Góc nhìn

Một dạng từ láy

Nhà thơ Phạm Đình Ân 07:03 25/09/2023

Dần dần, từ từ, thường thường, đều đều, mãi mãi, nhanh nhanh, hay hay, luôn luôn… là những cặp từ láy đôi trùng lặp. Hầu hết từ láy đôi trùng lặp đều có chức năng diễn tả nhịp độ, tần suất sự việc đang trải qua trong tiến trình thời gian. Những từ chỉ dùng một tiếng thì nghĩa sẽ khác khi dùng cả hai (từ láy), như vậy, sự lầm lẫn, thiếu chính xác khi sử dụng ít xảy ra. Riêng hai cặp từ mãi mãi và luôn luôn, khi nào chỉ dùng một từ, khi nào dùng cả từ láy và điều cần bàn, nếu muốn cho lời nói, câu văn chuẩn xác.

Ở đây xin bàn trước về luôn và từ láy luôn luôn.

Từ luôn có những nghĩa sau: 1) Liên tục. Thí dụ: "Anh ấy cứ nói luôn miệng, tôi không thể chen vào được"; 2) Ngay lập tức. Thí dụ: "Cô ấy nói xong, vội vàng đi luôn về đến nhà để sửa soạn ra bến xe. 3) Chấm dứt một sự việc, không thể đảo ngược. Thí dụ: "Mắng em trai một trận, rồi ông giận dữ bỏ đi luôn". (Luôn còn được dùng ở trường hợp luôn thể, luôn một thể, gần gũi ở nghĩa 2). Ở những trường hợp nêu trên, luôn đứng sau động từ và đứng trước danh từ. Nhiều khi nó được đặt được ở cuối câu, nhưng cũng có thể xuất hiện ở giữa câu, như: "Tôi đưa vợ ở cơ quan về nhà rồi đi luôn đến trường đón con".

Luôn luôn là từ láy đôi trùng lặp của luôn. Đây là cách nói chỉ trạng thái liên tục, thường xuyên của sự việc, hành động. Nếu luôn đứng sau động từ thì luôn luôn đứng trước động từ. Nếu viết: “Em hứa sẽ luôn làm theo lời anh" thì không sai nhưng chưa chuẩn. Nên viết: “Em hứa sẽ luôn làm theo lời anh".

Xin nêu thí dụ những trường hợp dùng chuẩn xác:

“Phải cố gắng học tập và luôn luôn gương mẫu về đạo đức cách mạng” (Bác Hồ viết di chúc, NXB Sự Thật, 1989, tr. 98). “Cách mạng là luôn luôn chiến đấu và chiến thắng” (Lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Hữu Thỉnh thuật lại, Văn nghệ, 5/3/2016. Tại bài này có bốn lần Thủ tướng dùng từ luôn luôn). Thí dụ khác:nhưng những chuyến đi xa lúc nào cũng quyến rũ tôi. Nó luôn luôn hé lộ cho tôi một điều gì đó. Sau mỗi tuần đi, tôi luôn luôn nhận thấy mình quá nhỏ bé (…) Cha tôi lúc đó đã về hưu. Người luôn luôn sợ hãi về tôi. Hình như tôi luôn luôn là sự bất trắc trong cuộc đời của ông cho đến tận bây giờ và mãi mãi về sau”. (Nguyễn Quang Thiều, tạp chí Tia sáng số 6, 3/ 2006). “Trần Hòa Bình luôn luôn nhường nhịn tôi” (Hồng Thanh Quang - An ninh thế giới cuối tháng, 12/2013). Khi luôn dễ dàng đặt ở cuối mệnh đề thì luôn luôn lại rất gượng ép khi được đặt ở cuối câu: "Bố mẹ thương yêu các con luôn luôn". Nên viết hoặc nói: "Bố mẹ luôn luôn thương yêu các con".

Tuy nhiên, trong thơ có khi tác giả bắt buộc phải nói tắt: “Nay xa cách lòng ta luôn tưởng nhớ” (Tế Hanh - bài Quê hương). Hoặc cách nói độc đáo, khác người: “Làm cái nghề vận tải đường nước này thật là vất vả, người cứ đứng lên mà luôn tay luôn chân luôn mắt và cả luôn tim nữa”. (Nguyễn Tuân - Sông Đà).

Từ thường xuyên không phải là từ láy mà lại gần nghĩa với từ luôn luôn. Chúng ta có thể dùng thường xuyên thay cho luôn luôn ở những văn cảnh thích hợp. Thí dụ: "Anh ấy thường xuyên đến sớm trước hẹn", câu này không khác gì với câu "Anh ấy luôn luôn đến sớm trước hẹn". Cặp láy luôn luôn đậm nghĩa nhấn mạnh hơn ở cả hai phía ngôn ngữ thị giác và ngôn ngữ thính giác.

Mới đây một nhà văn tự in một cuốn hồi ký, trong đó có rất nhiều chữ luôn (mà hầu hết nên viết là luôn luôn). Bạn nghề đã nói với tác giả rằng, qua năm trăm trang sách, tôi không gặp một từ thường xuyên nào! Chúng ta cần diễn dạt mềm mại, linh hoạt, tránh trùng lặp, gây cảm giác nhàm chán, nặng nề. Như từ láy đôi từ từ, có thể thay bằng thong thả... Tác giả ớ ra giây lát rồi cười vui: "Cậu đọc cho mình kỹ quá. Rất cảm ơn!"./.

Bài liên quan
  • Chuyển đổi từ Hán Việt sang từ thuần Việt
    Như đã biết, từ Hán Việt chiếm phần lớn trong vốn từ vựng tiếng Việt. Từ Hán Việt có ưu điểm như: súc tích, diễn đạt tốt được ý nghĩa trang trọng, tính khái quát cao, cần được dùng nhiều trong các văn bản hành chính, khoa học…
(0) Bình luận
  • "Người Hà Nội" đã và đang làm tốt sứ mệnh lan tỏa văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến
    "Người Hà Nội" sẽ mừng "sinh nhật" tuổi 40 vào ngày 8/5/2025. Chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, Người Hà Nội đã có được một “hệ thống” cộng tác viên là văn nghệ sỹ ở nhiều lĩnh vực: văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, lý luận phê bình;… các nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu Thủ đô và cả nước.
  • PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn: “Người Hà Nội ” luôn giữ được “chất” Hà Nội
    PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn là một cộng tác viên có nhiều bài viết chất lượng đăng trên Người Hà Nội, từ những ngày đầu nhà văn Tô Hoài làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội. “Đọc Người Hà Nội, người ta thấy được cái "chất" Hà Nội, thấy được những tâm tư, tình cảm của nhiều cây bút là văn nghệ sỹ tài năng và những câu chuyện, vấn đề của Hà Nội” - PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, chia sẻ.
  • Nhà văn Lê Phương Liên: "Còn có thể gõ bàn phím thì tôi còn viết về Hà Nội, viết cho Người Hà Nội"
    Nhà văn Lê Phương Liên nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam với nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi đặc sắc. Ít ai biết, tác giả truyện ngắn “Câu hỏi trẻ thơ” là cộng tác viên gắn bó với Tạp chí Người Hà Nội suốt 40 năm nay. Nhà văn Lê Phương Liên, chia sẻ: “Tên gọi Người Hà Nội luôn nhắc nhở tôi “dù có đi bốn phương trời” thì cũng luôn nhớ về Người Hà Nội để gửi, viết bài”, và viết bài cho “Người Hà Nội” chính là viết cho quê hương mình.
  • Văn học trong thời đại số - Những cơ hội và thách thức
    Vai trò không thể thay thế của văn học trong việc phản ánh đời sống và truyền tải giá trị nhân văn, đặc biệt trong bối cảnh thời đại số.
  • Đổi mới thi ca cũng không được xa lạ với con người
    Cuộc đối thoại của nhà thơ với thời đại trong thơ ca mang lại hy vọng, nâng cao giá trị con người ngay cả trong thời điểm bi tráng nhất của lịch sử hoặc thời khắc đau khổ nhất của mỗi một số phận. Một nhà thơ đích thực phải biết dùng ngôn ngữ của thơ để chạm vào tâm hồn con người. Không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí, ngôn ngữ đó cần có thêm cảm xúc của trái tim - những cảm xúc được tái hiện từ chất liệu đời thường.
  • Thú vị ngôn từ
    Nhà văn viết truyện ngắn, tiểu thuyết nếu chỉ kỳ công ở việc tạo cốt truyện, kết cấu tác phẩm, xây dựng nhân vật cùng các mối quan hệ, số phận con người mà quên mất trau chuốt ngôn từ thì sẽ giảm đi nhiều phần giá trị tác phẩm. Để thỏa mãn bạn đọc thì rất cần những trang viết hấp dẫn, lôi cuốn bởi ngôn từ, như miêu tả người và cảnh, diễn đạt trữ tình nội tâm…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Một dạng từ láy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO