Tác giả - tác phẩm

Thơ Nguyễn Đức Tùng - một buổi sáng chín

Thanh Tâm 09:57 24/04/2024

Tôi muốn đánh thức “buổi sáng chín” của Nguyễn Đức Tùng để mở ra những trang thơ giàu tính sáng tạo của ông: Sau cái chết, nếu trở lại/ Anh sẽ trở lại vì một buổi sáng/ Một buổi sáng chín trên cành/ Như trái ổi xanh/ Bỗng chín/ Nhưng không rụng xuống/ Vì hãy còn xanh (Thời gian).

vov5_nguyenductunganh_jtyi.jpg

Những hình ảnh vừa thân thuộc gần gũi nhưng cũng vừa mang trạng thái động như một cú hích, kích thích tư duy, gợi mở suy ngẫm về câu chuyện buổi sáng và trái ổi xanh. Có lẽ, đây chính là thông điệp về lẽ sống, lẽ viết mà chính cá nhân Nguyễn Đức Tùng đã đang trải qua và lựa chọn. Từ bao dâu bể cuộc đời, nếu chết, và sau cái chết nữa vẫn muốn (thấy) mình xanh, khát sống, khát cống hiến cho cuộc đời nói chung và cho văn chương nghệ thuật nói riêng, nghĩa là sống bằng hết thảy những gì tươi mới, tinh khôi, nóng rẫy, nồng nàn và trí tuệ.

Ngày và đêm xô đẩy nhau rượt đuổi nhau
va vào nhau
trong lồng ngực

(Ngày của em)

Câu chuyện về thời gian dường như không còn biểu hiện phía ngoài mà nằm ngay chính bên trong nhận thức của con người bởi những trải nghiệm và bài học sau đó. Nguyễn Đức Tùng luôn không nguôi yên để cuối cùng nhận ra điều quan trọng cốt lõi: “Trong buổi sáng anh nhận ra em/ Giữa đám đông đi ngược chiều bên trái/ Như từ một đám cháy”. Chính sự bất định, mơ hồ ám ảnh của “morning moon” (ánh trăng buổi sáng) đã gây trong nhà thơ sự trăn trở và riết ráo tìm ra được thế giới tinh thần rất riêng của mình.

a4e972c0434771ed5c58668deecb8ccd.jpg

Thế giới tinh thần của Nguyễn Đức Tùng có những chuyển động rõ rệt theo thời gian. Từ những bài thơ đầu tiên viết theo lối truyền thống (ngôn ngữ hình tượng, cổ điển, giàu nhạc tính,… tới những tác phẩm hiện đại (cách lựa chọn thể loại văn xuôi hay tối giản, bố cục, hình ảnh…) cho thấy sự thay đổi trong quá trình sáng tạo rất tự nhiên. Tập thơ “Buổi sáng” vừa ra mắt của ông (NXB Hội Nhà văn, 2023) gồm 3 phần (Thơ, Haiku và Trường ca) có mặt đầy đủ những tác phẩm thể hiện rõ từng bước chuyển biến, nỗ lực tìm kiếm sự sáng tạo của Nguyễn Đức Tùng. Mọi sự vượt thoát, “tiêu hủy” tự do cá nhân ấy không cô độc mà đã, đang luôn được khuyến khích, kết nối chặt chẽ với vùng thiêng của những người nghệ sĩ chân chính.
Nhà thơ Mai Văn Phấn - gương mặt tiêu biểu của thơ đương đại Việt Nam, trong bài “Những vần thơ vượt qua ranh giới” đã viết về Nguyễn Đức Tùng: “Ông là một trong số ít tác giả hiếm khi phải đi qua vùng tối” hoặc “chiếu nghỉ”, tức là hiếm khi phải đi qua giai đoạn ngừng viết, lắng lại để tích lũy, chiêm nghiệm. Dấu ấn thơ Nguyễn Đức Tùng là hành trình liên tục đi tìm cách viết mới, quan niệm mới. Có thể nói, thơ ông vượt qua nhiều ranh giới do chính ông tạo lập. Từ ranh giới ấy, độc giả biết thêm nhiều quan niệm nghệ thuật khác, không gian khác của ông".

Tác giả Lê Hồ Quang cũng nhận định về thơ ông rằng: “Thơ đã đi qua rất nhiều chặng đường lịch sử. Từ trữ tình rậm lời của thơ tiền hiện đại đến sự tối tăm và hóc hiểm ngôn ngữ của thơ hiện đại, qua mê cung của thơ hậu hiện đại với bề bộn những “giải thiêng”,“giải tự sự”,“giải trung tâm”... Nguyễn Đức Tùng đã thực sự rời bỏ đám đông, rời bỏ cả chính mình để tái sinh, quẫy vào biển động để khám phá, mở rộng, đào sâu thêm về thế giới, buộc phải mới, khác, cao thượng đẹp đẽ hơn.

Nguyễn Đức Tùng - người kể chuyện trong thơ, đây chính là bản sắc đặc trưng trong các sáng tác của ông. Dấu ấn hiện thực, sự kiện, nhân vật, tình huống có thể gọi lên từ mỗi trang thơ, để tựu lại một không gian như background không thay đổi, làm bật sáng phong cách thơ ông. Với lối kể chuyện không phải kiểu cách thủ thỉ tâm tình mềm mại mà ở đó có sự từ tốn, nhẹ nhõm nhưng luôn mang điều gì gấp khúc, góc cạnh, xù xì… gây trong ta những xao động về tư duy và tiếng thở đằm lại sau ý nghĩ sâu.

Dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, sự logic luôn được biểu hiện như tính khách quan của nó. Trong thi ca cũng vậy, đặc biệt trong thơ Nguyễn Đức Tùng. Ông xem tính kể, tả, trình bày chính là điểm đầu cũng là điểm cuối của thơ. Dù thơ bấy lâu nay vẫn được định hình từ tính chủ quan, cảm xúc, cái tôi của con người nhưng theo cách Nguyễn Đức Tùng dấn thân, chất thơ có ngay từ những câu chuyện giản dị, chân thực, ông giấu triệt những cảm xúc trực tiếp mà vẫn gây được niềm hứng thú, khơi gợi sự tò mò và xúc động mới mẻ. Thơ của Nguyễn Đức Tùng chính là “nơi câu chuyện bắt đầu bằng một ngôn ngữ khác”. Ta nhặt về những câu thơ rất tự nhiên như: “Anh em chúng ta càng đi xa/ lại càng về gần” (Tiễn biệt thi sĩ) hay bài thơ sau:

Đôi khi con biết mẹ nằm trong đất
Lặng im như hòn đá
Đôi khi con biết không phải thế
Đôi khi con biết mẹ về
Trong chiếc chiếu hoa
Đêm nay ngủ lại trong chùa
Thức suốt đêm đập muỗi
Không con nào chết
Chúng lọt hết qua kẽ tay
Trừ một con
Bay về lúc nửa đêm
Kịp lặng lẽ đẻ trứng xuống
Bể nước đầy cơn mưa cũ.

(Đêm ngủ trong chùa)

Đây là một câu chuyện, nhưng là một câu chuyện có “hạt nhân thơ”. Hạt nhân ấy chực chờ những lắng đọng sau khi câu chuyện kết thúc, rung ngân lên những giai điệu bí ẩn nhiệm màu của cuộc sống: ta nghe nỗi nhớ mẹ tĩnh lặng mà da diết, thấy quy luật vô thường của đời người, cảm giác được sự tái sinh khác vẫn song song hiện hữu… Những dòng cảm xúc phân mảnh gợi ưu tư, ngẫm ngợi dẫn đến những ý nghĩa đẹp, thuần khiết, từ đó thơ (truyện) và thơ (thơ) chạm vào nhau, nhập làm một. Không phải thứ thơ dễ giải mã, nhưng Nguyễn Đức Tùng luôn tin: “Anh biết em nghe được, dù ở nơi xa/ Bên kia cánh cửa, bên kia làn nước, bên kia thiên hà, khuất sau bóng núi” (Đôi khi em nói nhỏ lại/ anh không nghe được). Đây chính là nơi mang tinh thần hiện đại trong thơ ông: một tinh thần tôn trọng tính khách quan, luôn vận động chuyển hóa trong cũ và mới, phương Đông và phương Tây…

Tinh thần hiện đại của Nguyễn Đức Tùng còn được thể hiện ở chỗ, nhà thơ thường gây những tứ thơ nhiều trăn trở. Hay để dễ hình dung hơn, nhà thơ đã xuất sắc tạo ra những biến động trong toàn bộ bài thơ, đặc biệt là khúc cua cuối cùng, phút chuyển đổi hình tượng ở phần kết thơ bất ngờ, thú vị, bất khả đoán. Điều này đã từng được ví là cuộc “giải phẫu nhanh” rất “nhà nghề” như khi Nguyễn Đức Tùng trong công việc bác sĩ bao năm của mình.

Mỗi một nút mở vào cuối tác phẩm là hơn một lần khiến chúng ta cựa mình nhìn nhận lại/ thêm một điều gì khác vừa quen thuộc vừa lạ lẫm. Đó không phải là tứ thơ quen trong thơ mà quen trong đời sống, không phải là cái kết đẹp có lối mở đóng hay nâng cao mà là cái kết “nghiêng sang trái” đột ngột, xô góc nhìn đến một biên độ mới, tưởng mất kết nối nhưng đó là cách, theo cách nhìn chủ quan của tôi chính là nơi giải thích nút thắt đầy thấu hiểu và tự nhiên. Chúng ta dễ nhìn thấy ở những bài thơ Cánh đồng, Sau chiến tranh, Sự vắng mặt, Thật vui mừng, Sau chuyến nghỉ hè ở New York, Trên đường…

Nguyễn Đức Tùng là người thơ xa xứ, tuổi đã “chín” theo thời gian nên ở khía cạnh đời sống nào đặc biệt là thi ca ông luôn ý thức được ý nghĩa của nó để xây dựng, sáng tạo. Ông gửi mọi suy nghĩ của mình để đối thoại với chính mình và với bạn đọc. Tác giả tin bản ngã thơ trong mọi khoảnh khắc đều có thể kêu gọi cái bản ngã sâu kín hơn sự biểu đạt của nó (ý của Peirce).

“Thơ hôm nay phải là tiếng nói khác, trực tiếp, độc đáo, chân thật, của xã hội mà người viết đang sống. Muốn chân thật nó phải mới và khác”. Cách nói về yêu cầu sáng tạo nghệ thuật mới và khác này của Nguyễn Đức Tùng không còn quá xa lạ nữa, nó đã là căn cước của tất cả những nhà thơ chân chính bấy lâu nay để bước vào địa hạt của thơ. Nhưng, với năng lượng quyết liệt trên con đường làm mới chính mình, cùng cách biểu hiện nhu cầu đào sâu mở rộng phong phú hóa đời sống sáng tạo của bản thân đã cho chúng ta có niềm tin về con đường “buổi sáng” lâu dài, bền bỉ của Nguyễn Đức Tùng./.

nd-tung.jpg
Nguyễn Đức Tùng là bác sĩ người Việt định cư ở Canada. Ông làm thơ, viết truyện và nghiên cứu phê bình nhiều năm nay. Các tác phẩm đã xuất bản: “Thơ đến từ đâu”, “Thơ cần thiết cho ai”, “40 năm thơ Việt hải ngoại”... Tập “Thơ buổi sáng” là tác phẩm gần đây nhất, khẳng định một lần nữa hành trình khám phá quyết liệt trong sáng tạo của ông. Nguyễn Đức Tùng đang ngày càng khẳng định rõ vị trí của mình, là một trong những gương mặt nhà văn tiêu biểu cho văn chương đương đại Việt Nam tại nước ngoài.

Bài liên quan
  • Men của mùa xuân đã rót về
    Nhà thơ Vũ Quần Phương sinh năm 1940 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Y khoa năm 1965 và chuyển sang viết văn chuyên nghiệp từ năm 1972. Đến nay ông đã xuất bản 13 tập thơ, 5 tập phê bình văn học và 1 tập văn xuôi. Ở tuổi 85 ông vẫn bền bỉ và giàu sức chiêm nghiệm trên cánh đồng thơ, cánh đồng chữ nghĩa. Mùa thu năm 2023 ông ra mắt bạn đọc tập thơ “Ngỗng trời kêu xa xứ” (NXB Hội Nhà văn).
(0) Bình luận
  • Ra mắt sách "Tiểu thuyết Việt Nam 1925-1945: Khai sinh và tiến trình" của GS. Bùi Xuân Bào
    Cuốn sách nguyên là luận án thứ hai (phụ) mà tác giả Bùi Xuân Bào đệ trình cùng luận án thứ nhất (chính) để lấy bằng tiến sĩ văn chương quốc gia tại Đại học Sorbonne (Pháp) năm 1961.
  • Tái hiện sinh động, toàn diện về chiến thắng Điện Biên Phủ
    Đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật đã ra mắt bạn đọc cuốn sách ảnh “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc từ lịch sử”. Thông qua các hình ảnh tư liệu lịch sử được khai thác từ nhiều nguồn, có độ chân thực cao, cuốn sách đem đến cho bạn đọc một bức tranh toàn cảnh về sự kiện lịch sử vĩ đại - chiến thắng Điện Biên Phủ.
  • Giới thiệu cuốn sách “Điện Biên Phủ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
    Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) và 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ chín cuốn sách "Điện Biên Phủ", có hiệu chỉnh, bổ sung một số bài viết và tư liệu, sự kiện lịch sử liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, do ông Võ Hồng Nam - con trai Đại tướng sưu tầm, tuyển chọn theo di huấn của Đại tướng.
  • 17 ấn phẩm nhắc nhớ về một thời hoa lửa Điện Biên
    Nhân kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc 17 ấn phẩm thuộc nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kí, nhật kí, truyện tranh... Mỗi ấn phẩm như một mảnh ghép đưa bạn đọc đến với bức tranh toàn cảnh về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
  • Ra mắt truyện ký về cuộc đời Tổng Bí thư Trần Phú
    Kỉ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu với bạn đọc truyện ký đặc sắc Trần Phú của nhà văn Sơn Tùng. Tác phẩm gồm 9 chương phác họa cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú (1904-1931).
  • Ra mắt tập nhật ký "Con đường văn sĩ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
    Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 – 2024, sáng ngày 24/4, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt sách "Con đường văn sĩ" – nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ 1938 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thơ Nguyễn Đức Tùng - một buổi sáng chín
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO