Vở chèo mới về thăng trầm trong cuộc đời "bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương
Sau 37 năm, Đoàn Chèo Hải Phòng tiếp tục cho ra mắt vở chèo Xuân Hương nữ sĩ do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam dàn dựng, tác giả Nguyễn Đức Minh viết kịch bản, NSND Đạt Tăng thiết kế mỹ thuật, NSND Minh Thu chuyển làn điệu chèo.
Đoàn Chèo Hải Phòng vừa chính thức ra mắt vở chèo Xuân Hương nữ sỹ tái hiện lại cuộc đời nhiều đoạn trường, thăng trầm... của “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ cực kỳ đặc biệt. Bà không chỉ để lại cho cuộc đời một di sản thơ Nôm đồ sộ và độc đáo mà còn cất tiếng nói cho nữ quyền, cho sự bình đẳng của người phụ nữ dưới thời phong kiến.
Thơ của bà không chỉ bảo vệ phụ nữ, chống lại những ngăn cản sự tiến bộ của con người mà còn ca ngợi ứng xử tốt đẹp, văn minh. Vì lẽ đó, ngày 23/11/2021, Đại hội đồng UNESCO đã chính thức vinh danh bà là "danh nhân văn hoá tầm nhìn nhân loại".
Trên sân khấu, Hồ Xuân Hương từng được nhiều nhà hát dựng vở. Tuy nhiên, tiêu biểu hơn cả là vở chèo Hồ Xuân Hương được Nhà hát Chèo Việt Nam dựng năm 1987, do NSND Bùi Đắc Sừ đạo diễn, Thùy Linh - Bùi Đức Hạnh viết kịch bản.
Vở chèo lấy dấu mốc năm 29 tuổi để tái hiện lại những thăng trầm, vinh nhục trong cuộc đời của nữ sỹ. Đây là thời điểm Hồ Xuân Hương làm chủ quán thơ Cổ Nguyệt Đường nức tiếng Thăng Long. Tài thơ của bà đã vang khắp gần xa, được nhiều tao nhân, mặc khách mến mộ.
Từ quán thơ này, bà có dịp được giao lưu với rất nhiều tầng lớp và thành phần… trong đó có bạn thơ Chiêu Hổ. Chiêu Hổ và Hồ Xuân Hương sau nhiều lần đối đáp thơ phú đã phải lòng nhau.
Tuy nhiên, do Chiêu Hổ không dám ngỏ lời nên cuối cùng Hồ Xuân Hương nên duyên với Tổng Cóc (Chánh tổng Nguyễn Bình Kình). Tổng Cóc là người rất yêu quý, mến mộ và trân trọng tài năng thơ ca của Hồ Xuân Hương. Nhưng cuộc hôn nhân chưa kịp "đơm hoa kết trái" thì Tổng Cóc buộc phải để Hồ Xuân Hương rời đi vì không đành lòng nhìn bà bị vùi dập, áp bức và chịu nhiều oan ức...
“Bà chúa thơ nôm”, Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, tên thật là Hồ Phi Mai, là con gái của ông đồ xứ Nghệ Hồ Phi Diễn. Hồ Phi Mai từ nhỏ đã tinh thông sử sách, 9 tuổi đã phụ cha dạy các lớp sơ, bà sớm đã đối đáp văn chương với các nho sinh và học trò của cha. Vốn tư chất thông minh và có nhan sắc tuyệt mỹ, Hồ Phi Mai luôn có những tài tử văn nhân thầm thương trộm nhớ, chẳng thế mà câu “Phi Mai đệ nhất đất kinh thành” đã được dành cho bà. Cổ Nguyệt đường nơi bà mở quán thơ luôn tấp nập khách văn chương qua lại.
Sinh ra vào thời phong kiến, nữ nhân không được phép đi học và thi làm quan, nên tài năng của Hồ Xuân Hương không được trọng dụng. Di sản còn tìm lại được của bà đến nay chỉ vỏn vẹn với hơn 150 bài thơ, nhưng thế cũng đủ để đưa tên bà vào 1 trong 6 danh nhân thế giới của Việt Nam. Trong 6 danh nhân thế giới của Việt Nam ấy, duy nhất bà là nữ, và cũng duy nhất bà có tiểu sử không rõ ràng. Năm sinh đến nay vẫn chưa xác định chính xác, cuộc đời bà còn nhiều góc khuất chưa được làm sáng tỏ.
Vở chèo Xuân Hương Nữ Sĩ của tác giả Nguyễn Đức Minh sẽ phần nào tái hiện lại cuộc đời của một nữ sĩ xuất chúng vào loại bậc nhất nhưng đa đoan, trắc trở. Bà dám yêu, dám lên án những thói hư tật xấu của quan lại đương thời, dám đấu tranh cho bình đẳng nữ quyền, dám bảo vệ cho những gì mình thương yêu nhất. Vở chèo cũng sẽ tái hiện lại những áng thơ hay nhất của bà và những mối tình đẹp nhưng cay đắng bất hạnh của cuộc đời bà.
Vở chèo được thực hiện bởi êkip gồm Tác giả kịch bản Nguyễn Đức Minh, Đạo diễn NSND Trịnh Thúy Mùi, Âm nhạc NSƯT Đào Tuấn Hải, Hoạ sĩ NSND Đạt Tăng, Biên đạo múa NSƯT Hoài Anh, dạy hát truyền thống NSND Minh Thu… qua phần thể hiện của tập thể nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Chèo Hải Phòng và một số đoàn nghệ thuật thành phố.
Vai chính Hồ Xuân Hương trong vở chèo Xuân Hương nữ sĩ được giao cho diễn viên Thùy Dương - gương mặt tài năng của đoàn chèo Hải Phòng. Nữ diễn viên nhanh chóng bắt nhịp, vượt qua những trở ngại ban đầu để vào vai Hồ Xuân Hương có chiều sâu.
Vở chèo được dựng trong một thời gian kỷ lục, chỉ vỏn vẹn 2 tuần, liên tục sáng đèn phục vụ khán giả./.