúp nước, đến khi đất nước lâm nguy, bị ngoại bang uy hiếp thì theo lệnh vua bôn ba trên con đường cứu nước, lúc cầm đầu sứ bộ ngoại giao sang nhà Thanh, có thời gian lại cầm quân ra Bắc đánh giặc Pháp. Điều đáng tiếc đối với ông là đã bỏ qua cơ hội hòa nhập với phong trào nhân dân yêu nước được bột phát trong phong trào Cần vương, việc chống Pháp của ông vẫn có tính đơn độc, lẻ loi.

Trải qua nhiều chức lớn, được nhiều đời vua trọng vọng, nhưng cuối cùng trước cảnh nước mất nhà tan, trong hoàn cảnh làm quan cho một triều đình bù nhìn ngày càng đi sâu vào con đường khuất phục đầu hàng Pháp, ông đã dồn tâm lực vào công tác giáo dục - văn hóa và đã có những đóng góp lớn về mặt này. Nói đến đóng góp của ông về mặt văn hóa, ngoài bộ Đại Nam thực lục (Đệ tứ kỷ) không thể không nhắc tới những tác phẩm thơ văn ông đã sáng tác, như các tập Tốn Am thi sao, Du Hiên thi thảo, Vạn lý hành ngâm, Trí Chu thù xướng tập... Đó là những tác phẩm thấm đượm tinh thần yêu nước chống xâm lược, thể hiện một ý thức trách nhiệm cao cả đối với dân, với nước; đó là những giá trị chân chính của truyền thống văn hóa dân tộc mà hơn bao giờ hết cần được làm sáng tỏ và đề cao trong bối cảnh hiện nay để phục vụ sự nghiệp cách mạng ngày càng phát triển và tiến tới.

Để có một đánh giá sát hợp nhất về giá trị của văn thơ danh sĩ Bùi Văn Dị, thiết tưởng có thể lấy lời nhận định của một người bạn thơ văn gần gũi với ông, đồng thời cũng là một đỉnh cao của văn học nghệ thuật nước ta thời Nguyễn, đó là Tuy Lý Vương Miên Trinh, người đã được suy tôn là:

Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán,

Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường.

Trong Lời đề từ viết vào mùa đông năm Quý Tỵ (1893) cho thơ của Bùi Văn Dị, chính Tuy Lý Vương Miên Trinh đã viết như sau: “Tiên sinh lấy năng khiếu để mà nghĩ, lấy sách vở, phong hóa để học, cho nên số thơ làm 300 bài để khắc ý đều lấy sở đắc từ thời Hán - Ngụy xuống đến Vãn Đường, ý thơ trầm lắng mà sâu sắc, tiết tháo uất kết mà uyển chuyển, ngôn từ chặt chẽ mà trong sáng, khoáng đạt. So với cổ nhân cũng không thua kém mấy”.

Lời đề từ đó cũng có thể dùng để khép lại bài viết nhỏ này về một nhà văn hóa lớn./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Trần Khánh Dư – danh tướng thủy binh
    Trần Khánh Dư người huyện Chí Linh (Hải Dương), chưa rõ năm sinh, mất năm 1339, dòng dõi tôn thất nên được phong tước Nhân Huệ vương. Khi quân Nguyên mới sang xâm lược nước ta, ông thường nhằm chỗ sơ hở đánh úp, Trần Thánh Tông khen là có chí lược, lập làm thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua). Khi đánh dẹp ở miền núi thắng lớn, được phong chức Phiêu kỵ đại tướng quân. Rồi từ tước hầu, do được vua yêu, thăng mãi lên Thượng vị hầu áo tía, giữ chức phán thủ. Sau vì tư thông với công chúa Thiên Thụy, con dâu của Trần Quốc Tuấn nên bị cách hết quan tước, tịch thu sản nghiệp, phải lui về ở Chí Linh làm nghề bán than.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • CLB Giám đốc các bệnh viện miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành
    CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành… để hướng tới người bệnh và lấy người bệnh làm trung tâm phấn đấu cho mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
  • Huy động sức dân xây dựng Thủ đô Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp
    Với quyết tâm mạnh mẽ, cam kết tạo ra bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm, thúc đẩy phong trào chung tay hành động để xây dựng Thủ đô, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 359/KH-UBND về việc thực hiện phong trào thi đua Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp của Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Bùi Văn Dị - nhà văn thân yêu nước chống xâm lược kiên cường, nhà văn hóa xuất sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO