Tạo nền tảng để duy trì và phát triển nhạc kịch Việt Nam
Nhạc kịch là loại hình sân khấu trong đó kết hợp ca khúc, lời thoại, diễn xuất và nhảy múa. Nội dung và biểu cảm của nhạc kịch được thể hiện thông qua câu chữ, âm nhạc, vũ đạo và các thành phần khác của sân khấu, tất cả hợp thành một thể thống nhất.
Bước chuyển mình của nhạc kịch Việt Nam
Nhạc kịch là loại hình sân khấu trong đó kết hợp ca khúc, lời thoại, diễn xuất và nhảy múa. Nội dung và biểu cảm của nhạc kịch được thể hiện thông qua câu chữ, âm nhạc, vũ đạo và các thành phần khác của sân khấu, tất cả hợp thành một thể thống nhất.
Nhạc kịch xuất hiện lần đầu tiên ở Ý vào khoảng thế kỷ 16 - 17 rồi sau đó mở rộng ra nhiều nước khác. Các sân khấu nổi tiếng thế giới như Broadway (Mỹ); West end (Anh)… đã từng có rất nhiều tác phẩm nhạc kịch gây ấn tượng và chiếm được tình yêu của khán giả như The Black crood (1866); The White fawn (1868); Le Barbe Bleue (1868); Evangeline (1874).
Ở Việt Nam, loại hình nhạc kịch được du nhập và phổ biến ở nước ta vào những năm 60 của thế kỷ XX. Vở nhạc kịch đầu tiên phải kể đến là tác phẩm Cô Sao (kịch bản, âm nhạc: Đỗ Nhuận) được dàn dựng theo hình thức và quy mô kinh điển thế giới, công diễn lần đầu năm 1965 nhân dịp 20 năm Quốc khánh nước Việt Nam với hơn 150 nhạc công, diễn viên. Tiếp sau đó, các tác phẩm nhạc kịch khác lần lượt ra đời như: Bên bờ sông Krông Pa (kịch bản, âm nhạc: Nhật Lai) công diễn năm 1968, được sử dụng bằng nhạc cụ dân tộc; Người tạc tượng (kịch bản, âm nhạc: Đỗ Nhuận) công diễn năm 1974; Nguyễn Trãi (kịch bản, âm nhạc: Đỗ Nhuận) công diễn năm 1982.
Trong hơn nửa thế kỷ qua loại hình nghệ thuật này đã có những bước chuyển mình. Dù xuất hiện không liên tục nhưng các dự án nhạc kịch của sân khấu tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội luôn tạo nên sự mới mẻ, giúp người yêu nghệ thuật trong nước gần hơn với lĩnh vực này.
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi phát triển loại hình nhạc kịch khá mạnh mẽ, thậm chí thành phố còn coi loại hình này là điểm nhấn trong phát triển du lịch và nghệ thuật của thành phố. Nhóm kịch Buffalo là thế hệ đầu tiên khiến cho nhạc kịch được yêu thích tại thành phố này với một loạt các tác phẩm gây được tiếng vang trong lòng công chúng và được giới chuyên môn đánh giá cao như Chicago (1913), Tuyết đỏ (lọt vào top 5 đề cử Mai vàng 2013), High School Musical phiên bản Việt (2014), Vũ nữ (2014,Huy chương bạc Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2015; đồng thời đây cũng là vở ăn khách nhất của sân khấu 5B Võ Văn Tần thời điểm đó); Tuyết Sài Gòn (2014), Tấm Cám (2016), Thủy Tinh - Đứa con thứ 101 (2018),… Với các tác phẩm nhạc kịch của mình, nhóm Buffalo đã ghi đậm dấu ấn về phong cách độc đáo trong giới nhạc kịch Việt Nam, cũng như thu hút sự quan tâm của công chúng.
Sân khấu Idecaf nổi tiếng với nhạc kịch Tiên Nga (tác giả: NSND Nguyễn Thành Châu, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Hồng Dung; biên kịch và đạo diễn: NSƯT Thành Lộc) ra mắt vào tháng 12/2017. Các nhà chuyên môn nhận định, tác phẩm Tiên Nga chính là chuẩn mực của nhạc kịch thuần Việt. NSƯT Thành Lộc và nhạc sĩ Đức Trí đã khai thác âm nhạc ngũ cung, tạo sự khác biệt rất lớn đối với những dự án nhạc kịch trước đó. Năm 2019, nhạc kịch Tiên Nga lại tạo thêm tiếng vang bằng giải Nhất chuyên ngành sân khấu - Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh 5 năm lần thứ 2 và được bạn đọc báo Người lao động bầu chọn Giải Mai Vàng năm 2018. Sau nhạc kịch Tiên Nga, Idecaf tiếp tục dựng nhạc kịch Ngàn năm tình sử cũng tạo một cơn sốt vé… Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TP Hồ Chí Minh cũng cho ra lò một loạt các tác phẩm nhạc kịch phục vụ đối tượng thiếu nhi như: Dế mèn phiêu lưu ký, Quả phụ vui tính, Cuộc sống phải thế, Cây sáo thần, Hiệp sĩ làng quê… Các tác phẩm của nhà hát đã gây ấn tượng khá lớn cho người xem, đặc biệt là tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký, bởi đây là tác phẩm đầu tiên tại Việt Nam được viết theo phong cách âm nhạc “musical broadway” - một loại hình sân khấu mới kết hợp các kỹ xảo, nghệ thuật thị giác của sân khấu hiện đại với nghệ thuật nhạc kịch được phổ thông hóa kết hợp nhiều loại âm nhạc khác nhau như nhạc Pop, Rock, Jazz, âm nhạc dân gian Việt Nam và nhạc cổ điển.
Sân khấu nhạc kịch khu vực phía Bắc cũng sôi động không kém.
Đầu tiên, phải kể tới bộ ba vở nhạc kịch Góc phố danh vọng (2012); Đêm hè sau cuối (2013) và Mộng ước không xa vời (2016) của đạo diễn kiêm nhà sản xuất Nguyễn Phi Phi Anh. Tiếp đó là các nhà hát chuyên nghiệp như: Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long với các tác phẩm nhạc kịch thuần Việt “Hà Nội, ngày… tháng… năm... - những thanh xuân rực rỡ”, Hà Nội xưa và nay (2020), Tôi đọc báo sáng nay (2020); Nhà hát Tuổi trẻ với các vở như: Trại hoa vàng (2022), Rồi tôi sẽ lớn (2022) và Sóng (2022). Đặc biệt là Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam với một loạt các vở nhạc kịch kinh điển như: LuCile, Viên đạn thần, Thần vệ nữ, Franceska Darimimi, Orphée et Eurydice, Cuộc sống Paris, Trường học tình yêu, La Boheme, Giấc mơ và hiện thực, Người Hà Lan bay, Vũ kịch Mắt phượng hoàng, Romeo và Juliet, Kẹp hạt dẻ, Chim lửa, Trái tim tơ lụa, Mùa xuân thiêng liêng, La Sylphide, Who Care, Câu chuyện miền Tây, Những người khốn khổ…
Như vậy, từ năm 1965 đến nay, loại hình nhạc kịch ngày càng trở nên phổ biến và được đông đảo công chúng yêu thích. Với mong muốn đem đến cho khán giả Việt những vở nhạc kịch, vũ kịch, ballet danh tiếng quốc tế và thuần Việt những nghệ sĩ, các nhà hát trong Nam, ngoài Bắc đã nỗ lực tâm huyết công diễn nhiều vở nhạc kịch đặc sắc và làm cho thị trường nhạc kịch ngày càng trở nên sôi động.
Từng bước chinh phục công chúng hiện đại
Nhạc kịch là một loại hình sân khấu rất được yêu thích và ưa chuộng trên thế giới, đặc biệt là tại các nước châu Âu, trong đó phổ biến nhất là tại Vương quốc Anh. Từ khi du nhập vào Việt Nam, loại hình sân khấu này ngày càng được khán giả Việt đón nhận một cách tích cực. Với đặc điểm không quá cao cấp và kén người thưởng thức như opera; có sự kết hợp giữa sự lãng mạn bay bổng với hơi thở hiện đại; tính giải trí cao với nhiều hình thức thể hiện như ca, hát, nhảy múa… nhạc kịch dễ dàng thu hút người xem đến với mình, đặc biệt là giới trẻ.
Thực tế đã chứng minh hầu hết các vở nhạc kịch ra đời đều thu hút sự chú ý của công chúng, có khá nhiều tác phẩm cháy vé ngay từ khi mới lên sàn tập. Dự án “Hope” của đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh với 3 vở nhạc kịch: Góc phố danh vọng, Đêm hè sau cuối và Mộng ước không xa vời làm cho khán phòng L’Espace (Hà Nội) luôn chật kín. Tấm Cám của nhóm kịch Buffalo với 16 suất diễn, doanh thu gần 1 tỉ đồng (được trao Giải Mai Vàng 2016 cho vở diễn được yêu thích nhất). Tháng 5/2019, nhạc kịch Tiên Nga của sân khấu Idecaf tái diễn với 8 suất, nâng tổng số suất trình diễn của tác phẩm này lên 45 suất, phục vụ gần 25.000 khán giả không chỉ thành phố mà còn các tỉnh thành: Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bình Thuận. Khi suất diễn cuối của đợt tái diễn khép lại, đông đảo khán giả đã đứng dậy cổ vũ bằng những tràng pháo tay không ngớt. Vở nhạc kịch lịch sử Ngàn năm tình sử (tác giả Nguyễn Quang Lập, đạo diễn: NSƯT Thành Lộc) do Công ty TNHH Sân khấu - Nghệ thuật Thái Dương thực hiện đã phục vụ gần 10.000 lượt khán giả, trung bình mỗi suất có gần 500 khán giả đón xem. Dế mèn phiêu lưu ký của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM; Romeo và Juliet, Kẹp hạt dẻ, Những người khốn khổ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam luôn cháy vé mỗi khi công diễn.
Những con số trên cho thấy tuy mức độ doanh thu và thành công về mặt chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm nhạc kịch còn khác nhau nhưng loại hình nhạc kịch, đặc biệt là nhạc kịch do người Việt sáng tác, biểu diễn đã bước đầu được công chúng đón nhận, mang lại không khí sáng tạo mới cho sân khấu nước nhà, đặt nền tảng để sân khấu nhạc kịch thuần Việt có cơ sở phát triển. Có thể nói, đây là hướng đi đầy tiềm năng để sân khấu Việt từng bước đổi mới cách thể hiện, chinh phục công chúng hiện đại, đồng thời cũng cho thấy nhu cầu thưởng thức nhạc kịch của khán giả Việt ngày càng tăng cao.
Tạo nền tảng để duy trì và phát triển nhạc kịch Việt Nam
Mặc dù hiện nay sân khấu nhạc kịch khá nở rộ, nhưng có một thực trạng đang tồn tại đó là những kỹ năng hát, múa, diễn của các đơn vị nghệ thuật đang có sự chênh lệch khá lớn, chưa thật sự đồng đều. Các nhà hát thiên về diễn kịch như Nhà hát Tuổi trẻ, sân khấu Idecaf khi dàn dựng các vở nhạc kịch sẽ nổi trội hơn phần diễn xuất, nhưng khả năng hát và múa của các diễn viên còn hạn chế nhất định. Ngược lại, tại các đơn vị thiên về biểu diễn ca múa nhạc như: Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh hay các nhóm nhạc kịch tư nhân lại có thế mạnh về hát và múa; còn kỹ năng biểu diễn có phần yếu hơn.
Do đó, ngày nay chúng ta cần những người nghệ sĩ vừa biết diễn vừa biết hát vừa biết nhảy múa để có thể biểu diễn nhạc kịch đúng với phong cách thể loại. Để thực hiện được điều đó việc, đào tạo diễn viên nhạc kịch một cách bài bản và chuyên nghiệp là một việc làm hết sức cần thiết. Nó cho phép chúng ta tiếp cận và làm phong phú hơn các hình thức biểu diễn của nghệ thuật sân khấu, đồng thời đáp ứng nhu cầu người thưởng thức, góp phần xây dựng một đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn nhạc kịch chuyên nghiệp là nền tảng để duy trì và phát triển nhạc kịch Việt Nam, hướng tới khát vọng hòa nhập với sân khấu nhạc kịch thế giới./.