Những mảnh rời về “Nỗi sợ & những khuôn hình”

Tác giả - tác phẩm - Ngày đăng : 18:35, 03/07/2022

Lê Anh Hoài là một nhà báo và cũng là một nghệ sĩ đa tài, ở lĩnh vực nào anh cũng có những thành công nhất định. Anh quan niệm sáng tạo là trò chơi, luôn mang đến sự hưng phấn mới lạ. Có thể xem tiểu thuyết “Vườn thượng uyển” xuất bản năm 2021 là chất xúc tác để tập truyện ngắn “Nỗi sợ & những khuôn hình” (Nxb Trẻ, 2022) tham dự vào trò chơi mới - thời kì của những mê lộ, có khả năng phá vỡ sự quen để kích thích một/ những nhận thức khác.
Những mảnh rời về  “Nỗi sợ & những khuôn hình”
Những nhân vật xưng tôi trong tập truyện “Nỗi sợ & những khuôn hình” của Lê Anh Hoài không xuất hiện ở vị trí trung tâm mà xuất hiện với tư cách là những cái tôi phi trung tâm. Nhân vật xưng tôi và những nhân vật có/ không tên được cào bằng, không phân chia chính phụ. Tôi là chủ thể nhưng cũng không phải chủ thể. Bên cạnh tôi còn có những chủ thể khác. Mối quan hệ, đối thoại giữa tôi với các nhân vật khác thường dựa trên sự tương tác song hành qua lại. Do vậy, những suy nghĩ, cảm nhận, đánh giá của nhân vật xưng tôi chỉ chiếm sóng độ 50%. Chính sự dịch chuyển vị trí trung tâm này làm cho biên độ câu chuyện được mở rộng, vấn đề đưa ra được cắt nghĩa sâu sắc.
Song song với lối xây dựng nhân vật phi trung tâm là sự rải đều, cào bằng điểm nhìn, khơi mở ở người đọc nhiều cách tiếp cận. Có những điểm nhìn khác hướng và những điểm nhìn đồng hướng nhưng chúng đều bị xóa nhòa ranh giới bên trong hay bên ngoài, trực tiếp hay gián tiếp tạo nên tính đa điểm nhìn trung tâm. Người kể chuyện ngôi thứ nhất xưng tôi trong “Nỗi sợ” không đứng ở vị trí cái tôi chủ quan mà đứng ở vị trí cái tôi khách quan, đánh giá, nhận xét bằng giọng điệu vô sắc, trung lập. Đời sống nghệ sĩ, thế giới nghệ thuật nhờ thế hiện ra với đầy đủ góc cạnh, trắng đen:“Tất cả những cái lạ lùng nhất bao giờ cũng cuốn hút nghệ sĩ nhất”, “Công chúng luôn muốn được nịnh mắt. Nghệ thuật cơ bản là vậy”, “Nơi sự phấn khích được tạo nên bởi số đông tầm thường nhưng luôn hàm chứa những điều vĩ đại của lịch sử”, “… trong sáng tạo nghệ thuật, không có chỗ cho bầy đàn”, “những kẻ buôn tranh thừa hiểu biết về chuyên môn nhưng luôn thiếu tình yêu nghệ thuật”… Ở đây, điểm nhìn cùng chiều đã có tác dụng bật lên chủ đề của tác phẩm. Nếu không vượt qua được nỗi sợ thì người nghệ sĩ sẽ không còn là chính mình. Tên nhân vật thường được Lê Anh Hoài cắt xén tối đa, có khi là những kí hiệu như N và A trong “Cái bớt xấu xí”; Đ, V và H trong “Bầy mắt”; H trong “Độ loang của từ”; có khi gắn với công việc như thằng cu vẽ tĩnh vật và sắp đặt, thằng em nhạc vàng trong “Nỗi sợ”, hoặc xưng danh theo giới tính như gã, chàng trong “Giai thoại”. Ở những truyện “Bay”, “Đục kén chui ra”, “Tái ngộ”… Lê Anh Hoài định danh nhân vật bằng những cái tên như thế này phù hợp với cách viết thiên về khai thác một lát cắt của hiện tại. Đọc truyện của anh, người đọc chỉ nắm bắt được một phần đời sống đang hiện hữu. Nếu có cuộc xoẹt ngang của kí ức như trong “Viên đạn lạc”, “Vai kép” thì cũng không đủ cơ sở để người đọc lần tìm cuộc đời của nhân vật, mà buộc người đọc phải ngẫm ngợi, bóc tách, truy vấn, luận suy trước thì hiện tại tiếp diễn. 
 “Chỗ ngồi”, “Ánh lên”, “Trong mơ tôi đến” là 3 truyện ngắn nhất trong tập. Sự kiệm lời của Lê Anh Hoài khiến câu chuyện được kể trở nên bất thường, ám gợi. Người đọc cần lật đi lật lại vấn đề, làm đầy những khoảng trống mới hiểu được điều anh muốn nói. Truyện của anh không có duy nhất một điều hiểu được mà luôn hàm chứa nhiều hơn một. Chỉ một chỗ ngồi nhưng nó gợi lên bao cuộc đời, bao tính cách. Từ chuyện mất kính mở ra những đối lập trong cuộc sống, đồng thời ghi lại, lưu lại vẻ đẹp của nỗi buồn, sự ánh lên của tâm hồn. Trong giấc mơ, mọi sự thật đều được phơi bày. Tất nhiên, mọi diễn giải luôn bị phá vỡ bởi tính không hoàn kết, độ mở của câu chuyện, của kết truyện.
Lát cắt hiện tại cùng với sự chêm xen không gian thực - ảo, không gian hiện thực - tâm trạng trong một số truyện đã gia tăng tính lấp lửng, hấp dụ cho câu chuyện. Không gian tâm trạng và không gian giấc mơ liên tục vận động, chuyển dời xuyên qua nhau. Thực tại vì thế như được kéo căng hết cỡ bởi sự chồng lấn của cõi vô thức, phi thực. Có thể thấy rõ sự song chiếu của hai không gian này qua các nhân vật trong “Bay” và “Bầy mắt”. Ngoài ra, sự dịch chuyển của điểm nhìn còn làm cho giữa các không gian luôn có sự liên kết với nhau. Không gian chật hẹp (phòng, nhà) của “Bay”, “Bầy mắt” đã trở thành kiểu không gian nhấn mạnh yếu tố cá nhân hóa, khẳng định bản ngã của mỗi nhân vật, nhưng đồng thời cũng gợi mở một không gian rộng lớn với không ít những bất thường.
 Lê Anh Hoài giễu nhại trên cơ sở sự nghiêm túc, chứ không bỡn cợt theo kiểu gây cười, hài hước. Do vậy, sự giễu của anh đạt đến độ không, giễu như không giễu. Đấy là cái tài, cái riêng của Lê Anh Hoài: chỉn chu mà khiêu khích, chấm phá mà thâm thúy. Sự giễu của anh chú trọng phần nhiều ở chủ đề văn học nghệ thuật. Trước đó, “Vườn thượng uyển” là một minh chứng. Trong tay anh, yếu tố chuyên nghiệp bỗng “chuyên nghiệp” hơn qua những cuộc đối thoại hết sức vô tư, chân thật: “Trên ấy nghe nói giờ ai cũng phải làm nghệ thuật à? Thế còn thời gian đâu mà làm ăn, hả?”, “À, tao nghe nói ra thành phố làm việc lâu dài thì phải làm cả nghệ thuật mới được ở lại, đúng không? Làm thế nào?”. Nghệ thuật mà theo trào lưu ăn xổi, đám đông, hào nhoáng, thực dụng thì sớm muộn gì cũng lụi tàn. “Những khuôn hình” của buổi triển lãm trở nên lố bịch, kệch cỡm: “Một lát sau, những con ngài đầu tiên khô mình bắt đầu duỗi cánh bay lên. Những tiếng ô a đầy kinh ngạc lan dần trong đám người vốn xa cách trầm trọng với thiên nhiên và loài vật, biến thành một âm hưởng tán dương pha lẫn khiếp sợ, thần phục - như đám người ngu dốt thiếu đức tin bỗng nhiên thấy Đức Chúa phục sinh đi về qua phố nhỏ”. Về phía người đọc, hẳn như đang xem một vở kịch, mà ở đó, diễn viên diễn xuất quá xuất sắc.
 Những trở trăn của anh về nghệ thuật, về tình yêu, thân phận con người, về đời sống… trong “Nỗi sợ & những khuôn hình” luôn là vấn đề nhức nhối. Anh đối thoại với người đọc bằng giọng văn đầy chất triết lí, thể hiện ý thức của một cái tôi biết soi xét, nhìn nhận, hoài nghi về cái thực tại đầy xô bồ. Một số đoạn trong “Viên đạn lạc” là một ví dụ: “Súng đạn lên ngôi, lòng người tan nát”, “Cái khủng khiếp của chiến tranh chưa phải là đất đai bị chia cắt mà là lòng người bị cách ngăn”… Anh không chỉ ra hành trình đi tìm lẽ sống của con người mà để con người tự bơi, tự giác ngộ. Với giọng văn vô âm sắc, trung tính, anh đẩy người đọc vào tâm thế đối thoại, hình thành nên kết cấu đối thoại tay ba: tác giả - nhân vật - người đọc.
Lê Anh Hoài kể không nhằm biết tuốt mà kể kích thích tái tạo. 15 truyện trong “Nỗi sợ & những khuôn hình” của Lê Anh Hoài theo tôi là những mảnh rời lung linh, ánh lên khi người đọc ý thức cao về vai trò của mình. 

Hoàng Thụy Anh