Rắc rối con số
Số 0. Cách viết số 0 đặt trước một, hai số khác (hoặc cả dãy số) đã có từ lâu. Đã nhiều năm rồi ít thấy. Mới đây, cách viết ấy lại xuất hiện nhiều, tạo thuận lợi cho đời sống xã hội thời đổi mới - hội nhập, nhưng cũng gây ra không ít phiền toái và hài hước.
Khi số 0 là số thứ tự hoặc số đo đếm định lượng từ 1 trở đi thì nó luôn luôn đứng sau. Thông thường, khi nó đứng trước tất cả là do: a - số ký hiệu hoặc số đếm đã được ký hiệu hóa, danh từ hóa (như tên gọi); b - số chặn đầu cần thiết đứng trước số tiếp theo. Trường hợp b chỉ xảy ra ở văn bản hành chính, pháp luật, giao dịch tài chính,... nhằm ngăn chặn tẩy xóa chữ số. (Bên cạnh, còn có dòng phụ chú, chẳng hạn: sinh ngày ba tháng Mười năm một nghìn chín trăm sáu mươi, ba trăm năm mươi bảy tỉ đồng, một trăm mét vuông…). Và c - số chưa đạt đến 1 (0,2 chẳng hạn - có dấu phẩy). Số thứ tự từ 1 đến 9, tại một văn bản bình thường, cớ gì cứ phải chêm số 0 vào trước (01, 02, 03,...).Thật ra, cách viết đó đã xuất hiện từ những năm bảy mươi thế kỷ trước. Trong quyển “Thi nhân Việt Nam thế hệ 1954-1973” của Nguyễn Tấn Long, Phan Canh (Nxb Sống Mới, Sài Gòn, 1974) có chỗ ghi: “18/05/1973”. Nhưng xưa kia cách sử dụng số không (0) như thế không nhiều. Điều đáng nói là khoảng mười năm trở lại đây, việc ghi số 0 một cách vô lý, dư thừa đã và đang xảy ra tràn lan khắp cả nước. Biển số nhà ghi 09, 01… Băng rôn, biểu ngữ, giấy mời họp... cũng ghi số 0 một cách hồn nhiên như vậy. Thứ tự trang báo cũng ghi 02, 03... Thiết nghĩ, khi làm một văn bản thông thường về sinh hoạt, chúng ta không đặt thêm con số 0 vào phía trước số đã được xác định, dẫu số đó chỉ đơn lẻ từ 1 đến 9.
Số tròn. Nhiều người nói và viết rất hồn nhiên, rằng “năm nay cô ấy tròn 17 tuổi, tròn 23 tuổi...", “kỷ niệm tròn 43 năm…”. Không ít bài báo in sa vào cách viết khập khiễng này. Đã tròn thì phải có số không. Gọi chẵn cũng tạm nghe được, nếu là 5, 15, 25… Tuổi khoảng từ 18 đến 21, có thể gọi là tuổi đôi mươi. Định lượng từ 9 đến 16, có thể nói là mươi, mười lăm. Làm tròn số khi tính toán không cần chính xác lại là việc khác. Riêng "tuổi trăng tròn" là nói về thiếu nữ mười lăm (năm chẵn), tròn ở đây là hình tròn của trăng rằm; hoặc trẻ sinh đầy năm (12 tháng) cũng gọi tròn năm.
Con số trong văn bản văn học. Văn bản hành chính, chính trị, kinh tế, khoa học, báo chí... rất cần nêu con số. Văn bản văn học lại cần hạn chế, sử dụng con số - ngoại trừ sự cố ý của tác giả - tùy từng thể loại đặc thù. Khi phải trình bày con số thì nên dùng chữ để mô tả. Con số quá nhiều, lại đặt không đúng chỗ khiến độc giả bị san sẻ sự chú ý quá mức cần thiết, ắt làm tầm nhìn rộng sâu ra phía sau trang văn bị cản trở, gây vướng víu cho xúc cảm tiếp nhận văn bản nghệ thuật. Tránh viết con số không phải lúc nào cũng khó, ngay cả trường hợp như là “khô khan”, “vô cảm”. Chẳng hạn: là 50% có thể viết một nửa, 25% có thể viết một phần tư... (Đương nhiên, thơ Nguyễn Bính không thể viết: “Nhà em cách 4 quả đồi/ Cách 3 ngọn suối cách đôi cánh rừng”. Thành ngữ không thể nói: “Mồm 5 miệng 10”, “1 vừa 2 phải”).
Con số ở đầu câu và số chưa được xác định rõ ràng. Bài ca dao “Mười thương” không thể giãi bày: “1 thương, 2 thương, 3 thương”... Bài thơ của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý viết về mười nghìn ngôi mộ ở nghĩa trang Trường Sơn, có nhiều câu ở đầu dòng có chữ “Mười nghìn”, chẳng lẽ tác giả viết 10.000 ở đầu mấy chục câu thơ ư? Nếu phải nêu con số ở câu đầu, đoạn đầu thì nên chuyển thành chữ viết hoặc chuyển nó vào phần sau của câu. Thí dụ: “1.000 người tham gia đi bộ”. Nên viết: “Một nghìn người tham gia đi bộ”, hoặc “Trong cuộc đi bộ này, có 1000 người tham gia. Đương nhiên, là có ngoại lệ, tùy thuộc vào văn bản cụ thể. Chẳng hạn, đưa thời điểm lên đầu để nhấn mạnh, như: “1945, Tuyên ngôn Độc lập”; “1975, Thống nhất đất nước”; “1986, bắt đầu thời kỳ Đổi mới”…