30 năm nhìn lại, một chặng đường với biết bao gian khó, chông gai, lớp lớp thế hệ thầy và trò Trường THCS Tân Hà đã luôn nỗ lực, phấn đấu phát huy truyền thống tốt đẹp trong công tác giảng dạy và học tập để đạt được những thành quả đáng trân trọng và tự hào như ngày hôm nay. Chặng đường 30 năm ấy chứa đựng biết bao công sức, mồ hôi và cả tuổi thanh xuân của không ít các thầy cô giáo, có nhiều người đã sẵn sàng bỏ lại cả những niềm riêng để cống hiến, vun đắp cho sự nghiệp trồng người.
Những ngày đầu gian khó…
Trường Trung học Cơ sở Tân Hà, tiền thân là trường Phổ thông cấp II Tân Hà được thành lập năm 1992 theo quyết định Số 585/QĐ-UB ngày 22 tháng 8 năm 1992 của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Lâm Hà. Từ khoảng những năm 1976, vùng kinh tế mới Hà Nội đã được thành lập tại mảnh đất Lán Tranh - Tân Hà. Theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước rất nhiều đồng bào từ các quận, huyện của Thành phố Hà Nội đã vào vùng đất Tân Hà - Lán Tranh lập nghiệp. Vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, bằng bao nỗ lực của họ, miền quê mới dần được hình thành. Cùng với rất nhiều thứ phải bắt đầu, giáo dục Tân Hà cũng được khởi đầu từ đây. Từ đó một ngôi trường có tên là trường Phổ thông Cơ sở Tân Hà ra đời để phục vụ cho con em của những người dân xây dựng vùng kinh tế mới. Nói là trường nhưng tất cả mọi cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy và học tập đều thiếu thốn vô cùng. Ngôi trường với mái Fibro xi măng, vách gỗ gió lồng lộng thổi tứ bề, sân trường trơ trọi đá sỏi, nắng bụi, mưa lầy. Những ngày đầu gian khó ấy cũng không thể làm nao núng quyết tâm “gieo chữ” và ươm những mầm tương lai cho đất nước trên miền quê mới của các thầy cô giáo lúc ấy giờ.
Trong buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập trường, ông Nguyễn Hữu Trạch - Hiệu trường nhà trường xúc động kể về quá trình hình thành và phát triển của Trường THCS Tân Hà, đó là chặng đường đầy gian nan, thử thách nhưng cũng đầy tự hào và vinh quang. Ông cho biết: Những ngày đầu mới thành lập, cơ sở vật chất nhà trường chỉ là 02 dãy nhà cấp 4 cũ được chuyển đổi từ khu nhà kho vật tư nông nghiệp của nông trường Lán Tranh. Mọi điều kiện cho hoạt động dạy học của nhà trường đều vô cùng thiếu thốn. Từ viên phấn, tập giấy, cây bút,... những thứ tối thiểu để làm công cụ dạy học cho đến những cơ sở vật chất khác làm nên một ngôi trường như: phòng học, bàn ghế, nơi làm việc, nghỉ ngơi cho CB-GV-NV. Cảnh quan sư phạm thiếu bóng cây chỉ toàn cỏ tranh và đất đỏ. Lúc bấy giờ, cả trường chỉ có vỏn vẹn 5 phòng học, tất cả thầy cô và học sinh phải thực hiện theo lịch dạy học 3 ca (từ 7 giờ đến 10 giờ, từ 10 giờ 30 đến 13 giờ 30, từ 14 giờ đến 17 giờ). Do địa bàn phân bố dân cư rộng vì vậy ngoài trường chính nhà trường còn phải thành lập các phân trường tại xã Hoài Đức, Tân Thanh, Phúc Thọ, Liên Hà, Đan Phượng nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học và giảm bớt khó khăn cho học sinh tại các xã lân cận. Trong thời kỳ này rất nhiều thầy cô được phân công dạy học ở phân trường ngày ngày phải miệt mài đi bộ hàng chục ki lô mét để đến các điểm trường dạy học
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Trạch cũng gửi lời tri ân sâu sắc tới thế hệ các thầy cô giáo, những người làm công tác biệt phái - Những người đặt nền móng đầu tiên cho nền giáo dục Tân Hà. Các thầy cô làm công tác quản lý cấp 1 như thầy Thái, cô Liên, cô Hồng... Thầy cô làm công tác quản lý cấp 2 như thầy Hưng, thầy Khánh, thầy Mạc, thầy Ninh... Thầy cô tham gia giảng dạy cho học sinh cấp 2: cô Thanh Hà, thầy Hải, cô Vân Khanh, cô Bích Nga, thầy Hòa, ...
Nỗ lực được đền đáp xứng đáng
Đến năm học 1996 - 1997, trường THCS Tân Hà được chuyển lên địa điểm mới nằm trên đồi cỏ tranh rộng hơn 1,8 hecta trên đỉnh dốc 200 thuộc thôn Tân Trung, xã Tân Hà. Cơ sở mới với 01 dãy nhà cấp 4 với 5 phòng học. Mọi khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây. Ngày đó, 5 phòng học vẫn không đủ cho số học sinh của trường, vì vậy nhà trường phải dạy cả 2 nơi, cả khu trường cũ và khu trường mới. Việc các thầy cô tận dụng thời gian nghỉ ngơi, giải lao giữa các tiết học để di chuyển vội vàng từ trường cũ đến trường mới và ngược lại cho kịp giờ dạy là điều không tránh khỏi. Khu trường mới hoang vu, 5 gian phòng học nằm ngay sườn đồi dốc ngược. Những ngày mưa lớn, đất từ trên đỉnh đồi xô xuống tràn vào lớp học. Vì vậy, lứa học trò những năm đó ngoài giờ học là những giờ lăn lộn cùng thầy cô lao động san lấp mở rộng mặt bằng cho sân trường. Nhưng cũng từ đây, khó khăn dần vơi đi. Cùng với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương; sự nỗ lực phát triển kinh tế của nhân dân và truyền thống hiếu học được phát huy từ nhiều miền quê của đất nước; tình yêu thương và sự gắn bó tâm huyết của nhiều thế hệ thầy cô. Trường THCS Tân Hà mỗi ngày một phát triển về quy mô từ cơ sở vật chất, thiết bị ngày càng hiện đại đến chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, luôn giữ vững danh hiệu ngôi trường đứng tốp đầu của huyện. Uy tín, vị thế nhà trường mỗi ngày được vun đắp, xây dựng một cách vững chắc. Sự hiếu học, tính thân thiện và năng động của các thế hệ học sinh ở Tân Hà được truyền cho lớp lớp đàn em tạo nên bản sắc riêng cho địa phương nói chung và trường THCS Tân Hà nói riêng. Những cố gắng, nỗ lực của thầy và trò trường THCS Tân Hà đã được đền đáp xứng đáng. Năm học 2013 - 2014, nhà trường đã vinh dự đón bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ II. Đến năm học 2019 - 2020 nhà trường tiếp tục được công nhận trường THCS đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ III và danh hiệu trường chuẩn Quốc gia mức độ II. Nhà trường đã được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh năm học 2015 - 2016, 2019 - 2020, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ năm học 2017 - 2018, CB - GV - CNV đạt các danh hiệu cao như: Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở cùng các bằng khen, giấy khen; hàng năm trường đều có những học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong các kì thi HSG các cấp, học sinh đạt huy chương đồng quốc gia Violympic toán, học sinh đạt giải các cuộc thi tin học trẻ, Học sinh đạt huy chương trong các kì đại hội TDTT cấp huyện, cấp tỉnh.
Cũng tại buổi lễ, ông Trương Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà đã gửi lời chúc mừng trước những thành tựu mà thầy và trò trường THCS Tân Hà đã đạt được trong chặng đường 30 năm qua: “Kỷ niệm 30 năm thành lập trường sẽ là mốc son đánh dấu sự lớn mạnh của nhà trường và ghi nhận những nỗ lực phấn đấu không ngừng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh toàn trường qua các thế hệ. Đây cũng là niềm tự hào để nhà trường tiếp tục làm tròn sứ mệnh cao cả của mình trong thời hội nhập và phát triển. Tôi tin rằng trong thời gian tới với sự quan tâm chia sẻ của lãnh đạo các cấp, của toàn xã hội, với tình yêu nghề, nhiệt huyết cống hiến của đội ngũ nhà giáo và truyền thống hiếu học của các lớp học trò, lãnh đạo huyện Lâm Hà tin tưởng trường THCS Tân Hà sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công, vươn cao và vươn xa hơn nữa”.
Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Song song với việc đầu tư cơ sở vật chất, nhà trường đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Với những bước đột phá trong chỉ đạo chuyên môn, chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng ổn định và chuyển biến vững chắc. Hiện nhà trường có 47 giáo viên trên tổng số 26 lớp. Hầu hết các giáo viên của trường đều đã có thâm niên trong nghề và sinh sống ổn định tại địa phương nên có nhiều điều kiện thuận lợi trong công tác. Giáo viên của trường đủ số lượng, đảm bảo cơ cấu cho tất cả các môn học, đạt trình độ chuẩn và được phân công giảng dạy theo đúng chuyên môn được đào tạo. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có thế mạnh về hoạt động phong trào, trường có Chi bộ độc lập luôn lãnh đạo tốt mọi hoạt động; các đoàn thể hoạt động đồng bộ luôn thực hiện đúng vai trò chức năng của mình. Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh sự cố gắng về cơ sở vật chất, nhà trường còn tập trung nâng cao chất lượng dạy học, hạn chế học sinh bỏ học; đẩy mạnh hoạt động tổ chuyên môn; tích cực bồi dưỡng đội ngũ cả về phẩm chất chính trị lẫn chuyên môn nghiệp vụ; đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng phần mềm tiện ích vào quá trình dạy học và quản lí. Nhà trường luôn xác định “Chất lượng giáo dục là danh dự, là uy tín của trường”. Do đó chất lượng giáo dục luôn được ổn định và có chiều hướng phát triển tốt.
Từ mái trường THCS Tân Hà, các thế hệ học sinh đã ra trường, tỏa đi muôn nơi tiếp tục học tập, lao động, đóng góp công sức, trí tuệ phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong số đó có nhiều học sinh đã quay trở về địa phương đảm nhận các vị trí lãnh đạo, tham gia vào sản xuất phục vụ cho công cuộc xây dựng quê hương. Chặng đường 30 năm với những thành tích đã đạt được, dù vẫn chưa đáp ứng hết yêu cầu đã đặt ra nhưng cũng đủ để khẳng định khát khao vươn lên, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể thầy và trò qua các thời kỳ. Dù là 30 năm trước hay thời điểm hiện tại, các thầy cô luôn hiểu và tâm niệm rằng sự nghiêp trồng người là một hành trình dài và sẽ phải đối mặt với những khó khăn, vất vả nhưng cũng rất đỗi vinh quang, cao quý. Chính vì thế mà các thầy cô luôn cố gắng phấn đấu hết mình bằng sức trẻ, tài năng, bằng nhiệt huyết với nghề, bằng tình thương và lòng bao dung của người thầy để chắp cánh cho những ước mơ của các thế hệ học trò được bay cao, bay xa, để mái trường Tân Hà thân yêu ngày một phát triển vững mạnh.
Hành trình 30 năm của Trường THCS Tân Hà được kể lại bằng tất cả lòng biết ơn, niềm tự hào và tình yêu của các thế hệ thầy và trò. Chính những điều đó là “huyết mạch” chảy xuyên suốt trên chặng đường dài đầy gian nan để biến một ngôi trường đơn sơ, sân trường đầy sỏi đá ngày nào giờ trở thành ngôi trường khang trang, sạch đẹp, hiện đại, sân trường được phủ xanh bóng mát. Bao lớp học trò cũ từ mọi miền của đất nước, hôm nay trở về mái trường xưa trong niềm hân hoan, họ đã được sống lại những khoảnh khắc hạnh phúc, tinh khôi nhất của đời người. Mà đâu đó giữa bộn bề của cuộc sống ,giữa những danh vọng, tiền tài, giữa những lo toan cơm áo thường nhật đã làm người ta quên lãng./