Thế Lữ người khai sáng phong trào Thơ mới

Vũ Quần Phương| 09/08/2019 08:20

Thế Lữ (1907 - 1989) tên thật là Nguyễn Thứ Lễ. Thứ Lễ đọc lái đi thì thành Thế Lữ và có nghĩa là cái quán trọ của đời người (coi đời người như quán trọ?). Sinh ra ở Hà Nội, trải qua tuổi thơ ở Lạng Sơn, nơi sẽ cho ông những ấn tượng thâm u về chuyện đường rừng và của thơ nhớ rừng sau này. 9 tuổi về Hải Phòng học trung học. Năm 23 tuổi thi vào trường Mĩ Thuật, nhưng thôi học ngay năm đầu. Sau đó viết truyện và làm thơ. Truyện của ông hấp dẫn vì tính chất bí ẩn và suy luận trinh thám. Từ năm 1942 ông sang kị

Thế Lữ người khai sáng phong trào Thơ mới

Thế Lữ (1907 – 1989) tên thật là Nguyễn Thứ Lễ. Thứ Lễ đọc lái đi thì thành Thế Lữ và có nghĩa là cái quán trọ của đời người (coi đời người như quán trọ?). Sinh ra ở Hà Nội, trải qua tuổi thơ ở Lạng Sơn, nơi sẽ cho ông những ấn tượng thâm u về chuyện đường rừng và của thơ nhớ rừng sau này. 9 tuổi về Hải Phòng học trung học. Năm 23 tuổi thi vào trường Mĩ Thuật, nhưng thôi học ngay năm đầu. Sau đó viết truyện và làm thơ. Truyện của ông hấp dẫn vì tính chất bí ẩn và suy luận trinh thám. Từ năm 1942 ông sang kịch và ở lại đó cho đến khi mất. 

Về thơ, ông chỉ có bảy năm sáng tác, khoảng 1933 - 1941, chỉ in có hai tập, đúng ra là một tập, Mấy vần thơ (1935) sau bổ sung thành Mấy vần thơ tập mới (1941) nhưng lại có ý nghĩa khai sinh một chặng phát triển mới cho cả nền thơ Việt. Ông là người khởi xướng thành công phong trào Thơ mới. Đầu những năm 30, thơ cũ theo luật Đường không còn đủ sức phô diễn những tình cảm mới. Ngay Tản Đà cũng đã phải có những yếu tố cách tân. Đến năm 1932 thì một loạt thi sĩ mang vào thơ những thay đổi cả về nội dung lẫn hình thức. Những cuộc tranh luận giữa mới cũ diễn ra sôi nổi. Thế Lữ không tham gia tranh luận mà lặng lẽ làm thơ theo lối mới. Khi tập Mấy vần thơ của ông ra đời thì phái thơ cũ không còn lí lẽ để công kích thơ mới nữa. Với Thế Lữ, lần đầu công chúng thơ được nếm một thi vị hoàn toàn mới mẻ, một dạng xúc động mới, một chất tâm hồn mới. Ngôi thứ đầu bảng của Thế Lữ đã được công nhận ngay từ những năm ấy và thể hiện khá rõ khi nhìn lại trình tự xuất hiện các tập thơ tiêu biểu: 

- Năm 1935: Mấy vần thơ của Thế Lữ
- Năm 1937: Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Điêu tàn của Chế Lan Viên và bốn bài của T.T.Kh (bút danh của một nhà thơ ẩn danh trong phong trào Thơ mới (1930–1945) trên Tiểu thuyết thứ bảy.

- Năm 1938: Thơ thơ của Xuân Diệu. 

- Năm 1940: Lửa thiêng của Huy Cận và Thơ say của Vũ Hoàng Chương. 

Điều có ý nghĩa với hôm nay, khi thơ đương thời cũng đang có nhu cầu đổi mới, đổi mới trong nội dung và cả cái cách làm ra nội dung ấy, là thấy rõ hơn cái khoảng cảm xúc mà Thế Lữ đã mở ra, cái cách ông nới rộng thêm hồn thơ và từ đó mà đổi thay bút pháp.

Ông không phản ánh hiện thực, ông chỉ phản ánh tâm hồn mình. Mà cái cõi tâm hồn ấy không phải lúc nào cũng cứ phải liên hệ chằng chằng với hiện thực, như bóng với hình. Nó có những so le, những trái khoáy rất không quy luật với cái hiện thực cụ thể của khoảnh khắc ấy như thuộc tính vốn có của tâm hồn con người. Bài thơ cất lên tự một cõi riêng, nhiều khi không dính trực tiếp một - một với thời sự cơm áo gạo tiền, hay với cõi rộng xa vận nước. Mối liên hệ của tâm và sự trong thơ Thế Lữ, nếu có, cũng cách bức hơn nhiều, biện chứng phức tạp hơn nhiều. Nhiều lúc ngỡ như chuyện trên giời, xa đời, xa mặt đất, bất ngờ và đầy biến hóa. Do vậy ở vào thời kì nào nhu cầu dùng thơ làm nhiệm vụ thông tin, cổ động, tổ chức công chúng thành cấp bách, thì người đời không ưa lắm, thậm chí chế giễu tính vô dụng của thơ lơ mơ này. Xin đơn cử một ví dụ ngẫu nhiên, bài Tiếng trúc tuyệt vời. Nghe tiếng sáo trúc tác giả cảm nhận “như khua động nỗi nhớ nhung, thương tiếc”. Thơ phát triển đến đây thì cả cổ điển lẫn lãng mạn như nhau. Nhưng khi tác giả “buộc” nỗi nhớ nhung thương tiếc vào cái cô vu vơ nào đứng bên hồ kia, ông đoán chắc cô đang nghĩ ngày vui sẽ mất, sắc đẹp sẽ tàn phai. Rồi cô man mác, cô bâng khuâng, cô tê tái, cô thổn thức. Ông tác giả lại muốn nâng “tấm khăn hồng lau mắt lệ” cho cô. Lau mắt lệ mà không chỉ vì nước mắt, mà chính “vì ta sợ má đào kia phai” thì đa sự quá, chiếu vào đời thực thì nó là hành động của anh dở người. Nó phi thực. Đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa lãng mạn chính là phi thực, phóng túng theo cơn tưởng tượng của tình cảm, không còn lí trí kiểm tra. Nghe tiếng sáo, thấy buồn thì khóc. Thấy người đẹp khóc thì phải xông vào mà lau nước mắt cho người ta mà khăn tay cứ phải màu hồng (Khóc như em mấy khăn hồng chả phai - Nguyễn Bính). Lau nước mắt cho người rồi mình cũng mưa gió khóc theo. Những tâm hồn kiểu ấy trước Thế Lữ không có trong thơ Việt. Thế sao bây giờ lại nảy nòi ra? Ai đặt hàng những mẫu tâm hồn ấy mà thơ lại chế tác ra và được xã hội tiếp nhận?

Tiếng súng xâm lược đầu tiên bắn vào Đã Nẵng 1858. Thành Hà Nội thất thủ lần thứ hai 1883. Hòa ước mất nước, triều đình Huế kí năm 1884. Kẻ xâm lược bắt tay vào giai đoạn khai thác. Ở các thành thị, phố chợ, nhịp sống tao loạn chuyển dần sang cuộc sống đời thường lo ăn lo làm, phát triển lo thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của con người. Để cải thiện cuộc sống tinh thần của chính mình, con người tìm mọi cách. Có tôn giáo và có cả mê tín. Có nghệ thuật và đặc biệt là nghệ thuật mơ mộng. Hình thành nhu cầu mơ mộng để chí ít hưởng thụ trong cõi tinh thần. Đó cũng là kinh nghiệm của nhân loại. Xã hội Việt Nam ta lúc đó, hình thành lớp người có nhu cầu đó thì kinh nghiệm đó nhập vào, tự phát lẫn tự giác nhập vào mà hình thành chủ nghĩa lãng mạn cho thơ. Tác động của hiện thực tới thơ là tác động qua tâm trạng và đấy chính là cái cách để thơ trở nên nhân văn hơn, thương xót con người hơn.  

Thưởng thức Thế Lữ và cũng để thấy những khai phá của Thế Lữ trong thơ lãng mạn Việt Nam, chúng ta nên hình dung lại những đòi hỏi tinh thần của lớp người có học trong các nơi đô hội thời ấy. Một đòi hỏi mơ hồ nhưng bức thiết. Trong tình cảnh ấy, sự đáp ứng của chủ nghĩa lãng mạn là có ý nghĩa. Nó có sức giải tỏa những ngột ngạt bức bách, nó nâng cấp tâm hồn con người. 

Thế Lữ đã có cách lắng nghe kì diệu những tiếng vọng mơ hồ đầy gợi cảm trong tâm hồn lớp người tuổi trẻ, những tiếng vọng hình thành từ những đổi thay của lối sống, của lối nghĩ, cách vui buồn. Mà những đổi thay này bắt nguồn từ những đổi thay của thời thế, không cưỡng được. Thế Lữ đã phát hiện và diễn tả được cái tâm trạng bâng khuâng man mác (cụm từ này xuất hiện trong nhiều câu thơ Thế Lữ và Xuân Diệu đã tách nó ra để chỉ thuộc tính của thơ Thế Lữ) của những người vừa tách ra khỏi cái tập thể chung chung mù mờ cảm giác của chế độ phong kiến già nua để tìm lại cá tính tiên thiên, tìm lại cảm xúc riêng của con người. Tâm trạng phổ biến của những con người ấy là nỗi bâng khuâng khi đối diện mình với khoảng xa rộng của không gian, của đời người, của hạnh phúc lứa đôi. Đó là đòi quyền tồn tại của cái cá thể dưới mặt trời. Thế Lữ thường kí thác niềm bâng khuâng mơ hồ ấy vào tâm hồn cô gái mới lớn, lần đầu nghe lòng mình xao động hoặc vào cuộc sống trôi dạt một khách chinh phu “mũ lợt bốn trời sương nắng gội”, hoặc vào đời một nghệ sĩ “tìm mộng vàng trên cảnh lộng trời mây” cao quý và đói khổ.    

Thế Lữ đắm say trong những cảm xúc lãng mạn, ông tạo dựng bồng lai và tự kinh ngạc trước vẻ đẹp thần thoại do chính hồn mình tạo dựng:

Trời cao xanh ngắt – Ô kìa!
Hai con hạc trắng bay về 
bồng lai
(Tiếng sáo thiên thai)
Và:

Ái ân bờ cỏ ôm chân trúc
Sau trúc, ô kìa! Xiêm áo ai?
(Vẻ đẹp thoáng qua)

Trời xanh hạc trắng ấy là phi thực. Xiêm áo trút sau tre ấy cũng chỉ trong cõi mộng. Hãy lấy mơ và mộng càng hư ảo càng dễ cảm thụ cõi tinh vi huyền diệu của thơ Thế Lữ. Thói quen cảm nhận phẩm chất thơ quá câu nệ vào hiện thực, có thể dẫn đến những suy diễn lệch lạc về thơ Thế Lữ.

Bài Nhớ rừng thực chất là một tuyên ngôn của chủ nghĩa lãng mạn, không chấp nhận cái tầm thường (Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng/ Dải nước đen giả suối chẳng thông dòng/ len dưới nách những mô gò thấp kém…) để đòi cái phi thường, phi thực (Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi hoặc với những đêm vàng bên bờ suối/ Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan và những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn/ Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới…). Thế giới lãng mạn của Thế Lữ gần với tiên cảnh, gần với Thiên Thai, với “Tiên Nga xõa tóc bên nguồn” với “Ngọc nữ uốn mình trong không”. Tạng lãng mạn của ông là vậy. Người đọc nên nhập gia tùy tục, đừng ép ông phải chặt cánh phóng túng của cơn mơ để vừa với cái khuôn thực thực dụng của thời mình.

Trong cách kết cấu bài thơ, cách làm câu Thế Lữ xuất phát từ nhiều điệu thơ dân tộc lăn lóc trong văn học dân gian, kết hợp với kỹ thuật thơ Pháp mà dấu tích khá rõ trong lối thơ vắt dòng để tạo nên thể thơ uyển chuyển biến hóa không cùng theo tâm trạng, đáp ứng được mong ước của Tản Đà hồi nào “phá cách vứt điệu luật”.

Nghệ thuật ngôn ngữ, âm điệu, hình ảnh… ở Thế Lữ đã đạt tới độ tinh xảo đủ để chuyên chở cái cõi mộng của hồn ông. Hơn hai phần ba thế kỷ đi qua, nay đọc lại vẫn còn nguyên mưới mẻ.
(0) Bình luận
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khai mạc triển lãm "Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”
    Sáng 17/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Tấm lòng của hoạ sĩ Việt kiều với Bác Hồ”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Hội Thái Việt tại tỉnh Nakhon Phanom Thái Lan phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 – 19/5/2024.
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • “Âm vang Việt Nam” hào hùng qua từng khúc hát
    Hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tối 16/5 tại Không gian biểu diễn Nghệ thuật - Ẩm thực đường phố quận Tây Hồ tiếp tục diễn ra Chung khảo “Liên hoan Tiếng hát cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Hà Nội 2024” (cụm 2), với những phần trình diễn đặc sắc, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân Thủ đô.
  • Góp thêm tiếng nói xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch
    6 đội tham gia “Liên hoan tiểu phẩm tuyên truyền, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” của Thị xã Sơn Tây đã có những màn trình diễn ý nghĩa góp phần xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm,…
  • Chuỗi tiện ích phong cách hoàng gia nâng tầm chuẩn sống thượng lưu tại Đảo Vua
    Tọa lạc tại vị trí đắc địa nơi cửa ngõ Thành phố Đảo Hoàng Gia Vinhomes Royal Island, phân khu Đảo Vua mang đến cho gia chủ trải nghiệm sống phong cách hoàng gia sang quý nhờ những tiện ích đặc quyền như Ngự Hoa Viên và trường học ngay nội khu hay Vincom Mega Mall cách vài bước chân.
Đừng bỏ lỡ
Thế Lữ người khai sáng phong trào Thơ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO