Văn hóa – Di sản

Nguyễn Cao – tấm gương yêu nước lẫm liệt

Nguyễn Khắc Đạm 19/11/2023 15:11

Nguyễn Cao sinh năm Đinh Dậu (1837), người làng Cách Bi, huyện Quế Dương (tức Quế Võ), tỉnh Bắc Ninh. Cha ông là Nguyễn Hạnh, đỗ Cử nhân khoa Tân Mão (1831), làm Tri huyện Thủy Đường. Ông mồ côi cha từ khi còn nhỏ. Mẹ ông lúc đó mới hơn hai mươi tuổi nhưng quyết tâm ở vậy nuôi con với niềm hy vọng con mình sẽ trở thành người hữu dụng cho đất nước. Ít lâu sau, thân mẫu Nguyễn Cao cũng qua đời.

nguyen-cao.jpg
Đền thờ Nguyễn Cao tại thôn Cách Bi (đông), xã Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Tuy còn rất bé mà đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng nhờ có cả họ nội và họ ngoại tận tình giúp đỡ chu cấp, nên Nguyễn Cao vẫn được nuôi dạy hết sức chu đáo. Đầu tiên ông được gửi sang làng Kim Giang trọ học rồi được đi học tiếp cụ Đốc học Ngô Phùng tại Thạch Hà và cụ Hoàng giáp Phạm Văn Nghị tại Tam Đăng.

Ông đỗ Giải nguyên (đầu hàng Cử nhân) tại trường thi Hà Nội năm Đinh Mão, niên hiệu Tự Đức thứ 20 (1867). Năm ấy ông 39 tuổi. Quan tỉnh Bắc Ninh mến tài Nguyễn Cao muốn bổ ông ngay làm giáo thụ phủ Từ Sơn và chờ khi có khuyết chân tri huyện ở đâu thì cho điều vào ngay lập tức. Nhưng Nguyễn Cao trước sau đều khước từ và chỉ ở ngay tại làng mở trường dạy học.

Tình hình xứ Bắc lúc này khá rối ren. Bọn giặc Khách tràn sang đang làm mưa làm gió trên miền thượng du và nhiều khi tràn cả về miền đồng bằng. Tỷ dụ bọn Ngô Côn chiếm thành Bắc Ninh năm 1870 cho đến khi bị Ông Ích Khiêm giết chết chủ tướng rồi mới bị dẹp yên. Còn ở trong Nam thì sau khi khởi hấn ở Đà Nẵng năm 1858, giặc Pháp đã đánh chiếm được ba tỉnh phía Đông rồi tiếp đến 1867 thì chiếm nốt ba tỉnh phía Tây và lăm le tiến quân ra Bắc. Với con mắt nhìn xa trông rộng, Nguyễn Cao tuy dạy học nhưng nghiên cứu binh thư và chăm chỉ luyện tập côn, quyền, đao, kiểm. Một hôm ông đang cởi trần múa kiếm thì một ông cụ vào hàng cha chú trông thấy, tỏ vẻ không tán thành nói: “Đã là bậc khoa bảng, sao anh còn muốn làm tên võ biền như thế kia?”. Ông không giận, lễ phép trả lời: “Thưa cụ, giặc Pháp chiếm đất ta trong Nam, giặc Khách quấy nhiễu ta ở phương Bắc, không biết võ thì sao có thể đối phó kịp thời khi lâm sự?”...

Quả nhiên năm 1872, giặc Pháp hùng hổ kéo ra sinh sự ở miền Bắc. Giặc đến, đáp theo tiếng gọi của đất nước, Nguyễn Cao đã đứng ra chiêu mộ được hơn 1000 quân nghĩa dũng để phối hợp cùng bố chính Phạm Thận đánh giặc. Nhưng ông chưa đánh được trận nào thì triều đình đã ký “hòa ước” đầu hàng giặc. Mặc dù sau khi Nguyễn Tri Phương bị tử trận, thành Hà Nội rồi tiếp đến các thành khác ở miền đồng bằng bị hạ, triều đình có lấy lại được các nơi bị giặc chiếm đóng, nhưng theo “hòa ước”, giặc Pháp lại được lập lãnh sự và đóng quân ở Hà Nội, Hải Phòng... Trong khi đó thì giặc Khách tiếp tục quấy rối trên miền thượng du rất ngặt nghèo và đang lăm le tràn xuống miền đồng bằng đông dân lắm của. Trong tình hình đó, Nguyễn Cao hăm hở nhận lời mời của tổng đốc Hà Ninh kiêm Tuyên, Thái, Lạng quân thứ Khâm sai đại thần Vũ Trọng Bình đến quân thứ giữ chức thương tá để giúp việc tiễu phỉ. Ít lâu sau, ông được giữ chức tri huyện Yên Dũng, rồi tri phủ Lạng Giang cùng với Ông Ích Khiêm, Hoàng Kế Viêm, Tôn Thất Thuyết sát cánh đánh dẹp bọn Hoàng Sùng Anh, Lý Dương Tài... Trong các trận tiễu phỉ này, Nguyễn Cao đã lập được những chiến công xuất sắc. Cũng vì thế nên các quan tỉnh Bắc Ninh trong tờ tâu về Kinh đã nói về Nguyễn Cao là: “Tặc uý như thần, dân thân như phụ!” (Giặc sợ như thần, dân thân như cha). Không những thế, trong một trận chiến đấu ác liệt năm 1877, Nguyễn Cao đã liều mình giải vây cho Tôn Thất Thuyết nên mối tình giữa hai người lại càng thêm gắn bó thắm thiết.

Tiễu phỉ xong, Nguyễn Cao được giữ chức Doanh điền sứ. Trong mấy năm liền, hết Nhã Nam đến Phú Bình, ông đã mộ người khai hoang lập ấp có kết quả. Ông đã được triều đình đánh giá cao công lao nên đã được thăng lên chức Ấn sát sứ Nam Định, rồi Bố chính sứ Thái Nguyên, tước Hàn lãm thị giảng học sĩ. Nhưng chính cái việc được thăng quan tiến chức duy nhất dựa trên nhiệt tâm vì nước, vì dân và đức độ thanh liêm rất mực này đã làm cho các sự ghen ghét nẩy mầm trong đám quan trường. Cũng vì thế nên Nguyễn Cao đã đệ đơn xin từ quan để lui về Nhã Nam, gần tỉnh đạo Yên Thế, nơi ông có rất nhiều người mến phục.

Nhưng Nguyễn Cao không ở ẩn tại Nhã Nam được lâu. Mười năm sau lần can thiệp ra Bắc lần thứ nhất, giặc Pháp lại đem quân ra Bắc, thành Hà Nội bị hạ và Hoàng Diệu, bạn cũ thân thiết của Nguyễn Cao, chết theo thành ngày 25-4-1882.

Hoàng Diệu chết, Pháp chiếm thành Hà Nội, rồi lại trả thành cho các quan Nam triều, nhưng một bộ phận quân Pháp vẫn đóng trong thành! Pháp án binh bất động trong khi các quan triều đình điều đình với Pháp nhưng các tỉnh thì vẫn được lệnh chuẩn bị chống Pháp. Tình hình lúc này thật phức tạp. Mộ quân đánh Pháp hay cứ ngồi yên, Nguyễn Cao thật không biết xử trí ra sao!

Thế rồi, tình hình im ắng một thời gian lại trở nên sôi sục. Quân Pháp không đạt được những điều mong muốn trong triều đình, lại muốn giở mặt dùng võ lực. Trong tình hình đó, Nguyễn Cao đã nhanh chóng xuất đầu lộ diện, hăm hở giữ chức Thương biện cùng với Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy vây đánh quân Pháp ở Hà Nội. Chiều ngày 20 tháng 2 năm Quý Mùi (28-3-1883), đúng một ngày sau khi thành Nam Định bị quân Pháp đánh chiếm, chúng lại cho quân đổ bộ sang phía Gia Lâm định đánh úp quân ta bên đó. Và cũng đúng buổi chiều hôm đó, cánh quân của Nguyễn Cao đã cùng các cánh quân do Trần Xuân Soạn, Trương Quang Đản, Lương Quý Chính, Bùi Ân Niên, Hồ Văn Phấn chỉ huy đã phối hợp nhịp nhàng với nhau và đánh tan tành bọn giặc, buộc chúng phải cố sống cố chết rút lui về Hà Nội. Và cũng lần này, Nguyễn Cao được triều đình ban thưởng. Sau trận đó, Nguyễn Cao tiếp tục uy hiếp Pháp. Ông nhiều lần đột kích Pháp ở Đồn Thủy, đêm 11-5-1883 ông cho đại bác bắn từ đê Gia Lâm sang trại lính Pháp ở Hà Nội...

Địch quyết phá vỡ thế bị vây ép, ta thì cố hất chúng về Hà Nội để tiêu diệt chúng. Tình trạng giằng co này kéo dài luôn mấy tháng thì đến ngày 15-5-1883 Pháp đem đại quân đổ bộ sang Gia Lâm. Một trận chiến đấu quyết liệt đã diễn ra giữa ta và địch trong suốt ngày 15 và kéo dài sang ngày 16. Mấy lần Nguyễn Cao đem quân xông lên đánh giáp lá cà với địch. Nhưng trước ưu thế hỏa lực của địch, quân ta đã phải từng bước rút lui về phía sông Đuống. Chiều 15, trong một trận hỗn chiến với địch, Nguyễn Cao đã bị thương và phải nằm liệt một thời gian để chữa bệnh.

Nhưng thời gian buộc thuốc của Nguyễn Cao không kéo dài. Vừa mới khỏi bệnh, ông lại đứng đầu một đội quân với chức vụ mới là “Bắc Kỳ tán lý quân vụ”. Quân sĩ của ông bây giờ là những nghĩa sĩ được chọn lọc kỹ càng trong ba tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và được mệnh danh là “Tam tỉnh nghĩa đoàn” hay còn được gọi là “Đại nghĩa đoàn”. Đây cũng là thời gian Nguyễn Cao đang cùng Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy, Tạ Hiền thống nhất lực lượng. Cuộc chiến đấu chống Pháp của ông như vậy là đã kéo dài được ba năm (1883 - 1885) trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Mặc dù ngay từ ngày 25-8-1883 rồi tiếp đến ngày 6-6-1884, triều đình nhà Nguyễn đã phải hai lần ký hàng ước với thực dân Pháp chịu cho chúng đặt ách thống trị trên đất nước Việt Nam. Tuy vậy cuộc chiến đấu đã càng ngày càng gặp khó khăn. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân Nguyễn Cao đã dần dần bị thu hẹp với việc Pháp đánh chiếm thành Sơn Tây ngày 16-12-1883, thành Bắc Ninh ngày 12-31884, tỉnh đạo Yên Thế ngày 16-3-1884... Trong cuộc chiến đấu quyết liệt nhưng không cân sức chút nào ấy, có lần quân sĩ tan tác mỗi người một nơi, bản thân Nguyễn Cao phải ẩn trong một khu rừng ở Nhã Nam.

Sau cuộc tập kích quân Pháp của Tôn Thất Thuyết ngày 5-7-1885 ở Huế bị thất bại, được tin vua Hàm Nghi ra sơn phòng, Nguyễn Cao đã lặn lội tìm vào chỗ vua ở, nhưng nghẽn đường không đi được, ông đành phải trở ra Bắc tự lo liệu công việc kháng chiến. Sau mấy trận chiến đấu chống Pháp tại vùng sông Đuống trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 10-1885, tình hình ngày càng trở nên khó khăn đối với Nguyễn Cao. Trước sự tập trung quân lực của thực dân Pháp để càn quét nghĩa quân ở vùng này, Nguyễn Cao bèn tính kế chuyển hướng hoạt động: Để nhóm Nguyễn Thiện Thuật tiếp tục chiến đấu ở vùng tả ngạn sông Hồng, ông có ý định mai danh ẩn tích một thời gian để bí mật xây dựng lực lượng tại vùng hữu ngan. Khi thời cơ đến, chiến khu của ông sẽ nổi dậy và sẽ là cái gạch nối giữa chiến khu Bãi Sậy, Yên Thế v.v... tại Bắc Kỳ với các chiến khu của các nhà yêu nước miền Trung. Công việc đánh Pháp trên một khu vực rộng khắp và liên hoàn như vậy nhất định sẽ làm cho kẻ địch trở tay không kịp, tạo điều kiện đánh đuổi chúng ra khỏi đất nước.

Với ý định như vậy, trừ những người còn tiếp tục chiến đấu với Nguyễn Thiện Thuật, ông đã cho các tướng lĩnh và quân sĩ có quê quán ở hữu ngạn về làng cũ gây dựng lực lượng kháng chiến. Còn bản thân ông thì giả làm sư để dễ bề đi lại liên kết các anh hùng hào kiệt. Sau mấy tháng, đi hết vùng này sang vùng khác, ông đã đến chùa Hương một thời gian với ý định thành lập một căn cứ kháng chiến ở nơi có sông nước bao bọc và có núi non hiểm trở này.

Sau khi đã xem xét địa thế và hòa mình vào với cảnh đẹp vùng chùa Hương một thời gian, ông đã đến Kim Giang, cách chùa Hương không xa lắm để lấy đó làm trung tâm hoạt động lâu dài. Ở đây, ông sẽ tìm cách liên lạc với các đồng chí ở các địa phương có thể dễ dàng dùng các đường thủy bộ khác nhau đến họp mặt. Đặc biệt là ông muốn biến vùng Kim Giang, nơi ông có nhiều người quen biết thân thiết từ nhỏ, khi ông còn theo học ở đây, thành một căn cứ vững chắc, một nơi cung cấp nhân lực vật lực đắc lực cho phong trào chống Pháp. Với con mắt nhìn xa trông rộng, ông còn muốn chọn lọc những người ưu tú nhất trong đám thanh niên có khả năng kề vai sát cánh với ông đánh Pháp bằng cách mở trường dạy học.

Ngày 4-4-1887, Nguyễn Cao bị viên Lãnh Nhung, tay sai Pháp bắt tại Kim Giang. Bắt được Nguyễn Cao, giặc Pháp lên mặt kể tội ông: “Anh xấu bụng, lại muốn trái lệnh triều đình mà chống lại với nước lớn ư?”. Ông quát lớn đáp lại: “Chúng bay bội ước, tiến quân để triệt nước người ta, còn bụng gì xấu hơn nữa. Còn ta đây, những việc ta làm đều quang minh và ngay thẳng, có thể đối với thiên hạ mà không thẹn. Nay đến đây, ta muốn để cho chúng bay thấy bụng ta đây”. Nói xong, ông lấy con dao nhọn giấu trong áo đâm vào bụng rồi lôi ruột ra dài tới mấy thước, không chút sợ hãi. Giặc đổ xô đến trói tay ông lại rồi buộc thuốc băng bó cho ông. Chúng cũng tìm mọi cách ép ông ăn để chóng khỏi bệnh. Nhưng ông kiên quyết không chịu ăn thìa cháo giọt sữa nào rồi cắn lưỡi tự tử. Tuy vậy muốn uy hiếp quần chúng, giặc vẫn đem bêu đầu ông.

Khi ông chết, công việc khâm liệm, chôn cất, dân làng Kim Giang lại lo được đầy đủ. Tác giả quyển Bài ngoại liệt truyện là Phan Trọng Mưu đã ghi lại được bài của Tôn Thất Thuyết điếu Nguyễn Cao như sau:

Tằng thập niên tiền thức hào kiệt,

Sinh bình tự hứa giả khí tiết.

Tòng ngã Giang Bắc hiệu trì khu,

Dũng cảm thanh danh quân đồng liệt.

Thân kỳ hứa quốc thụ kỳ huân,

Khước tích đương niên tố trung liệt.

Tự công thị tử chân như du,

Chính khí lẫm nhiên truy cổ triết.

Niên lai tựu nghĩa bất thiểu nhân,

Tranh đạo Cách Bi quân thù tuyệt.

Tinh linh ưng vị dực sơn hà,

Vạn cổ Đức Giang lưu phương khiết.

Trần Huy Liệu, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch:

Trước đây mười năm tôi đã biết,

Biết ông hứa mình cho khí tiết.

Theo tôi rong ruổi vùng Bắc Giang,

Dũng cảm đứng đầu bạn đồng liệt.

Rắp mong vì nước lập công to,

Ôi! Tới năm nay ông lại chết.

Ông coi cái chết thực như chơi,

Chính khí bốc lên theo cố triết.

Lâu nay tử nghĩa không thiếu người,

Riêng ở Cách Bi ông giỏi tuyệt.

Tinh linh còn mãi giúp non sông,

Thơm sạch Đức Giang mãi bất diệt.

Cái chết anh dũng của Nguyễn Cao đã để thương để nhớ cho mọi người như thế đó. Người ta nói hôm đưa đám Nguyễn Cao, những câu đối và bức trướng đã phủ kín cả một cánh đồng. Không phải chỉ có những bạn chiến đấu khóc ông mà nhân dân các nơi nghe tin ông tử tiết đều khóc ông.

Đặc biệt là nhân dân Kim Giang, người được chứng kiến tuổi thơ ấu cắp sách đi học và những ngày hoạt động cuối cùng của ông đã tỏ ra có cảm tình hết su nồng nhiệt đối với ông. Mặc dù bị thực dân Pháp phạt 1000 đồng vì tội chưa chấp và che giấu ông; nhưng nhân dân Kim Giang vẫn tìm mọi cách mong cứu ông thoát nạn, vẫn lo làm ma chu đáo cho ông sau khi chét. Không những thế, hàng năm vào đúng ngày tuẫn tiết, họ vẫn đặt bài vị để tưởng nhớ và tế lễ ông./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Trần Khánh Dư – danh tướng thủy binh
    Trần Khánh Dư người huyện Chí Linh (Hải Dương), chưa rõ năm sinh, mất năm 1339, dòng dõi tôn thất nên được phong tước Nhân Huệ vương. Khi quân Nguyên mới sang xâm lược nước ta, ông thường nhằm chỗ sơ hở đánh úp, Trần Thánh Tông khen là có chí lược, lập làm thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua). Khi đánh dẹp ở miền núi thắng lớn, được phong chức Phiêu kỵ đại tướng quân. Rồi từ tước hầu, do được vua yêu, thăng mãi lên Thượng vị hầu áo tía, giữ chức phán thủ. Sau vì tư thông với công chúa Thiên Thụy, con dâu của Trần Quốc Tuấn nên bị cách hết quan tước, tịch thu sản nghiệp, phải lui về ở Chí Linh làm nghề bán than.
(0) Bình luận
  • Giang Văn Minh và những giai thoại rạng danh xứ Đoài
    Nằm dưới chân núi Tổ, vùng đất cổ Đường Lâm, xứ Đoài không chỉ nổi tiếng là nơi sinh ra vua Phùng Hưng (cuối thế kỷ thứ VIII) và vua Ngô Quyền (thế kỷ thứ X) mà còn được biết đến là quê hương của Thám hoa Giang Văn Minh - một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử ngoại giao của nước nhà, hồi cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII.
  • Tiếp thêm sức sống cho nghề truyền thống Thủ đô
    Là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng các làng nghề truyền thống, các nghệ nhân và người làm nghề truyền thống Hà Nội đang không ngừng sáng tạo trong công tác gìn giữ, bảo tồn các làng nghề. Sự sáng tạo không chỉ mang lại một diện mạo mới, một sức sống mới cho các làng nghề mà còn gợi mở những không gian trải nghiệm văn hóa mới cho người dân Thủ đô và du khách.
  • Khởi công xây dựng đền thờ Đức vua Ngô Quyền
    Sáng 26/6, Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ khởi công dự án xây dựng đền thờ Đức vua Ngô Quyền tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh).
  • Trưng bày “Báo chí Huế trong dòng chảy Báo chí Cách mạng Việt Nam”
    Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Thành phố Huế phối hợp Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành uỷ, Sở Văn hoá Thể thao tổ chức Triển lãm trưng bày “Báo chí Huế trong dòng chảy Báo chí cách mạng Việt Nam”.
  • Hà Nội: Thêm 9 di tích được xếp hạng cấp thành phố
    Ngày 10/6, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2859/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
  • Công nhận hội Lim ở Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
    Hội Lim là nơi các giá trị lịch sử, tín ngưỡng và đặc biệt là Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thực hành, bảo tồn và lan tỏa, thể hiện tính gắn kết bền chặt và tinh tế giữa các làng Quan họ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt sách tranh song ngữ “Kể chuyện Bác Hồ”
    Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6/1925 – 6/2025), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách tranh "Kể chuyện Bác Hồ", ấn bản song ngữ Việt – Trung.
  • Chuyện kể về Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam
    Trong hành trình mở cõi về phương Nam của dân tộc Việt Nam, các chúa Nguyễn hiện lên như những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, với các quyết sách chiến lược và nghệ thuật bang giao khôn khéo, đặc biệt trong quan hệ với triều đình Chân Lạp. Cuốn sách “Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam” của nhà giáo, nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Hữu Hiếu, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành tháng 6/2025, là một công trình giàu tư liệu và cảm hứng góp phần tái hiện sinh động giai đoạn lịch sử đặc biệt ấy.
  • Nhìn lại nửa thế kỷ văn học nghệ thuật Việt Nam
    Ngày 27/6/2025, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo khoa học “Nhìn lại sự vận động, phát triển của VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2025)”. Với 33 tham luận cùng nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi, hội thảo là dịp tổng kết quá trình phát triển của VHNT Việt Nam trong bối cảnh đất nước thống nhất, đổi mới và hội nhập, từ đó đưa ra các đề xuất nhằm phát triển VHNT trở thành thành tố quan trọng của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
  • Huyện Thường Tín đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
    Sáng 28/6, huyện Thường Tín (Hà Nội) tổ chức Lễ công bố và đón nhận danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024. Sau 4 năm nỗ lực, huyện đã đạt nhiều kết quả nổi bật, kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực, hạ tầng ngày càng khang trang, đời sống người dân được nâng cao.
  • Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh
    Tối 27-6, Chương trình thúc đẩy sản xuất – tiêu dùng bền vững 2025 chính thức khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh”.
Đừng bỏ lỡ
  • 9 tựa sách hay trong Tủ sách gia đình của Nhã Nam
    Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là dịp để mỗi người lắng lại, cảm nhận rõ hơn giá trị của tình thân, của những khoảnh khắc bên nhau giản dị mà quý giá. Trong nhịp sống hiện đại, một trong những cách đẹp đẽ để giữ gìn và bồi đắp sợi dây gắn kết gia đình chính là cùng nhau đọc sách – những cuốn sách đầy yêu thương, sẻ chia và thấu cảm. Hiểu được điều đó, Nhã Nam đã kỳ công tuyển chọn và xây dựng Tủ sách Gia đình. Đây là những cuốn sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, lan tỏa giá trị yêu thương trong mỗi mái ấm, để mỗi em bé đều được lớn lên trong vòng tay chan chứa hạnh phúc của gia đình.
  • Phu nhân Tổng Bí thư và Tổng Giám đốc UNESCO tham dự triển lãm ảnh "Chúng tôi có thể"
    Các tác phẩm là sản phẩm tiêu biểu của dự án “Chúng tôi CÓ THỂ” – sáng kiến phối hợp giữa UNESCO và Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng đến mục tiêu trao quyền học tập và phát triển toàn diện cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn.
  • Người đẹp Phú Yên Hà Trúc Linh đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2024
    Hà Trúc Linh - 21 tuổi, quê Phú Yên, sinh viên Đại học Tài chính Marketing TP HCM - vượt top 24 để đoạt vương miện Hoa hậu Việt Nam 2024.
  • Ra mắt sách “Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn"
    Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa ra mắt cuốn sách "Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn", tuyển chọn các bài viết tiêu biểu của nữ trí thức trên tuần báo Phụ nữ tân văn – một diễn đàn quan trọng trong phong trào nữ quyền Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ấn phẩm dày 600 trang, do Đoàn Ánh Dương biên soạn và giới thiệu, được phát hành trên toàn quốc từ tháng 6/2025.
  • Hà Nội nêu cao tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”
    Tại kỳ họp thứ 24 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra sáng 27/6, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố, bảo đảm thực hiện đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
  • Phát động cuộc thi ảnh báo chí 'Việt Nam trên hành trình đổi mới’
    Cuộc thi ảnh báo chí “Việt Nam trên hành trình đổi mới” do Báo Nhân Dân phối hợp Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, những thành tựu về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế trong quá trình 40 năm đổi mới.
  • Hà Nội sửa đổi, bổ sung quy định phân cấp nguồn thu, chi để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động hiệu quả
    Để có cơ sở điều chỉnh, giao dự toán ngân sách năm 2025 cho các xã, phường sau sắp xếp đảm bảo nguồn ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ được giao từ ngày 1/7/2025, HĐND Thành phố Hà Nội ngày 27/6 đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách Thành phố và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025.
  • Trình chiếu loạt phim đỉnh cao của Hàn Quốc tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3
    Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3 diễn ra từ ngày 29/6 – 5/7 sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc biệt khán giả sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều diễn viên Hàn Quốc.
  • Festival Nông sản Hà Nội: Thúc đẩy mô hình canh tác, chế biến và tiêu dùng nông sản gắn với văn hóa – du lịch
    Từ ngày 26 - 29/6/2025, tại quận Tây Hồ, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp UBND quận Tây Hồ tổ chức Festival Nông sản Hà Nội lần thứ 4 – sự kiện xúc tiến thương mại nông nghiệp thường niên đang ngày càng khẳng định vị thế là điểm hẹn lớn của người tiêu dùng và các nhà sản xuất nông sản trên cả nước.
  • [Podcast] Đình Mễ Trì Thượng – Nơi lưu giữ những lớp trầm tích văn hóa Hà Nội
    Trong hàng ngàn di tích lịch sử văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến, thì đình Mễ Trì Thượng là ngôi đình cổ kính bậc nhất. Ngôi đình này nằm trên gò Quy Sơn (núi Rùa), thuộc làng Mễ Trì Thượng (tên Nôm là Kẻ Mẩy). Mễ Trì Thượng không chỉ mang dáng dấp kiến trúc cổ đặc trưng Bắc Bộ, mà ngôi đình này còn là nơi lưu giữ những lớp trầm tích văn hóa của một Hà Nội đang chuyển mình theo vòng quay thời gian.
Nguyễn Cao – tấm gương yêu nước lẫm liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO