Nỗi niềm ngã sáu

Bùi Việt Phương| 06/08/2019 16:56

Hồi nhỏ ở quê, tôi rất sợ cái ngã ba trên đường đi học. Gọi là cái ngã ba cũng không hẳn vì sau cái nhà xây bị bỏ hoang từ lâu lắm, một con trâu, con chó hiện ra khịt cái mũi, thè cái lưỡi đỏ hỏn. Cũng từ thuở ấy, tôi bắt đầu ám ảnh với những ngã rẽ mà mình bắt gặp trong cuộc đời.

Nỗi niềm ngã sáu
Hồi nhỏ ở quê, tôi rất sợ cái ngã ba trên đường đi học. Gọi là cái ngã ba cũng không hẳn vì sau cái nhà xây bị bỏ hoang từ lâu lắm, một con trâu, con chó hiện ra khịt cái mũi, thè cái lưỡi đỏ hỏn. Cũng từ thuở ấy, tôi bắt đầu ám ảnh với những ngã rẽ mà mình bắt gặp trong cuộc đời.

Chừng mươi năm nay, mỗi lần cả nhà ngồi vào mâm cơm, mẹ tôi thường bảo: hôm nay mua được mớ rau muống xanh nõn như ở đường đang xây. Còn cha tôi có hôm hỏi mẹ: Cá rô bắt được ở cái ao muống đấy hả? Mẹ tôi đáp: Lấy đâu ra, hôm nọ là lần vét cuối cùng rồi? Ờ, thế thì lâu rồi, thế cái chỗ đấy làm xong đường chưa mình? Còn lâu, cứ lổn nhổn, bụi mù mịt ghê chết đi được. Thế đó, mấy năm trời, sự ngổn ngang của một ngã rẽ không còn gây bất ngờ mà khắc khoải, bâng khuâng cho những người đang ở đây, những người đi xa lâu lâu có dịp trở về. 

Thế rồi mưa, rồi nắng, một ngày những cái xe lu biến mất, mùi nhựa đường cũng nhạt dần, những cô gái mặc váy công sở điệu đà, những nụ cười nhận ra nhau khi xe vào vòng xuyến. Ờ, đông đúc đến lạ, liếc mắt nhận ra cái ngã sáu có từ lúc nào, người và xe như từ khắp thành phố đổ về đây, xoay vòng như một điệu valse rồi lại biến mất. 

Một trưa, tình cờ tôi lại được ngồi trà đá ở một trong sáu tia mặt trời ấy. Số là, đang thiu thiu giấc trưa, có tiếng chuông điện thoại. Một giọng quen lên tiếng, một cuộc gặp chớp nhoáng ở một cái phố nghe tên vừa quen quen, ngờ ngợ vừa lạ hoắc. Quen vì hình như thành phố nào xứ mình cũng có phố Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi… Nhưng lạ vì không biết ở thành phố mình phố ấy ở đâu. Thế là cứ phải hỏi đường, những người bán hàng quen cũng ngơ ngác, mấy bác xe ôm cũng ngớ ra, tự dưng mình cứ quay cuồng tông vòng xuyến, đôi mắt như răng cưa soi khắp các ngã để tìm một gương mặt thân quen. Ngã sáu rộng thật, không còn dấu tích của ao rau muống, của cái ngã ba ngày nào mịt mù bụi công trường và màu xanh thân quen của những người công nhân xây dựng nhà máy thủy điện. Nơi ấy, chị công nhân vừa tan ca, gặp anh công nhân vào ca mới, nụ cười vội vã trên công trường trong nhịp sống hối hả. Tôi nhận ra người bạn từ nơi xa đến đang ngồi trong cái quán nước mới mở ra dưới vỉa hè mới lát gạch của một người bạn khác. Họ hồ hởi đón tôi bằng nụ cười cũng mới mẻ như thế, bao câu chuyện mở ra với những dự định và hi vọng vào cái thế đất, thế nhà, vào con đường mới mở. 

Thế rồi theo nắng mưa, những lớp nhựa đường cũng nhạt dần, hàng cây mới lớn lên như một nét mi xanh. Người ở nơi xa đến làm những dãy phố đông đúc, chật chội. Cái nô nức đông vui của phố mới dần dần thành quen thuộc, ngã sáu được chấp nhận như thế, dẫu vẫn còn những người hoài niệm mớ rau muống luộc, con rô đồng rạch nước ngày mưa. 
Rồi có một ngày tôi về giữa lúc mưa ngập đường, ngã sáu kẹt cứng xe cộ. Nhìn tứ phía toàn những xe là xe, người là người, cảm giác ngột ngạt bởi dường như phía nào cũng có những con mắt đang nhìn mình, những cái nhìn va chạm nhau chia cắt không gian. Một vụ tai nạn không nghiêm trọng lắm nhưng cãi vã, phân bua, lại khiến người này nhìn, người kia để ý, đúng là phố xá càng mở ra, xe cộ nhiều càng rắc rối. Bao nhiêu ấn tượng tốt đẹp về ngã sáu mà hàng ngày mình vẫn nhìn thấy từ phía xa như tan biến cả. Bữa cơm chiều của nhà tôi muộn hơn vì ai cũng phải vất vả vượt qua cái vòng tròn khổ hạnh đó để về với mái nhà khô ráo của mình. Ngày xưa, chỉ một cái ngoặt xe đã gặp cái đường xỉ than quen thuộc, là đã có thể và vội một bát cơm ấm bụng từ lâu rồi. 

Chuyện đường đất tưởng đơn giản mà đôi khi cũng rắc rối, làm đêm về vắt tay lên trán lại lẩn thẩn đặt ra những giả định. Hay là về mua mảnh đất phía ngoại ô cho trong lành, rộng rãi, để không có những lần kẹt cứng giữa dòng xe cộ như đóng băng, hay là chọn mua một mảnh đất chỉ có đường dài hun hút hoặc đơn giản là cái ngã ba, ngã tư? Ngẫm đi rồi ngẫm lại, cách nào cũng hay mà cũng dở, đất đai thành giá cả mua bán trao đổi nhưng đó còn là nơi ta nhìn ra, ta đã có những buồn vui với cái gốc cây đứng đợi nhau, là cái cảm giác ngắm một ngôi nhà mới mọc lên, thay màu sơn hay một cái tên biển hiệu là lạ… Tất cả đã ăn vào tâm trí, ở đâu quen đấy, vui buồn cũng thành thân thuộc, ngã sáu hay ngã bảy cũng vậy thôi, ta đón nhận và vượt qua những đổi thay để thấy nơi mình đang sống thật bình yên và quen thuộc.
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nỗi niềm ngã sáu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO