Đền Quán Thánh - Nét đẹp tứ trấn trong lòng thủ đô
Đền Quán Thánh hay còn gọi là Trấn Vũ Quán, một địa danh nổi tiếng trấn Bắc trong “Thăng Long tứ trấn” của vùng đất kinh kỳ. Đây là nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ – một vị thần trấn giữ phương Bắc kinh thành Thăng Long. Tồn tại và chứng kiến dáng vẻ đất nước sau hơn 10 thế kỳ, hiện ngôi đền vẫn được mệnh danh là Bắc Kỳ đệ nhất danh (tức là Danh thắng đứng nhất Bắc Kỳ).
Theo truyền thuyết xưa, ở phương Bắc, Huyền Thiên Trấn Vũ là một vị thần cai quản và giúp người dân trừ tà ma, yêu quái; trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương thứ 14); trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; giúp An Dương Vương trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa; diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông… Đến thời nhà Lê, các vua cũng thường đến đây để cầu mưa mỗi khi có hạn hán.
Theo tư liệu cũ, những năm đầu thế kỉ XI, nhà vua Lý Thái Tổ sau khi dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long đã hạ lệnh xây dựng đền và rước hiệu duệ Huyền Thiên về thờ. Năm 1823, vua Minh Mạng lên ngôi đổi tên đền thành Trấn Vũ Quán. Đến năm 1842,vua Thiệu Trị đổi tên đền thành Đền Quán Thánh như hiện nay.
Như vậy, đền có hai tên gọi: Trấn Vũ Quán và Đền Quán Thánh. “Quán” nằm trong từ “Đạo Quán”, là nơi thờ tự của Đạo Giáo, cũng là chùa của Phật Giáo. Cùng với Chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1962.
Tuân theo kiến trúc truyền thống của Trung Quốc kết hợp với cách bố trí khá phổ biến trong các không gian thời phong kiến – chịu nhiều ảnh hưởng của kiến trúc Phật giáo và kiến trúc Đông phương nói chung, năm 1838, đền Quán Thánh được tu sửa bao gồm: tam quan, sân bái, tiền đế, trung đế và hậu cung.
Toàn bộ không gian đều được trang trí sắc sảo với nhiều chi tiết độc đáo, tinh xảo như tượng, khắc linh vật, hoa văn… Các chi tiết bằng gỗ trong không gian đền cũng khá ấn tượng với những đường nét chạm khắc rất tinh tế và có giá trị nghệ thuật rất cao. Bên cạnh đó, bố cục không gian rất thoáng và hài hòa. Hồ Tây trước mặt tạo cho đền luôn có không khí mát mẻ quanh năm.
Cổng ngoài của đền nằm trên lề đường Thanh Niên, với bốn cột trụ là bốn con phượng hoàng đấu lưng và con nghê trên đỉnh. Xung quanh bốn cột trụ là các chi tiết rất nổi bật như: mãnh hổ hạ sơn, cá hóa rồng, và các cặp câu đối đỏ, làm tăng thêm vẻ uy nghi cho cổng đền.
Sau cổng ngoài là tam quan của đền, có cấu tạo như một phương đình, gồm 3 cửa và 2 tầng. Đặc biệt, cổng giữa tam quan đắp nổi tượng thần Rahu, một vị thần của Ấn Độ. Điều này phần nào nói lên sự hội nhập tín ngưỡng của người Việt từ ngàn xưa. Ngoài ra, gác tam quan chính là nơi đặt quả chuông đồng được đúc vào năm 1677, đời vua Lê Hy Tông.
Qua tam quan là nhà bia với nhiều văn bia tạc khắc về thời điểm trùng tu ngôi đền. Sau nhà bia, nằm sát đường Quán Thánh là đền thờ liệt sĩ được xây theo dạng phương đình, bên trong là bàn thờ và ảnh các chiến sĩ đã hy sinh ở khu vực Đền Quán Thánh.
Tiến vào sân bái là nơi bày biện sắp xếp lễ vật. Khoảng sân nhỏ có cây đa già, xung quanh là các bể cá cùng những hòn non bộ nhỏ nhắn.
Trước bái đường có 2 lư hương lớn và bàn để chuẩn bị đồ tế lễ. Hiên bái đường được trang trí bởi các hình tượng đắp nổi như: tượng hổ xuống núi, tượng cá hóa rồng, và bảng giới thiệu tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ ở hậu cung.
Trước đây, tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được làm bằng gỗ, cho đến năm 1677 thì được đúc lại bằng đồng đen, đặt trên một phiến đá cẩm thạch. Bức tượng đồng đen cao 3,96 m, nặng 4 tấn và chu vi 8m. Tượng có khuôn mặt vuông chữ điền nghiêm nghị nhưng bình thản, hiền hậu với đôi mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xoã không đội mũ, mặc áo đạo sĩ ngồi trên bục đá với hai bàn chân để trần. Bàn tay trái của tượng đưa lên ngang ngực bắt ấn thuyết pháp, bàn tay phải úp lên đốc kiếm, kiếm chống trên lưng rùa nằm giữa hai bàn chân, quanh lưỡi kiếm có con rắn quấn từ dưới lên trên.
Rùa, rắn và kiếm là biểu trưng của Huyền Thiên Trấn Vũ. Bức tượng Trấn Vũ là một công trình điêu khắc độc đáo duy nhất tại Việt Nam, khẳng định nghệ thuật đúc đồng và tạc tượng điêu luyện, tinh xảo của người Việt cách đây hơn 3 thế kỷ.
Ở nhà bái đường còn có một pho tượng đồng đen nhỏ hơn. Ngoài ra, trong đền còn có chiếc khánh bằng đồng được đúc vào thời chúa Trịnh.
Ngoài nghệ thuật đúc đồng, Đền Quán Thánh còn có nhiều tác phẩm nghệ thuật giá trị được chạm khắc gỗ trên cửa, cột, xà và hơn 60 bài thơ, hoành phi, câu đối viết bằng chữ Hán. Các hình tượng, đề tài linh thiêng được chạm khác một cách tinh xảo, tỉ mỉ, mang đậm phong cách nghệ thuật thời nhà Lê.
Không chỉ là một công trình có giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc, Đền Quán Thánh còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa nổi tiếng của người dân Hà Nội xưa và nay. Đền Quán Thánh là một di tích có giá trị về văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc và điêu khắc, nằm bên bờ Hồ Tây cùng với tiếng chuông Trấn Vũ đã hòa nhịp vào thiên nhiên, góp phần tô điểm cho cảnh đẹp cổ kính, thơ mộng của vùng du lịch Hồ Tây – Hà Nội.
Tác giả trích dẫn
12/06/2023 16:07