Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài ký ban hành Chỉ thị triển khai thi hành Luật Thủ đô
Ngày 6/12, Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, đã ký ban hành Chỉ thị số 37-CT/TU về việc triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Chỉ thị nhấn mạnh, Luật Thủ đô (Luật số 39/2024/QH15) là văn bản pháp lý quan trọng, thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết có liên quan của Trung ương.
Để triển khai thi hành Luật Thủ đô đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trên địa bàn Thành phố, gắn kết chặt chẽ với việc tổ chức thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (sau đây gọi là Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô), Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về nội dung, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, các cơ chế, chính sách, quy định của Luật Thủ đô và các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô gắn với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị, Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.
2. Tập trung, huy động mọi nguồn lực, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô theo thẩm quyền của Thành phố. Xác định việc xây dựng văn bản triển khai và tổ chức thi hành Luật Thủ đô là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành phố trong thời gian tới. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng văn bản được giao theo Luật Thủ đô.
3. Việc xây dựng văn bản phải bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của Luật Thủ đô và yêu cầu thực tiễn của Thành phố. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các cơ chế, chính sách, quy định của Luật Thủ đô; bảo đảm công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về Thủ đô.
Bảo đảm thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Chú trọng việc cập nhật, xây dựng văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thành phố và tiếp thu quan điểm, định hướng và tư tưởng chỉ đạo mới của Trung ương về xây dựng thể chế và tỉnh gọn bộ máy.
4. Trên cơ sở Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy hoạch các cấp, ngành, lĩnh vực của Thành phố, trong đó chú trọng đến quy hoạch phát triển các thiết chế, mô hình đã được quy định trong Luật Thủ đô; làm cơ sở để cụ thể hóa, triển khai các cơ chế, chính sách, quy định của Luật Thủ đô.
5. Tiếp tục rà soát về tổ chức, bộ máy, biên chế cán bộ, công chức, viên chức đề triển khai việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan bên trong, bảo đảm phù hợp yêu cầu về mục tiêu, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác; bảo đảm mục tiêu cải cách hành chính nhà nước, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lý, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; bố trí hợp lý biên chế cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu về đặc điểm, tính chất, khối lượng công việc đặc thù của Thủ đô và thực hiện chế độ chỉ thu nhập tăng thêm theo thẩm quyền được giao cho Thành phố quy định tại Luật Thủ đô.
6. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Đề án về phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền theo quy định của Luật Thủ đô, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, khả năng quản lý, điều kiện, khả năng cân đối các nguồn lực cần thiết để bảo đảm việc tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền Thành phố; trọng tâm là các lĩnh vực tài chính - ngân sách, đầu tư, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng, giao thông, vệ sinh, môi trường nhằm tạo sự chủ động sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Có cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân cấp, ủy quyền, kiểm soát quyền lực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp chính quyền Thành phố.
7. Rà soát hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi ngân sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, giá dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước trong các lĩnh vực để ban hành các quy định theo thẩm quyền được giao tại Luật Thủ đô, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách của Thành phố, đúng định hướng chỉ đạo của Trung ương.
8. Đảng đoàn HĐND Thành phố lãnh đạo việc xây dựng cơ chế, chính sách, quy định thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân Thành phố để triển khai thi hành Luật Thủ đô; thực hiện giám sát việc tổ chức thi hành Luật Thủ đô và các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy tại Chỉ thị này.
9. Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương để triển khai hướng dẫn việc thi hành Luật Thủ đô; tập trung làm tốt công tác tham mưu xây dựng các văn bản để triển khai thi hành Luật Thủ đô thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND Thành phố; trước mắt, tập trung tuyên truyền phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô đến cán bộ, công chức, viên chức các cấp và Nhân dân; triển khai đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND Thành phố theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy tại Chỉ thị này. Ban cán sự đảng UBND Thành phố chủ động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Chỉ thị.
10. Các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy căn cứ chức năng, nhiệm vụ và chương trình công tác toàn khóa, kế hoạch công tác hằng năm của Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này.
Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy, biên chế Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát tổ chức, bộ máy, biên chế cán bộ, công chức, viên chức, rà soát Đề án về phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố để triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô.
Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng UBND Thành phố tham mưu giúp Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về Luật Thủ đô; cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí Trung ương và chỉ đạo các cơ quan báo chí của Thành phố tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị, Luật Thủ đô gắn với việc tổ chức thực hiện Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô.
11. Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp Thành phố phát huy tốt vai trò tuyên truyền, phổ biến về Luật Thủ đô; vận động các tổ chức và Nhân dân trong việc thực hiện các chính sách, quy định của Luật Thủ đô về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; thực hiện việc giám sát thi hành chính sách, pháp luật về Thủ đô; tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản giao HĐND, UBND Thành phố ban hành theo quy định của Luật Thủ đô.
12. Các cấp ủy trực thuộc Thành ủy chỉ đạo quán triệt, triển khai, ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị tại địa phương, đơn vị. Các quận, huyện, thị ủy lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền địa phương triển khai thi hành Luật Thủ đô trên địa bản đơn vị theo thẩm quyền; trước mắt, tập trung tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân ở cơ sở.
Chỉ thị này phổ biến tới các chi bộ./.