Văn hóa

“Tiếng gọi” gợi nghệ thuật sáng tạo

Quỳnh Phạm 18/11/2023 17:36

Tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên, Thành phố Hà Nội), triển lãm “Tiếng gọi” của hoạ sĩ Thu Trần tại phân Xưởng 3B1 khiến nhiều du khách không khỏi choáng ngợp và tò mò, thích thú.

trien-lam-tieng-goi.jpg
Triển lãm “Tiếng gọi” của họa sĩ Thu Trần tại phân Xưởng 3B1 - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trong Tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 làm nhiều du khách tò mò, thích thú.

“Tiếng gọi” là triển lãm với 2000m lụa và 15 tác phẩm trên chất liệu tổng hợp do họa sĩ Thu Trần thực hiện. Tác phẩm được trưng bày trong không gian rộng lớn hàng trăm mét vuông tại phân Xưởng 3B1. Họa sĩ Thu Trần đã truy tìm về nguồn cội, về tính nữ vĩnh cửu của "Mẹ Thiên nhiên" thông qua các tác phẩm trên chất liệu lụa và tổng hợp theo trường phái ấn tượng – biểu hiện.

Triển lãm mở ra không gian của những tiếng vọng từ cõi hỗn mang của những Mẫu thần luôn cứu vớt con người qua mọi hành trình từ thuở khai thiên lập địa. Trong huyền hoặc ấy, Mẹ Thiên nhiên đau thương khi Trái đất, với những cánh rừng đã cháy, những cuộc chiến tranh, biến đổi thời tiết…, dường như không mang nổi sức nặng của chính mình.

thu-tran-1.jpg
Họa sĩ Thu Trần dành rất nhiều tâm huyết cho “Tiếng gọi” cũng như nghệ thuật đương đại nói chung.

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, nơi diễn ra triển lãm “Tiếng gọi”, đã trải qua bề dày lịch sử gần 120 năm như một “chứng nhân” lịch sử. Đây là nơi nữ hoạ sĩ Thu Trần đặt nguồn cảm hứng về sự khai phóng và chữa lành. Nhà máy xe lửa Gia Lâm gợi nhắc về Cách mạng Công nghiệp và mốc phát triển của ngành công nghiệp đường sắt những năm đầu thế kỷ XX tại Việt Nam. Hình ảnh đầu máy xe lửa như hài nhi ra khỏi lòng người mẹ để đi đến những chân trời mới, rồi trở về. “Tiếng gọi” đem đến những trải nghiệm thị giác thú vị và suy ngẫm lắng đọng về nhân sinh.

Đến với Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội đã thưởng lãm “Tiếng gọi” và may mắn có được cuộc trò chuyện với họa sĩ Thu Trần về triển lãm này. Hơn thế, nữ họa sĩ tài năng còn chia sẻ về cần thiết cần phải có không gian để người nghệ sĩ được thỏa sức sáng tạo, phát triển đời sống nghệ thuật Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung.

PV: Họa sĩ Thu Trần có thể chia sẻ kỹ hơn về “Tiếng gọi” được không?

Họa sĩ Thu Trần: “Tiếng gọi” gặp đúng “Dòng chảy” – chủ đề của Tuần lễ thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Đấy là nhân duyên. Từ lâu tôi đã mong muốn được treo rất nhiều lụa với sắt, vì hai thứ này thể hiện sự tương phản. Lụa và sắt như âm và dương, giữa trời và đất, đàn ông và phụ nữ. Đàn bà là mềm mại, sinh sôi, quyến rũ, nhẹ nhàng và lan tỏa. Tôi chọn chất liệu lụa vì lụa của người Việt khiến chúng ta hình dung đến sự tan chảy, lụa là một thứ vô cùng êm ái để cho da thịt con người nương náu, đặc biệt mỹ nhân mà mặc trang phục chất liệu lụa thì đẹp biết nhường nào. Tất cả những điều đó là những cái mang bản sắc văn hóa Việt và tôi cũng là người phụ nữ Việt, tôi muốn tôn vinh vẻ đẹp của người đàn bà Việt, tôn vinh sự sinh sôi nảy nở của của tổ tiên mình để lại và sự sinh sôi của phụ nữ trên toàn thế giới nói chung.

tieng-goi-3.jpg
Một bạn trẻ mặc trang phục truyền thống bước đi giữa không gian triển lãm “Tiếng gọi”.

Mang được “Tiếng gọi” đến Tuần lễ sáng tạo Hà Nội 2023, tôi rất vui. Nhìn vào tác phẩm, các bạn trẻ sẽ thấy những ước mơ và điều đó sẽ nuôi sống con người ta bằng ý tưởng, những hoài niệm và điều đó rất tốt cho thế hệ trẻ.

PV: Theo chị, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm có thể trở thành không gian nghệ thuật để các nghệ sĩ sáng tạo, quảng bá tác phẩm nghệ thuật được không?

Họa sĩ Thu Trần: Thực sự cá nhân tôi rất mong muốn Nhà nước quan tâm và giữ gìn di sản Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Hiện chúng ta đang phát triển công nghiệp văn hóa. Các nước trên thế giới họ tận dụng những di sản như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm rất nhiều và biến các địa điểm này thành các “thành phố Nghệ thuật”.

Những khi các xưởng của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm ở chế độ “rảnh”, các nghệ sĩ hoàn toàn có thể đến đây để sáng tác nghệ thuật. Nghệ sĩ có thể thuê địa điểm, nơi nào nhà máy hoạt động sản xuất thì vẫn cứ tiếp tục. Nhà nước và nhân dân cùng làm, như vậy đời sống sẽ trở nên có ý nghĩa, nhộn nhịp và nó tương tác với nhau. Chúng ta có nhiều không gian để sáng tác và quảng bá nghệ thuật nhưng tôi nghĩ hiếm có nơi nào tốt như nơi đây. Nghệ thuật đương đại cần một không gian lớn và có nhiều đất cho nghệ sĩ sáng tạo. Nếu không có “đất” và không gian cho nghệ sĩ sáng tạo thì văn hóa nghệ thuật sẽ khó phát triển.

tieng-goi-2.jpg
Không gian phân Xưởng 3B1 - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đủ lớn đã giúp họa sĩ Thu Trần thể hiện được ý tưởng của mình qua triển lãm “Tiếng gọi”.

Chẳng hạn tôi đã vẽ, có những bức lụa như tại “Tiếng gọi” rồi, nhưng tôi muốn được thăng hoa và thể hiện được ý tưởng thì phải có không gian để diễn. Vì thế khi được mời tham gia trưng bày “Tiếng gọi” tại Xưởng 3B1 – Nhà máy xe lửa Gia Lâm tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, có mơ tôi cũng không dám ngủ say.

Malaysia, Indonesia hoặc Singapore trước kia nghệ thuật của họ cũng chậm, nhưng giờ nghệ thuật của họ tiến lên rất nhiều bởi vì họ có những ưu ái và có đất để người nghệ sĩ diễn. Nghệ thuật Việt Nam hiện nay cũng rất tốt, phát triển nhưng vẫn cần nhất những không gian để trưng bày triển lãm, có không gian để thúc đẩy các hoạt động nghệ thuật. Đấy là điều mà tôi mong muốn.

Trân trọng cảm ơn họa sĩ Thu Trần về cuộc trao đổi này. Chúc mừng chị vì “Tiếng gọi” được rất nhiều du khách đến với Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 quan tâm, thưởng thức!

Họa sĩ Thu Trần (Trần Thị Thu) có nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm chung cả trong nước lẫn quốc tế gây tiếng vang như Thu 2017; Fashion tại trại sáng tác quốc tế Asia art link, Dạ khúc thu, Chuyện của Thị, Eco Art, Kết nối, Giăng tơ... Gần nhất, họa sĩ Thu Trần khiến công chúng sửng sốt với triển lãm sắp đặt địa hình Trở về, trong đó có tác phẩm Khung cửi sử dụng 500m sắt, có đường kính 5m, chiều dày 3,5m, 5.000m vải, 300kg acrylic, 80 lít màu nước trên đỉnh một quả đồi tại Chiềng Đi, Vân Hồ, Sơn La.

Nữ họa sĩ đã đạt Giải thưởng Hội Mỹ Thuật Việt Nam 2014, Giải 3 triển lãm Mỹ Thuật ứng dụng toàn quốc 2019; Giải khuyến khích khu vực Tây Bắc – Việt Bắc năm 2018 – 2022 của Hội Mỹ thuật Việt Nam./

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực
    Đây là một trong những nội dung được Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 – 20/5/2024, nguyên Thường trực Ban Bí thư, quê quán xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) diễn ra sáng 13/5.
  • Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội noi gương đồng chí Đào Duy Tùng để viết tiếp những trang sử hào hùng của Thủ đô
    Sáng 13/5, Thành ủy – Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 – 20/5/2024) – nguyên Thường trực Ban Bí thư, người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta trước, trong thời kỳ đầu đổi mới.
  • Ngỡ ngàng Phùng Khắc Bắc, một chấm xanh
    hùng Khắc Bắc sinh năm 1944, tên khai sinh là Phùng Khắc Toàn. Anh tham gia quân đội từ 1966 đến 1988 và được biết đến như một cây bút văn xuôi.
  • Tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo chính thức hoạt động
    Tàu cao tốc từ TP.HCM đi Côn Đảo xuất phát từ Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (Nhà Bè) 3 chuyến/tuần, xuất phát lúc 7h sáng, thời gian di chuyển hết khoảng 4 giờ đồng hồ sẽ đến nơi.
  • Một ngày với Hồ Tây
    10 giờ đêm, nhận được tin nhắn từ một người bạn cũ: “Hò hẹn mãi cuối cùng em chẳng đến/Chỉ sợ ngày xuân vội vã đi rồi. Xin lỗi phải nhại thơ Hoàng Nhuận Cầm để chuyển tải hết những mong ngóng của anh. Mai là chủ nhật, có rảnh để về Hà Nội với anh không?”. Tôi phì cười. Hò hẹn từ đầu năm sẽ lên thăm anh, nhờ anh làm hướng dẫn viên du lịch một vòng Thủ đô, vậy mà gần 6 tháng trôi qua, lời hẹn vẫn chưa thành hiện thực. Tôi nhìn lịch, nhắn cho anh: “Mai em rảnh, em lên nhé!”. Ngay lập tức anh trả lời: “OK nhé, anh đợi em!”.
Đừng bỏ lỡ
“Tiếng gọi” gợi nghệ thuật sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO