Đồ ăn còn nóng thì không nên cho ngay vào hộp như thế này. |
Cho cơm vào hộp ngay sau khi nấu xong
Khi cho cơm nóng vào hộp và đóng kín nắp sẽ là điều kiện để hơi nước tích tụ và tạo cơ hội cho vi khuẩn, nấm mốc “đóng quân” ở bên trong. Trong quá trình di chuyển cả một đoạn đường rất xa, các loại vi khuẩn này được dịp “quậy” hộp cơm của bạn khiến chúng dễ ôi thiu, chảy nhớt và bốc mùi hơn bao giờ hết. Đến trưa khi ăn vào, bạn đã hiển nhiên “rước” hàng tá các căn bệnh nguy hiểm vào người, trong đó có tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa và cả ung thư.
Dùng những chiếc hộp nhựa gọn nhẹ
Những loại hộp này thường là hộp ăn liền ở các quán ăn mà bạn đã mua trước đó. Vì tiết kiệm nên bạn để lại dùng dần. Tính chất vật lý - hóa học của những chiếc hộp này vốn đã không được an toàn vì chứa các thành phần dễ biến đổi gây ra các phản ứng gây hại. Bên cạnh đó, những loại hộp này thường được làm từ nhựa tái chế, khả năng chịu nhiệt thấp nên khi cho thức ăn nóng vào chúng sẽ gây nóng chảy và phát sinh các chất hóa học cực độc khi ăn vào. Điều đó gây ra nguy cơ các căn bệnh ung thư, viêm màng não, nhiễm độc cấp tính… Nhiều nước đã khuyến cáo không được dùng túi ni lông hoặc hộp nhựa để đựng thức ăn, đặc biệt là khi thực phẩm có nhiệt độ cao. Tốt nhất nên dùng thủy tinh chuyên dụng để bảo đảm an toàn cho sức khỏe.
Thức ăn nhiều nước và dầu mỡ
Món canh không thể thiếu trong mỗi bữa cơm Việt Nam, đặc biệt là các món hấp dẫn như sườn nấu rau củ, chân giò hầm… Những món này xét về mặt dinh dưỡng thì rất tốt nhưng khi di chuyển chúng trong một quãng đường nhất định thì lại gây ra những hệ lụy khó lường. Theo đó, thức ăn nhiều nước, trên mặt có nhiều váng mỡ là môi trường thuận lợi để vi khuẩn và mầm bệnh trú ẩn. Có thể lúc mới nấu chúng rất an toàn nhưng vì đựng trong hộp kín, lại tiếp xúc với nhiệt độ bên ngoài nên các loại vi khuẩn có dịp sinh sôi mạnh mẽ hơn bất cứ lúc nào. Bạn cứ thử để ý mà xem, các món canh có nhiều nước và dầu mỡ sẽ dễ bốc mùi ôi thiu hơn các món kho, rán rất nhiều. Đó chính là lý do cần hạn chế mang theo những món này và thay thế bằng rau xào hoặc luộc!
Đựng đồ ăn cùng với cơm
Nhiều người để tiết kiệm diện tích của hộp cũng như gia tăng tính gọn lẹ cho các bữa ăn di động mà kết hợp đựng thức ăn chung với cơm trắng, vì nghĩ rằng đồ ăn mới nấu, cơm cũng còn nóng lại bảo quản có nửa buổi nên không lo bị ôi thiu. Tuy nhiên, bản thân cơm là một loại thực phẩm rất dễ ôi thiu và nhạy cảm với môi trường bên ngoài. Cơm trắng nếu để ở nhiệt độ thường trong vòng 5 tiếng đã phát sinh tình trạng nhớt, có mùi chua thiu. Đặc biệt, khi bỏ chung đồ ăn với cơm càng khiến quá trình phản ứng giữa các vi khuẩn với cơm và đồ ăn diễn ra nhanh hơn, dễ hư hỏng và sinh mùi hơn. Điều đó đặc biệt nghiêm trọng nếu hộp cơm có các món kho (hâm đi hâm lại nhiều lần) hoặc món rau xào lỏng bỏng nước sẽ giúp vi khuẩn, tụ cầu và mầm bệnh phát sinh mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Nấu sẵn thức ăn để qua đêm
Nhiều người tranh thủ nấu sẵn thức ăn vào chiều hôm trước và sáng chỉ hâm nóng lại và mang theo là xong. Thế nhưng, thức ăn để qua đêm vừa bị mất dinh dưỡng vừa dễ ôi thiu mà còn phát sinh nhiều vi khuẩn cho dù có hâm nóng lại cũng không tiêu diệt hết được. Nguy hiểm hơn nữa, nếu thường xuyên ăn thức ăn để qua đêm thì nguy cơ bị ung thư rất cao. Do đó, tốt nhất nên cố gắng dậy sớm hơn một chút để chuẩn bị thức ăn mang theo, nếu không có nhiều thời gian thì chỉ cần làm những món nhanh gọn là được.