Sắc thắm dã quỳ

Công Thế| 04/11/2020 11:11

Thắc thỏm trong tôi mùa quỳ nở Trập trùng Tây Bắc vẫy Tây Nguyên…

Sắc thắm dã quỳ

Nói đến hoa dã quỳ nhiều người mường tượng ngay đến vùng đất đỏ ba zan bạt ngàn nắng gió Tây Nguyên. Song, đâu chỉ là Tây Nguyên còn có một miền Tây Bắc trập trùng núi non hùng vĩ, hoang sơ và xa ngái mỗi dịp heo may hun hút thổi trong cái nắng hoe hoe vàng, cũng là lúc những triền hoa hoang dại dã quỳ mãn nguyệt khai hoa, hồn nhiên bồng bềnh trải thảm vàng tỏa nắng dọc dài biên ải.

Thường ở vùng cao mùa đông đến sớm hơn nơi khác, càng trên những triền núi đá tai mèo heo hút thì giá lạnh càng se sắt hơn nhiều lần. 

Đấy! Mới tháng Mười mà trời đất đã nhiều đổi thay. Dường như nắng gió lúc giao mùa cũng mang lòng lưu luyến, mộng mơ như cặp tình nhân. Những cơn mưa chớp nhoáng đan xen cũng trở lên dấm dẳng, dùng dằng đi ở. Khí tiết nóng, lạnh thất thường cảm giác nàng thu cũng giật mình thon thót khác nào gái góa ngủ mơ. Song dù có dùng dằng đi ở đến mấy cũng không thể níu kéo được vòng xoay nghiệt ngã của tạo hóa. Và lời tạm biệt những tháng ngày lãng mạn của lá vàng xào xạc cũng đến, hẹn hò mây gió bâng khuâng cũng đành níu áo chia phôi. 

Đấy! Mới hôm nào bầu trời còn xanh trong thăm thẳm, vậy mà nay đã ngả màu bàng bạc xa xôi. Đến những giọt nắng màu thủy tinh cũng như quên lung linh nhẩy nhót trên nương ngô, bãi lúa. Gió bấc từng đợt cứ ào ạt thổi báo hiệu một mùa buốt giá tuyết sa.  

Ấy là lúc hồn ta bần thần trống vắng, ta hoang hoải cô đơn. Chợt nhận tin em nơi sơn dã thượng ngàn với những tấm ảnh và lời rủ rỉ như rót mật.

Anh à! Cúc quỳ đang bung nở vàng thung đấy! 

Anh à! Dã quỳ đang phơi vàng trên ngực núi Rú!

Chẳng phải lời mật ngọt của những má hồng, môi thắm mà là lời rủ rỉ từ dã quỳ hoang dại nơi sương gió biên thùy.

Em, loài hoa dại mộc mạc hồn nhiên. Em, màu hoa khơi lên từ đất, bật lên của trái tim núi khô cằn. Em, của sập sùi nắng gió giá lạnh vùng biên. Em, con của núi của đồi, mộc mạc hoang sơ, chân trần chai sạn. Em, mặt trời của đất xua tan hiu quạnh biên viễn xa xôi.  

Vậy là lại hăm hở cùng con “ngựa sắt”, nương theo con đường của núi, nương theo tiếng gọi của hoa, ngược nắng, ngược gió, ngược thời gian về kỷ niệm một thời loang loáng quỳ nở, ngược lên phên dậu biên cương. Nơi ấy những bản làng hoang sơ nghèo khó mà ấm tình người. Nơi ấy những triền núi cằn khô, hanh hao trong gió táp vi vu. Nơi ấy hoang vu khát bỏng chân người, khát bỏng những sẻ chia. 

Sắc hoa dã quỳ hồn nhiên vàng trải trên con đường tuần tra trên chốt tiền tiêu của người lính biên phòng. Sắc hoa dập dìu tỏa nắng trên con đường về bản, lên rẫy, xuống nương. Chùm hoa rung rinh gọi gió trong ngày hội tết mùa cơm mới. Dã quỳ tinh khôi cài lên tóc, kết thành vòng trên cổ, trên ngực chú rể, cô dâu hồn nhiên thơ mộng trong trò dâu, rể. Dã quỳ trang trọng cắm trong bình bên bục giảng, quà của anh lính biên phòng tặng cô giáo miền xuôi cắm bản. Hoa dập dìu bung biêng tỏa nắng bên căn nhà trình tường, bên dòng suối Mây uốn lượn. Sắc hoa dịu dàng bên khung cửa nhà sàn đẹp tựa bức tranh thủy mặc. Mùa hoa dã quỳ về tô đẹp thêm những cung đường gập ghềnh đá núi cho dân tôi thêm vững niềm tin, yêu bản yêu mường. Loài hoa dung dị trải nắng vàng sưởi ấm lòng người biên ải.  

Giữa rừng hoang thắm sắc 
nụ cười
Những đóa hoa loang loáng 
ánh mặt trời
Thắp lửa vàng nơi 
biên cương sương gió
Sưởi ấm lòng thung sưởi ấm 
tình người

Dọc dài đường biên ải quê hương, từ Phong Thổ (Lai Châu) đến cực Tây A Pa Chải (Điện Biên) đâu đâu cũng ấm lòng bởi sắc vàng ấm áp hoa quỳ. Có thể dã quỳ Tây Bắc không bạt ngàn mênh mông, không gợn ngợp hút hồn như Tây Nguyên nhưng sức dẻo dai, bền bỉ bất chấp gió sương lạnh lẽo thì khó nơi nào sánh được. Núi cứ trập trùng biên ải cứ mông lung, gió bấc rít ào ào bào mòn đá núi, dã quỳ cứ bập bùng níu kéo trong sắc vàng tươi như lòng người xứ núi kiên gan, ân tình bám đất bám làng, quê hương xứ sở. Dã quỳ như thách thức với thiên nhiên khắc nghiệt, như minh chứng sự trường tồn bất diệt. Dã quỳ âm thầm bám đất, bám đá hút tinh túy đất trời, âm thầm bung nở phơi màu nắng vàng chia lửa sang đông. Chỉ đến khi sương muối tràn về, lúc tuyết phủ, mưa băng, cái rét thấu xương như cắt da, xẻo thịt mới chịu tàn phai, mới chịu gẫy gục, ẩn mình vào đất, vào đá để xuân về lại bật mầm tươi xanh cho mùa sau dâng hiến. Chẳng cần phải nâng niu chiều chuộng, chăm sóc cầu kỳ, chẳng cần phải ngợi ca, dã quỳ cứ lặng lẽ, âm thầm bám rễ trên khô cằn sỏi đá để mỗi mùa về lại tỏa nắng sưởi ấm lòng người xứ núi. 

Ôi màu hoa dã quỳ biên ải tôi yêu!
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Sắc thắm dã quỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO