Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Trọng Kha đã qua đời ở tuổi 101 tại Hà Nội. Sinh thời, ông được coi là cây đại thụ của nghệ thuật hát văn, với hàng loạt đóng góp trong việc lưu giữ hình thức lễ nhạc cổ truyền này.
Theo thông tin từ nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Trọng Kha qua đời tại Hà Nội ngày 14/2 (tức mùng 5 Tết Giáp Thìn).
Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Trọng Kha sinh năm 1923 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Ông bắt đầu học hát văn từ khi 10 tuổi. Ông từng kể lại: "Cha tôi có nghề hát văn, tôi được thấm nhuần từ ngày còn trong bụng mẹ. Lớn lên, ông dạy tôi học chữ nho và dạy đàn hát"
5 anh em trong gia đình ông đã tham dự hàng loạt cuộc thi hát văn trong nội thành, gây được tiếng vang lớn, được mệnh danh là nhóm "Ngũ hổ".
Thời điểm trước năm 1946, gia đình ông phải sơ tán về quê. Gặp gánh hát cải lương tản cư, ông xin gia nhập rồi đi đến năm 1951 mới quay về Hà Nội, trụ ở đoàn Chuông Vàng. Ông gắn bó với cải lương cho đến khi về hưu cùng với những thăng trầm, đổi thay của thời cuộc…
Những năm ở tuổi 90, nghệ nhân Hoàng Trọng Kha vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động của CLB bảo tồn nghệ thuật Chầu văn Việt Nam. Ông cũng đào tạo cho nhiều học trò, giúp họ thành danh và có tiếng tăm trong làng cung văn.
Tháng 3/2012, cung văn Hoàng Trọng Kha đã chính thức được Hội Văn nghệ dân gian trao tặng bằng công nhận danh hiệu nghệ nhân dân gian.
Đến tháng 12/2022, khi thành phố Hà Nội tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba – 2022 cho 66 nghệ nhân tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ông Hoàng Trọng Kha là nghệ nhân lớn tuổi nhất thành phố Hà Nội được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú đợt này./.