Chạy thử tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Tuy nhiên nội dung này không có trong hợp đồng EPC của dự án. Do đó Bộ Giao thông - Vận tải sẽ rà soát vốn của dự án, nếu trường hợp không đủ vốn, Bộ Giao thông - Vận tải và UBND TP Hà Nội sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao thành phố thực hiện.
Sau khi rà soát nguồn vốn của dự án, Bộ Giao thông - Vận tải đã khẳng định trong phạm vi tổng mức đầu tư dự án không có hạng mục tư vấn hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác, đến nay không còn nguồn dự phòng để chi trả cho hạng mục phát sinh này.
Vì vậy, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị UBND TP Hà Nội chủ động xem xét bố trí nguồn vốn hợp pháp của thành phố và triển khai các thủ tục cần thiết nhằm nâng cao năng lực cho đơn vị quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.
Hiện nay, TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông cho Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (vốn điều lệ 1.781 tỷ đồng) với nhiệm vụ chính là thực hiện nhiệm vụ kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng hệ thống đường sắt đô thị và một số nhiệm vụ khác như tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân đáp ứng nhu cầu phát triển ngành...
Do vậy, UBND TP Hà Nội đề xuất phương án sử dụng nguồn vốn từ vốn điều lệ của Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội để thực hiện công việc tư vấn hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (công việc này thuộc hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ của Công ty).
Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giao Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội triển khai công việc tư vấn hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông bằng nguồn vốn điều lệ của Công ty.
Hiện nay, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông được đóng điện lưới quốc gia. Ngay từ đầu tháng 7 này, các đoàn tàu đã bắt đầu được chạy thử đơn động, chuẩn bị cho vận hành thử tàu toàn tuyến vào tháng 8 tới đây, sớm hơn một tháng so với dự kiến trước đây, để đưa dự án vào vận hành chính thức.
Ban Quản lý dự án cho biết, dự án đến nay đã hoàn thành khoảng 96% khối lượng xây lắp (chưa gồm hạng mục thiết bị) và đang triển khai các hạng như hoàn thiện cầu thanh lên xuống các nhà ga, đường nội bộ, kiến trúc khu Depot, đấu nối thoát nước khu gian ga đường vành đai 3.
Đến nay, Tổng thầu Trung Quốc đã đưa toàn bộ các đoàn tàu và khoảng 95% vật tư, thiết bị đã được đưa về công trường, trong đó đã hoàn thành lắp đặt khoảng 79%.