Tăng sức hút cho du lịch di sản

Thanh Thủy/HNM| 04/03/2018 08:46

Với gần 6 nghìn di tích đã được kiểm kê, Hà Nội sở hữu lượng di tích lớn nhất cả nước. Hệ thống di tích này góp phần làm phong phú thêm bức tranh di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, là nguồn tài nguyên du lịch dồi dào mà cơ quan quản lý ngành cần tìm ra cách khai thác hiệu quả, bảo đảm gắn kết nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch bền vững.

Tăng sức hút cho du lịch di sản
Sản phẩm du lịch “Truyền thống hiếu học” tìm hiểu Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút nhiều học sinh tham gia. Ảnh: Viết Thành

Những tín hiệu tích cực

Nổi bật với giá trị khảo cổ học, các công trình kiến trúc cổ kính cùng dấu tích lịch sử, cách mạng, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Những năm gần đây, các tiềm năng này được “đánh thức” thông qua một số tour, tuyến du lịch di sản, chương trình trải nghiệm giá trị văn hóa kiến trúc, lịch sử. Tour tham quan tổng thể di sản Hoàng thành Thăng Long, tour du lịch tâm linh, tham quan thềm điện Kính Thiên, Hậu Lâu và Bắc Môn, dâng hương tưởng nhớ 52 vị vua các triều đại… dành cho người trung niên, cao tuổi, qua đó có cái nhìn tổng thể về di sản. Hay tour du lịch di sản Hoàng thành lại hướng tới giới trẻ khi gắn với các trải nghiệm ngoại khóa hấp dẫn như xem phim, chơi trò chơi dân gian, tập làm khảo cổ…

Mới đây, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội giới thiệu tour khám phá Hoàng thành về đêm kết hợp thưởng thức chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc biệt tại di chỉ khảo cổ 18 Hoàng Diệu; tour du lịch ngoài giờ cùng các hoạt động văn hóa, lễ hội chuyên đề hằng tháng, hằng quý và vào dịp lễ, Tết… Những tour khám phá văn hóa, lịch sử độc đáo không nằm ngoài mục đích làm tăng sức quyến rũ của một trong những điểm du lịch di sản giàu tiềm năng.

Tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi có hơn 3 triệu lượt du khách tới tham quan mỗi năm, Trung tâm hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khởi động sản phẩm du lịch mang chủ đề “Truyền thống hiếu học”. Với sản phẩm này, sau khi tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật tại trường đại học sớm nhất của Việt Nam, du khách sẽ tới Bảo tàng Mỹ thuật - điểm đến thứ hai trong chương trình - để cảm nhận rõ hơn về tinh thần hiếu học, giá trị truyền thống qua các tác phẩm mỹ thuật kinh điển, như “Ông nghè vinh quy”, “Đi học chữ Bác Hồ”, “Cầm đuốc đi học”, “Ẵm em đọc sách”… 

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm cho biết, việc kết nối các điểm tham quan là hướng đi đúng nhằm tạo ấn tượng, sức hấp dẫn lớn hơn với du khách. Bằng việc thiết lập hệ thống biển chỉ dẫn, bổ sung, kết nối nội dung thuyết minh về truyền thống giáo dục, trọng dụng nhân tài tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với những bức tranh cùng chủ đề tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… tour du lịch này góp phần hình thành câu chuyện sinh động hơn về tinh thần hiếu học của người Việt.

Tăng tính hấp dẫn

Coi phát triển du lịch là cơ sở để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trong thời gian qua, nhiều di tích trên địa bàn TP Hà Nội đã cho ra mắt hàng loạt sản phẩm du lịch đặc sắc. Trong đó, có thể kể đến “Tuyến du lịch vàng Hà Nội” kết nối các điểm đến như hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, di tích nhà tù Hỏa Lò, chùa Một Cột…; các tour đi bộ “Đi tìm dấu ấn phố nghề Thăng Long”, “Hà Nội bộ hành”… gắn với các điểm đến thú vị như đình Đồng Lạc, cầu Long Biên; tour tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội… Ngoài ra, du khách có thể chọn các tour gắn với nhiều điểm di tích khác của Thủ đô.

Thế nhưng, với gần 6 nghìn di tích chứa đựng hệ giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, việc gắn kết công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch ở Hà Nội hiện vẫn chưa phát huy được hiệu quả tiềm năng vốn có. Ông Đỗ Mạnh Khang, Công ty cổ phần Thương mại - Du lịch quốc tế Bốn Phương nhận xét: Thời gian qua, du lịch di sản đã được chú trọng khai thác, tuy nhiên kết quả chưa xứng với nguồn tài nguyên phong phú, độc đáo. Các điểm đến hấp dẫn mới chỉ tính được trên đầu ngón tay. Còn hàng trăm di tích sở hữu tiềm năng du lịch to lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Du khách tìm đến rồi rời đi nhanh chóng, di tích không tạo được dấu ấn gì ngoài một cái tên.

Còn theo ông Lê Ngọc Hiền (Công ty Du lịch Tâm Long travel), mỗi di tích có một thế mạnh riêng, cần chọn những điểm đặc sắc nhất để tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, đem lại ấn tượng sâu đậm cho du khách. Ví dụ, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, có thể tổ chức các hoạt động văn hóa gắn với di tích này như: Tái hiện lễ cưới cung đình, tìm hiểu về các bà hoàng, ẩm thực hậu cung… Với các di tích cách mạng - kháng chiến thì thay vì thuyết minh theo kịch bản cứng, có thể lồng ghép các hoạt cảnh tái hiện câu chuyện quá khứ nhằm tăng tính hấp dẫn cho di sản.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Huyền, Công ty Du lịch Vietrantour, cho rằng: Yếu tố cốt lõi để đưa di sản tới gần hơn với du khách là các sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng. Quá trình khai thác du lịch cần được gắn kết với bảo tồn giá trị truyền thống, xây dựng chương trình phù hợp với từng đối tượng khách. Cũng cần chú ý đầu tư cho các dịch vụ phụ trợ, làm gia tăng mức chi tiêu của du khách.

Khai thác tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch là một bài toán lớn. Tín hiệu tích cực đã thấy, nhưng chưa đủ tạo ra bước chuyển căn bản. Bởi vậy, trong thời gian tới, cơ quan quản lý văn hóa và du lịch cần có thêm đánh giá hiệu quả thực tế, qua đó tìm cách nhân rộng mô hình liên kết để phát huy tối đa tiềm năng; sự phối hợp phải được thực hiện bài bản, rõ tính tổ chức chứ không thể tự phát.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Chân mây” - những vẻ đẹp dung dị của cuộc sống
    Nguyễn Linh Khiếu, thời gian qua đã khẳng định là một nhà thơ đương đại khác biệt. Ở văn xuôi, với tùy văn, ông cũng đang từng bước khai mở một con đường riêng. Với ba tập tùy văn “Beijing lá phong vàng” (2018), “Hoa khởi trinh” (2024) và “Chân mây” (2024), Nguyễn Linh Khiếu đã hé lộ cảm quan nhân sinh và cả tình yêu cuộc sống.
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở đê hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ
    Ngày 22/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6068/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
  • Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại Hà Nội với 7 môn thi sẽ diễn ra vào tháng 1/2025
    Theo kế hoạch, kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 18/01/2025; với 7 môn thi mỗi môn có thời gian làm bài 150 phút.
Đừng bỏ lỡ
Tăng sức hút cho du lịch di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO