Nguyễn Tư Giản – người hết lòng với công việc trị thủy
Nguyễn Tư Giản (1823 - 1890), người làng Mai Lâm (nay thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội). Quê gốc của ông là làng Vân Điềm, tên nôm là làng Đóm, nay thuộc xã Đông Hà, cùng huyện Đông Anh. Với tên ban đầu là Văn Phú, ông còn có tên là Định Giản, tự Tuân Phúc và Hy Bật, hiệu Thạch Nông và Vân Lộc. Ông nội của ông là nhà Nho Nguyễn Án, đồng tác giả tập Tang thương ngẫu lục nổi tiếng. Cha của ông là Nguyễn Chí Quản đỗ Hương cống năm 1813.
Là dòng dõi danh gia, nhưng trong hoàn cảnh gia đình sa sút, cậu ấm Văn Phú từ nhỏ đã trải qua cuộc sống khá chật vật. Mẹ mất lúc cậu 5 tuổi, cha mất lúc cậu 11 tuổi, cậu phải về nhà ông bà ngoại bên mé ngoài Cửa Bắc thành Hà Nội. Nhà ở cạnh chùa Phổ Quan, gần hồ Trúc Bạch (chùa ấy nay vẫn còn ở 19 phố Cửa Bắc). Sau này dù đã đỗ đạt, đi làm quan, nhưng kỷ niệm về những ngày thơ ấu ấy vẫn xao động trong tâm hồn. Ông viết bài Đề Phổ Quang tự như sau:
Chung lâu cổ các trúc hồ tân,
Tổng quán hoan du tích dĩ trần.
Nhị thập dư niên trùng phỏng cựu,
Bích ba phương thảo, bất thăng xuân.
(Lầu chuông gác trống trúc bên hồ,
Dấu vết thuở trái đào vui đùa nay đã cũ rồi.
Ngoài hai chục năm, thăm lại chốn xưa,
Sóng biếc, cỏ thơm, xiết bao xuân sắc)
Bài thơ có thêm lời chú: “Ông ngoại tôi làm Thiếu tư khấu, có nhà riêng ở phía bắc cố đô Thăng Long. Nhà kề vườn sau của chùa Phổ Quan. Lúc nhỏ tôi được nuôi dưỡng ở bên ngoài. Hàng ngày tôi thường sang chơi đùa bên sân chùa, đá cầu, cưỡi ngựa tre”...
Tuy ông ngoại làm Thiếu tư khấu, chức thứ hai ở bộ Hình - tức là Hình Bộ Tham tri, nhưng lúc này cụ đã mất. Gia đình thanh bạch nên cuộc sống cũng eo hẹp. Dù vậy cậu bé Văn Phú vẫn được học, ban đầu học với ông anh cả là Đức Hiến, đỗ Cử nhân, sau theo học ông Nghè làng Tự Tháp (tức Vũ Tông Phan), trường này ở ngay bên cạnh hồ Gươm. Năm 19 tuổi cậu đi thi nhưng bị hỏng. Ba năm sau mới đỗ Cử nhân ở trường Hà Nội. Một năm sau thi đỗ Tiến sĩ đệ nhị giáp, tức Hoàng giáp. Đó là khoa thi năm Giáp Thìn (1844). Từ đây Văn Phú bước vào bể hoạn với không ít nổi chìm.
Lúc đó vua Thiệu Trị cho Văn Phú đổi tên là Định Giản. Sau khi vinh qui bái tổ, Định Giản vào kinh (Huế) để nhận chức tu soạn Hàn lâm viện. Rồi được cử vào ban biên tập bộ Thiệu Trị văn quy. Năm 1846, ông làm Tri phủ Ninh Thuận (nay thuộc tỉnh Ninh Thuận), nhưng chưa được một năm, vào mùa thu năm 1847, Tự Đức lên ngôi vua và triệu ông về kinh. Tại đây trong tròn mười năm (1847 - 1857), ông trở thành một quan chức tham mưu về văn hoá, rồi về hành chính quốc gia. Ban đầu giữ chức Khởi cư chú ở lầu Kinh Diên, rồi Thị giảng học sĩ ở Hàn lâm viện.
Cũng trong thời gian ở kinh, Định Giản lại một lần nữa đổi tên. Vua Tự Đức đã lệnh cho ông đổi chữ đệm thành Tư Giản. Năm Tự Đức thứ mười (1857), sau trên một chục năm xa quê, ông xin vua cho về Bắc thăm nhà. Tự Đức chuẩn y nhưng giao cho ông nhiệm vụ nghiên cứu tình hình sông ngòi, đê điều ở ngoài Bắc. Nguyên là vào thời gian này ở Bắc Kỳ hệ thống đê sông Hồng thường bị vỡ, gây tai hoạ lớn đối với nhân dân. Để khắc phục thiên tai này, trong nội các có hai chủ trương trái ngược nhau: Phái phá bỏ đê và phái tiếp tục đắp đê thêm. Bàn luận đã nhiều nhưng chưa ngã ngũ. Cho nên Tự Đức muốn Tư Giản điều tra nghiên cứu tình hình tại chỗ. Biết rằng trong cuộc vật lộn với thiên tai thì Tự Đức rất bi quan nên Nguyễn Tư Giản đã tiến hành công việc một cách thận trọng, nghiên cứu điều tra rất tỉ mỉ, cụ thể và khi hết hạn nghỉ ở Bắc, ông trở lại Huế với một bản điều trần soạn thảo công phu. Trước hết ông phân tích nhiều mặt để thấy rằng phá bỏ đê là một điều rất nguy hiểm, sau đó ông kiến nghị mười điểm:
1. Đắp đê ở bờ biển để ngăn nước mặn
2. Nạo vét cửa biển để khỏi ứ đọng sỏi cát
3. Xây các đập để ngừa lúc nước lên to bất thình lình
4. Đào các sông nhánh để giữ dòng chính
5. Khơi các dòng cũ để phân tán sức nước lũ
6. Lấp các nguồn nước đọng để khỏi đọng bùn cát
7. Dự trữ tiền gạo để có sẵn chi phí
8. Trả tiền công hậu cho những người làm đê
9. Mở rộng việc quyên tiền để giúp cho những người trị thuỷ.
10. Đặt ngạch dân định chuyên trách coi sóc đê điều, chống lụt.
Tự Đức thấy bản điều trần có nhiều ý mới, bèn giao cho các bộ hữu quan (Bộ Lại, Bộ Công, Bộ Hộ) nghiên cứu và bàn bạc trực tiếp với tác giả về kế hoạch thực hiện. Ít lâu sau đang là Thị lang (quan chức hàng thứ ba) ở Bộ Lại, Tư Giản được cử làm Hiệp lý đê chính sự vụ ở Bắc Kỳ. Trở về Bắc, ông bắt tay vào thực hiện ngay những dự định và làm được một số việc có ích như nạo vét cửa sông Hồng, khơi lại sông Cửu An (ở tỉnh Hưng Yên), nắn thẳng lại sông Đuống để giải phóng lòng sông khiến nước lũ thoát nhanh hơn. Nhưng trị thuỷ đâu có dễ dàng, các năm sau vẫn có chỗ vỡ đê. Tự Đức không hài lòng, cho giải tán Nha đê chính vào mùa xuân năm 1862.
Cũng lúc này ở Hải Dương có nạn thổ phỉ từ Tàu sang quấy nhiễu. Tư Giản được cử làm Tham biện quân vụ Hải - Yên (Hải Dương - Quảng Yên) để giúp việc tiễu phạt. Nhưng có một lần lũ giặc phá được thành huyện Cẩm Giàng và kéo tới bao vây thành tỉnh Hải Dương. Nguyễn Tư Giản bị đình thần hạch tội là bất lực và ông bị cách mọi chức tước. Ông về dạy học ở làng Đôn Thư (Thanh Oai - Hà Tây) trong khoảng một năm rồi chuyển ra Hà Nội dạy ở phố Hàng Bồ. Bài thơ khai bút năm Giáp Tý (1864) được viết ra ở đây:
Xuân lai hà sổ sổ,
Nhân sự nhật mang mang.
Đông hải nguyệt hà xứ,
Long thành thảo hựu phương.
Liên tường văn hoả pháo,
Án kỷ đối lư hương.
Mạn thuyết tân niên hảo,
Nhi đồng hí tiểu đường.
(Xuân đến sao mà nhanh vội,
Việc đời ngày tháng mênh mang.
Bể Đông nơi nào trăng rọi,
Long Thành cỏ lại lừng hương.
Bên tường nghe tiếng pháo nổ,
Tựu ghế đối diện lò nhang.
Bàn chuyện sang năm tốt đẹp,
Trong nhà bầy trẻ đùa vang)
Sau ba năm nghỉ việc, Nguyễn Tư Giản lại được gọi vào Huế và được phục chức, làm Tu soạn ở Viện Hàn lâm, rồi Thị độc học sĩ ở lầu Kinh Diên. Năm 1868 được cử làm Giáp phó sứ trong phái bộ sang sứ nhà Thanh. Đi sứ về lại được thăng Thị lang Bộ Lại kiêm Phó Tổng tài Quốc sử quán. Chính Nguyễn Tư Giản là người tham gia biên soạn và xét duyệt lần cuối bộ sử lớn của nhà Nguyễn Việt sử thông giám cương mục. Năm 1873, ông được bổ chức Thượng thư Bộ Lại sung Cơ mật viện đại thần. Mùa hạ năm ấy, triều đình Huế cử một phái bộ sang Pháp để điều đình chuộc lại Nam Kỳ. Nguyễn Tư Giản được cử làm chánh sứ, nhưng ông dâng sớ thoái thác, lấy lý do bệnh tật, sức yếu, song sự thật là do ông không tán thành chủ trương giải hoà với Pháp. Thực ra không đợi tới bây giờ mà trước đó 14 năm, khi thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, rồi đánh chiếm Gia Định (tháng 2 năm 1859), giữa lúc Trương Đăng Quế và Phan Thanh Giản là hai viên quan đứng đầu triều đã có chủ trương giảng hoà thì Tư Giản đang làm đê sứ ở Bắc Kỳ đã gửi sớ về triều công kích chủ trương này. Đại Nam thực lục, đệ tứ kỷ, quyển 19 có ghi: “Quan đê chính là Nguyễn Tư Giản dâng sớ nói thiết tha rằng không nên hoà với Tây Dương”... Cho nên lúc này ông khước từ đi sứ vì ông hiểu rằng không đời nào Pháp lại chịu trả Nam Kỳ. Tự Đức chấp nhận việc thoái thác này, nhưng thâm tâm hẳn không hài lòng. Vì thế mà ngay trong năm ấy, nhân người em trai bà vợ lẽ của ông phạm tội làm bằng sắc giả, ông liền bị ghép vào tội chủ mưu, thế là một lần nữa ông lại bị cách tuột mọi chức tước, bị đẩy ra vùng Chương Mỹ (Hà Tây) nay thuộc Hà Nội khai hoang vỡ đất. Từ đây ông lấy thêm một biệt hiệu mới là Thạch Nông.
Nhưng rồi 5 năm sau (1878) nhân dịp lễ ăn mừng ngày sinh thứ 50 của Tự Đức, ông vua này thấy trong dịp “ngũ tuần đại khánh” này, cần có một người thông thạo mọi điển lễ đứng ra quán xuyến mọi việc, nên lại khôi phục cho Tư Giản, triệu về Huế trao chức Thị giảng học sĩ và uỷ nhiệm phụ trách việc khánh tiết cũng như việc soạn thảo các văn bản trong lễ ăn mừng. Nhưng có lẽ do đã chán ngán việc triều chính, nên ba năm sau (1881) ông xin về nghỉ.
Năm 1886, khi thực dân Pháp đã hoàn thành cơ bản việc xâm lược nước ta, chúng thúc ép Kinh lược sứ Nguyễn Trọng Hợp phải dụ một số danh nhân ra làm việc, thế là Tư Giản bị mời ra làm Tổng đốc Ninh Thái (Bắc Ninh - Thái Nguyên) cũng như Nguyễn Khuyến bị mời ra làm tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên. Từ chối không được nên đành phải ra, song cũng ở chức vị này không đầy một năm, rồi ông xin nghỉ với lý do già yếu. Sau đó ông về dạy học ở Ninh Bình. Năm 1890, ông mất tại đây, thọ 68 tuổi.
Nguyễn Tư Giản để lại nhiều thơ văn. Về thơ, có tới hàng chục tập, được sáng tác trong những hoàn cảnh khác nhau: Nam hành tập gồm những bài làm khi vào nhận chức trong Nam, Đông chính tập được viết trong dịp làm việc quân ở xứ Đông, Yên Thiều tập gồm những bài làm sau khi đi dinh điền ở Chương Mỹ... Về văn, ông để lại mười tập, gồm: nhật ký như Như ký, truyền kỳ như Tùng thoại cổ lục, Hà đề tấu nghị, Lịch đại thi nhân luận, Hữu vi vô vi luận... Nếu nói một cách tổng quát thì về mặt nghiên cứu lý luận, Nguyễn Tư Giản là một học giả uyên bác. Ông có một tầm suy nghĩ sâu và cách nhìn nhận sự vật cao hơn nhiều nhà Nho cùng thời.
Về phương diện văn học, Tư Giản thành công hơn ở lĩnh vực thơ ca. Trên một nghìn bài sáng tác rải rác trong bốn chục năm đã cho ta hiểu tâm hồn của tác giả. Trước hết, một nội dung khá rõ nét trong thơ Nguyễn Tư Giản là tình cảm đối với lòng yêu đất nước và tình yêu quê hương. Quê hương đó là làng quê Du Lâm với những lăng nhà Lý, rừng nhà Lý thiết tha gắn bó:
Giang thiên dục vũ hoả vân chưng,
Nhiệt liệt liên triều tưởng trạc băng.
Tàn dạ nguyệt minh Thiên Đức thuỷ,
Tịch dương phong cấp Lý gia lăng.
(Trên sông mây kéo đen trời,
Nóng oi liên tiếp giục người tắm băng.
Chiều tà gió rít trong lăng,
Đêm khuya dòng Đuống ánh trăng rạng ngời)
Hoặc:
Hỷ cực phiên thành lệ mãn khâm,
Hạ xa dĩ quá Lý gia lâm.
(Hương trung tức sự)
(Vui mừng quá nước mắt chảy đầy vạt áo,
Xuống xe là đã đi qua rừng nhà Lý)
Quê hương còn là cố đô Thăng Long níu gửi bao kỷ niệm tuổi thơ, như mái chùa Phổ Quang hay hồ Gươm đầy vẻ hấp dẫn:
Lan nhiên vị yết tịch dương tà,
Thị ái hồ quang thị ái hoa.
Á thuỷ sở chi hồn nhập hoạ,
Ỷ sơn cô các tự phù gia.
Trúc âm hưởng ngạn dao tình nguyệt,
Đăng ảnh thiên môn đới lạc hà.
Tửu bãi hồ xa kham trướng vọng,
Thanh phong vô lực tải tỳ bà.
(Kiếm Hồ kỷ du)
(Cánh lan mềm còn níu ánh tà dương,
Là vì yêu ánh sáng của hồ và yêu hoa.
Mấy nhánh nước toả ra như trong bức họa,
Gác lẻ bên sườn non nào khác ngôi nhà sàn.
Bóng nước đôi bờ lay ánh trăng,
Ánh đèn nghìn nhà mang ráng chiều.
Tiệc tàn, quay xe, ngùi xa trông,
Gió nhẹ không sao chở nổi tiếng cầm)
Thăng Long còn có sông Nhị mà một buổi chiều thả thuyền trên sông đó, lòng ai rung thành tiếng thơ:
Nhất phiến cô phàm Nhị thuỷ tân,
Yên hoa mãn mục ám sầu nhân.
Bán giang lạp khí lưu tàn vụ,
Nhất dạ đông phong chuyển lục tần...
(Chu trung lập xuân)
(Chiếc buồm côi bến Nhị Hà,
Đầy trời hoa khói mà ra ngậm buồn.
Nửa sông khí lạnh mù tuôn,
Một đêm gió ấm xanh vươn ngọn tần)
Hoặc sau mười năm xa cách, lúc trở lại Thăng Long, nhà thơ có nhận xét:
Thập niên bất kiến cựu kinh hoa,
Xuất quách tiêu điều lão phố gia.
Bắc quyết tiểu sơn trầm tử khí,
Tây Hồ xuân thuỷ trướng hồng xa.
(Mậu Ngọ sơ xuân xuất quách hữu cảm)
Bản dịch thơ:
Mười năm không thấy cố đô,
Ra ngoài luỹ thấy tiêu sơ vườn nhà.
Núi non cửa Bắc đỏ loà,
Tây Hồ nước lớn còn pha cát hồng.
Nguyễn Tư Giản còn đặt chân tới nhiều miền của Tổ quốc ta nên khá nhiều làng xóm, núi sông đã đi vào thơ ông với nhiều gắn bó vấn vương.
Nặng lòng với quê hương đất nước như vậy, nên khi xa nước thì chỉ một trận gió thu, chỉ một tiếng ngỗng trời cũng xiết bao giục giã cơn sầu viễn xứ.
Khử niên thử nhật độ Nam Quan,
Vạn lý thừa phong biệt cổ san (sơn).
Kim dạ Dương Tương giang thượng vũ,
Thu phong hựu tống nhạn nam hoàn.
(Hữu ức)
Bản dịch thơ:
Ngày này năm ngoái qua biên ải,
Cưỡi gió xông pha vạn dặm đàng.
Đêm nay mưa ở Tương Giang,
Gió thu lại tiễn nhạn sang quê nhà.
Từ lòng yêu quê hương đi đến lòng yêu đất nước, yêu dân chỉ là một sự tất nhiên. Cho nên như đã nêu ở phần trên, khi chưa có nạn ngoại xâm, Tư Giản sẵn sàng bỏ lại sau lưng chức quan lắm bổng lộc ở kinh đô mà dấn thân vào công việc trị thuỷ. Mùa nước lên, ông lặn lội tới từng khúc đê xung yếu để cùng dân lo toan chống đỡ thiên tai. Trong các bản điều trần về đê điều, sự quan tâm tới đời sống dân chúng là một thực tế. Đến khi có nạn Pháp xâm lược thì chính ông là người sớm lên tiếng chống lại việc “hoà nghị”. Sau đó ông còn là người tích cực ủng hộ Nguyễn Trường Tộ khi ông này dâng Tự Đức bản điều trần về cải cách xã hội với ý tốt là mong cho nước mạnh dân giàu. Lòng yêu nước, yêu dân ấy thể hiện khá rõ trong thơ Nguyễn Tư Giản.
Tại đền Cổ Loa - nơi thờ An Dương Vương còn giữ được một bức hoành phi mang bài minh do ông viết nhấn mạnh:
Đế tĩnh sơn hà,
Thiên sinh hùng vĩ.
Âu Lạc khải phong,
Côn Luân triệu địa.
Uy chấn viêm giao,
Công thuỳ thanh sử.
Thành quách do tồn,
Nhân tâm vô đị.
Miếu mạo nguy nga,
Trùng lưu thiên địa.
(Trị an sông núi,
Trời sinh hùng vĩ.
Mở mang nước Âu Lạc,
Côn Luân đất lành.
Uy danh vang dội cõi Nam,
Công ghi sử xanh.
Thành quách vẫn còn,
Lòng dân khôn đổi.
Miếu mạo nguy nga,
Lâu dài cùng trời đất)
Thục Phán thì mở nước dựng thành còn dân ta thì không dời lòng đổi chí bất khuất kiên cường! Cũng một cảm ca truyền thống dân tộc như thế, khi thăm đền Trung Liệt, ông viết bài thơ cảm đề:
Tam nhân hạo nhiên khí,
Địa dị các thành nhân.
Nhị thuỷ vô hàng tướng,
Nùng sơn hữu vĩ nhân.
Di dân do thế lệ,
Vãng sự ích toàn tân.
Y tịch huyền ca địa,
Trương chiêm miếu mạo tân.
(Đề Trung Liệt miếu)
(Ba con người có khí hạo nhiên,
Mỗi người một chốn nhưng đều hy sinh và có nghĩa, có nhân,
Sông Nhị không có hàng tướng,
Núi Nùng có vĩ nhân.
Dân sống sót còn rơi lệ,
Việc đã qua thêm chua cay.
Chốn này xưa là nhà học,
Nay dựng lên ngôi miếu mới để chiêm ngưỡng)
Đền Trung Liệt là nơi thờ ba vị anh hùng đã hy sinh cho Tổ quốc Việt Nam: Đoàn Thọ, Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu. Đoàn Thọ đánh thổ phỉ và đã hy sinh anh dũng khi Pháp đánh Hà Nội lần thứ nhất năm 1873. Hoàng Diệu giữ thành khi Pháp đánh Hà Nội lần thứ hai và chết theo thành năm 1882. Đền được xây trên nền cũ của dinh Đốc học tỉnh Hà Nội vào năm 1883, tức là một năm sau khi thực dân Pháp đã hoàn thành việc xâm lược Bắc Kỳ. Điều này nói lên sự phủ nhận uy quyền của thực dân Pháp đồng thời cũng nói lên ý chí bất khuất, tinh thần yêu nước và lòng ngưỡng mộ anh hùng liệt sĩ của nhân dân Hà Nội. Đặc biệt là hai câu: Sông Nhị không có hàng tướng Núi Nùng có nhiều vĩ nhân đã hiện ngang khẳng định truyền thống anh hùng bất khuất của Thăng Long ngàn năm văn vật.
Thực ra không đợi đến lúc này Nguyễn Tư Giản mới bộc lộ tình cảm cụ thể đối với đất nước, mà trước đó trong thơ của ông đã từng phản ánh điều đó. Bài Tiễn Nguyễn Hy Phần quy Bình Thuận là một dẫn chứng tiêu biểu:
Nhà tôi ở Bắc Nhị Hà,
Quê hương của bác lại là Cửu Long.
Một nguồn toả xuống đôi sông,
Cách nhau dải núi chia dòng Đông Tây.
Vào Nam Bến Nghé là đây,
Thuồng luồng ở quá mười hai năm rồi.
Bỏ vùng giặc chiếm than ôi!
Bụi mù ba tỉnh bùi ngùi bác đi.
Mười năm lại gặp hôm ni,
Lệ buồn vì bác trên mi nhỏ dòng.
Bao giờ Bến Nghé lại trong,
Cho dòng sông Nhị vang lừng khải ca.
Cưỡi thuyền lên tận Ngân Hà,
Biển xanh ra ngắm trăng ngà sáng soi.
Cảnh tình ngẫm lại chưa vui,
Núi sông còn gánh hai vai nặng nề.
Đêm qua cùng bác tỉ tê,
Văn thơ bay múa, đèn khuya chập chờn.
Lưu ai không ở thêm buồn,
Miền xa khói toả mưa tuôn ngập trời.
Xa nhau cùng gắng lên thôi,
Lên lầu trăm thước mà coi nước nhà.
Đừng cho Hà Bá cười ta,
Non sông thế ấy vậy mà gào suông.
Nguyễn Hy Phần, tức Nguyễn Thông (1827 - 1894), là một nhà Nho yêu nước tỉnh Long An, tích cực vận động chủ trương kháng chiến. Năm 1870, ông về Huế làm Biện lý ở Bộ Hình, gặp gỡ Tư Giản và do chỗ cùng chung chí hướng, nên hai người kết bạn thân. Trải qua những ngày chìm nổi, do không hợp ý Tự Đức, năm 1875, Nguyễn Thông bị bãi chức chuyển về ở tỉnh Bình Thuận. Trong dịp biệt ly, Tư Giản viết bài thơ trên, nói về sự chia lìa giữa hai người và cũng nói lên niềm đau xót khi thấy đất nước bị chia cắt. Đó cũng là những vần thơ khẳng định sự thống nhất của đất nước, khẳng định mối tình ruột thịt giữa hai miền Nam - Bắc, đồng thời vừa ngợi ca tinh thần yêu nước của bạn, vừa tỏ bày ý nguyện của mình là phải hành động, không được nói suông. Một bài thơ mà là cả một nỗi lòng.
Thực tế thì Nguyễn Tư Giản cũng có những hạn chế về cuộc đời cũng như về thơ văn. Yêu nước, yêu dân nhưng Nguyễn Tư Giản chưa có cái dũng khí cầm gươm ra trận như Phạm Văn Nghị, Nguyễn Hữu Huân, cũng chưa có cái can đảm dứt khoát khước từ sự lôi kéo của nhà Nguyễn. Nhưng dù sao, Nguyễn Tư Giản cũng đã sớm rút khỏi chốn quan trường để trở về sống một cuộc sống trong sạch tuy nghèo nàn. Thân làm đến Tổng đốc Thượng thư mà ở quê hương không có nổi một dinh cơ. Ngôi nhà thờ năm gian là do năm anh em ông chung sức mới dựng lên được, để lấy làm nơi thờ bố mẹ. Ở gian chính ông đã viết bức hoành bốn chữ Thanh bạch nho phong, để nói lên nếp sống của họ mình.
Về văn thơ, tác phẩm của ông toàn viết bằng chữ Hán. Đó đây có rải rác tư tưởng chính thống tôn quân. Nhưng nói chung vẫn mang một nỗi niềm thiết tha với vận mệnh của đất nước và một sự quan tâm đến đời sống dân nghèo. Thêm vào đó, với một nghệ thuật tạo dựng hình ảnh tài hoa, một phong cách diễn đạt ý tình độc đáo, thơ văn Nguyễn Tư Giản rất đáng được nghiên cứu kỹ càng để phát huy những yếu tố tích cực./.
Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội