Nhà hát Duyệt Thị Đường nằm trong top 5 sân khấu lâu đời nhất Việt Nam thu hút nhiều du khách
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VIETKINGS) - Trung tâm TOP Việt nam (TOPPLUS) vừa công nhận Nhà hát Duyệt Thị Đường (Kinh thành Huế) là top 5 sân khấu - nhà hát kịch lâu đời của Việt Nam thu hút nhiều khách tham quan.
Ngày 2/5, tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, Nhà hát Duyệt Thị Đường (Tử Cấm Thành - Kinh thành Huế) vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VIETKINGS) - Trung tâm TOP Việt nam (TOPPLUS) công nhận top 5 sân khấu - nhà hát kịch lâu đời của Việt Nam thu hút nhiều khách tham quan.
Duyệt Thị Đường là nhà hát cung đình nằm trong Tử Cấm Thành (Kinh thành Huế) được xây dựng năm 1826 thời vua Minh Mạng bằng vật liệu gỗ lim có chiều cao 12m gồm hai tầng, lợp ngói lưu ly, bốn gian hai chái. Trần nhà của nhà hát Duyệt Thị Đường được chạm nổi cảnh trăng, sao, các vì tinh tú, mặt trời - biểu hiện của vũ trụ thu nhỏ, vách gỗ bên ngoài nhà hát được khắc hình rồng, phụng và nhiều loại hoa văn khác. Sân khấu có hình vuông nằm chính giữa nhà hát Duyệt Thị Đường, hai bên sân khấu có treo hai câu đối bằng chữ Hán của vua Minh Mạng “Âm nhạc tinh trận hòa kỳ tâm di dưỡng kỳ chí, Nghiên xuy tề hiến thủ kỳ thị nhi giới kỳ phi” nghĩa là “Âm nhạc cũng phô bày, hòa lòng người để nuôi dưỡng chí khí - Thiện ác đồng trình hiện, khiến giữ được cái đúng mà giới hạn cái sai”.
Nhà hát biểu diễn ca múa nhạc và các vở tuồng cung đình (hát bội) vào các dịp lễ hay đón tiếp sứ thần ngoại giao, dành cho vua triều Nguyễn cùng hoàng gia, các quan đại thần cùng quan khách, sứ thần. Duyệt Thị Đường được hiểu là một gian nhà dành biểu diễn nghệ thuật để từ đó con người chiêm nghiệm những điều hay lẽ phải, cụ thể “Duyệt” là xem xét để phân biệt điều phải trái - “Thị” là xem - “Đường” là ngôi nhà. Duyệt Thị Đường được coi là nhà hát cổ nhất Việt Nam.
Vị trí của vua ngồi xem hát ở lầu hai ngay chính giữa và dưới một vòm trần nhà có chạm khắc nhiều loại hoa văn cổ. Hai bên trái và phải của tầng hai là nơi dành cho quốc khách, các quan của triều đình thì ngồi trên trường kỷ đặt hai bên tả và hữu của sân khấu ở tầng dưới.
Sau năm 1945 và trong thời gian chiến tranh, Duyệt Thị Đường bị tàn phá nặng nề và chính quyền Miền Nam Cộng hòa đã dùng Duyệt Thị Đường làm nơi giảng dạy của trường Quốc gia Âm nhạc Huế. Năm 1995 với sự tài trợ một phần về kinh phí và chuyên môn của tổ chức Codev Việt - Pháp, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức trùng tu lại nhà hát, đặc biệt từ sau năm 2003 Nhã nhạc Cung đình Huế được vinh danh là “Di sản văn hóa đại diện của nhân loại” thì Nhà hát Duyệt Thị Đường trở thành một điểm đến không thể bỏ qua của du khách.
Hiện nay, Duyệt Thị Đường là nơi tổ chức biểu diễn các loại hình Nhã nhạc, Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hoá Phi vật thể đại diện của nhân lại và các loại hình Tuồng Cung đình và Múa Cung đình phục vụ du khách tham quan hằng ngày. Bình quân mỗi ngày tổ chức 4 suất diễn với những tiết mục được dàn dựng công phu thu hút người xem và đánh giá cao như múa “Lục cúng hoa đăng”, tiểu nhạc “Thập thủ liên hoàn”, đại nhạc “Tam luân cửu chuyển”, múa “Lân mẫu xuất lân nhi”, các trích đoạn tuồng “Hữu biến vô hình”, “Phàn Lê Ba”…