Sáng tỏ diện mạo văn học nghệ thuật Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất
Sáng ngày 16/4/2025, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Văn học, nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất" nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế; đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực để xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hội thảo quy tụ đông đảo các các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ của 9 hội chuyên ngành với nhiều tham luận và ý kiến quý báu.
Nửa thế kỷ lan tỏa văn hóa và sáng tạo
Phát biểu đề dẫn hội thảo, NSND Trần Quốc Chiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội nhấn mạnh: "Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, đổi mới và phát triển; đồng thời cũng mở ra cho văn học, nghệ thuật nước nhà một không khí mới, không gian mới, giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa, phát triển trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng; qua đó bắt nhịp, cổ vũ, đồng hành với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước".

Văn học nghệ thuật Thủ đô sau năm 1975 đã thực sự vươn mình mạnh mẽ, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, thể hiện vai trò không thể thay thế trong việc xây dựng nền tảng tinh thần, bồi đắp bản sắc văn hóa dân tộc và cổ vũ công cuộc đổi mới. Trong suốt 50 năm, đội ngũ văn nghệ sĩ Hà Nội không chỉ kế thừa truyền thống quý báu mà còn không ngừng sáng tạo, làm giàu thêm bản sắc văn hóa Thủ đô bằng các hình thức, thể loại, xu hướng tiếp cận ngày càng hiện đại và đa dạng.
Nổi bật nhất là tinh thần nhập cuộc, phản ánh sâu sắc đời sống con người trong thời kỳ hậu chiến và đổi mới. Các tác phẩm tiêu biểu không chỉ dừng lại ở tầm nghệ thuật mà còn phản ánh tâm thế con người, những chuyển biến xã hội và khát vọng dân tộc trong từng giai đoạn phát triển. Văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn nghệ dân gian... mỗi lĩnh vực đều có những đóng góp cụ thể, phản ánh rõ nét sự chuyển mình của văn học nghệ thuật Thủ đô.
PGS.TS. Trần Thị An - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội cho biết, từ năm 1975, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian; tổ chức những hoạt động thực hành, lưu trữ và trao truyền văn nghệ dân gian truyền thống Hà Nội, đồng thời bước đầu tham gia vào các hoạt động của công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.
Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, Hà Nội được nhìn nhận là cái nôi của nhiếp ảnh Việt Nam với bề dày truyền thống và đội ngũ nghệ sĩ đông đảo, sáng tạo. Bà Lê Thị Hải Yến (Ủy viên BCH Hội Nhiếp ảnh Hà Nội) khẳng định: "Hà Nội là cái nôi của nhiếp ảnh Việt Nam. Trong tiến trình phát triển chung của nhiếp ảnh nước ta, nhiếp ảnh Hà Nội luôn được coi là trung tâm có truyền thống lâu đời và đạt được những thành tựu vẻ vang với những nhà nhiếp ảnh tài năng, những tác phẩm xuất sắc”.
Ở lĩnh vực mỹ thuật, hàng trăm cuộc triển lãm cá nhân và nhóm đã được tổ chức với sự đa dạng về hình thức thể hiện, chất liệu sáng tác và tư duy nghệ thuật. Bám sát thực tiễn sôi động, các nghệ sĩ tạo hình Thủ đô đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật… trong đó mảng đề tài về chiến tranh cách mạng, đô thị hóa và con người đương đại đã tạo dấu ấn rõ nét trong đời sống mỹ thuật Thủ đô.
Sân khấu Hà Nội với ba mũi nhọn là kịch nói, cải lương và chèo cũng có những đóng góp xuất sắc. NSND Bùi Thanh Trầm nhận định: "Kịch nói Hà Nội đã nghiễm nhiên trở thành một vùng sáng của kịch nói cả nước". Giai đoạn 1975–1985 được xem là thời kỳ hoàng kim với hàng loạt vở diễn nổi bật như "Tôi và chúng ta" (Lưu Quang Vũ), "Hà Mi của tôi" (Doãn Hoàng Giang), "Bản tình ca màu xanh" (Thanh Hương)... Từ sau Đổi mới, sân khấu Hà Nội tiếp tục bám sát thời cuộc, phản ánh sâu sắc những vấn đề đạo đức, nhân sinh và xã hội đương đại.

ThS. Nguyễn Thị Minh Bắc (Hội Nhà văn Hà Nội) nhấn mạnh: “50 năm kể từ khi đất nước thống nhất và bước vào thời kì Đổi mới, nền văn học Hà Nội - Việt Nam đã có những bước tiến dài trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc. Phương châm dân tộc và hiện đại, thống nhất mà đa dạng, luôn được các nhà lý luận văn học nghệ thuật quán triệt trong hành trình xây dựng nền văn nghệ mới. Có kế thừa và tiếp nhận, phát huy theo tinh thần đổi mới, đời thường hóa văn chương. Văn học nghệ thuật đi sâu tìm tòi, khám phá, có nhiều độc đáo, sáng tạo, đem đến cho văn học một cơ hội lớn để điều chỉnh các quy tắc diễn ngôn. Đây là một trong những khuynh hướng thể hiện rõ sự thay đổi của tư duy văn học nói chung, tư duy truyện ngắn thời kỳ đổi mới nói riêng, có kế thừa và cách tân”.
Có thể nói, trong suốt 50 năm qua, văn học nghệ thuật Thủ đô không chỉ làm giàu đời sống tinh thần nhân dân, góp phần định hướng thẩm mỹ công chúng mà còn tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng con người mới, nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Những rào cản trong hội nhập và phát triển
Dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, văn học nghệ thuật Thủ đô vẫn còn tồn tại không ít hạn chế. Một trong những vấn đề được nhắc đến đầu tiên là sự mất cân đối giữa số lượng và chất lượng hoạt động. Nhà thơ Cao Ngọc Thắng (Hội Điện ảnh Hà Nội) chỉ rõ: “So với số lượng, chất lượng hoạt động của các hội chuyên ngành chưa tương xứng với khả năng sẵn có và chưa đáp ứng đầy đủ, toàn diện yêu cầu phát triển của Thủ đô cũng như nhu cầu của các tầng lớp nhân dân”. Hoạt động của các hội còn rời rạc, thiếu sự phối hợp, gắn kết. Điều này phần nào bắt nguồn từ sự chưa minh định giữa chức năng “hội” - với tính chất tự nguyện, hoạt động nghề nghiệp và “ngành” - với tính chất quản lý hành chính, vận hành theo cơ chế thị trường và luật pháp.

Từ góc nhìn thực tiễn, NSND Trần Quốc Chiêm đã chỉ ra những biểu hiện lệch chuẩn trong sáng tạo: “Một số văn nghệ sĩ còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống, có biểu hiện xa lánh những vấn đề về công cuộc đổi mới của đất nước, chạy theo các đề tài giải trí bình thường, chiều theo thị hiếu của một bộ phận công chúng, ít quan tâm đến chức năng giáo dục”. Đáng lo ngại hơn, theo ông, có những trường hợp “cực đoan, chỉ tập trung tô đậm mặt tối, tiêu cực của cuộc sống hiện tại, thậm chí xuyên tạc hoặc bị các thế lực thù địch lợi dụng đã sáng tác và truyền bá các tác phẩm độc hại, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và đất nước”.
Cùng với đó, nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật còn thiếu đầu tư chiều sâu; chưa có nhiều tác phẩm đỉnh cao, có tầm ảnh hưởng rộng khắp. Các hội chuyên ngành chưa tận dụng hiệu quả công nghệ mới trong sáng tác, phổ biến và lưu trữ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lớp văn nghệ sĩ kế cận chưa theo kịp yêu cầu hội nhập, thiếu hụt lớp kế thừa có chiều sâu tư tưởng và nền tảng học thuật. Một số hội viên trẻ chưa thực sự xác định rõ trách nhiệm xã hội trong hoạt động nghệ thuật, dẫn đến việc sa vào thị hiếu dễ dãi, thiếu định hướng nhân văn sâu sắc. Đây chính là những rào cản mà nếu không được nhìn nhận và khắc phục kịp thời sẽ làm giảm vai trò của văn học nghệ thuật, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Thủ đô trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Đổi mới và kết nối để phát triển bền vững
Để phát huy vai trò xung kích của văn học nghệ thuật trên mặt trận tư tưởng văn hóa, theo Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cần đổi mới tư duy trong lãnh đạo, quản lý hoạt động văn học nghệ thuật, nâng cao chất lượng sáng tác, đồng thời kết nối chặt chẽ giữa văn nghệ sĩ với cuộc sống đương đại. NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh: "Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động văn học, nghệ thuật là nhiệm vụ vô vùng quan trọng. Bên cạnh đó cần chú ý triển khai hiệu quả các cuộc vận động sáng tác về công cuộc đổi mới; phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống; mở rộng các trại sáng tác và giao lưu trong và ngoài nước; hiện đại hóa các thiết chế văn hóa; và đặc biệt là ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo vào hoạt động nghệ thuật. Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa phục vụ nghiên cứu và phổ biến các tác phẩm cũng là một giải pháp cần thiết.
Một số tham luận cũng đề cập tới các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội. Theo đó, cần có chiến lược dài hạn để nâng cao chất lượng hoạt động hội chuyên ngành, tăng cường phối hợp giữa các hội chuyên ngành và các địa phương; Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, quy chế làm việc... theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Khơi dậy khát vọng sáng tạo, tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội trong đội ngũ văn nghệ sĩ là yếu tố quyết định để văn học nghệ thuật Thủ đô tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu trong đời sống văn hóa tinh thần của cả nước. Với nền tảng truyền thống vững chắc và đội ngũ văn nghệ sĩ tâm huyết, văn học nghệ thuật Thủ đô sẽ tiếp tục nỗ lực, đồng hành cùng sự nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước./.