Những mảnh rời về “Nỗi sợ & những khuôn hình”

Hoàng Thụy Anh| 03/07/2022 18:35

Lê Anh Hoài là một nhà báo và cũng là một nghệ sĩ đa tài, ở lĩnh vực nào anh cũng có những thành công nhất định. Anh quan niệm sáng tạo là trò chơi, luôn mang đến sự hưng phấn mới lạ. Có thể xem tiểu thuyết “Vườn thượng uyển” xuất bản năm 2021 là chất xúc tác để tập truyện ngắn “Nỗi sợ & những khuôn hình” (Nxb Trẻ, 2022) tham dự vào trò chơi mới - thời kì của những mê lộ, có khả năng phá vỡ sự quen để kích thích một/ những nhận thức khác.

Những mảnh rời về  “Nỗi sợ & những khuôn hình”
Những nhân vật xưng tôi trong tập truyện “Nỗi sợ & những khuôn hình” của Lê Anh Hoài không xuất hiện ở vị trí trung tâm mà xuất hiện với tư cách là những cái tôi phi trung tâm. Nhân vật xưng tôi và những nhân vật có/ không tên được cào bằng, không phân chia chính phụ. Tôi là chủ thể nhưng cũng không phải chủ thể. Bên cạnh tôi còn có những chủ thể khác. Mối quan hệ, đối thoại giữa tôi với các nhân vật khác thường dựa trên sự tương tác song hành qua lại. Do vậy, những suy nghĩ, cảm nhận, đánh giá của nhân vật xưng tôi chỉ chiếm sóng độ 50%. Chính sự dịch chuyển vị trí trung tâm này làm cho biên độ câu chuyện được mở rộng, vấn đề đưa ra được cắt nghĩa sâu sắc.
Song song với lối xây dựng nhân vật phi trung tâm là sự rải đều, cào bằng điểm nhìn, khơi mở ở người đọc nhiều cách tiếp cận. Có những điểm nhìn khác hướng và những điểm nhìn đồng hướng nhưng chúng đều bị xóa nhòa ranh giới bên trong hay bên ngoài, trực tiếp hay gián tiếp tạo nên tính đa điểm nhìn trung tâm. Người kể chuyện ngôi thứ nhất xưng tôi trong “Nỗi sợ” không đứng ở vị trí cái tôi chủ quan mà đứng ở vị trí cái tôi khách quan, đánh giá, nhận xét bằng giọng điệu vô sắc, trung lập. Đời sống nghệ sĩ, thế giới nghệ thuật nhờ thế hiện ra với đầy đủ góc cạnh, trắng đen:“Tất cả những cái lạ lùng nhất bao giờ cũng cuốn hút nghệ sĩ nhất”, “Công chúng luôn muốn được nịnh mắt. Nghệ thuật cơ bản là vậy”, “Nơi sự phấn khích được tạo nên bởi số đông tầm thường nhưng luôn hàm chứa những điều vĩ đại của lịch sử”, “… trong sáng tạo nghệ thuật, không có chỗ cho bầy đàn”, “những kẻ buôn tranh thừa hiểu biết về chuyên môn nhưng luôn thiếu tình yêu nghệ thuật”… Ở đây, điểm nhìn cùng chiều đã có tác dụng bật lên chủ đề của tác phẩm. Nếu không vượt qua được nỗi sợ thì người nghệ sĩ sẽ không còn là chính mình. Tên nhân vật thường được Lê Anh Hoài cắt xén tối đa, có khi là những kí hiệu như N và A trong “Cái bớt xấu xí”; Đ, V và H trong “Bầy mắt”; H trong “Độ loang của từ”; có khi gắn với công việc như thằng cu vẽ tĩnh vật và sắp đặt, thằng em nhạc vàng trong “Nỗi sợ”, hoặc xưng danh theo giới tính như gã, chàng trong “Giai thoại”. Ở những truyện “Bay”, “Đục kén chui ra”, “Tái ngộ”… Lê Anh Hoài định danh nhân vật bằng những cái tên như thế này phù hợp với cách viết thiên về khai thác một lát cắt của hiện tại. Đọc truyện của anh, người đọc chỉ nắm bắt được một phần đời sống đang hiện hữu. Nếu có cuộc xoẹt ngang của kí ức như trong “Viên đạn lạc”, “Vai kép” thì cũng không đủ cơ sở để người đọc lần tìm cuộc đời của nhân vật, mà buộc người đọc phải ngẫm ngợi, bóc tách, truy vấn, luận suy trước thì hiện tại tiếp diễn. 
 “Chỗ ngồi”, “Ánh lên”, “Trong mơ tôi đến” là 3 truyện ngắn nhất trong tập. Sự kiệm lời của Lê Anh Hoài khiến câu chuyện được kể trở nên bất thường, ám gợi. Người đọc cần lật đi lật lại vấn đề, làm đầy những khoảng trống mới hiểu được điều anh muốn nói. Truyện của anh không có duy nhất một điều hiểu được mà luôn hàm chứa nhiều hơn một. Chỉ một chỗ ngồi nhưng nó gợi lên bao cuộc đời, bao tính cách. Từ chuyện mất kính mở ra những đối lập trong cuộc sống, đồng thời ghi lại, lưu lại vẻ đẹp của nỗi buồn, sự ánh lên của tâm hồn. Trong giấc mơ, mọi sự thật đều được phơi bày. Tất nhiên, mọi diễn giải luôn bị phá vỡ bởi tính không hoàn kết, độ mở của câu chuyện, của kết truyện.
Lát cắt hiện tại cùng với sự chêm xen không gian thực - ảo, không gian hiện thực - tâm trạng trong một số truyện đã gia tăng tính lấp lửng, hấp dụ cho câu chuyện. Không gian tâm trạng và không gian giấc mơ liên tục vận động, chuyển dời xuyên qua nhau. Thực tại vì thế như được kéo căng hết cỡ bởi sự chồng lấn của cõi vô thức, phi thực. Có thể thấy rõ sự song chiếu của hai không gian này qua các nhân vật trong “Bay” và “Bầy mắt”. Ngoài ra, sự dịch chuyển của điểm nhìn còn làm cho giữa các không gian luôn có sự liên kết với nhau. Không gian chật hẹp (phòng, nhà) của “Bay”, “Bầy mắt” đã trở thành kiểu không gian nhấn mạnh yếu tố cá nhân hóa, khẳng định bản ngã của mỗi nhân vật, nhưng đồng thời cũng gợi mở một không gian rộng lớn với không ít những bất thường.
 Lê Anh Hoài giễu nhại trên cơ sở sự nghiêm túc, chứ không bỡn cợt theo kiểu gây cười, hài hước. Do vậy, sự giễu của anh đạt đến độ không, giễu như không giễu. Đấy là cái tài, cái riêng của Lê Anh Hoài: chỉn chu mà khiêu khích, chấm phá mà thâm thúy. Sự giễu của anh chú trọng phần nhiều ở chủ đề văn học nghệ thuật. Trước đó, “Vườn thượng uyển” là một minh chứng. Trong tay anh, yếu tố chuyên nghiệp bỗng “chuyên nghiệp” hơn qua những cuộc đối thoại hết sức vô tư, chân thật: “Trên ấy nghe nói giờ ai cũng phải làm nghệ thuật à? Thế còn thời gian đâu mà làm ăn, hả?”, “À, tao nghe nói ra thành phố làm việc lâu dài thì phải làm cả nghệ thuật mới được ở lại, đúng không? Làm thế nào?”. Nghệ thuật mà theo trào lưu ăn xổi, đám đông, hào nhoáng, thực dụng thì sớm muộn gì cũng lụi tàn. “Những khuôn hình” của buổi triển lãm trở nên lố bịch, kệch cỡm: “Một lát sau, những con ngài đầu tiên khô mình bắt đầu duỗi cánh bay lên. Những tiếng ô a đầy kinh ngạc lan dần trong đám người vốn xa cách trầm trọng với thiên nhiên và loài vật, biến thành một âm hưởng tán dương pha lẫn khiếp sợ, thần phục - như đám người ngu dốt thiếu đức tin bỗng nhiên thấy Đức Chúa phục sinh đi về qua phố nhỏ”. Về phía người đọc, hẳn như đang xem một vở kịch, mà ở đó, diễn viên diễn xuất quá xuất sắc.
 Những trở trăn của anh về nghệ thuật, về tình yêu, thân phận con người, về đời sống… trong “Nỗi sợ & những khuôn hình” luôn là vấn đề nhức nhối. Anh đối thoại với người đọc bằng giọng văn đầy chất triết lí, thể hiện ý thức của một cái tôi biết soi xét, nhìn nhận, hoài nghi về cái thực tại đầy xô bồ. Một số đoạn trong “Viên đạn lạc” là một ví dụ: “Súng đạn lên ngôi, lòng người tan nát”, “Cái khủng khiếp của chiến tranh chưa phải là đất đai bị chia cắt mà là lòng người bị cách ngăn”… Anh không chỉ ra hành trình đi tìm lẽ sống của con người mà để con người tự bơi, tự giác ngộ. Với giọng văn vô âm sắc, trung tính, anh đẩy người đọc vào tâm thế đối thoại, hình thành nên kết cấu đối thoại tay ba: tác giả - nhân vật - người đọc.
Lê Anh Hoài kể không nhằm biết tuốt mà kể kích thích tái tạo. 15 truyện trong “Nỗi sợ & những khuôn hình” của Lê Anh Hoài theo tôi là những mảnh rời lung linh, ánh lên khi người đọc ý thức cao về vai trò của mình. 
(0) Bình luận
  • "Bài văn về trứng vịt lộn" đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh 2024
    Với mong muốn tìm kiếm các tác giả, hoạ sĩ truyện tranh Việt Nam và phát triển nhiều hơn nữa các tác phẩm truyện tranh của Việt Nam, Viện Pháp tại Việt Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp tổ chức cuộc thi Sáng tác truyện tranh.
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • Huế trong thơ Lê Vĩnh Thái
    Thơ Lê Vĩnh Thái ở bất kỳ chặng nào, tập nào cũng khó đọc, khó hiểu, không thể nhớ. Tôi quen biết anh gần hai chục năm nay, gần như tập thơ nào cũng đọc, song đều để riêng một góc… và suy ngẫm.
  • Sáng tỏ những đóng góp của Phật giáo với dân tộc từ thời Lý đến nay
    Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách "Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay". Không chỉ khái quát vai trò của Phật giáo thời Lý, phác họa bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội thời kỳ này cuốn sách còn góp phần khẳng định những giá trị của Phật giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay, đồng thời đề cập tới những cơ hội, thách thức và các giải pháp phát huy những giá trị tư tưởng, văn hóa tốt đẹp của Phật giáo trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
  • Ra mắt bộ truyện tranh giúp trẻ phát triển kĩ năng sống an toàn
    Với mong muốn truyền tải một cách dễ hiểu và gần gũi những kiến thức cơ bản về an toàn trong sinh hoạt hằng ngày ở nhà, ở trường, ở lớp, ở nơi vui chơi, nơi công cộng nói chung cho bạn đọc nhỏ tuổi, NXB Kim Đồng vừa ra mắt bộ truyện tranh “Comic kĩ năng sống - Dành cho trẻ tiểu học”.
  • 58 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII
    “Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII tiếp tục được thực hiện với nhiều đổi mới, sáng tạo, nhằm mục tiêu cao nhất là thể hiện tình yêu sách, sự trân trọng, tôn vinh và tri ân những tác giả, dịch giả và những tác phẩm tiêu biểu”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định tại lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII, năm 2024 tổ chức tại Hà Nội tối 29/11.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • CLB Giám đốc các bệnh viện miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành
    CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành… để hướng tới người bệnh và lấy người bệnh làm trung tâm phấn đấu cho mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
  • Huy động sức dân xây dựng Thủ đô Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp
    Với quyết tâm mạnh mẽ, cam kết tạo ra bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm, thúc đẩy phong trào chung tay hành động để xây dựng Thủ đô, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 359/KH-UBND về việc thực hiện phong trào thi đua Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp của Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Những mảnh rời về “Nỗi sợ & những khuôn hình”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO