Tạo đột phá về cơ chế, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong xây dựng và phát triển Thủ đô
Xây dựng cơ chế, chính sách mới để thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một vấn đề quan trọng, mang tính cấp thiết đối với Hà Nội nhất là trong bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay. Trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố cũng đã xác định phải “có cơ chế, chính sách thu hút, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô”.
Nhiệm vụ này đã được thể chế hóa trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với hi vọng sẽ tạo ra “cú hích” trong cơ chế thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố.
Nhiều bất cập trong cơ chế thu hút người tài
Chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô là chính sách được kế thừa và phát triển từ quy định của Luật Thủ đô 2012.
Điều 13 Luật Thủ đô 2012 quy định “Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài”. Trên cơ sở quy định đó cũng như việc áp dụng một số quy định khác của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 quy định về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô.
Tuy nhiên, qua một quá trình thực hiện, các quy định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Nội dung của quy định mới chỉ tập trung vào việc thu hút nhân tài mà chưa quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiêu chí xác định để tuyển dụng, thu hút nhân tài chủ yếu là thông qua bằng cấp như: tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, có học vị tiến sĩ... mà chưa quan tâm đến những người có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn.
Phạm vi các đối tượng được áp dụng chính sách trọng dụng còn hạn chế; số lượng người được tuyển dụng nói chung còn khiêm tốn so với số người thực tế thuộc các nhóm đối tượng được thu hút. Thực tế cho thấy, từ năm 2014 - 2018, Thành phố mới chỉ tuyển dụng được 55 sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc các trường đại học (43 công chức và 12 viên chức); từ năm 2017 đến nay mới tuyển dụng được 32 bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II. Đối với vận động viên, văn nghệ sĩ đoạt Huy chương Vàng hoặc giải Nhất tại các kỳ thi chuyên nghiệp quốc gia; Huy chương Vàng, huy chương Bạc hoặc giải Nhất, Nhì tại các cuộc thi khu vực hoặc thế giới cũng chỉ tuyển dụng được 77 người (từ năm 2018-2020).
Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức được tuyển dụng theo chính sách này, qua đánh giá của các cơ quan, đơn vị sử dụng thì hầu hết chưa có thành tích vượt trội, nổi bật so với những công chức, viên chức được tuyển dụng theo những quy định chung.
Kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ một lần theo tinh thần của Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND còn thấp. Ngoài ra, các đối tượng được tuyển dụng theo chính sách thu hút của Thành phố không được hưởng thêm chính sách ưu đãi nào khác về lương và thu nhập so với các cán bộ, công chức, viên chức khác.
Đáng chú ý, quy định chưa thu hút được các nhóm đối tượng như: chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân… do chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc thích hợp.
Những hạn chế, bất cập này cho thấy chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của Thành phố chưa đủ sức hấp dẫn, về cơ bản chưa đáp ứng được mục tiêu như mong muốn. Chính vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô , Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ cần “có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế”.
Tạo bước đột phá trong cơ chế
Để thu hút nhân tài thành công thì vấn đề pháp lý về thu hút sử dụng nhân tài là khâu then chốt, đột phá bảo đảm cho sự thành công. Để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết 15, Điều 17 dự thảo Luật Thủ đô đã thiết kế 2 khoản, trong đó khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô.
Đối tượng thu hút bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực và có kinh nghiệm thực tiễn, có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô.
Theo đó, các đối tượng là công dân Việt Nam sẽ được hưởng các chế độ đãi ngộ như được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và hưởng các chế độ, chính sách do HĐND Thành phố Hà Nội quy định; được ký hợp đồng vào làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Các đối tượng là người nước ngoài được ký hợp đồng để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp.
Nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã quy định các chính sách hỗ trợ từ ngân sách Thành phố để đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô.
Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao... phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài. Đây có thể xem là các nội dung rất quan trọng, nhằm tạo ra “cú hích” trong cơ chế thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô.
Tuy nhiên, để quy định có tính khả thi hơn, cần sự đổi mới quản lý nhà nước đối với nhân tài, tăng cường phân quyền, phân cấp cho chính quyền Thủ đô trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc thu hút và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực chất lượng cao cần chú trọng cả nguồn lực trong và ngoài nước.
Theo TS. Bùi Xuân Phái - giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội, phải có chính sách đặc biệt về cả phát hiện, thu hút, trọng dụng những nhân tài chất lượng cao, đồng thời kèm theo các chế độ đãi ngộ cũng phải đặc biệt; cần rà soát lại toàn bộ chính sách trong việc thu hút, trọng dụng và phát triển nhân tài cho lĩnh vực công nói chung nhằm tìm ra những điểm bất hợp lý; đồng thời phải nghiên cứu kĩ hơn về thực trạng công chức đang tại vị để có đánh giá và điều chỉnh kịp thời nhằm “giữ chân” những người có năng lực thực sự đang làm việc trong lĩnh vực công.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để thu hút và giữ chân được người tài, cũng cần lưu ý đến một số điều kiện đảm bảo khác như xây dựng môi trường làm việc làm sao để khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến và cống hiến chính. Đây chính là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của nhân tài.
“Hiện nay, chúng ta rất chú trọng khâu thu hút nhưng lại chưa quan tâm đúng mức khâu bố trí, sắp xếp, sử dụng nhân lực chất lượng cao. Nhân lực chất lượng cao rất quan tâm đến môi trường làm việc, luôn mong muốn có môi trường tốt để thể hiện được năng lực. Họ cần được giao nhiệm vụ tương xứng và phù hợp với tài năng của họ; được tôn trọng, ghi nhận, tôn vinh cống hiến...”, TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội và TS. Đoàn Thị Tố Uyên - Trưởng khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước Trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định./.