Văn hóa – Di sản

Hiểu rõ hơn lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời nhà Lý

Trung Kiên 19:49 09/05/2024

Tại Nhà Đông vu, khu Đại Thành thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), những hiện vật được trưng bày thường xuyên với chủ đề “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” giúp du khách tìm hiểu rõ hơn về lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời Lý.

vanmieu.jpg
Không gian trưng bày Quốc Tử Giám thời Lý.

Các phiên bản phục dựng mộc bản Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi lại sự kiện năm 1070, vua Lý Thánh Tông đã cho dựng Văn Miếu, ở phía nam Kinh thành Thăng Long để thờ các bậc Tiên Thánh, Tiên Hiền của Nho học, đồng thời cũng là nơi học tập của Thái tử Lý Càn Đức.

vanmieu3.jpg
vanmieu5.jpg
Các phiên bản phục dựng mộc bản Khâm định Việt sử thông giám cương mục.

Năm 1075, vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi “Nho học tam trường” được tổ chức để chọn ra “Minh kinh bác học”, đây là khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám phía sau Văn Miếu, đây là trường dành cho con em hoàng tộc với nền tảng giáo dục chính thức dựa trên Nho giáo.

vanmieu1.jpg
Bản đồ thành Thăng Long thời Lý.

Trưng bày còn giới thiệu tấm bản đồ thành Thăng Long thời Lý (Lý thời Thăng Long đồ trong Tạp chí Nam Phong Hán văn năm thứ 8, 1924) cho biết vị trí Văn Miếu – Quốc Tử Giám thời Lý được xây dựng phía Nam kinh thành.

vanmieu6.jpg
vanmieu11.jpg
Những vật liệu kiến trúc đặc trưng của triều Lý.

Minh chứng cho việc Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xây dựng vào triều Lý, các hiện vật gốc được khai quật tại khu vực Quốc Tử Giám xưa cũng được trưng bày như: Đầu ngói ống trang trí hoa sen, tượng chim uyên ương, ngói hình lá bồ đề trang trí đôi chim phượng hoàng, gạch trang trí bảo tháp… Đây là những vật liệu kiến trúc đặc trưng của triều Lý.

Tại khu vực trưng bày này, du khách còn bắt gặp hình ảnh Chùa Diên Hựu, đền Quán Thánh gợi nhắc tới tư tưởng Phật Giáo và Đạo giáo. Giúp du khách hình dung được xã hội thời Lý.

vanmieu7.jpg
Hình ảnh Chùa Diên Hựu (bên trái), đền Quán Thánh.

Xuất phát từ tư tưởng Nho giáo và trên tinh thần cởi mở với sự dung hòa nhất định cùng Phật giáo, Đạo giáo, nhà Lý mong muốn truyền bá các tư tưởng đạo đức, tổ chức và ổn định đất nước thông qua giáo lý cốt yếu của Nho giáo: dạy cho các thế hệ tương lai lòng hiếu thuận, tránh tình trạng rối loạn đạo đức xã hội. Điều đó được thể hiện trong chế độ thi cử, nhà Lý đã tổ chức các kỳ thi Tam giáo, yêu cầu các thí sinh hiểu biết cả ba tôn giáo.

vanmieu9.jpg
vanmieu8.jpg
Đông đảo người dân và du khách đến tham quan không gian trưng bày nhà Lý.

Trưng bày Quốc Tử Giám là trưng bày cố định tại nhà Đông vu, khu Điện Đại Thành, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Thời gian qua, trưng bày đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Qua khu trưng bày nhà Lý giúp tất cả nhận thấy, trải qua hơn 700 năm phát triển, Quốc Tử Giám - Thăng Long vẫn luôn song hành với sự phát triển của giáo dục khoa cử Đại Việt và cùng gánh vác sứ mệnh vun bồi nguyên khí, cử người hiền, dùng người tài mà lịch sử đã giao phó./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hiểu rõ hơn lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời nhà Lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO