Năm 2014, sản phẩm làng nghề Sơn Đồng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng Bảo hộ nhãn hiệu tập thể Sơn Đồng. Hiện nay, xã Sơn Đồng có đến gần 50 nghệ nhân được UBND Thành phố Hà Nội và Trung ương Hội làng nghề Việt Nam phong tặng với nhiều danh hiệu khác nhau.
Đặt chân tới Sơn Đồng vào một ngày nắng hanh cuối tháng 10, đi từ đầu đường vào là có thể nghe văng vẳng âm thanh của các xưởng chế tác đục đẽo. PV đã trực tiếp được ông Nguyễn Trung Đoàn, một nghệ nhân có tiếng lâu đời trong làng dẫn đi để xem những người nghệ nhân tạc tượng, chế tác đồ thờ cúng từ những khúc gỗ mộc một cách thật tỉ mỉ và say sưa mới thấy được cái tâm với nghề của người dân Sơn Đồng mãnh liệt tới nhường nào. Những người thợ gò mình trên khúc gỗ, ngắm nghía mãi lấy hình dáng dọc ngang rồi nhẹ nhàng đục bỏ từng thớ. Cứ vậy, tay thoăn thoắt đưa lên đập xuống mà khúc gỗ đã thành pho tượng có phong thái từ lúc nào không hay.
Ông Đoàn chia sẻ: “Để chế tác đồ thờ và tượng thờ phải tuân thủ tính chất của tôn giáo. Bức tượng phải khắc họa được sắc thái của từng đấng bậc. Điều này đòi hỏi sự tài hoa của người nghệ nhân để tạo nên được cái thần cho pho tượng". Chính những chi tiết đơn giản nhưng tinh tế ấy đã tạo nên một nét đẹp văn hóa, một nếp nghề trân quý mang bản sắc riêng của làng nghề Sơn Đồng.
Sau khi thăm qua xưởng gỗ, chúng tôi lại theo chân ông đến với xưởng chế tác về mỹ thuật. Tại đây, PV được gặp và tiếp xúc với anh Nguyễn Trung Lâm, một thợ vẽ đã theo nghề gia truyền của cha ông từ khi còn là một cậu nhóc nghịch ngợm trong xóm và cũng chính là học trò của ông Đoàn. Anh Lâm vừa làm vừa trải lòng với chúng tôi: “Tôi cũng như bao đứa trẻ khác trong làng, có nghề truyền thống là học theo. Sau đó lớn lên tôi cũng bước chân vào giảng đường đại học. Tuy vậy vẫn chọn nghành nghề liên quan đến nghệ thuật với mong mỏi sau này về cống hiến cho quê hương. Bao năm lăn lội cuối cùng vẫn có thể về lại nơi mình sinh ra để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của làng, ngót ngét đó mà cũng gần 20 năm rồi”. Những bức tượng hay những bộ đồ thờ qua bàn tay chế tác của anh Lâm cùng những người thợ bỗng dưng có hồn và trang trọng hơn rất nhiều. Thay vì phương pháp phun sơn phủ toàn bộ sản phẩm như trước đây, gia đình anh chọn hướng vẽ tay để cho ra những thành phẩm thủ công hoàn hảo mà vẫn giữ được nét đẹp tinh xảo và đặc trưng của làng nghề Sơn Đồng.
Với mong muốn tạo ra các giá trị văn hóa có thể lưu truyền ngàn đời, mà dường như đi đến đâu, ở đâu, người ta cũng có thể thấy được, người dân Sơn Đồng nói chung và bản thân ông Đoàn hay anh Lâm nói riêng đều mong không chỉ là những người viết tiếp nét đẹp tinh hoa làng nghề 1000 năm tuổi, mà luôn muốn làm sao có thể truyền lửa cho thế hệ sau có thể giữ gìn nét văn hóa, bản sắc làng nghề, phát triển giao thương, thương mại, để giới thiệu tinh hoa, sản phẩm làng nghề đến với đông đảo khách hàng trên khắp cả nước và vươn xa hơn nữa là trên toàn thế giới.