Bức ảnh chụp trong ngày hội lớn của dân tộc

Trần Đương| 30/08/2018 07:38

Tôi vẫn nhớ một ngày xuân đẹp trời, cụ Võ An Ninh dẫn tôi về nhà riêng của cụ ở phố Ngô Gia Tự - Thành phố Hồ Chí Minh. Lão nghệ sĩ tiếp tôi trong bốn giờ đồng hồ liền, thông cả buổi trưa trong một không khí thân tình, cởi mở. Ông già ngoài 90 tuổi không hề tỏ ra mệt mỏi, mà trái lại, càng trò chuyện, cụ càng sôi nổi. Bao nhiêu kỷ niệm trong đời, trong nghề cứ cuồn cuộn. Cụ lật từng trang trong cuốn sách ảnh, ân cần giới thiệu cho tôi nghe ý tưởng và nội dung, kỷ niệm đẹp đẽ của từng tác phẩm. Gương mặt hồn

Bức ảnh chụp trong ngày hội lớn của dân tộc
NSNA Võ An Ninh giới thiệu bức ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp do ông chụp ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình.
Nhớ lại ngày ấy, vào tháng 10 năm 1996, trong dịp cụ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I) và Huân chương Độc lập, tôi gọi điện vào thành phố, báo tin tạp chí Nhiếp ảnh, số 5, dùng chân dung cụ làm ảnh bìa, cụ reo lên trong điện thoại: "Rất đa tạ! Mọi sự là nhờ trời, nhờ nhân dân, nhờ các bạn!". Rồi, vẫn với giọng hồn nhiên, cụ nói: "Cái ngày được chụp ảnh Bác Hồ ở Hà Nội và Hải Phòng sao mà vui thế... Cứ như mới hôm qua vậy thôi...". Và hôm ấy trong câu chuyện đang sôi nổi, cụ bỗng dừng lại, nói những câu làm tôi thực sự xúc động:

"Tôi cất tiếng chào đời trong buổi đầu thế kỷ. Nhưng, bình minh của đời tôi thực sự bất đầu khi được gặp Bác Hồ và được chụp ảnh Người. Tôi đã chụp Bác trong niềm hân hoan, tự hào của một người dân từ đáy được làm chủ đời mình. Mỗi tấm ảnh chúng tôi chụp Bác Hồ là một khoảnh khắc trong cuộc đời vĩ đại của Người...".

Cụ tỏ ra thật tự hào được là một trong những người đầu tiên chụp ảnh Bác Hồ trên đất nước Việt Nam. Hơi nheo mắt một chút, tay vuốt mái tóc bạc phơ, cụ kể: "Ngày 2/9/1945, cả Hà Nội náo nức đón Lễ Độc lập. Ai cũng đứng vào hàng ngũ để được cuồn cuộn chảy về hướng Ba Đình, với cờ và khẩu hiệu trong tay. Tôi sẽ làm gì đây trong ngày hội lớn của dân tộc? Lúc này có người Hà Nội nào có thể ngồi yên được. Tôi cũng vậy, nhất là mình lại có máy ảnh trong tay. Rõ ràng cái giờ phút trọng đại của dân tộc Việt Nam đang đến. 80 năm dưới ách nô lệ của Pháp dài dằng dặc như đêm đen vô tận... Còn gì hơn là chụp, chụp và sẽ phải chụp thật nhiều ảnh! Cái đích của tôi là phải chụp được ảnh Cụ Hồ khi đang đọc Tuyên ngôn độc lập; nếu không, thì hỏng hết.

Đúng 2 giờ chiều, từ chân lễ đài, tôi nhìn thấy các vị đại biểu dự lễ xuống xe và bước lên kỳ đài. Tôi thấy rất đông người và có nhiều người tôi không được biết tên. Tôi luýnh quýnh theo chân liền và hoàn toàn không bị ai ngăn cản. Trên kỳ đài, diện tích có vài mét vuông thôi mà hàng chục người đứng. Mọi người hình như chen vai thích cánh, hỏi như vậy làm sao tôi chụp được ảnh Cụ Hồ lúc đang đọc Tuyên ngôn độc lập? Các vị dự lễ cũng rất tế nhị, khi tôi giơ máy lên người đứng trước cũng khẽ nghiêng mình cho tôi chụp, nhưng cái lưng khác lại che lấp ngay lập tức. Biết là không làm gì được, tôi vội tụt xuống cầu thang, đứng ôm máy dưới chân kỳ đài, nghĩ kế khác. Buổi lễ diễn ra trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ. Khi bài Tiến quân ca kết thúc buổi lễ vừa dứt, tôi đã thấy một chiếc ô tô tiến sát vào chân kỳ đài. Xe đến đón Cụ Hồ. Đi bên Cụ có ông Võ Nguyên Giáp. Đúng lúc Cụ Hồ và ông Giáp đã ngồi vào xe và xe chưa lăn bánh, tôi nhào tới đưa máy vào khoang cửa và nói:

- Thưa Cụ, vừa rồi trên kỳ đài đông quá, con không chụp được ảnh Cụ. Xin phép Cụ cho con được lấy một hình của Cụ.

Cụ Hồ khẽ gật đầu. Nhưng lúc ấy Cụ Hồ đang đội mũ. Trời đã về chiều. Cái mũ cát vành rộng che mất nhiều ánh sáng. Tôi đánh liều:

- Thưa Cụ, con muốn Cụ hạ cái mũ xuống ạ!

Ông Giáp ngồi bên, tủm tỉm cười như hiểu ý nguyện của tôi. Ông đưa tay lên hạ cái mũ của Cụ Hồ đang đội và nhìn tôi, nói:

- Này, thì bỏ mũ xuống...

Thế là tôi có được bức ảnh có một không hai trong cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh: Cụ Hồ ngồi bên ông Giáp, cả hai gương mặt đều cương nghị, nhưng hiền hòa, có chút khắc khổ vì những lo toan cho vận nước ở giờ phút ngàn cân treo sợi tóc. Hơn nữa, đây là tấm ảnh chụp vào ngày lịch sử muôn đời ghi nhớ của dân tộc ta ngay sau khi Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập với quốc dân đồng bào cả nước và thế giới...".

Như vậy, nếu không kể bức ảnh Bác Hồ đang đọc Tuyên ngôn độc lập mà đến nay vẫn chưa thể xác định chính thức tác giả là ai, bức ảnh cụ Võ An Ninh vừa kể có thể được xem là một trong những bức ảnh đầu tiên chụp vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cụ cho biết, bức ảnh này đã được treo ở vị trí trang trọng nhất của phòng triển lãm ảnh về ngày Lễ Độc lập được tổ chức tại phố Tràng Tiền (Hà Nội) ngay sau ngày 2/9/1945 lịch sử. Chỉ tiếc rằng, do thời cuộc, cụ đã để thất lạc cả phim và tấm ảnh gốc này.

- Nhưng, may mắn làm sao - cụ nói tiếp trong niềm vui kỳ lạ - tôi đã gặp lại tấm ảnh đáng quý của đời mình được in trong một cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi đã "sao" lại tấm ảnh, tác phẩm của chính mình.

Cụ Võ đập khẽ vào tay tôi, chỉ lên tường: "Bức ảnh ấy đấy!".

Tôi nhìn lên tấm ảnh to, đặt cạnh những khung to treo bằng Huân chương Độc lập và Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I). Trên ảnh, Bác Hồ có cặp mắt sáng như sao và thật quắc thước, kiên nghị. Bộ râu Bác còn đen. Ông Võ Nguvên Giáp ngồi bên, đội mũ phớt, thắt cavát. Tôi thật sung sướng được cụ Võ An Ninh tặng cho tấm ảnh này. Cụ nói tiếp:

- Tôi đã chụp nhiều người, kể cả vua chúa. Như đã kể với "bạn" (cụ Võ gọi tôi như vậy - T.Đ), tôi là người may mắn được chụp ba ông vua cuối cùng là vua Khải Định, vua Thành Thái và vua Bảo Đại. Tôi chụp vua Thành Thái, một ông vua yêu nước chống Pháp vào năm 1951, khi Pháp đưa ông vua ấy từ nơi đảo xa trở về. Khi ấy, vua Thành Thái đã khoảng 80 tuổi, một mắt đã mờ vì bị kéo màng, cả những người khác nữa, tôi chụp nhiều, nhiều lắm, nhưng không một ai có cặp mắt tinh anh và đặc biệt như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng như "bạn", khách đến thăm nhà không ai không ngước mắt nhìn lên tấm ảnh này mà gia đình tôi đã trân trọng treo ở giữa buồng khách...

Người nghệ sĩ lão thành say sưa ngắm bức ảnh của chính mình, có lẽ đã hàng trăm lần cụ ngắm như thế rồi. Vẫn với giọng sôi nổi, cụ nói như đang bình luận tác phẩm: “Những đốm nắng chiều rơi trên gương mặt hai nhà cách mạng, trở thành những yếu tố thật kỳ diệu như khắc họa một thời gian khó và quyết liệt của cả một dân tộc mà Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những nhân vật đại diện.” 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hiểu rõ hơn lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời nhà Lý
    Tại Nhà Đông vu, khu Đại Thành thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), những hiện vật được trưng bày thường xuyên với chủ đề “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” giúp du khách tìm hiểu rõ hơn về lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời Lý.
  • Phát động Cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
    Sáng nay 9/5, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) phối hợp Phát động Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
  • Giao hưởng Điện Biên - thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh
    Chiến thắng Điện Biên là chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” (Tố Hữu), làm rạng danh nước Việt trên thế giới “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng De Castriest, ngày 12/5 Bác Hồ đã có bài thơ dài đăng trên báo Nhân Dân: “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”. Rồi sau đó, Tố Hữu có bài thơ nổi tiếng “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Bên cạnh những tác phẩm thơ, Điện Biên còn được nhắc đến trong nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, các cuốn sách hồi ký, biên khảo…
  • Hội thảo Văn hóa năm 2024 khơi nguồn lực, tạo động lực phát triển thiết chế văn hóa
    Thông tin từ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, ngày 12/5 tại tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Quảng Ninh sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”.
  • Khai mạc Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 31
    Sáng 9/5, Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 31 – VIETNAM MEDI-PHARM 2024 đã chính thức khai mạc tại Cung Văn hoá Hữu nghị (số 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đừng bỏ lỡ
Bức ảnh chụp trong ngày hội lớn của dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO