Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội hơn 30km, một làng nghề tăm hương đã hình thành được hơn 100 năm thuộc xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa. Ban đầu, nghề làm hương chỉ tập trung chủ yếu ở thôn Phú Lương Thượng, nhưng những năm gần đây, nghề truyền thống này đã được mở rộng ra các thôn trong xã như Cầu Bầu, Đạo Tú… Nghề truyền thống đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và thu hút được rất nhiều du khách về tìm hiểu những giá trị văn hóa của người Việt Nam.
Những ngày cận Tết Nguyên đán, các gia đình đều tham gia công đoạn sản xuất hương, từ chẻ tre thành thanh mỏng, nhúng vào dung dịch nhuộm hồng rồi phơi khô, đến phủ lên trên một hỗn hợp có mùi thơm. Khắp các con đường ở Quảng Phú Cầu nổi lên hai màu đỏ và nâu: Đỏ là màu của chân hương, nâu là màu của thân hương.
Ngày nay, người dân đã sáng tạo hơn trong khi sản xuất tăm hương bằng việc kết hợp với các hương liệu từ trầm, trắc, tùng, hoắc hương, hoa hồng, quy đầu, bạch chỉ, quế chi, ngải cứu, bồ kết,...
Làng hương Quảng Phú Cầu là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời ở Hà Nội còn tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Nơi đây không chỉ giữ cái hồn của một vật phẩm mang ý nghĩa văn hóa tâm linh mà còn là địa điểm du lịch đẹp mà du khách nên ghé thăm khi đến với Thủ đô Hà Nội.