Văn hóa – Di sản

Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm – cây đại thụ văn hóa dân tộc

Vũ Khiêu 06/11/2023 10:54

Nguyễn Bỉnh Khiêm, tự Hanh Phủ, thuở nhỏ tên là Văn Đạt, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng.

Ông xuất thân từ một gia đình Nho học. Cha là Giám sinh Nguyễn Văn Định. Mẹ là Nhữ Thị Thục, con của Thượng thư Nhữ Văn Lan. Theo gia phả, bà là người thông tuệ, am hiểu cả lý số, thiên văn. Bà rất quan tâm dạy dỗ để con nên người. Chính Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong bài Tựa Bạch Vân thi tập, đã khẳng định công lao của bà (Thơ văn Nguyễn Binh Khiêm, 1983).

nguyen-binh-khiem.jpg
Tượng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Từ nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm thông minh, hiếu học, thường được mẹ đem kinh truyện và thơ quốc âm ra dạy. Lớn lên, may mắn được theo học bảng nhãn Lương Đắc Bằng, được truyền thụ khá sâu về môn học dịch lý, và tương truyền còn được thầy truyền cho một cuốn “thiên thư” gọi là Thái ất thần kinh.

Tuy học giỏi nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa chịu đi thi, bởi xã hội đang quá rối ren. Triều đình nhà Lê với những loại “vua quỷ, vua lợn” và cả bộ máy quan liêu đang ngày càng suy đồi, mục nát. Với những vua quan ấy, làm sao một người như ông có thể dựa vào đó để thực hiện lý tưởng giúp nước, cứu dân được. Ông thấy rõ sự suy sụp không thể cứu vãn nổi của nhà Lê. Ông chờ đợi một đổi thay thời thế tất yếu sẽ xẩy ra.

Năm 1527, khi Mạc Đăng Dung phế truất vua Lê, lập ra vương triều Mạc, người ta thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn ung dung ở nhà tiếp tục nghề dạy học. Năm 1529, nhà Mạc mở khoa thi thứ nhất, năm 1532 mở khoa thi thứ hai, nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn chờ:

Tiệc ngọc còn chờ người quý giá,

Mâm son hãy đợi khách cao tài.

Gươm trời nỡ để tay phàm tuốt,

Búa nguyệt chi cho đứa độc mài.

(Bạch Vân thi tập, bài 79)

Phải chờ gần 8 năm trời, có đủ thời gian để thực tiễn chứng minh sự hiện diện đáng tin cậy của nhà Mạc. Với hai ông vua đầu triều giỏi nhất, là Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh, nhà Mạc bước đầu xoay chuyển được tình thế theo triều hướng tốt lên. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận: “Đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên”... Bấy giờ Nguyễn Bỉnh Khiêm 45 tuổi mới đi thi và lập tức giành học vị cao nhất. Kỳ thi Hương năm Giáp Ngọ (1534) đỗ Giải nguyên. Mùa xuân năm Ất Mùi (1535) thi Hội đỗ Hội nguyên, thi Đình đỗ Trạng nguyên.

Sau khi đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Bỉnh Khiêm hăng hái ra làm quan với triều Mạc. Lúc đầu được bổ chức Đông các hiệu thư, sau sung chúc Tả thị lang bộ Hình. Ở triều được 8 năm, thấy gian thần lộng hành, ông dâng sớ đàn hặc và xin chém 18 tên. Vua Mạc không nghe. Ông bèn thác bệnh xin về trí sĩ.

Trở lại quê nhà, ông vẫn được nhà Mạc trọng vọng, khi có việc gì quan trọng vẫn sai sứ đến hỏi. Có khi ông được triệu về kinh, “thung dung trù liệu kế hoạch, rồi lại trở về am, chứ không ở lại” (Phả ký). Riêng ông, ông vẫn quan tâm đến thời cuộc và không quên trách nhiệm của mình đối với xã hội. Bởi vậy sau một thời gian, ông lại trở lại tham gia chính sự. Trong khoảng những năm từ 1554 đến năm 1561, đã ngoài 60 tuổi, ông vẫn làm Tham tán quân cơ, theo quân nhà Mạc hai lần đi “dẹp loạn” ở miền Tây. Việc này đối với ông có phần gắng gượng:

Những thẹn thân già kém việc binh,

Gắng gượng đi theo cuộc viễn chinh.

(Tòng Tây chinh, bài 1)

Xong binh vụ này, ông lại về quê nghỉ, nhưng chỉ ít lâu lại ra làm việc, được thăng chức Tả thị lang Bộ Lại kiêm Đông các đại học sĩ, giữ chức vụ này cho đến khi về hưu lần thứ ba (năm 1564). Lần này ở tuổi 74, ông mới thực sự treo ấn từ quan.

Trở lại quê nhà, ông lập am Bạch Vân, mở trường dạy học bên bờ sông Hàn, lấy đạo hiệu là Bạch Vân, cư sĩ, tự coi mình như một áng mây trắng. Trắng như tâm hồn trong trắng, thanh cao của ông vậy.

Cũng bên bờ sông Hàn, ông cho xây dựng quán Trung Tân để làm nơi hóng mát và chỗ nghỉ ngơi cho khách qua đường. Ông giải thích: “Trung có nghĩa là ở chính giữa, không chênh lệch. Giữ trọn được tính thiện là trung. Không giữ được tính thiện thì không phải là trung vậy. Tân có nghĩa là cái bến. Biết chỗ đáng đậu là đúng bến. Không biết chỗ đáng đậu là lầm bến” (Bia quán Trung Tân)...

Ông góp công của cùng nhân dân họp chợ, xây cầu để cải thiện cuộc sống nông thôn. Ông cho câu đối, vẽ mẫu tam quan, ứng tác bài đồng dao cho trẻ nhỏ, vui với dân làng và với cảnh đẹp quê hương.

Sông Hàn được ông đặt cho một cái tên đẹp: Tuyết Giang. Hàn là lạnh. Tuyết Giang là sông lạnh như tuyết. Học trò và người đương thời trân trọng gọi ông là Tuyết Giang phu tử, người thầy lớn trên sông Tuyết. Danh hiệu cao quý này dành cho ông không chỉ vì ông có học vấn uyên bác vượt lên trên hẳn những trí thức đương thời, mà còn vì ở ông hội tụ những phẩm chất tốt đẹp nhất cần có ở một người thầy. Qua nhiều năm dạy học, trước sau ông đã đào tạo ra hàng trăm trò giỏi, trong đó có nhiều người sau này trở thành những nhân vật nổi tiếng một thời, như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyện, Nguyễn Dữ, Trương Thời Cử, Đinh Thời Trung, v.v...

Ông sống thanh thản « Một mai, một cuốc, một cần câu » và Ô Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao ». Nhưng thời thế ngày càng diễn biến xấu đi đối với ông. Xung đột Bắc Nam vẫn tiếp diễn. Lê - Trịnh ngày một thắng thế. Triều Mạc lục đục kéo dài, chính sự ngày càng mục nát, binh lực suy yếu, nguy bại vong khó tránh khỏi.

Trong tình hình ấy, ông không thể không lo buồn. Bởi vì với ông «tấm lòng lo trước đến già chưa thôi” (Lão lai vị ngải tiên ưu chí – Tự thuật).

Vào những năm tháng cuối đời, sức khỏe không tốt, ông càng thêm da diết bởi vậy nước vẫn long đong, tương lai mù mịt. Năm 1585 đau ốm nhiều. Cuối năm bệnh nặng không qua khỏi. Ông mất ngày 28 tháng 11 năm Ất Dậu (1585), thọ 95 tuổi.

Triều đình truy tặng ông từ chức Tả thị lang Bộ Lại lên chức Thượng thư Bộ Lại, từ tước Trình Tuyền hầu lên tước Thái phó Trình Quốc công. Vua Mạc Hậu Hợp tự tay viết biển ngạch « Mạc triều trạng nguyên Tể tướng từ để treo ở đền thờ ông.

Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại một di sản văn học quý báu: khoảng 700 bài chữ Hán (gồm thơ, phú, bi, ký, văn tế) và gần 200 bài thơ chữ Nôm, chủ yếu tập trung trong Bạch Vân am thi tập - thơ chữ Hán và Bạch Vân quốc ngữ thi - thơ chữ Nôm.

Thơ văn Nguyễn Bỉnh khiêm không chỉ phản ánh sâu sắc những diễn biến của cuộc đời mà còn thể hiện chân thành những suy tư, xúc cảm, thái độ của ông trước những diễn biến ấy.

Nội dung thơ văn của ông trước hết là những vấn đề thế thái nhân tình. Những vấn đề đó lại thường được ông phản ánh và phân tích theo tinh thần Dịch lý. Vì vậy, nhiều người gọi ông là nhà thơ triết lý.

Quan niệm rằng: mọi sự vật, sự việc đều luôn biến đổi, sinh ra rồi mất đi, rồi lại bắt đầu..., ông viết :

Muốn biết cơ trời thần diệu, sự sống cứ sinh ra mãi,

Hãy xem mai nở tháng rét, sẽ thấy một khí dương lại sinh ra.

(Ngụ hứng quán Trung Tân, bài 11)

Và:

Sen mùa trước đổi, mùa sau mọc,

Triều cửa này ròng, cửa khác cường.

(Thơ Nôm, bài 98)

Từ đó ông có lời răn :

Làm người chớ thấy tài mà cậy,

Có nhọn bao nhiêu lại có tù (tùi).

(Thơ Nôm, bài 2)

Có thủa được thời, mèo đuổi chuột,

Đến khi thất thế, kiến tha bò.

(Thơ Nôm, bài 81)

Về thế sự, bao trùm lên thời đại ông là sự tranh giành, thoán đoạt giữa các tập đoàn phong kiến, dẫn đến các cuộc chiến tranh liên miên. Nhà Mạc lúc đầu mạnh mẽ, có thành tựu xây dựng đất nước thanh bình, nhưng chẳng bao lâu suy yếu dần và không có khả năng đưa đất nước ra khỏi thảm họa “núi xương sông máu”. Vậy ai là người có thể cứu dân lúc này? Nguyễn Bỉnh Khiêm đặt câu hỏi:

Nhân dân vô tội gặp phải cảnh cơ cực, độc ác từ lâu,

Hỏi ai là kẻ nhân từ không ham giết người, thỏa lòng dân chờ cứu sống?

(Cảm hứng, bài 7)

Thơ văn chống chiến tranh của ông, tuy có mặt hạn chế nào đó khi ông đứng về phía nhà Mạc để lên án bọn «nghịch tặc, nhưng mặt khác quan trọng là xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, ông lại đứng về phía nhân dân và thấy ông rất đáng ghét việc can qua bày đầy ra trước mắt» (Cảm hứng, bài 4). Bởi can qua mà nhân dân phải chịu bao nỗi khổ:

Nhà ở đem bẻ làm củi đốt,

Trâu cày đem giết thịt ăn.

Cướp của người,

Hiếp đáp và dụ dỗ vợ người.

Chi trông thấy cảnh lầm than,

Nơi nơi là gai bụi.

(Thương loạn)

Ông thông cảm sâu sắc với những chinh phu, chinh phụ :

Tiếng ngâm buông xuống theo gió tây thổi từng trận,

Ở chốn thâm khuê khi người thiếu phụ ngủ một mình.

Bỗng nghe hơi lạnh thấm vào rèm màn,

Mới biết tình người có nỗi biệt ly.

(Khuê tình)

Nhân dân điêu đứng như vậy mà chiến tranh cứ kéo dài mãi :

Chiến tranh cuộc này kéo đến cuộc khác,

Họa loạn đến thế này là cùng cực.

(Thương loạn)

Và ông phẫn nộ thốt lên: Hà tất khu khu sự chiến tranh? (Việc gì phải khư khư theo đuổi chiến tranh (Cảm hứng, bài 3).

Đề cập những vấn đề nhân tình thế thái, văn thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm thường thiên về phê phán những thói đời tồi tệ. Mảng thơ này sắc sảo và thâm thúy.

Ông phê phán thói đời đen bạc, nhiều kẻ chỉ ham chạy theo đồng tiền mà bỏ qua đạo nghĩa:

Đạo nọ nghĩa này trăm tiếng bướm,

Nghe thôi, thinh thỉnh lại đồng tiền.

(Thơ Nhôm, bài 6)

Người, của, lấy cân ta thử nhắc,

Mới hay rằng của nặng hơn người.

(Thơ Nôm, bài 80)

Ông phê phán thói đời hiểm độc, xảo trá:

Lưỡi thế gẫm xem mềm tựa lạt,

Miệng người toan lại sắc như chông.

(Thơ Nôm, bài 127)

Loại người mà ông khinh ghét nhất, chính là bọn xấu trong hàng ngũ những kẻ quyền thế. Ông thừa hiểu bụng dạ của chúng: “Sang thì đi đến chỗ kiêu ngạo. Giàu thì đi đến chỗ xa xỉ. Sự tô điểm nhà cửa thì vẽ tranh chạm ngọc. Sự xa xỉ ở nơi bếp núc thì lấy sáp làm củi, bùi béo ngon ngọt. Say rượu nồng no chất tươi, mặc áo the cưỡi ngựa béo. Thấy người đói ngã lăn xuống ngòi rãnh thì một đồng tiền không cho. Thấy người đi đường màn trời chiếu đất, thì một bát gạo chẳng giúp. Chỉ có cái lợi là thấy rõ như điên như dại” (Bia ký quán Trung Tân)...

Ông cảnh báo mọi người rằng:

Không gì hiểm bằng đường đời,

Nếu không cắt bỏ đi thì đâu cũng là chông gai cả.

Không gì nguy bằng lòng người,

Nếu buông lỏng thì thành quỷ quái cả.

(Trung Tân ngụ hứng)

Khi ở ẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm hay nói đến cảnh “Nhàn”

Tính tuổi đời đã bảy mươi tư,

Mừng được về nhàn nơi quê cũ.

(Trí sĩ)

Ông tỏ ra bằng lòng, thích thú cảnh sống thanh nhàn: “An nhàn ngã thị địa trung tiên”, tự coi mình chính là ông tiên trên mặt đất (Ngụ hứng, bài 10).

“Nhàn” của ông không phải là ngồi rỗi. Với ông, “nhàn” có nghĩa là để cho tâm hồn thư thái, không dính líu vào sự bon chen giành giật ở đời:

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn, người đến chốn lao xao.

(Thơ Nôm, bài 79)

Ở nơi vắng vẻ, hòa mình vào thiên nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm có những bài tả cảnh rất đẹp :

Nhà ở bên sông ngảnh xuống sông,

Hai bờ xa cách nước mênh mông...

Bóng lửa chài xen lẫn ánh tà dương,

Tiếng chuông chùa vội lắng đêm đông.

(Trung Tân ngụ hứng, bài 10)

Núi nhuộm sắc thu xanh chuyển thành nhạt,

Sông lồng bóng trăng, sắc trắng ganh đua nhau.

(Ngụ hứng, bài 7)

Thiên nhiên đối với ông luôn luôn là bạn:

Trăng thanh gió mát là tương thức,

Nước biếc non xanh ấy cố tri.

Người bạn thân thiết ấy, ngày đêm ông mong đợi :

Đêm, đợi trăng cài bóng trúc,

Ngày, chờ gió thổi tin hoa.

(Thơ Nôm, bài 17)

Và thiên nhiên cũng luôn quấn quít bên ông:

Sáng đến vườn rau, sương dính dép,

Đêm ra xóm lưới, nguyệt đầy thuyền.

(Ngụ hứng) .

Mảng thơ thiên nhiên của Nguyễn Bỉnh Khiêm, phải chăng bởi vẻ đẹp của nó, đã gợi cho Phan Huy Chú viết rằng: “Đọc qua văn ông, dù ngàn năm sau còn tưởng thấy như trăng trong gió mát”.

Thơ văn Nguyễm Bỉnh Khiêm, đặc biệt là thơ Nôm của ông, đánh dấu một chặng đường quang vinh trong lịch sử văn học Việt Nam. Thơ của ông vừa mang những nét mộc mạc và rắn chắc của thơ Nguyễn Trãi, vừa tiếp thu truyền thống trau chuốt và nhuần nhuyễn của thơ Lê Thánh Tông và nhóm Tao đàn. Thơ của ông chính là sự chuẩn bị cần thiết cho sự phát triển rực rỡ của thơ Nôm thế kỷ XVIII.

Ngoài những thơ văn có thực của Nguyễn Bỉnh Khiêm, còn có các tập sấm ký có tên Trình Quốc công sấm ký, Trình tiên sinh quốc ngữ tương truyền của ông, nhưng đâu đã phải là của ông (?).

Người ta cho rằng ông có thể đoán định được tất cả mọi chuyện trên đời, biết trước cả những việc rất cụ thể sẽ xảy ra ba, bốn trăm năm sau.

Người ta xem ông như một ông thầy của các vua chúa thời đó, được các phe phái đối nghịch nhau kính trọng và tìm đến ông để xin được chỉ giáo. Về vấn đề này, có nhiều giai thoại đã được truyền tụng hoặc còn được ghi trong sử sách. Chẳng hạn: Chuyện ông khuyên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Khuyên Trịnh Kiểm không được phế bỏ vua Lê: “Ở chùa thờ Phật thì ăn oản”. Khuyên Mạc Mậu Hợp hãy cho con cháu lên Cao Bằng có thể sống được ba đời: “Cao Bằng tuy thiểu, khả dĩ dung thân”, v.v...

Đáng chú ý là những ý kiến ông đưa ra đều rất hiệu nghiệm. Chắc chắn không phải vì ông có một năng lực huyền bí, cao siêu nào đó. Nếu như những chuyện như trên là có thật, thì cũng có thể cắt nghĩa. Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn nổi tiếng tinh thông dịch lý. Theo Phan Huy Chú thì viên sứ thần nhà Thanh tên là Chu Xán đã cho rằng: “Người Lĩnh Nam biết lý học chỉ có ông Trình Tuyền” . Cho nên, từ phép biện chứng thô sơ của dịch kinh và lý học, ông phân tích và tổng hợp tình hình từ quá khứ đến hiện tại, thấy chỗ mạnh chỗ yếu của các tập đoàn. Trong một số trường hợp nhất định, có những việc ông có thể dự đoán có khả năng xảy ra trong tương lai theo xu hướng phát triển tất yếu của thời đại.

Với những Sấm ký được đồn đại và gán ghép cho ông là tác giả, với những huyền thoại về ông được lưu truyền và đọng lại trong ký ức của nhiều thế hệ người Việt Nam, ông Trạng Trình trở thành một nhân vật của truyền thuyết, đi vào nền văn hóa dân gian như một thần tượng của thông tuệ và đạo đức.

Trong lịch sử Việt Nam, Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhân cách rất đặc biệt. Hiếm có ai được như ông, cuộc đời dài tới 95 tuổi, sống gần trọn vẹn cả một thế kỷ XVI đầy biến động.

Ông là một đại nho, một nhà tư tưởng, nhà chính trị có uy vọng lớn trong mọi tầng lớp nhân dân.

Ông là tác giả lớn của nền văn học nước nhà, để lại một di sản văn thơ lớn.

Ông là một “phu tử”, người thầy lớn của thời đại, nhà giáo dục nhiệt thành của chủ nghĩa nhân văn, đào tạo ra hàng trăm đệ tử anh tài.

Ông là bậc hiền nhân, nêu gương sáng về đạo đức liêm khiết, thanh cao, sống có bản lĩnh giữa một xã hội bất trắc, đầy biến động.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà trí thức đức tài toàn vẹn, rực rỡ một thời và tiêu biểu cho nhiều tầng lớp trí thức Việt Nam./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Tô Hiến Thành – nhà chính trị tài năng
    Chính sử chép rằng Tô Hiến Thành sinh ngày 22 tháng giêng và mất năm Kỷ Hợi 1179, đời vua Lý Cao Tông, nhưng không ghi rõ năm sinh. Lịch sử có điều khiếm khuyết như vậy (Tháng 7 năm 1997 tại cuộc hội thảo lớn về thân thế, sự nghiệp của Tô Hiến Thành, có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện các nơi thờ cúng cụ Tô, đại diện các chi hệ dòng họ cụ Tô tham dự. Hội nghị đã tham khảo nhiều bản thần tích, tộc phả và đã tìm ra ngày tháng năm sinh Tô Hiến Thành là ngày 22 tháng giêng năm Nhâm Ngọ 1102, triều Lý Thần Tông)...
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xuất khẩu sách văn hóa Việt sang thị trường Trung Quốc
    Sáng ngày 20/5, tại đường Sách thành phố Hồ Chí Mình, Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (CHIBOOKS) đã tổ chức Lễ ký bản quyền Tủ sách văn hóa Việt xuất bản sáng tiếng Trung và Lễ trao xác nhận Chi JSC là đại diện Việt Nam duy nhất đưa sản phẩm văn hóa Việt vào thị trường Trung Quốc.
  • Chùm thơ 2 bài: Hà Nội và bạn, Ước của tác giả Ngô Đức Hành
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Ngô Đức Hành.
  • "Bữa tiệc của Elsa"- Vở nhạc kịch đậm tính nhân văn dành cho thiếu nhi
    Đón chào mùa hè 2024, Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng và cho ra mắt vở nhạc kịch dành cho thiếu nhi "Bữa tiệc của Elsa". Vở nhạc kịch do tác giả Trần Lệ Chiến viết kịch bản, NSƯT Lê Ánh Tuyết và Đào Duy Anh đạo diễn.
  • Làm gì để đảm bảo an toàn PCCC trong hàn cắt kim loại?
    Do kiến thức về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC), đặc biệt là các thợ hàn cắt kim loại còn hạn chế nên trong quá trình hàn cắt kim loại, nhiều vụ cháy, nổ đã xảy ra. Liên quan đến vấn đề này, UBND Thành phố Hà Nội vừa đưa ra khuyến cáo đảm bảo an toàn PCCC trong hàn cắt kim loại.
  • Sân khấu học đường: Hoạt động có ý nghĩa thiết thực đối với ngành Giáo dục của Thủ đô
    Hàng trăm học sinh tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã không rời mắt khỏi 2 vở diễn Sự tích cây nêu ngày Tết và Mồ Côi xử kiện do Nhà hát Kịch Hà Nội tổ chức và biểu diễn; qua đó cho thấy hiệu quả của Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong Chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030” (gọi tắt là Đề án sân khấu học đường).
Đừng bỏ lỡ
  • Sôi nổi cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc quận Tây Hồ
    Bác Hồ từng nói “Đọc sách là nguồn tri thức bất diệt của nhân loại và có giá trị trường tồn theo thời gian”. Nhằm thực hiện theo lời Bác để phát triển sâu rộng và nâng cao văn hóa đọc tại Việt Nam. Sáng 20/5, các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn quận Tây Hồ tổ chức cuộc thi đại sứ văn hoá đọc 2024 với chủ đề “Phát huy hào khí Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
  • Việt Nam đứng đầu danh sách lựa chọn du lịch của người Ấn Độ
    Trang livemint.com đã có bài viết khẳng định thị trường du lịch Ấn Độ đang diễn ra sôi động, đặc biệt tỷ lệ người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài đã tăng đột biến thời gian gần đây, trong đó Việt Nam nổi lên như một điểm đến quốc tế được ưa chuộng.
  • Quận Thanh Xuân tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính năm 2024
    Nhằm cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (CCHC), chỉ số hài lòng (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI), UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, giải pháp CCHC quận Thanh Xuân năm 2024.
  • “Phá băng” quy định "chung chung" để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
    Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Bộ VH-TT&DL chủ trì xây dựng, dự kiến được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra sắp tới. Việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa được kỳ vọng sẽ “phá băng” các quy định chung chung của Luật hiện hành để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
  • Thăm di tích núi Bân- nơi từng an táng thân mẫu Bác Hồ ở Cố đô Huế
    Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh từng được an táng ở triền núi Bân (phường An Tây, TP Huế) từ năm 1901-1922 và hiện nay là Di tích lịch sử cấp tỉnh Thừa Thiên Huế.
  • [Podcast] Truyện ngắn Hố băng
    Huỳnh Trong Khang được biết đến là cây bút tài năng thuộc thế hệ 9x và là một trong những tác giả trẻ đầy triển vọng. Ngay từ khi xuất hiện trên văn đàm 2016 cây bút trẻ quê gốc An Giang Huỳnh Trọng Khang đã gây ấn tượng với chất văn chương già hơn so với tuổi, cái già trong văn chương của Khang được thể hiện rõ nét trong từng tầng nghĩa. Hầu hết các tác phẩm của Khang mang đến cho bạn đọc mênh mang chữ, sâu thẳm nghĩa.
  • Lấp khoảng trống phát sinh, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam
    Sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật được các chuyên gia đánh giá rất cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội. Quá trình xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ VH-TT&DL cũng đã chỉ ra một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới trong Luật, nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.
  • Trưng bày, giới thiệu hơn 300 ảnh du lịch “Bình Định – Thừa Thiên Huế - Nghệ An”
    Để tăng cường hoạt động hợp tác và liên kết phát triển du lịch, Sở Du lịch tỉnh Bình Định, Thừa Thiên Huế và Nghệ An tổ chức trưng bày, giới thiệu hơn 300 hình ảnh về các giá trị văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh…
  • “Tình sen” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Bích Vân
    Gần 70 tác phẩm với chủ đề “Tình sen” vừa được NSNA Hoàng Bích Vân giới thiệu tới công chúng tại Trung tâm Giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (29 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm cá nhân đầu tiên này là một dấu ấn quan trọng và cũng là một minh chứng cho tình yêu với sen, với nghệ thuật (mỹ thuật và nhiếp ảnh) của nữ nghệ sĩ.
  • Vở xiếc "Giấc mơ tuổi thần tiên" ra mắt phục vụ khán giả nhí dịp 1/6
    Vở diễn “Giấc mơ tuổi thần tiên” do Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng chỉ đạo nghệ thuật, Nghệ sỹ Ưu tú Trương Thị Mai đạo diễn, cùng sự tham gia của các diễn viên, nghệ sỹ xiếc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm – cây đại thụ văn hóa dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO