Văn hóa – Di sản

Vũ Danh Thuận – doanh nhân có tấm lòng vàng

Nguyễn Vinh Phúc 15/11/2023 11:23

Là nhà Nho, lui tới cửa Khổng sân Trình, từng là Hội trưởng Văn hội (tức hội Tư văn) mà rồi lại đầu tư cả cuộc đời vào thực nghiệp, cụ thể là vào việc mở mang nghề nghiệp cho dân có công ăn việc làm và thêm thu nhập thì người như vậy không phải nhiều. Làng Kiêu Kỵ (nay thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội), có một người thợ như vậy. Đó là Vũ Danh Thuận. Công đức của ông đối với dân làng thật lớn nên dân đã tôn ông là hậu thần, được thờ như một thành hoàng thứ hai của làng.

u-danh-thuan.jpg
Làng Kiêu Kỵ nổi tiếng với nghề dát vàng.

Nguyên làng Kiêu Kỵ từ xưa vốn thờ Nguyễn Chế Nghĩa, danh tướng đời Trần làm thành hoàng. Tới đầu thế kỷ XIX, làng thờ thêm ông Vũ Danh Thuận. Một tấm bia do toàn xã tạo lập hiện còn tồn tại ở khu văn chỉ của làng có ghi: “Minh Mạng cửu niên, cửu nguyệt, cốc nhật, đình xã tăng tạo vĩnh mộ bi ký”, gọi tắt là bia “Vĩnh mộ”, nghĩa là: “Năm Minh Mạng thứ 9, tháng 9, ngày tốt, toàn xã lập bia để tưởng mộ mãi mãi”. Năm Minh Mạng thứ 9 tức là năm 1828. Qua văn bia, ta thấy thời gian trước đó, dân làng này thuế khoá cũng không nộp đủ chứ đừng nói tới việc tu sửa đình miếu và phục dịch các việc công ích như đắp đê, tế lễ... Thấy vậy, một người dân làng tên là Vũ Danh Thuận đã bỏ tài sản ra giúp làng xã. Văn bia viết: “Bản ấp ta năm trước và nay việc thuế khoá giao dịch không kham nổi. May có hương chức kiêm Văn hội Hội trưởng Vũ Danh Thuận đã coi trọng tình làng và công việc hàng xã đã cúng tiến gạch ngói gỗ lạt cho bản xã và nhận việc tu sửa các toà đền miếu thờ tự, kể cả lễ vật kim ngân hoá bảo và các đồ phụng sự khác... Lại để cho 60 mẫu đất ao, giúp thêm hơn 1.000 cọc tiền và 2 dật bạc. Tiền tài giúp tu soạn đỉnh bạ, phụ phát binh lệ như lương ăn, thu phí liễm, hỗ trợ lương, phàm tất cả mọi điều khoản bản xã tổng soạn khắc vào bia, đồng thời làm khoán ước”. Như vậy Vũ Danh Thuận thật có một tấm lòng đáng quý. Tự đứng ra xuất tiền tài vật liệu dựng lại đền miếu cho dân có nơi thờ cúng đã là quý, lại còn cúng tiền bạc, gạo thóc cho dân làng có điều kiện để làm những việc công ích, đắp đê, binh lệ thì Vũ Danh Thuận quả là một con người hào hiệp, rất đáng trân trọng.

Song không chỉ thế, Vũ Danh Thuận không hợm của, không kiêu sa mà còn rất mực khiêm tốn. Vì cảm cái tình nghĩa của ông, dân làng muốn tôn vinh ông song ông đã từ chối sự tôn vinh đó. Văn bia có cho biết là:

“Cả xã trước đây đã bầu ông làm hậu thần. Ông từ chối không nhận. Cả xã đều thấy đó là điều khiêm cung tự tại vậy”.

