Tú Mỡ: “Màu mỡ vì chưng ra cả bút”

Vũ Quần Phương| 04/01/2020 10:48

Tú Mỡ tên thật là Hồ Trọng Hiếu. Sinh năm 1900. Như vậy, ông có sáu năm được thở chung một bầu khí quyển với nhà thơ Tú Xương yêu kính. Thuở nhỏ, Hồ Trọng Hiếu học chữ Nho, ông nội dạy. Học xong Tam tự kinh thì ông nội mất, Trọng Hiếu theo học chữ quốc ngữ ở trường Hàng Bông (nay không còn), trường Hàng Vôi (trường Nguyễn Du bây giờ) và trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An). Chính ở cái trường Bưởi này, Tú Mỡ đã “anh hoa phát tiết” tài làm thơ.

Tú Mỡ: “Màu mỡ vì chưng ra cả bút”

Tú Mỡ tên thật là Hồ Trọng Hiếu. Sinh năm 1900. Như vậy, ông có sáu năm được thở chung một bầu khí quyển với nhà thơ Tú Xương yêu kính. Thuở nhỏ, Hồ Trọng Hiếu học chữ Nho, ông nội dạy. Học xong Tam tự kinh thì ông nội mất, Trọng Hiếu theo học chữ quốc ngữ ở trường Hàng Bông (nay không còn), trường Hàng Vôi (trường Nguyễn Du bây giờ) và trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An). Chính ở cái trường Bưởi này, Tú Mỡ đã “anh hoa phát tiết” tài làm thơ.

Năm 1918, đỗ bằng thành chung (tương đương bằng tốt nghiệp Phổ thông cơ sở bây giờ), Hồ Trọng Hiếu vào làm ở Sở Phi năng (Sở Tài chính). Sau hai năm làm việc, những điều chướng tai gai mắt trong nhiệm sở, ngoài xã hội, lại kích thích bằng cái mầm hài hước có sẵn trong ông. Ông viết bài Bốn cái mong của thầy phán đăng trên báo Nam Phong. Đây là những bài tự diễu cái nghề công chức cạo giấy của mình. Tác giả đã vẽ rất tài hình hài, tính nết, đến cung cách làm việc của cả một loại người:

Hai buổi đến ung dung ư buồng giấy, số to số nhỏ, 
bày liệt bày la;

Tám giờ ngồi chễm chệ ư ghế mây, mực đỏ 
mực đen, viết chi viết chát
Lỡ buổi đi trưa, nhìn trước, nhìn sau lấm lét rụt rè 
như rắn mồng năm
Lỡ khi lầm lỗi, đứng lên, ngồi xuống băn khoăn ủ rũ 
như diều hâu tháng chạp

Vì tác giả dấu tên nên khi đăng bài này nhiều người lầm tưởng là thơ của Tú Xương. Sự nhầm lẫn ấy cho thấy mức độ thành công của bài thơ. Quả là ở bài thơ này Tú Mỡ đã có được bút pháp tự nhiên và sinh động của Tú Xương. Những chi tiết đưa ra rất đắt, nói được cả diện mạo lẫn thần thái nhân vật. Những khẩu ngữ cũ, những thành ngữ mới dắt nhau rất tự nhiên và cũng rất bất ngờ: Gắt ỏm mắm tôm, Tán nhăng phó mát... Thân phận người công chức khổ trong chế độ cũ, cũng là thân phận tác giả, còn trở đi trở lại trong nhiều bài thơ của Tú Mỡ, tạo nên phần trữ tình đáng quý ở thơ ông. Ở đấy, giọng văn nghịch ngợm cười cợt của Tú Mỡ đã đụng tới cái gì, nói theo Xuân Diệu, như là nước mắt:

Tú Mỡ nghe tên rõ chướng phè
Làm thiên hạ tưởng béo sù ghê
(...) Mà hóa người thon như cái nhái
Té ra mình xác tựa con ve
(...) Màu mỡ vì chưng ra cả bút
Thân hình nên mới ngẳng như que
(Mỡ mà chẳng... mỡ; Giòng nước ngược I)

Từ 1925, Tú Mỡ đăng thơ trên các báo và tạp chí như: Nam Phong, Tứ dân, Việt Nam thanh niên. Nhưng ông thực sự được chú ý là từ năm 1932, khi ông giữ mục Giòng nước ngược trên báo Phong hóa. Cái tên Tú Mỡ được khai sinh với Giòng nước ngược Giòng nước ngược đã thành tên cho tuyển tập thơ tiêu biểu của Tú Mỡ trước Cách mạng tháng Tám. Xã hội thời Tú Mỡ không còn tính chất giao thời như thời Tú Xương, nó đã đi sâu vào Âu hóa, sự lố bịch vẫn đầy rẫy, có khi còn trắng trợn hơn trước. Tú Mỡ đã thấy, đã nghe, đã cảm nhận được tất cả, tất cả cái ngược đời, cái hài hước của thời thế, của nhân tâm đạo lý và đã giữ nó lại trong thơ mình như một tang chứng lịch sử sống động.

Nguyên một cái Viện dân biểu do thực dân Pháp dựng lên làm một chiêu bài Dân chủ đã bị Tú Mỡ tấn công từ nhiều phía với hàng vài ba chục bài thơ. Tú Mỡ khi ấy chưa có được quan điểm cách mạng đúng đắn của Đảng, nhưng bằng trái tim của một người yêu nước, yêu sự thật, cũng đủ nhận ra cái giả dối bôi bác của trò hề này. Đây là mảng đề tài ông viết rất hào hứng, tính chất trào phúng nằm ngay trong sự việc. Hãy xem cung cách một ông nghị đi họp, bề ngoài rất oách, Áo sa, khăn nhiễu, giày ban. Kính trắng gọng vàng tay cắp cặp da. Và cũng chỉ bề ngoài thế thôi, chứ vào cuộc họp thì ngẩn mặt tần ngần. Ngồi nghe diễn thuyết ngủ dần thiu thiu...

Tú Mỡ đã bắt được những nét phổ biến có tính điển hình của lũ người dốt nát và hãnh tiến này. Nhà thơ cứ mát mẻ mà “tuyên dương công trạng” ông nghị vùng ta:

Gật gù nghe đọc diễn văn
Vì dân ráng sức mấy lần vỗ tay.

Nghe thì cứ nghe, sao phải gật gù. Nhưng có gật gù thì mới tỏ vẻ ta đây hiểu biết. Luôn luôn phải tỏ vẻ thế vì các ông nghị cũng tự biết mình lắm chứ. Cái hài hước đẻ ra từ sự giả dối đó. Văn chương trào phúng thường phát triển khi sự giả dối ngự trị ở ngoài đời. Cái nguyên mẫu ấy cứ dựng nên đã đáng cười rồi, Tú Mỡ nâng nó lên thành hình tượng nghệ thuật bằng một cách chuyền nghĩa bóng sang nghĩa đen của ba chữ bầu nhiệt huyết:

Mỗi năm vất vả mươi hôm
Một bầu nhiệt huyết vẫn ôm kè kè
(Ông nghị đi hội đồng về; Giòng nước ngược)

Thơ Tú Mỡ không gay gắt được như Tú Xương, cũng không thâm trầm được như Nguyễn Khuyến. Nhưng ông lại được cái dí dỏm, có duyên. Không biết có phải để lọt được lưới kiểm duyệt mà Tú Mỡ chọn cho mình giọng thơ ấy không. Ông đả kích làm cho đối tượng đỏ mặt, xấu hổ, chứ không nỡ chôn sống người ta. Ông không đánh ác. Tuy nhiên cứ dí dỏm vậy mà nhiều chỗ rất trúng huyệt. Hãy nghe ông tả cái chuông nghị sự ở Viện dân biểu, lời văn cứ khách quan, như văn “tả chân” của học sinh tiểu học:

Nó cũng kiểu như chuông xe rác
Cũng như chuông của các hàng rong.

Vậy mà có cách nói nào hơn để chỉ ra thực chất rác rưởi của nghị viện bù nhìn và các thứ mồm loe mép giải của lũ tham quyền cố vị nghị viên.

Đối với thực dân Pháp, Tú Mỡ viết không được nhiều, và chưa sướng bằng, khi đả quan lại bù nhìn có lẽ vì chính sách kiểm duyệt của Pháp. Tú Mỡ phải né tránh nhiều, đòn đánh chưa hả. Khi Pháp bị Nhật hất cẳng, sau 9/3/1945 Tú Mỡ cho đăng một loạt bài đả Pháp, nhưng không còn đắc địa nữa, vì bỏ sức lực để đạp một bức tường đã đổ thì cũng chẳng hào hứng gì. Tìm tính chất phản đế trong thơ Tú Mỡ trước Cách mạng nên tìm ở những bài ông đả vào chính sách cai trị của thực dân, vào cái cơ cấu xã hội mà nó tạo ra, cái hủ tục mê tín mà nó nuôi dưỡng, hơn là tìm vào sự đả kích từng tên thực dân cụ thể, việc đó Tú Mỡ sẽ làm trong kháng chiến chống Pháp. Khi xét tới các thứ thuế, Tú Mỡ đã đay lại khẩu hiệu tự do, bình đẳng của thực dân, và tự hào:

Dân mình há chịu kém ai sao!
Tự do bình đẳng tuy thua thiệt
Nhưng đã hơn người cái… thuế cao

Đôi chỗ trong tiếng cười của Tú Mỡ, ta nghe thấy cả tiếng thở dài chua xót. Trong bài “Đại phu... xe hàng” có cái cười đả kích luật lệ đương thời và có nỗi xót thương phận người cùng khổ:

Cu ly cũng phải lấy… bằng
Của tòa Đốc lý chứng rằng… chính tông
Là người da sắt, xương đồng
Khỏe chân, cứng gối, chính dòng kiện nhi,
Danh trong giá sạch như li,
Chẳng khi can án, chưa khi ngồi tù
Bao lần giấy, bấy lần… xu,
Mới làm nên chức đại “phu xe hàng”

Nghệ thuật trào phúng ở bài này khá cao, bởi từ một sự kiện đời sống, Tú Mỡ đã bóc ra được nhiều tầng mâu thuẫn chua chát, đáng cười và đáng xót xa.

Nhiều cảnh đời lố lăng, hài hước, chua chát đã được lưu giữ trong thơ Tú Mỡ. Tú Mỡ có cách viết rất hoạt, thâu tóm nhanh những mặt đối lập của đời sống. Người đọc có cảm tưởng ông viết dễ dàng, đụng đến đâu là gây cười ở đấy. Một cái chuyện đi lọng, long trọng đến bông phèng, trưởng giả đến lố lăng:

Có khi đón các ông to
Các ngài ấy ngự ô tô tân thời
Bốn anh chạy bở hơi tai
Chạy theo vác lọng che ngoài mui xe
Con trâu đi chọi trở về
Linh đình cũng có lọng  che rợp trời
Cưới xin đệ nhất buồn cười
Lợn quay đi lọng cha đời lố lăng.

Rồi những chuyện mê tín dị đoan. Linh thiêng hiển thánh kiệu bay nhờ vía bà. Lời thơ đả ác:

Vía bà động cỡn tốc bay lên
Cách mạng tháng Tám không phải là cái mốc cắt đôi phong cách sáng tác của Tú Mỡ như đối với các nhà thơ lãng mạn thời ấy. Tú Mỡ vẫn tiến trên hướng viết của mình với nhiều phát triển mới. Ông đã đoạn tuyệt với thân phận ký cóp, phán còm, để trở thành một nhà thơ cách mạng. Từ năm 1947 Tú Mỡ được trao nhiệm vụ làm thơ đả kích địch, đầu tiên ở Sở thông tin tuyên truyền khu 12 (Liên khu một), rồi ở Ty thông tin Bắc Giang, Nha thông tin Trung ương. Ông khai sinh một bút danh mới: Bút chiến đấu. Anh em bạn văn thường gọi là bác Đấu. Bác Đấu đã đánh Pháp, đánh bù nhìn liên tục tới lúc Pháp thua, Pháp rút. Tập thơ Bút chiến đấu của Tú Mỡ, chọn lọc lại từ các bài thơ viết từ 1947 đến 1954 có tới 105 bài.

Từ 1954, Tú Mỡ chuyển đối tượng đả kích: Mỹ và các chính quyền tay sai ở miền Nam, từ Diệm đến Thiệu. So với các giai đoạn trước, thơ Tú Mỡ từ 1954 có nhiều nét khác biệt: đối tượng đả kích thu hẹp và chất liệu để dựng bài phải khai thác bằng cách gián tiếp từ các tài liệu, sách báo. Ông không có điều kiện để tắm mình vào cái bể lố lăng những chuyện đời chuyện người như trước, nhưng ông lại có được thuận lợi là những hiểu biết sâu sắc về kẻ thù, được trang bị quan điểm đúng để nhìn và phân tích đối tượng.

Cuối đời, trên cây đàn trào phúng Tú Mỡ nẩy lên đôi giai điệu trữ tình đằm thắm trong chùm thơ về tình cảm gia đình, đặc biệt là tình ông cháu. Vẫn nằm trong mạch văn hóm hỉnh của nhà thơ, nhưng tác động của nó lại xoay vào sự yêu thương nhiều hơn. Ở các bài thơ này, lối viết giản dị càng nâng cao tính chân thật của tình cảm tác giả.
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Tú Mỡ: “Màu mỡ vì chưng ra cả bút”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO