Một phần vẻ đẹp yêu kiều, cổ kính, đặc trưng của Hà Nội thuộc về những công trình kiến trúc Pháp. Không chỉ có những công trình lớn như Nhà hát Lớn, Phủ Chủ tịch, Nhà khách Chính phủ, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật, khách sạn Metropole… mà còn có hàng trăm căn biệt thự là nơi sinh sống và làm việc của người dân. Tất cả đều được coi là di sản kiến trúc đặc biệt cần được gìn giữ, bảo tồn. Nhưng việc bảo tồn này ngày càng trở nên khó khăn trước dòng chảy cuồn cuộn của đời sống đô thị hiện đại.
Quá khứ “một đi không trở lại”
Nhà ngoại tôi là căn biệt thự Pháp cổ nằm trên phố Phan Đình Phùng rợp bóng cây. Ấn tượng từ thuở ấu thơ của tôi là mỗi lần bước qua cánh cổng sắt sơn màu xanh nhạt, đi qua vườn khế mới vào đến gian chính của tòa nhà. Bà ngoại và các chị em của bà thường ngồi ngoài hiên rộng dạy học trò thêu thùa… Thế rồi dần dà vườn khế không còn, cánh cổng sắt to tướng ngày nào bỗng lọt thỏm giữa những nhà hàng, quán xá…
Biệt thự 20 Trần Hưng Đạo
Chẳng riêng gì tôi, nhiều người Hà Nội chỉ còn ôm ấp những kỷ niệm và hình ảnh lưu lại của những căn biệt thự Pháp cổ. Chỉ còn thương nhớ bâng quơ những bậc cầu thang và thanh vịn gỗ lim đen bóng uốn lượn duyên dáng, những lớp sàn gỗ lên màu thời gian hay nền gạch men họa tiết đặc sắc, bóng bẩy… Và sẽ trầm trồ, thán phục, thậm chí trỗi lên niềm ghen tỵ nếu tình cờ gặp được ai đó vẫn còn giữ được hồn cốt căn nhà có tuổi đời cả trăm năm.
Ông Nguyễn Việt Cường, nguyên Chánh Thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội từng kể về căn nhà ở phố Quang Trung của mình: “Tôi sinh vào năm 1954 và lớn lên ở ngôi nhà này. Nhiều lúc cũng muốn đi khỏi nhưng kỷ niệm níu mình ở lại. Hồi tôi còn nhỏ, trước cổng có hai cây nho dại, hai cây roi “Tây đen” cao như cây cổ thụ, lúc lỉu quả. Bên trái nhà là vườn dừa thân to, trước cửa còn thảm cỏ. Phía sau là dãy nhà một tầng làm nơi ở cho những người lái xe, nấu cơm, quét dọn...”. Nhưng đến hôm nay, hình ảnh đẹp đẽ ấy chỉ còn trong hoài niệm. Dù được xếp vào nhóm I và được đánh giá còn khá nguyên trạng nhưng mặt tiền ngôi nhà hướng ra phố Quang Trung giờ đã bị che kín bởi hàng quán. Từ sáng sớm đến đêm khuya, bao quanh khu nhà là tiếng thực khách ồn ào, tiếng bát đũa, nồi xoong loảng xoảng... Thay vì thiết kế cho một gia đình sinh sống, căn biệt thự số 33 Quang Trung, sau những thăng trầm, biến thiên của lịch sử, giờ đã thành nhà của cả chục hộ gia đình. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều căn biệt thự cũ trên địa bàn Thành phố.
Những di sản kiến trúc đặc biệt
Những biệt thự Pháp cổ khi xưa thường là của gia đình các quan chức và sĩ quan Pháp, sau đó là những người Pháp sang Việt Nam làm ăn, sinh sống. Chủ nhân của các biệt thự này có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều địa phương khác nhau ở Pháp và do tâm lý nhớ quê hương mà họ mong muốn được sống trong ngôi nhà giúp họ nhớ lại quê hương bản quán. Những kiến trúc sư Pháp thời kỳ đầu như Moncet, Jacques, Lagisquet, Léonard... từ Pháp sang, sẵn sàng thiết kế những ngôi nhà mang phong cách địa phương khác nhau ở Pháp nhằm thỏa mãn mong muốn của các chủ nhân biệt thự.
Biệt thự 65 Nguyễn Thái Học
Các biệt thự thường có hai khối nhà chính và phụ với diện tích chiếm khoảng một nửa diện tích khu đất, phần còn lại là sân vườn với hệ thống cây xanh phong phú về chủng loại, từ loại cây thấp thân thảo đến loại cây thân mộc có độ cao lớn. Đường ra vào và lối đi quanh biệt thự được bố trí hợp lý. Nhà chính thường hai tầng, với tầng một được bố trí tiền phòng, chính sảnh, các phòng khách, phòng ăn, phòng sinh hoạt gia đình có diện tích khá lớn. Ngoài ra còn có thể có phòng làm việc, thư viện gia đình. Tầng hai gồm các phòng ngủ, khu vệ sinh riêng rộng rãi với trang thiết bị được đưa từ Pháp sang. Còn khối nhà phụ một tầng đặt cách nhà chính một khoảng sân và áp tường vào phía sau biệt thự. Trong khối nhà này được bố trí nơi để xe, bếp, kho, phòng ở cho các gia nhân và khu vệ sinh dành cho họ. Cổng, hàng rào cũng được thiết kế rất chi tiết, thường được cấu tạo bằng thép uốn với các hoạ tiết trang trí phù hợp với ngôi nhà, kết hợp với các trụ và phần dưới tường rào xây gạch.
Một đặc trưng nổi bật của những căn biệt thự Pháp là lối vào mở rộng về phía trước làm tăng tính “hiếu khách” và vẻ tao nhã của ngôi nhà. Hệ thống của ban công, cửa sổ mở rộng theo chiều ngang, phía trên cửa tầng hai thường là hình thức cuốn vòm và được trang trí khá cầu kỳ bởi những hoa văn đắp nối. Những hàng hiên rộng mở kết hợp với các trụ gạch đỡ dàn hoa bê tông cũng là nét duyên dáng riêng của biệt thự loại này. Phải nói rằng mặc dù là một mẫu hình kiến trúc được đưa nguyên xi từ Pháp sang nhưng kiến trúc miền Nam nước Pháp lại khá thích hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu Hà Nội. Đáng tiếc là không có nhiều biệt thự loại này được xây dựng và còn tồn tại nguyên gốc ở Thủ đô.
Chống lại sức ép đô thị hóa
Giới chuyên môn khẳng định, để bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị của những ngôi biệt thự Pháp cổ, trước tiên phải rà soát, đánh giá, tổng hợp và xác định rõ những biệt thự đáng giữ. Cần phải đánh giá giá trị của di sản theo những tiêu chí cụ thể, như: giá trị lịch sử văn hóa, chính trị; giá trị về nghệ thuật kiến trúc; giá trị về quy hoạch cảnh quan đô thị; tính nguyên bản; công năng sở hữu. Từ đó phân nhóm các nhóm 1, 2, 3 để phân loại biệt thự theo nguyên tắc thẩm định nhằm tiến hành bảo tồn, tôn tạo hoặc sửa chữa, phá dỡ theo quy định. Trường hợp biệt thự bị hư hỏng nặng, xuống cấp có nguy cơ sập đổ thì phải được các cơ quan chuyên môn thực hiện kiểm tra, có báo cáo thẩm định tình trạng hư hỏng và cấp giấy phép xây dựng. Đồng thời, khi tháo dỡ công trình cũ và xây dựng lại, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ đúng kiểu dáng, kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng và tuân thủ quy hoạch (mật độ, số tầng cao) của biệt thự cũ. Riêng với nhóm 3, những nhà đã xuống cấp, nằm trong danh mục nhà nguy hiểm, chính quyền Thành phố cần giao các cơ quan liên quan lập phương án di chuyển dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để tổ chức sửa chữa, cải tạo hoặc xây dựng lại theo quy định.
Tiếp đó là hoàn thiện quy chế chi tiết quản lý nhà biệt thự cổ. Cần khẩn trương tiến hành điều tra, khảo sát để hoàn thiện các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến các khu biệt thự phục vụ cho công tác bảo tồn, sửa chữa. Nếu không có hồ sơ gốc của ngôi nhà thì không thể biết rõ kết cấu của nó. Ngoài ra, các biệt thự cũ được khuyến khích cải tạo bên trong nhưng không làm thay đổi kết cấu công trình và giữ nguyên hình dạng, cấu tạo kiến trúc bên ngoài.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế quy hoạch tổng thể cho khu biệt thự cổ. Đó là giải pháp mang tính quy hoạch tổng thể, để các biệt thự Pháp cổ được sắp xếp đồng bộ trong cấu trúc thống nhất, hài hòa với cảnh quan xung quanh, đáp ứng các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đô thị. Đồng thời, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở.
Ông Vũ Đức Thắng, Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Những căn biệt thự hiện sử dụng làm trụ sở các cơ quan, nhà công vụ được bảo tồn khá nguyên trạng và được duy tu, sửa chữa hằng năm. Đó là các ngôi biệt thự hiện thuộc quản lý của các cơ quan như Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng... Còn những biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, nhất là những nhà có nhiều đồng sở hữu, thì quả là khó khăn trong công tác bảo tồn, gìn giữ”.