Văn hóa – Di sản

Tín ngưỡng thờ rắn ở làng Kim Bài và làng Đại Từ

Nguyễn Hữu Thức 09:39 10/02/2025

Truyền rằng ở làng Đại Từ (xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ) có một chàng trai nghèo rời làng đi đánh giậm kiếm ăn. Chàng đến làng Kim Bài và bén duyên với một cô gái làng Cát Động cùng xã cũng nghèo khổ như chàng. Hai bên làm nhà trên một bãi đất cạnh hồ lớn, sáng thường ra hồ đánh giậm kiếm cá tôm.

Một hôm ông đi đánh giậm ở hồ, lần đầu nhấc giậm thì thấy hai quả trứng. Nghĩ rằng trứng của loài thủy tộc chẳng ăn được nên ông liền nhặt vứt xuống hồ. Lần sau nhấc giậm ông vẫn thấy hai quả trứng bèn nhặt vào giỏ mang về nhà. Bà vợ nghe chồng kể lại chuyện bèn cho trứng vào cối giã gạo. Con gà mái mơ trông thấy bay tới ấp. Ít ngày sau, trứng nở hai con rắn nhỏ. Từ đấy, vợ chồng ông chăm chút đôi rắn như con vật quý trong nhà. Đôi rắn quẩn quanh ông bà trong bữa ăn và cả lúc đi làm.

r1.jpg
Đền Tổng ở làng Kim Bài nơi thờ ông Cộc, ông Dài.

Một ngày kia, ông có việc sang ăn cỗ nhà hàng xóm. Đến đó, ông để đôi rắn ở cổng và đi vào nhà. Chó của nhà chủ xổ ra cắn đôi rắn, một con leo nhanh lên nóc cổng, còn con kia chui vào cối xay lúa, cái đuôi thò ra thì bị chó cắn cụt mấy đốt. Ông bỏ dở bữa cỗ, mang con rắn bị thương về nhà cùng vợ chăm sóc. Từ đó, dân làng gọi đôi rắn trên là “ông Cộc, ông Dài”. Đôi rắn mỗi ngày một lớn kiếm cá tôm về nuôi ông bà.

Một năm nọ, trời làm đại hạn, ruộng đất trong vùng khô nẻ, cây cối khô héo, dịch bệnh phát sinh. Dân làng lo sợ, liền cầu khẩn các vị thần linh cứu giúp con người. Thấy vậy, ông bà liền gọi đôi rắn nói với chúng đi gặp vua Thủy tề có lời nói giúp để vua ban nước cho dân làng thoát nạn.

r2.jpg
Đền Đại Từ thờ bố mẹ và ông Cộc, ông Dài.

Nghe vậy, đôi rắn ròng ròng hàng lệ cáo biệt bố mẹ. Quả nhiên, hai ngày sau, giông tố ầm ầm kéo đến. Mưa như trút nước, cây cối hồi sinh tươi tốt, lòng người hể hả. Cũng từ đó, không thấy đôi rắn trở về, dân các làng trong tổng Phương Trung, huyện Thanh Oai chịu ơn lập miếu thờ. Ông Cộc gọi là Ngũ Lôi, ông Dài gọi là Thiên Quan.
Vài năm sau, bố nuôi đôi rắn ngã bệnh mất. Dân làng chôn cất ông ở bãi đất cạnh đầm Long Châu bên sông Đáy thuộc làng Kim Chu và trồng hai cây móc và một cây si phía trước mộ. Mồ yên mả đẹp vừa xong thì đêm đó trời đổ mưa to, gió lớn, sấm chớp ầm ầm, dân làng nghe như có hàng vạn bước chân người qua lại. Sáng ra, không thấy mộ bố nuôi đôi rắn, chỉ còn lại dấu tích một giếng nước gọi là giếng đền Đàn. Sáng ấy, dân làng Đại Từ bỡ ngỡ thấy hiện ra ở khu đất đẹp cạnh làng một ngôi mộ còn nguyên cả hai cây móc và cây si.

Lên xem, dân làng Cát Động, Kim Bài đều bảo rằng đó chính là ngôi mộ dân làng đã chôn cất ông hôm trước, hẳn đôi rắn đã chuyển mộ bố nuôi về an táng ở quê cha đất tổ. Từ đó, dân làng Đại Từ giữ gìn lăng mộ, xây đền thờ hai thủy thần và bố mẹ nuôi đôi rắn. Bà mẹ nuôi được chôn cất ở vườn nhà cũ, nay là đền Hồ, tục gọi đền Thượng. Vào ngày kỵ giỗ bà, hai cụ từ (một của làng Cát Động, một của làng Kim Bài) túc trực hành lễ việc tín ngưỡng của dân địa phương.

Từ đấy, hễ năm nào đại hạn, triều đình lại cử các quan về cùng dân làng Kim Bài và dân các làng thuộc tổng Phương Trung tổ chức cầu đảo vũ tại đền Tổng ở làng Kim Bài, mở cửa đền Hồ. Ở gốc cây gạo bãi Đàn bên giếng Đền cạnh đầm sen Long Châu nơi năm xưa ông bà đánh bắt được hai quả trứng, người dân làm nhà lều, lấy lá sen lợp mái, lại đem chiêng đồng ra đánh thỉnh gọi hai thủy thần giúp dân. Các cụ mở cửa đền - đình rước ngai hai thủy thần ra đặt ngoài trời tế lễ cầu mưa.

Các già làng ở Kim Bài và Đại Từ truyền rằng, việc cầu đảo vũ xin sự phù trợ của ông Cộc, ông Dài đều có sự linh ứng, lần nào trời cũng đổ mưa to. Nhưng mưa đâu thì mưa, nhất thiết phải mưa đền ơn cha mẹ ở Đại Từ - Cát Động - Kim Bài. Vì vậy, ca dao cổ có câu: “Mưa từ trong núi mưa ra/ Mưa khắp thiên hạ mưa qua Đại Từ”.

Nơi thờ chính ông Cộc, ông Dài ở đền Tổng thuộc tổng Khương Trung xưa. Ngoài ra các thôn: Đôn Thư, Kim Bài, Kim Thư, Tràng Cát, Cát Động, Phù Lạc, Chuông (huyện Thanh Oai) và làng Đại Từ (huyện Chương Mỹ) lập đình, đền tưởng niệm công đức hiển linh giúp dân của đôi rắn ông Cộc, ông Dài. Dân làng Đại Từ suy tôn ông Cộc, ông Dài làm Thành hoàng bảo trợ dân làng và được thờ ở đình. Triều đình phong kiến có sắc phong ông Cộc là Bảo Trung Thái Tử Trị Hải quốc vương, ông Dài là Hoàng Đầu Thái Tử Đại Hải quốc vương, phong hai vị thần là thượng đẳng thần; phong cha nuôi là Thánh Phụ dưỡng bảo từ Thái Sư, phong mẹ nuôi là Thánh Mẫu dưỡng bảo từ, Thái Bảo, Minh Ý. Thánh Phụ và Thánh Mẫu được phối thờ ở đình Đại Từ.

Hằng năm, lễ hội tưởng niệm ông Cộc, ông Dài được tổ chức vào hai ngày 12 và 13 tháng Hai âm lịch. Ngày 12, dân làng tổ chức rước long ngai bài vị ông Cộc, ông Dài ở những nơi thờ trong huyện Thanh Oai về đền Tổng thuộc làng Kim Bài và tế lễ ở đó. Ngày 13 là chính hội được tổ chức lớn tại đình làng Đại Từ. Từ sáng sớm, các làng ở huyện Thanh Oai cùng thờ ông Cộc, ông Dài tổ chức rước kiệu đặt long ngai, bài vị ông Cộc, ông Dài đến xếp ngay ngắn ở sân đình làng Đại Từ. Riêng dân làng Kim Bài còn tổ chức rước kiệu trên thuyền, trên thuyền đặt kiệu, thêm hình nộm 2 con rồng bện bằng rơm và phù giá kiệu có hai người họ Hồ đeo mặt nạ đi giật lùi trước kiệu làm trò vui. Theo sau là gánh hát họ Hồ đủ cả đào và kép hát ca trù dẫn kiệu, lại tổ chức kéo thuyền rồng từ Kim Bài ngược sông Đáy lên đền - đình Đại Từ.

Người dân Kim Bài có tục kiêng gọi tên Cộc kỵ húy ông Cộc mà thay bằng từ “bường” như không gọi cây tre cộc mà gọi là cây tre bường.
Huyền thoại ông Cộc, ông Dài là một thần thoại tố, có tính suy nguyên giải thích tín ngưỡng thờ rắn. Hiện diện của tín ngưỡng thờ rắn (ông Cộc, ông Dài) và những dấu tích còn sót lại và ký ức về diễn xướng đảo vũ cầu mưa ở làng Kim Bài, Đại Từ. Đây cũng là bằng chứng về sự xuất hiện rất sớm của cư dân Việt cổ thời Hùng Vương bên tả ngạn sông Đáy trong quá trình từ vùng núi xuống chiếm lĩnh khai phá đồng bằng và mối quan hệ giữa các cư dân tả hữu ngạn sông Đáy ở huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và lụa Vạn Phúc là thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo Thế giới
    Vào lúc 19h30 ngày 14/2/2025, tại Hoàng Thành Thăng Long sẽ diễn ra Lễ đón nhận làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và Dệt Vạn Phúc là thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo Thế giới.
  • Khai hội đình Tây Đằng: Góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ di sản
    Vào ngày 7/2 (tức mùng 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Lễ hội truyền thống đình Tây Đằng, một di tích quốc gia đặc biệt, chính thức khai hội, thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân địa phương và du khách thập phương. Đây là dịp không chỉ để tưởng nhớ lịch sử, văn hóa của địa phương mà còn thể hiện sự tiếp nối và gìn giữ các giá trị truyền thống của dân tộc.
  • Huyện Thanh Oai tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê, Khai hội xuân Ất Tỵ 2025
    UBND huyện Thanh Oai (TP. Hà Nội) vừa thông tin, ngày 7/2/2025 (mùng 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Oai sẽ tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê, đồng thời Khai hội Xuân Ất Tỵ 2025.
  • Nhớ bát cháo sườn chợ quê xưa
    Chợ nhỏ làng lụa Vạn Phúc quê tôi xưa không sầm uất, ồn ào mà mang dáng vẻ như những người thợ dệt nhẹ nhàng, mảnh mai, mềm mại. Chợ họp trên một đoạn đường sau ngôi đình làng cổ kính nổi tiếng thờ đức Thành hoàng làng Ả Lã Đê Nương, người có công dạy nghề dệt lụa cho dân, để hôm nay tiếng thơm của lụa Vạn Phúc vang xa thật xa…
  • Khai hội đền Sóc năm 2025
    Hòa chung không khí của cả nước đang tưng bừng chào Xuân mới Ất Tỵ 2025 và kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025); sáng 3/2/2025, (tức mùng 6 Tết Nguyên đán Ất Tỵ), huyện Sóc Sơn đã long trọng tổ chức khai hội đền Sóc năm 2025, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội).
  • Lễ hội xuân miền di sản
    Địa linh, tự bản thân nó đã là nơi chung đúc nên linh khí và kiến tạo các giá trị vật thể của vùng đất. Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, “nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây” (Chiếu dời đô), là một địa linh từ ngàn xưa. Ở nơi này, người người tụ họp, do cố kết với nhau, cộng mệnh cộng cảm mà thành ra những lễ hội của cộng đồng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Một ngày với chùa Hương…
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Một ngày với chùa Hương… của tác giả Đào Ngọc Chung.
  • Sương chiều
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Sương chiều của tác giả Nguyễn Linh Khiếu.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Duyên nợ mai vàng (Kỳ 2)
    "Chẳng có điều gì là không thể. Cơ bản là ta có thực sự muốn hay không!”. Nếu với ai đó thì đây quả là một hành động bộc phát điên rồ, nhưng tôi thì hoàn toàn nhận thức rõ điều mà tôi đang làm. “Cancel” tất cả những hợp đồng công việc mang đến nhiều lợi lộc cho tôi chỉ vì một bức ảnh trên màn hình máy tính vô tình đập vào mắt nhưng có sức hút với tôi rất mãnh liệt...
  • Học sinh Tràng An tỏa sáng tại cuộc thi Công nghệ trẻ Châu Á - YTAC 2025
    Từ ngày 7-9/2, tại thành phố Kuching (bang Sarawak, Malaysia), vòng chung kết cuộc thi Công nghệ trẻ Châu Á - Youth Tech Asia Challenge (YTAC 2025) đã diễn ra với sự tham gia của 144 đội thi đến từ nhiều quốc gia. Trong đó, học sinh Trường Tiểu học CLC Tràng An (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã xuất sắc giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, cùng hai Giải Đặc biệt danh giá, 2 giải Á quân cuộc thi.
  • Liên hợp quốc sẽ tổ chức lễ ký Công ước về chống tội phạm mạng tại Hà Nội
    Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức lễ ký kết Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng trong năm 2025, Địa điểm diễn ra hoạt động ký kết dự kiến là Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Tín ngưỡng thờ rắn ở làng Kim Bài và làng Đại Từ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO