Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: 3,1-3,2 triệu tỷ đồng (giá hiện hành, tăng 12,5-13,5%/năm); Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%; Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7,0-7,5%. Giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo trong GRDP: 17%.Kim ngạch xuất khẩu: 20,470 tỷ USD. Số lượt khách du lịch đón và phục vụ đạt từ 35-39 triệu lượt khách, trong đó có từ 8-9 triệu lượt khách du lịch quốc tế.
Về cơ cấu lại các ngành kinh tế: Tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025, nâng tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ chiếm trên 30% tổng GTSX công nghiệp trên địa bàn (hiện tại khoảng 25%); Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định rõ các sản phẩm công nghiệp chủ lực, nâng cao giá trị sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực lên 40-45% tổng GTSX công nghiệp toàn TP, phát triển 08-10 nhóm ngành sản phẩm chủ lực, phấn đấu có khoảng 10% số doanh nghiệp công nghiệp lọt vào Top 500 DN hàng đầu Việt Nam;
Tái cơ cấu đầu tư công, thu hút các nguồn lực kinh tế tư nhân, từ khu vực FDI. Tập trung kêu gọi các dự án có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành dịch vụ, góp phần nâng dần tỷ trọng đóng góp của dịch vụ trong GRDP lên khoảng 65,0-65,5% vào năm 2025 với tốc độ tăng bình quân 8,0-8,5%/năm. Phát triển các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao, nhất là các dịch vụ đô thị, dịch vụ trình độ cao như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn, y tế chất lượng cao,... để tạo cầu cho các loại hình thị trường khác phát triển. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Hà Nội thành trung tâm thương mại lớn về giao thương và kinh tế của cả nước, khu vực Đông Nam Á.
Để thực hiện các mục tiêu, yêu cầu trên, Chương trình số 02-CTr/TU đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Một là, hoàn thiện thể chế, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Hai là, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ba là, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực để thúc đẩy phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của Thủ đô. Bốn là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản lý kinh tế, thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Năm là, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Sáu là, tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô.
Chủ tịch Chu Ngọc Anh yêu cầu, trước mắt, ưu tiên công sức, thời gian và nguồn lực để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, đặc biệt trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị lớn trên địa bàn TP. Thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế.
Nỗ lực phục hồi lấy lại đà tăng trưởng, thực hiện các giải pháp đồng bộ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của CMCN lần thứ tư. Rà soát phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Tập trung thu hút và tăng cường quản lý, sử dụng các nguồn lực hiệu quả, hợp lý để đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng.
Về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, Hà Nội kiên trì các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tập trung khắc phục và nâng cao các chỉ số thành phần còn xếp hạng thấp.
Cùng với những mục tiêu, giải pháp trên, TP sẽ từng bước thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh như hỗ trợ pháp lý, các chương trình cho vay lãi suất ưu đãi, ưu đãi về thuế, nhân lực, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, công nghiệp hỗ trợ. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính minh bạch các thủ tục, quy trình...
Chủ tịch Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, đây là chương trình rất rộng lớn, quan trọng và liên quan đến rất nhiều ngành, lĩnh vực, đòi hỏi sự kết nối. Do đó, Chủ tịch yêu cầu phải có phân công và tiến độ cụ thể, tránh chồng chéo, phối hợp thực hiện có hiệu quả, tạo đột phá.