Bài 1: Gìn giữ cốt cách người Hà Nội: Cần những căn cước văn hóa
Là vùng đất kinh kỳ với chiều dài lịch sử trải hơn 1000 năm, Hà Nội mang trong mình bao trầm tích văn hóa. Ngoài những di sản văn hóa đã được nhân loại vinh danh thì nếp sống đạo đức, văn hóa của người Hà Nội cũng là thứ “đặc sản” làm nên bản sắc riêng có của mảnh đất kinh kỳ.
Tính từ thời định đô đến nay, Hà Nội đã trải qua 11 thế kỷ thu hút nhân tài bách nghệ khắp bốn phương. Những phong tục, lề thói của các vùng miền được các thế hệ người Hà Nội chắt lọc, nâng cao, trau chuốt trong đời sống văn hóa kinh kỳ để rồi tạo nên nét riêng của đất và người Hà Nội.
Cố GS. Nguyễn Huệ Chi từng khẳng định chính môi trường văn hóa Thăng Long - Hà Nội “đã có một ưu thế riêng vừa cải biến nhanh chóng cốt cách của những con người nhập cư, biến họ thành người Hà Nội, vừa chưng cất, tinh lọc mọi sản phẩm mà họ sáng tạo để sớm trở thành những giá trị mới mẻ, khác xa với văn hóa gốc rễ nơi họ ra đời”. Ông minh chứng điều này từ lời của sử gia Ngô Thì Sĩ khi nói về trường hợp của Lê Quý Đôn rằng phải thông qua môi trường học vấn của Kinh đô Thăng Long thì Lê Quý Đôn mới có thể trở thành một Bảng nhãn uyên bác đến như vậy, mà “nếu chỉ ở Thái Bình thôi thì quyết không bao giờ có được”.
Nói đến cốt cách của người Hà Nội, không thể không nhắc tới câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” hay “Nhất cao là núi Ba Vì/ Nhất thanh, nhất lịch Kinh kỳ Tràng An”. Nét văn minh thanh lịch của người Thăng Long – Hà Nội được thể hiện trong nhiều mặt từ cách ăn, mặc, ở, đi lại cho tới lối ứng xử, giao tiếp khéo léo, tinh tế trong gia đình và ngoài xã hội.
Tác giả Hoàng Đạo Thúy trong cuốn “Hà Nội thanh lịch” đã viết: “Người Tràng An rõ ràng là người cần cù, cứng rắn, vẻ thanh lịch, đôi lúc hào hoa, yêu văn, yêu hoa, sành mỹ thuật, ăn mặc đơn sơ và trang nhã, nói lời văn vẻ dễ nghe, dễ hòa hợp với bà con phường, xóm, hay động lòng vì việc nghĩa, tình người, ghét cay ghét đắng những chuyện tục tằn kệch cỡm, hoạnh họe, lố lăng, đê tiện. Người Tràng An ở với nhau, “biết nhịn”, “biết nể”, “biết ngượng”, “suy bụng ta ra bụng người”. Trong thôn phố, có việc là chạy sang thăm hỏi ngay, ở với nhau chu tất, ăn ý, không “bỏ được lòng nhau” […] Khách nhà quê ra, đi mãi, nóng, nhọc thì thấy ngay bên đường một vại nước vối ngon với mấy cái bát sạch. Người ta tóm cả cái thanh, cái cao, cái lịch sự, ẩn ý vào hai chữ “thanh lịch”. Và khi đón bà con các tỉnh về, tiếp các khách phương xa đến, người ta nhắc nhau giữ lấy vẻ thanh lịch của người Tràng An”.
Còn nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc khi cắt nghĩa hai từ “thanh lịch” của người Tràng An đã nhấn mạnh: “Thanh có thể là thanh tú, thanh nhã, thanh cảnh, thanh cao…; lịch là lịch thiệp, lịch duyệt, lịch lãm và lịch sự. Thanh lịch chính là chỉ nếp sống, lối sống có văn hóa…”.
Nhiều người Hà Nội khi nhớ về những kỷ niệm một thời cũng không quên nhắc đến những nếp xưa như một niềm tự hào về nét văn minh, thanh lịch của người Hà Nội. Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu kể lại: “Trước năm 1975, gia đình tôi sống ở Hà Nội, đồng nghiệp của ba má bạn bè tôi hầu hết là người Hà Nội. Ngoài khác biệt của sự nền nã, chỉn chu trong trang phục sang trọng kín đáo hay giản dị gọn gàng sạch sẽ của bộ quần áo người lao động thì ở họ - những người Hà Nội thời ấy thường giống nhau ở giọng nói nhẹ nhàng, tốc độ và âm hưởng vừa đủ nghe, chào hỏi lịch sự và thân thiện… Nhà cửa dù là biệt thự rộng rãi hay nhà tập thể chật hẹp, nhà phố “chia năm xẻ bảy” thì cũng luôn ngăn nắp. Mâm cỗ cầu kỳ bốn bát, sáu đĩa ngày giỗ chạp hay bữa cơm đơn giản hàng ngày luôn cho thấy sự khéo léo, tinh tế của phụ nữ Hà Nội”.
Nét thanh lịch của người Tràng An đã được hình thành, trải qua bao thế hệ và thể hiện trong lời ăn tiếng nói, trong cách ứng xử với gia đình, bè bạn, xóm giềng, trong sinh hoạt đời thường. Như nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội thì “dù hôm nay đời sống người Hà Nội có nhiều thay đổi, nếp sinh hoạt ứng xử của người Hà Nội đã thêm nhiều yếu tố hòa với dòng chảy của thời đại thì chất Hà Nội với nét thanh lịch Tràng An vẫn lấp lánh như một mạch ngầm, tạo nên sức hấp dẫn riêng”.
Truyền thống lịch sử, văn hóa đã xây đắp nên những giá trị truyền thống tốt đẹp, hình thành những nếp sống của người Hà Nội. Tuy nhiên, dưới tác động của nhịp sống hiện đại, sự hội nhập, những giá trị văn hóa người Hà Nội được vun đắp qua bao thế hệ đang dần phai nhạt. Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Mai, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, việc đa dạng thành phần dân cư với sự phân hóa về trình độ, nghề nghiệp, lứa tuổi cộng thêm sự năng động của đời sống đô thị hiện nay tạo ra những sắc thái đa dạng trong đời sống văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, hiện tượng di cư ồ ạt về Hà Nội gây những khó khăn cho thành phố trong công tác quản lý dân cư và tác động đến các vấn đề an ninh trật tự, giao thông đô thị, bảo vệ môi trường, gia tăng sức ép về việc làm, tình trạng quá tải về sử dụng các công trình hạ tầng cơ sở…
Nhiều năm về trước khi nhà nghiên cứu Giang Quân còn sống, trong lần trả lời phỏng vấn người viết bài này về văn hóa người Hà Nội ông từng bày tỏ niềm canh cánh khi ra phố thi thoảng lại bắt gặp một số thanh niên cởi trần mặc quần đùi, các cô gái thì ăn mặc hở hang với váy ngắn, áo hai dây... Và đáng buồn hơn là ít người còn nói được lời cảm ơn hay xin lỗi - một nét ứng xử văn hóa phổ biến của người Hà Nội xưa.
Có lẽ không riêng gì nhà nghiên cứu Giang Quân mà biết bao người yêu Hà Nội hôm nay cũng vẫn chung niềm đau đáu ấy khi nếp xưa của người Hà Nội đang dần phôi phai. Nhà văn Mai Nam Thắng trăn trở: “Môi trường, cảnh quan và cách ứng xử của một bộ phận người Hà Nội hôm nay có rất nhiều điều đáng buồn. Thậm có người còn bức xúc cho rằng, lối cư xử nhã nhặn, thanh lịch của người Hà Nội đang mất dần, thay vào đó là cách cư xử xô bồ, lai căng, bát nháo… nhất là một bộ phận của giới trẻ Hà Nội”.
Còn họa sĩ Đặng Thị Khuê thì ngậm ngùi trước thực tế đời sống của người dân Thủ đô ngày một sung túc hơn nhưng lối sống thì ngược lại: "Những cái sai, cái xấu lại dần trở nên phổ biến. Sự "ô nhiễm" môi sinh được coi là tất yếu khiến mọi người không còn dị ứng với nó nữa. Ngày nay, dễ dàng bắt gặp ở mọi nơi, mọi lúc sự ứng xử thiếu tình người, không chỉ ở lời ăn tiếng nói. Hình như cái hồn cốt, sự thanh lịch của người Hà Nội đang ngày một phôi phai", họa sĩ Đặng Thị Khuê trăn trở.
Theo PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thì yếu tố cốt lõi làm nên “chất” Hà Nội là lối sống tao nhã, cung cách ứng xử thanh lịch - Tràng An đang có biểu hiện phai nhạt trong cơn lốc mở cửa và hội nhập, làm mất đi sức hấp dẫn riêng có của Thăng Long - Hà Nội trong vai trò là một “điểm đến” thân thiện, mến khách…
PGS. TS Đỗ Thị Hảo, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho rằng văn minh, thanh lịch không phải là cái gì đó qua cao siêu không ai thực hiện được, ngược lại nó rất đời thường, đó chính là thói đất nết người, cách ăn ở ứng xử thường ngày. Theo PSG.TS Đỗ Thị Hảo, lớp trẻ hôm nay rất cần được trao truyền những giá trị văn hóa đạo đức mà ông cha ta đã để lại từ ngàn xưa đồng thời phải biết kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa mới để Hà Nội văn minh thanh lịch, cổ kính nhưng không cổ hủ, văn minh hiện đại nhưng không lai căng và làm lu mờ bản sắc…
Thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực trong cuộc vận động xây dựng nếp sống người Hà Nội văn minh, thanh lịch; đẩy mạnh, tuyên truyền bộ Quy tắc ứng xử công cộng vào đời sống..., tuy nhiên để giữ được những “thói đất, nết người” xưa trong bối cảnh hiện nay quả là một điều không dễ dàng.
Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, để những giá trị văn hiến của đất kinh kỳ, cốt cách, khí phách, sự lịch lãm của người Hà Nội tiếp tục được duy trì, biến thành hành động thường nhật đòi hỏi mỗi người dân Hà Nội luôn ý thức sâu sắc về niềm vinh dự và trách nhiệm khi được làm “công dân Thủ đô”. Đã đến lúc, mỗi công dân Hà Nội, những ai nhập cư về Hà Nội cần thấm sâu hơn niềm tự hào và trách nhiệm căn bản của danh nghĩa người Hà Nội.
Có thể nói, hồn cốt và sự bền vững của đô thị phụ thuộc rất lớn vào yếu tố con người, xây dựng giá trị văn hóa cho con người chính là hướng đến xây dựng một đô thị di sản. Vì vậy, việc gìn giữ, phát huy, lan tỏa những giá trị đạo đức, lối sống, phong tục tốt đẹp của Thủ đô và đưa những nét đẹp đó trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội là hết sức cần thiết. PGS. TS Phạm Quang Long - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định: “Cái làm cho Hà Nội đẹp và cường tráng hơn trong mắt bạn bè chính là ở chiều sâu văn hóa, ở vóc dáng của một thành phố văn minh, yên bình và thân thiện”. Phải chăng, chiều sâu văn hóa ấy chính là cốt cách con người, là nét thanh lịch riêng có của người Hà Nội./.
Tác giả: Đặng Thủy
Thiết kế: Phương Anh
03/05/2023 19:23