Đền Voi Phục - Dấu ấn huyền tích giữa lòng Thủ đô
Đền Voi Phục còn gọi là đền Linh Lang, là một ngôi đền trong Thăng Long tứ trấn của thành Thăng Long xưa. Đền tọa lạc tại số 362 phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội (cạnh công viên Thủ Lệ).
Đền Voi Phục còn gọi là đền Linh Lang, là một ngôi đền trong Thăng Long tứ trấn của thành Thăng Long xưa. Đền tọa lạc tại số 362 phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội (cạnh công viên Thủ Lệ).
Trong lịch sử, Voi Phục là trấn thiêng ở phía Tây thành Thăng Long. Đền không chỉ liên quan trực tiếp tới kinh đô, mà còn hội vào rất nhiều dòng chảy của tín ngưỡng dân gian để tồn tại với thời gian, là một điểm sáng trong tinh thần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Đền Voi Phục được dựng năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7 (1065) đời Lý Thánh Tông ở góc phía Tây Nam thành Thăng Long cũ, thờ Linh Lang Đại vương - thần Linh Lang.
Tượng đôi voi trầu và cổng Nghi Môn mở hướng Đông Nam có thể hàm ý vương quốc Chămpa quy phục.
Nghi môn nội có những câu đối và bức hoành phi: “Thượng Đẳng môn” (Cửa đền thờ thần Thượng Đẳng). Cửa nghi môn nội chỉ mở khi có ngày hội của đức thánh. Cửa chính mở để rước hội đức thánh vương mẫu, còn đoàn nghi lễ sẽ đi 2 bên để vào. Ngày thường, cửa 2 bên sẽ được mở, để khách đi lễ vào đền cổng trái, ra bên ngoài cổng phải.
Đền Voi Phục được bài trí trên một gò đất bằng phẳng, rộng rãi với thế phong thủy rất quý. Tam quan nội là một nếp nhà ba gian, mở cửa đón gió Đông Nam và tạo không gian mát rượi.
Chính điện nhìn về hướng Đông, nơi mặt hồ Thủ Lệ làm thành một tấm gương tự động khổng lồ, phản chiếu ánh thiên quang xuyên qua các tán lá xanh vào mỗi buổi sáng. Bên tả đặt trống đại, bên hữu treo chuông đồng, hai đầu hiên có xây áp vào hai mái nhỏ che cặp ngựa tế hồng, bạch.
Trung đường 1 gian chạy dọc vào phía trong nối với hậu cung. Chính giữa hậu cung là Long ngai, bài vị có dòng chữ “Linh Lang đại vương Thượng Đẳng thần”. Tại tòa này được đặt ngai lớn chạm khắc hình rồng, hoa lá tỉ mỉ, các nét chạm mang nghệ thuật thế kỷ XIX. Dưới ngai thờ thần là tượng 2 vị tuỳ tướng quỳ chầu.
Hậu cung cũng 5 gian, gian chính giữa ở vị trí sâu và cao nhất là pho tượng đức Linh Lang Đại vương với nét mặt thanh tú, cao sang. Phía trước pho tượng Ngài là một hòn đá lớn được đặt trong hộp kính. Hòn đá có vết lõm, tương truyền thần đã từng gối đầu trên hòn đá này. Hai bên hòn đá là tượng 2 vị phụ tá đứng chầu.
Trong đền, ngoài các pho tượng còn có hoành phi, câu đối, nhang án, long ngai, cửa võng bát bửu cùng các đồ tế khí, đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Mái đền chính được đắp Lưỡng long trên nóc, 4 phía có các đầu đao cong vút mang hình rồng, phượng, lân, hổ.
Bên nội điện có sân rộng và các nhà tả, hữu vu, 7 gian kéo xuống gần hậu đường ở phía sau. Hậu đường 5 gian cũng cửa bức bàn với kèo cột bằng gỗ lim, trước kia có tượng đôi linh vật bằng đá.
Lễ hội chính của đền Voi Phục được diễn ra vào ngày 9-10/2 Âm lịch, từng năm có thể kéo dài từ 3-10 ngày.
Trải qua biến thiên lịch sử, ngôi đền đã được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được quang cảnh uy nghiêm và dấu tích cổ hiếm thấy, mang giá trị văn hóa lịch sử vô cùng đặc biệt và là điểm đến không thể bỏ qua khi đến du lịch Hà Nội.
Phương Anh (thực hiện)
11/05/2023 08:43