Nếu chỉ có những điều mà văn bia đã ghi như trên thì Vũ Danh Thuận cũng đáng được lưu danh. Nhưng hơn thế, ông còn là một nhà thực nghiệp, chấn hưng và phát triển nghề của địa phương, tổ chức lại sản xuất, nói theo ngôn ngữ bây giờ ông là một nhà doanh nghiệp có đóng góp xây dựng nghề nghiệp cổ truyền của làng xã.

Nguyên làng Kiêu Kỵ có nghề dát vàng để phục vụ cho công việc sơn thếp các đồ vật thờ tự cũng như dân dụng, câu đối, hoành phi, cửa võng, nhang án, lỗ bộ, tráp, kỷ... mà vàng (bạc) để dát thì phải là vàng mười, tuyệt đối nguyên chất. Do vậy phải có công nghệ luyện vàng bạc để có nguyên liệu tốt. Thì lại cũng chính Vũ Danh Thuận đã đứng ra tổ chức công việc này. Ông mở ra một cơ sở luyện vàng bạc gọi là “trường luyện kim ngân” và tạo điều kiện cho dân làng tham gia hoạt động sản xuất mặt hàng này. (Không loại trừ khả năng ông còn tham gia vào mặt kỹ thuật luyện kim). Vẫn văn bia nêu trên có ghi tiếp: “Đến tháng 8 năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), viên chức sắc mục hương hào lý dịch liền lo liệu chọn ngày bàn với ông cùng các viên chức làm điều lệ, luyện vàng bạc để bán, theo thời giá mà thu lợi, có quy định không đổi, từ đó mà mối lợi ngày càng nhiều, của cải càng giầu vậy... Mọi người trong ấp từ các bậc kỳ lão đến trùm lềnh viên chức bốn phương, già trẻ đều đến điếm sở, hễ đến kỳ luyện đều được chia tiền lợi có thứ bậc. Sưu sai không bị thúc bách nên dân lưu tán trở về. Có tiền để người nghèo định cư”...

Như vậy thì công đức quả là rất đáng ghi nhớ: đem lợi lộc lại cho bà con, nhất là đối với những người lưu tán (tức nghèo khổ quá phải bỏ làng mà đi) lại có dịp được trở về quê hương thì ý nghĩa nhân đạo thật lớn lao.

Văn bia còn ghi lại nhiều tình tiết về tấm lòng cao cả của Vũ Danh Thuận như: Năm Ất Dậu (1825) cả xã nhất trí ghi công đức của Vũ Danh Thuận: “Bản xã thấy dân thiếu thốn mà công sai mưu dịch lại nhiều nên có lời với ông Vũ Danh Thuận... (Bia chìm sâu khuất mất một số chữ không đọc được - NVP chú), luyện vàng bạc bán được giá từ đây ngày càng khá giả”...

Chỉ riêng cách đối xử, ghi công, tôn vinh của dân làng cũng đủ nói lên tầm vóc của Vũ Danh Thuận. Song nếu ta đọc thêm tấm bia tại nhà thờ họ Vũ do chính ông tạo dựng, lập vào tháng 10 năm Minh Mạng thứ 9 (1828) thì ta càng rõ hơn về con người ông. Trong bia ông kể về mình: “Tôi nghĩ từ thời nhỏ, nhờ phúc ấm tổ tiên... thực hành gia phong cần kiệm, năng nhặt chặt bị mà có được gia tư thế này...”. Rõ ràng là một con người thẳng thắn, hồn hậu, làm giàu bằng chính bộ óc và đôi tay cùng với sự cần kiệm. Con người đó lại rất biết tác dụng của học vấn, đã đành không muốn con cháu thất học mà còn khuyến khích việc học giỏi nên bên cạnh việc dành một phần ruộng cấp cho học trò giỏi trong làng, ông đã để riêng 5 sào ruộng dành cho những con cháu sau này thi hương mà lọt vào trường đệ tam trở lên thì được nhận phần ruộng đó để canh tác lấy lương thực mà ăn học tiếp. Chính đó là khoản “học điền” (ruộng dành cho việc học) mà lẽ ra là trích từ ruộng công!

Nhân cách và tâm đức như vậy thì Vũ Danh Thuận được làng xã trọng vọng là phải. Có điều nói thêm là những tấm bia trên cho biết ông Thuận mở mang nghề “luyện kim ngân”, tức nghề luyện nấu vàng bạc non tuổi thành vàng muời, bạc mười... Vì chỉ có bạc già tuổi, tức tinh chế kỹ lưỡng, thì mới có thể dát mỏng làm vàng quỳ. Có thể việc dát vàng ở Kiêu Kỵ đã có từ trước nhưng vàng mười thì luyện chưa tinh. Đến đời Vũ Danh Thuận mới mở mang trường luyện vàng bạc. Tại tấm bia ở “Trường luyện kim ngân” có ghi sự việc này: “Dân làng ta theo đó lấy việc luyện vàng bạc làm nghề, lại có thêm trường luyện”. Luyện vàng bạc thực ra là công đoạn đầu của việc dát vàng.

Cuối cùng cũng cần nói về ông tổ nghề dát vàng. Vài người gần đây viết báo nói rằng ông tổ nghề dát vàng là Nguyễn Quý Trị đỗ Tiến sĩ đời Cảnh Hưng (1740 - 1756) cũng là người Kiêu Kỵ (Hà Nội mới, số Xuân Bính Tý, 1996).

Đáng tiếc là suốt đời Cảnh Hưng có 16 khoa thi Tiến sĩ thì ở cả 16 khoa này không có Tiến sĩ nào tên là Nguyễn Quý Trị! Mà ngay cả trong toàn bộ các ông nghè triều Lê cũng không có ai tên như vậy! Ở Kiêu Kỵ chỉ có Vũ Quý Tạo thi hương đỗ tứ trường khoa Nhâm Ngọ (1762), làm Hội trưởng Văn giáp là người có đỗ đạt vào thời Cảnh Hưng. Như vậy nếu đúng có ông Nguyễn Quý Trị và là tổ nghề dát vàng thì ông không phải là Tiến sĩ. Vũ Danh Thuận cũng thuộc họ này. Cũng họ Vũ này, tới thời hiện nay có Vũ Nguyên Bác là một vị tướng tài của quân đội nhân dân Việt Nam được nhiều người biết đến với tên gọi quen thuộc: tướng Nguyễn Sơn.

Tóm lại, Vũ Danh Thuận đúng là một nhà thực nghiệp ở đầu thế kỷ XIX, đồng thời là một nhà từ thiện đáng nể vì./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Phạm Ngũ Lão – anh hùng, nhà thơ
    Phạm Ngũ Lão quê làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Ông vừa là môn khách, vừa là con rể của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Con gái của ông được vua Trần Anh Tông nạp vào cung và phong làm Thứ phi. Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia đầu thế kỷ XIX là Phan Huy Chú, khi lựa chọn các “Tướng có danh tiếng và tài giỏi”, ở đời Trần (1226-1400), có 4 người, Phạm Ngũ Lão, được xếp tề danh với Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật và Trần Khánh Dư.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhà văn hoá Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ tài hoa của Thủ đô và đất nước
    Chiều 12/12/2024, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024). Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.
  • Trao giải, triển lãm 62 tác phẩm ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản”
    62/561 tác phẩm ảnh chất lượng trong cuộc thi ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản” được đưa ra triển lãm và trong đó có 11 tác phẩm của 8 tác giả xuất sắc đạt giải.
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND TP Hà Nội
    Bà Nguyễn Thị Tuyến, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội và ông Nguyễn Quang Đức, nguyên Trưởng ban Nội chính, được cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND thành phố do được phân công công tác khác.
  • Cơ hội tăng trưởng cho ngành rau, hoa, quả Việt Nam
    Ngày 12/12, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế chuyên ngành Công nghệ sản xuất và Chế biến rau, hoa, quả lần thứ 7 (HortEx Vietnam 2025).
Đừng bỏ lỡ
Vũ Danh Thuận – doanh nhân có tấm lòng vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO