Sân khấu

Nhà hát Kịch Việt Nam khai xuân với kiệt tác của nhà viết kịch vĩ đại người Pháp thế kỷ XIX Georges Feydeau

KT 20:56 19/02/2024

Nhà hát Kịch Việt Nam vừa giới thiệu vở hài kịch "Ả cave nhà hàng Maxim"- một kiệt tác của nhà viết kịch vĩ đại người Pháp thế kỷ XIX Georges Feydeau, công diễn lần đầu tại Paris cách đây 125 năm.

dsc00184-1708235632999988012509.jpg
Vở diễn châm biếm sâu sắc xã hội thượng lưu thối nát, rỗng tuyếch của nước Pháp thế kỷ XIX

Bản dựng năm 1998 từng gây tiếng vang với dàn diễn viên gạo cội, trong đó NSƯT Chiều Xuân đóng nữ chính. NSND Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - hy vọng khán giả thưởng thức phiên bản của dàn diễn viên trẻ tiềm năng.

Ngày 17/1/1899, cách đây đúng 125 năm, tác phẩm Ả cave nhà hàng Maxim” được ra mắt lần đầu tiên tại Paris. Hơn một trăm năm qua, "Ả cave nhà hàng Maxim" vẫn liên tục xuất hiện ở các Nhà hát của Paris và các Nhà hát trên thế giới.

"Ả cave nhà hàng Maxim" được dàn dựng từ nguyên tác La Dame de chez Maxim - một kiệt tác của nhà viết kịch vĩ đại người Pháp Georges Feydeau. Vở kịch được công diễn tại Paris lần đầu tiên cách đây 125 năm - đầu năm 1899, tiếp tục được dàn dựng trong suốt hơn một trăm năm qua. Một tháng trước, nước Pháp vẫn tiếp tục dựng hài kịch kinh điển này.

Nhờ nhiều năm lăn lộn ở các quán rượu, hộp đêm trong đó có quán rượu Maxim và hộp đêm Moulin Rouge nên Georges Feydeau thu nhặt được nhiều chất liệu sinh động về đời sống Paris lúc về đêm, những bệnh hão của tầng lớp thượng lưu thời bấy giờ.

"Ả cave nhà hàng Maxim" xoay quanh một cô gái điếm ở tiệm rượu Maxim với điệu nhảy tục tĩu. Sau sự cố “tình một đêm” với bác sĩ Petypon, Crevette bỗng bị tình huống đưa đẩy trở thành bà Petypon giả danh, rồi trở thành hình mẫu và thần tượng đối với giới thượng lưu quý tộc.

Bác sĩ Petypon và bạn thân Mongicourt không thể ngờ lời nói dối ban đầu lại cuốn họ cùng Crevette vào tấn bi hài kịch mãi không có điểm dừng. Những chuyện dối trá trong tình yêu và hôn nhân tạo nhiều tình huống bi hài.

Cả xã hội thượng lưu rỗng tuếch bị ả gái nhảy ở nhà hàng Maxim dắt mũi. Những tình huống cười ra nước mắt cũng phơi bày chuyện dối trá, sự tổn thương trong hôn nhân, điển hình là ông bà Petypon.

Ở lần dàn dựng này, vở kịch hầu như không có các diễn viên ngôi sao mà tập hợp chủ yếu là dàn diễn viên trẻ. Sức trẻ cùng lối dàn dựng gần gũi, sử dụng những câu thoại thuần Việt, hiện đang "hot trend" của giới trẻ cùng thơ Bút tre và ca dao tục ngữ đã khiến cho một tác phẩm sân khấu có tuổi đời hơn 100 năm trẻ trung hơn, đời hơn.

Qua đó, tác phẩm sân khấu này đã châm biếm, chỉ trích thói học đòi, giả tạo trong xã hội của giới thượng lưu. Những chuyện dối trá trong tình yêu và hôn nhân cũng được hé lộ khi ả gái nhảy đàng điếm tha hồ “bịt mắt dắt mũi” cả một xã hội thượng lưu ngu muội và rỗng tuếch, đang sôi sục học đòi những điều nhảm nhí và phù phiếm.

Theo chia sẻ của đạo diễn Tuấn Hải, vở kịch này ra đời từ thế kỷ trước, nếu sử dụng đúng cách nói trong nguyên tác, khán giả không thể cười được.

Vở kịch sẽ được biểu diễn tại Nhà hát Kịch Việt Nam vào các ngày 18/2 và 23-24-25/2.

Ngay sau đó, Nhà hát Kịch Việt Nam khởi động chương trình “Điểm hẹn 8/3” với hai vở hài kịch “Quan thanh tra” (ngày 9-10-19/3 tại Rạp Đại Nam và 15/3 tại Nhà hát Kịch Việt Nam); “Nghêu sò ốc hến” (ngày 1-2-7-16/3 tại Nhà hát Kịch Việt Nam và 8/3 tại Rạp Đại Nam)./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhà hát Kịch Việt Nam khai xuân với kiệt tác của nhà viết kịch vĩ đại người Pháp thế kỷ XIX Georges Feydeau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO