Văn hóa – Di sản

Vũ Quỳnh – nhà sử học nổi tiếng thế kỷ XV

Lê Văn Tấn - Nguyễn Thị Hưởng 05/11/2023 17:04

Vũ Quỳnh (1453 - 1516), tự là Thủ Phác, hiệu Đốc Trai và Yến Xương. Quê gốc của ông ở làng Mộ Trạch, huyện Đường An, nay là huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Vũ Quỳnh xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Thân sinh Vũ Quỳnh là Vũ Hựu, đỗ Hoàng Giáp năm Quang Thuận thứ 9 đời Lê Thánh Tông (1468). Vũ Hựu là tác giả của Đại thành toán pháp. Về sau con và cháu Vũ Quỳnh có nhiều người đỗ đạt. Vũ Quỳnh đỗ Tiến sĩ năm 26 tuổi (1478), làm quan đến Thượng thư Bộ Lễ, kiêm Đô tổng tài Quốc sử quán. Năm 1516, ông mất trên đường về quê nhà.

vu-quynh.jpg
Gian thờ Vũ Quỳnh tại nhà thờ tổ họ Vũ.

Vũ Quỳnh có soạn nhiều tác phẩm như bộ sử Đại Việt thông giám thông khảo, tập thơ Tố Cầm và nhuận đính sách Lĩnh Nam chích quái (còn có tên Lĩnh Nam chích quái liệt truyện)...

Theo Vũ Quỳnh, người soạn các truyện về sau được đưa vào Lĩnh Nam chích quái là những bậc “tài cao học rộng” đời Lý - Trần. Và sách được các vị “bác nhã hiếu cổ” đời Lê nhuận sắc. Vũ Quỳnh không nói rõ tên người soạn thảo hay nhuận sắc. Nhưng Đặng Minh Khiêm, Vũ Phương Đề, Lê Quý Đôn đều nói tới Trần Thế Pháp sống đồng thời hoặc trước Vũ Quỳnh, đã tập hợp và soạn lại một số truyện dân gian nằm rải rác trong sách cổ, làm thành cuốn Lĩnh Nam chích quái. Trên cơ sở tư liệu của những người đi trước, Vũ Quỳnh đã hiệu đính sách. Sách Lĩnh Nam chích quái liệt truyện gồm hai quyển. Cuối sách có một bài Tựa, đề năm Hồng Đức 23. Liệt kê 22 truyện được chép trong sách là các truyện sau đây: Họ Hồng Bàng, Ngư tinh, Hồ tinh, Mộc tinh, Trầu cau, Nhất Dạ trạch, Đổng Thiên Vương, Bánh chưng, Dưa hấu, Bạch trĩ, Lý Ông Trọng, Giếng Việt, Rùa Vàng, Man Nương, Tản Viên, Thần Long nhãn, Từ Đạo Hạnh Nguyễn Minh Không, Nam Chiếu, Tô Lịch, Dương Không Lộ – Nguyễn Giác Hải, Hà Ô Lôi, Dạ Thoa. Khoảng một năm sau, Kiều Phú lại hoàn thành một bản Lĩnh Nam chích quái khác, chép 22 truyện. Đến giữa thế kỷ XVII, Đoàn Vinh Phúc đã soạn thêm quyển thứ 3. Sang thế kỷ XVIII, Vũ Khâm Lân lại bổ sung thêm truyện khác vào sách, phần chép thêm ghi là “tục bổ”, “tục biên”. Đến thế kỷ XIX, có thêm nhiều tác giả vô danh và hữu danh tiếp tục sửa chữa, thêm bớt làm cho cuốn sách có dung lượng lớn. Về văn bản hiện còn nghi vấn đối với 9 văn bản khác nhau, có sách nói có 11 văn bản. Bản ít nhất chép 22 truyện, bản nhiều nhất chép 42 truyện trong tổng số 76 truyện khác nhau. Qua đối chiếu, có thể xác định, phần cốt yếu của Lĩnh Nam chích quái gồm 23 truyện đã được Vũ Quỳnh chép trong sách của Vũ Quỳnh và Kiều Phú.

Theo Tân đính Lĩnh Nam chích quái do Bùi Văn Nguyên dịch thuật và chú thích (1993) và một số tài liệu khác, Vũ Quỳnh có biết việc biên soạn bản cổ Lĩnh Nam chích quái nhưng ông “chưa hài lòng với cách viết còn đơn sơ” của tập truyện nên đã viết một bản mới khác. Đó là Tân đính Lĩnh Nam chích quái, viết lối truyền kỳ theo dạng chương hồi, hoàn thành và đề tựa có thể là vào năm 1505 (?). Toàn sách này có 25 hồi ứng với 25 truyện, gồm: Họ Hồng Bàng, Ngư tinh, Chử Đồng Tử, Trầu cau, Dưa hấu, Đổng Thiên Vương, Hồ tinh, Mộc tinh, Bánh chưng, Bánh dày, Thần núi Tản Viên, Lý Ông Trọng, Giếng Việt, Rùa vàng, Hai Bà Trưng, Man Nương, Sĩ Vương, Nam Chiếu, Tô Lịch, Thần Long Đỗ, Sư Khuông Việt lập đền Sóc Thiên Vương, Mị Ê, Vũ Phục, Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không, Huyền Quang. Bản Tân đính Lĩnh Nam chích quái dạng chương hồi này cho đến nay vẫn đang còn nhiều vấn đề cần làm rõ hơn về văn bản tác phẩm.

Lĩnh Nam chích quái (nghĩa là lượm lặt, lựa nhặt những chuyện lạ ở cõi Nam), là tập sách bao gồm những câu chuyện “không đợi tạc vào đá, khắc vào gỗ mà vẫn lưu hành ở lòng người, ở bia miệng. Từ em bé tuổi thơ đến cụ già tóc bạc đều trọng đạo và yêu thích...” (Cổ thuyết tựa dẫn - Trần Thế Pháp). Các truyện được chép về nguồn gốc dân tộc, về tia hồi quang của dân tộc ta thời xa xưa Họ Hồng Bàng viết về chuyện biên giới lãnh thổ, Ngư tinh, Hồ tinh, Mộc tinh, Thần núi Tản Viên nói về quá trình chinh phục tự nhiên, mở mang đất đai trên cả ba địa bàn cư trú: đồng bằng, sông nước, rừng núi... Tất cả đã khẳng định sự cao quý của nguồn gốc con rồng cháu tiên, tạo nên ý niệm về sự thống nhất quốc gia, dân tộc Việt. Các truyện chép về văn hoá cổ, về những nhân vật lịch sử như Rùa vàng, Đổng Thiên Vương, Hai vị thần Long nhãn, Hai Bà Trưng, Từ Đạo Hạnh... nói lên niềm tự hào về non sông đất nước, về lịch sử anh hùng của dân tộc. Các chuyện chép về phong tục, tập quán sinh hoạt của dân tộc như Bánh chưng, Trầu cau, Dưa hấu... thì thể hiện tình yêu quê hương, đời sống tinh thần phong phú riêng biệt đặc sắc và mối quan hệ đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Trở về với văn học dân gian và bám sát lịch sử dân tộc, tạo cơ sở cho các sử gia đưa thời Hồng Bàng - Hùng Vương vào chính sử.

Với Lĩnh Nam chích quái, Vũ Quỳnh và các tác giả khác đã cố gắng “văn học hoá” kho tàng truyền thuyết dân gian còn sót lại sau hàng nghìn năm bị phong kiến Trung Quốc tìm cách tiêu huỷ. Tác phẩm được xem như một tập truyện ký vào loại xưa nhất còn lại của văn học người Việt. Mặc dù nội dung tác phẩm được xác định ở nhan đề là “chích quái”, nhưng Vũ Quỳnh và các “đồng chí” của ông trước cũng như sau luôn ý thức tìm nhặt “chích” những câu chuyện “có quan hệ đến cương thường và phong hoá” với mục đích “khuyến thiện, trừng ác, bỏ nguy theo chân” (Tựa Lĩnh Nam chích quái liệt truyện). Về hình thức nghệ thuật thì chính Vũ Quỳnh đã khẳng định: “việc” tuy “quái” mà không dối trá, văn tuy “dị” mà không yêu hoang. Nghĩa là tác phẩm vẫn đảm bảo được giá trị lịch sử chân xác của nó. Cùng với Lý Tế Xuyên, Trần Thế Pháp, Kiều Phú, Vũ Quỳnh là những người tạo nền móng cho sự sinh thành của văn xuôi chữ Hán dân tộc.

Ngoài vai trò của một nhà biên soạn xuất sắc, cũng phải kể đến tư cách một thi nhân ở Vũ Quỳnh. Mặc dù văn bản hiện còn không nhiều, song hiện lên trong thơ Vũ Quỳnh là một con người hoà nhập vào cảnh sắc đẹp đẽ và tĩnh lặng, bình yên của thiên nhiên, trăng nước; tiêu dao, trung dung tự tại, đứng cao hơn tục luy để di dưỡng cho sự trong sáng của tâm hồn nho sĩ:

Hoang sơn, nhật mộ toả nhàn vân,

Kiệt các, điêu lương yến ngữ xuân.

Đa thiểu tầm phương yên tự khách,

Chỉ hoài sơn thuỷ bất hoài nhân.

(Đề Kim Âu sơn Phong công tụ)

Nhữ Hà dịch thơ:

Núi hoang, bóng xế, lớp mây phong,

Gác tía, kêu xuân én nhiệt nồng.

Khách đến thăm chùa tìm cảnh đẹp,

Người không muốn nhớ, nhớ non sông.

Hoặc:

Yên Tử sơn trung tiên cảnh tịch,

Bạch vân thâm xứ tàng kim bích.

Nham u tùng lão động thiên hàn,

Hồng cận hoa khai châu lộ trích.

(Yên Tử sơn Hoa Yên tự)

Nhữ Hà và Vân Trình dịch thơ:

Yên Tử trong không tiên cảnh vắng,

Ngọc vàng chìm giữa làn mây trắng.

Tùng già, khí buốt, động âm u,

Dâm bụt hoa xoè, sương xuống nặng.

Vũ Quỳnh xứng đáng với danh hiệu là một nhà biên soạn nổi tiếng đương thời và một thi nhân có phong thái riêng, góp phần làm rạng danh dòng họ Vũ làng Mộ Trạch giàu truyền thống./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Lý Nhân Tông – vị vua giỏi của triều Lý
    Tháng Chạp năm Đinh Mùi (1127), hoàng đế Lý Nhân Tông viết di chiếu: “Trẫm xét phận tuổi thơ đã phải lên ngôi báu, ở trên các vương hầu, lúc nào cũng nghiêm kính sợ hãi, đã 56 năm nay…”.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Vũ Quỳnh – nhà sử học nổi tiếng thế kỷ XV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO