Nguyễn Cao – tấm gương yêu nước lẫm liệt
Nguyễn Cao sinh năm Đinh Dậu (1837), người làng Cách Bi, huyện Quế Dương (tức Quế Võ), tỉnh Bắc Ninh. Cha ông là Nguyễn Hạnh, đỗ Cử nhân khoa Tân Mão (1831), làm Tri huyện Thủy Đường. Ông mồ côi cha từ khi còn nhỏ. Mẹ ông lúc đó mới hơn hai mươi tuổi nhưng quyết tâm ở vậy nuôi con với niềm hy vọng con mình sẽ trở thành người hữu dụng cho đất nước. Ít lâu sau, thân mẫu Nguyễn Cao cũng qua đời.
Tuy còn rất bé mà đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng nhờ có cả họ nội và họ ngoại tận tình giúp đỡ chu cấp, nên Nguyễn Cao vẫn được nuôi dạy hết sức chu đáo. Đầu tiên ông được gửi sang làng Kim Giang trọ học rồi được đi học tiếp cụ Đốc học Ngô Phùng tại Thạch Hà và cụ Hoàng giáp Phạm Văn Nghị tại Tam Đăng.
Ông đỗ Giải nguyên (đầu hàng Cử nhân) tại trường thi Hà Nội năm Đinh Mão, niên hiệu Tự Đức thứ 20 (1867). Năm ấy ông 39 tuổi. Quan tỉnh Bắc Ninh mến tài Nguyễn Cao muốn bổ ông ngay làm giáo thụ phủ Từ Sơn và chờ khi có khuyết chân tri huyện ở đâu thì cho điều vào ngay lập tức. Nhưng Nguyễn Cao trước sau đều khước từ và chỉ ở ngay tại làng mở trường dạy học.
Tình hình xứ Bắc lúc này khá rối ren. Bọn giặc Khách tràn sang đang làm mưa làm gió trên miền thượng du và nhiều khi tràn cả về miền đồng bằng. Tỷ dụ bọn Ngô Côn chiếm thành Bắc Ninh năm 1870 cho đến khi bị Ông Ích Khiêm giết chết chủ tướng rồi mới bị dẹp yên. Còn ở trong Nam thì sau khi khởi hấn ở Đà Nẵng năm 1858, giặc Pháp đã đánh chiếm được ba tỉnh phía Đông rồi tiếp đến 1867 thì chiếm nốt ba tỉnh phía Tây và lăm le tiến quân ra Bắc. Với con mắt nhìn xa trông rộng, Nguyễn Cao tuy dạy học nhưng nghiên cứu binh thư và chăm chỉ luyện tập côn, quyền, đao, kiểm. Một hôm ông đang cởi trần múa kiếm thì một ông cụ vào hàng cha chú trông thấy, tỏ vẻ không tán thành nói: “Đã là bậc khoa bảng, sao anh còn muốn làm tên võ biền như thế kia?”. Ông không giận, lễ phép trả lời: “Thưa cụ, giặc Pháp chiếm đất ta trong Nam, giặc Khách quấy nhiễu ta ở phương Bắc, không biết võ thì sao có thể đối phó kịp thời khi lâm sự?”...
Quả nhiên năm 1872, giặc Pháp hùng hổ kéo ra sinh sự ở miền Bắc. Giặc đến, đáp theo tiếng gọi của đất nước, Nguyễn Cao đã đứng ra chiêu mộ được hơn 1000 quân nghĩa dũng để phối hợp cùng bố chính Phạm Thận đánh giặc. Nhưng ông chưa đánh được trận nào thì triều đình đã ký “hòa ước” đầu hàng giặc. Mặc dù sau khi Nguyễn Tri Phương bị tử trận, thành Hà Nội rồi tiếp đến các thành khác ở miền đồng bằng bị hạ, triều đình có lấy lại được các nơi bị giặc chiếm đóng, nhưng theo “hòa ước”, giặc Pháp lại được lập lãnh sự và đóng quân ở Hà Nội, Hải Phòng... Trong khi đó thì giặc Khách tiếp tục quấy rối trên miền thượng du rất ngặt nghèo và đang lăm le tràn xuống miền đồng bằng đông dân lắm của. Trong tình hình đó, Nguyễn Cao hăm hở nhận lời mời của tổng đốc Hà Ninh kiêm Tuyên, Thái, Lạng quân thứ Khâm sai đại thần Vũ Trọng Bình đến quân thứ giữ chức thương tá để giúp việc tiễu phỉ. Ít lâu sau, ông được giữ chức tri huyện Yên Dũng, rồi tri phủ Lạng Giang cùng với Ông Ích Khiêm, Hoàng Kế Viêm, Tôn Thất Thuyết sát cánh đánh dẹp bọn Hoàng Sùng Anh, Lý Dương Tài... Trong các trận tiễu phỉ này, Nguyễn Cao đã lập được những chiến công xuất sắc. Cũng vì thế nên các quan tỉnh Bắc Ninh trong tờ tâu về Kinh đã nói về Nguyễn Cao là: “Tặc uý như thần, dân thân như phụ!” (Giặc sợ như thần, dân thân như cha). Không những thế, trong một trận chiến đấu ác liệt năm 1877, Nguyễn Cao đã liều mình giải vây cho Tôn Thất Thuyết nên mối tình giữa hai người lại càng thêm gắn bó thắm thiết.
Tiễu phỉ xong, Nguyễn Cao được giữ chức Doanh điền sứ. Trong mấy năm liền, hết Nhã Nam đến Phú Bình, ông đã mộ người khai hoang lập ấp có kết quả. Ông đã được triều đình đánh giá cao công lao nên đã được thăng lên chức Ấn sát sứ Nam Định, rồi Bố chính sứ Thái Nguyên, tước Hàn lãm thị giảng học sĩ. Nhưng chính cái việc được thăng quan tiến chức duy nhất dựa trên nhiệt tâm vì nước, vì dân và đức độ thanh liêm rất mực này đã làm cho các sự ghen ghét nẩy mầm trong đám quan trường. Cũng vì thế nên Nguyễn Cao đã đệ đơn xin từ quan để lui về Nhã Nam, gần tỉnh đạo Yên Thế, nơi ông có rất nhiều người mến phục.
Nhưng Nguyễn Cao không ở ẩn tại Nhã Nam được lâu. Mười năm sau lần can thiệp ra Bắc lần thứ nhất, giặc Pháp lại đem quân ra Bắc, thành Hà Nội bị hạ và Hoàng Diệu, bạn cũ thân thiết của Nguyễn Cao, chết theo thành ngày 25-4-1882.
Hoàng Diệu chết, Pháp chiếm thành Hà Nội, rồi lại trả thành cho các quan Nam triều, nhưng một bộ phận quân Pháp vẫn đóng trong thành! Pháp án binh bất động trong khi các quan triều đình điều đình với Pháp nhưng các tỉnh thì vẫn được lệnh chuẩn bị chống Pháp. Tình hình lúc này thật phức tạp. Mộ quân đánh Pháp hay cứ ngồi yên, Nguyễn Cao thật không biết xử trí ra sao!
Thế rồi, tình hình im ắng một thời gian lại trở nên sôi sục. Quân Pháp không đạt được những điều mong muốn trong triều đình, lại muốn giở mặt dùng võ lực. Trong tình hình đó, Nguyễn Cao đã nhanh chóng xuất đầu lộ diện, hăm hở giữ chức Thương biện cùng với Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy vây đánh quân Pháp ở Hà Nội. Chiều ngày 20 tháng 2 năm Quý Mùi (28-3-1883), đúng một ngày sau khi thành Nam Định bị quân Pháp đánh chiếm, chúng lại cho quân đổ bộ sang phía Gia Lâm định đánh úp quân ta bên đó. Và cũng đúng buổi chiều hôm đó, cánh quân của Nguyễn Cao đã cùng các cánh quân do Trần Xuân Soạn, Trương Quang Đản, Lương Quý Chính, Bùi Ân Niên, Hồ Văn Phấn chỉ huy đã phối hợp nhịp nhàng với nhau và đánh tan tành bọn giặc, buộc chúng phải cố sống cố chết rút lui về Hà Nội. Và cũng lần này, Nguyễn Cao được triều đình ban thưởng. Sau trận đó, Nguyễn Cao tiếp tục uy hiếp Pháp. Ông nhiều lần đột kích Pháp ở Đồn Thủy, đêm 11-5-1883 ông cho đại bác bắn từ đê Gia Lâm sang trại lính Pháp ở Hà Nội...
Địch quyết phá vỡ thế bị vây ép, ta thì cố hất chúng về Hà Nội để tiêu diệt chúng. Tình trạng giằng co này kéo dài luôn mấy tháng thì đến ngày 15-5-1883 Pháp đem đại quân đổ bộ sang Gia Lâm. Một trận chiến đấu quyết liệt đã diễn ra giữa ta và địch trong suốt ngày 15 và kéo dài sang ngày 16. Mấy lần Nguyễn Cao đem quân xông lên đánh giáp lá cà với địch. Nhưng trước ưu thế hỏa lực của địch, quân ta đã phải từng bước rút lui về phía sông Đuống. Chiều 15, trong một trận hỗn chiến với địch, Nguyễn Cao đã bị thương và phải nằm liệt một thời gian để chữa bệnh.
Nhưng thời gian buộc thuốc của Nguyễn Cao không kéo dài. Vừa mới khỏi bệnh, ông lại đứng đầu một đội quân với chức vụ mới là “Bắc Kỳ tán lý quân vụ”. Quân sĩ của ông bây giờ là những nghĩa sĩ được chọn lọc kỹ càng trong ba tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và được mệnh danh là “Tam tỉnh nghĩa đoàn” hay còn được gọi là “Đại nghĩa đoàn”. Đây cũng là thời gian Nguyễn Cao đang cùng Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy, Tạ Hiền thống nhất lực lượng. Cuộc chiến đấu chống Pháp của ông như vậy là đã kéo dài được ba năm (1883 - 1885) trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Mặc dù ngay từ ngày 25-8-1883 rồi tiếp đến ngày 6-6-1884, triều đình nhà Nguyễn đã phải hai lần ký hàng ước với thực dân Pháp chịu cho chúng đặt ách thống trị trên đất nước Việt Nam. Tuy vậy cuộc chiến đấu đã càng ngày càng gặp khó khăn. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân Nguyễn Cao đã dần dần bị thu hẹp với việc Pháp đánh chiếm thành Sơn Tây ngày 16-12-1883, thành Bắc Ninh ngày 12-31884, tỉnh đạo Yên Thế ngày 16-3-1884... Trong cuộc chiến đấu quyết liệt nhưng không cân sức chút nào ấy, có lần quân sĩ tan tác mỗi người một nơi, bản thân Nguyễn Cao phải ẩn trong một khu rừng ở Nhã Nam.
Sau cuộc tập kích quân Pháp của Tôn Thất Thuyết ngày 5-7-1885 ở Huế bị thất bại, được tin vua Hàm Nghi ra sơn phòng, Nguyễn Cao đã lặn lội tìm vào chỗ vua ở, nhưng nghẽn đường không đi được, ông đành phải trở ra Bắc tự lo liệu công việc kháng chiến. Sau mấy trận chiến đấu chống Pháp tại vùng sông Đuống trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 10-1885, tình hình ngày càng trở nên khó khăn đối với Nguyễn Cao. Trước sự tập trung quân lực của thực dân Pháp để càn quét nghĩa quân ở vùng này, Nguyễn Cao bèn tính kế chuyển hướng hoạt động: Để nhóm Nguyễn Thiện Thuật tiếp tục chiến đấu ở vùng tả ngạn sông Hồng, ông có ý định mai danh ẩn tích một thời gian để bí mật xây dựng lực lượng tại vùng hữu ngan. Khi thời cơ đến, chiến khu của ông sẽ nổi dậy và sẽ là cái gạch nối giữa chiến khu Bãi Sậy, Yên Thế v.v... tại Bắc Kỳ với các chiến khu của các nhà yêu nước miền Trung. Công việc đánh Pháp trên một khu vực rộng khắp và liên hoàn như vậy nhất định sẽ làm cho kẻ địch trở tay không kịp, tạo điều kiện đánh đuổi chúng ra khỏi đất nước.
Với ý định như vậy, trừ những người còn tiếp tục chiến đấu với Nguyễn Thiện Thuật, ông đã cho các tướng lĩnh và quân sĩ có quê quán ở hữu ngạn về làng cũ gây dựng lực lượng kháng chiến. Còn bản thân ông thì giả làm sư để dễ bề đi lại liên kết các anh hùng hào kiệt. Sau mấy tháng, đi hết vùng này sang vùng khác, ông đã đến chùa Hương một thời gian với ý định thành lập một căn cứ kháng chiến ở nơi có sông nước bao bọc và có núi non hiểm trở này.
Sau khi đã xem xét địa thế và hòa mình vào với cảnh đẹp vùng chùa Hương một thời gian, ông đã đến Kim Giang, cách chùa Hương không xa lắm để lấy đó làm trung tâm hoạt động lâu dài. Ở đây, ông sẽ tìm cách liên lạc với các đồng chí ở các địa phương có thể dễ dàng dùng các đường thủy bộ khác nhau đến họp mặt. Đặc biệt là ông muốn biến vùng Kim Giang, nơi ông có nhiều người quen biết thân thiết từ nhỏ, khi ông còn theo học ở đây, thành một căn cứ vững chắc, một nơi cung cấp nhân lực vật lực đắc lực cho phong trào chống Pháp. Với con mắt nhìn xa trông rộng, ông còn muốn chọn lọc những người ưu tú nhất trong đám thanh niên có khả năng kề vai sát cánh với ông đánh Pháp bằng cách mở trường dạy học.
Ngày 4-4-1887, Nguyễn Cao bị viên Lãnh Nhung, tay sai Pháp bắt tại Kim Giang. Bắt được Nguyễn Cao, giặc Pháp lên mặt kể tội ông: “Anh xấu bụng, lại muốn trái lệnh triều đình mà chống lại với nước lớn ư?”. Ông quát lớn đáp lại: “Chúng bay bội ước, tiến quân để triệt nước người ta, còn bụng gì xấu hơn nữa. Còn ta đây, những việc ta làm đều quang minh và ngay thẳng, có thể đối với thiên hạ mà không thẹn. Nay đến đây, ta muốn để cho chúng bay thấy bụng ta đây”. Nói xong, ông lấy con dao nhọn giấu trong áo đâm vào bụng rồi lôi ruột ra dài tới mấy thước, không chút sợ hãi. Giặc đổ xô đến trói tay ông lại rồi buộc thuốc băng bó cho ông. Chúng cũng tìm mọi cách ép ông ăn để chóng khỏi bệnh. Nhưng ông kiên quyết không chịu ăn thìa cháo giọt sữa nào rồi cắn lưỡi tự tử. Tuy vậy muốn uy hiếp quần chúng, giặc vẫn đem bêu đầu ông.
Khi ông chết, công việc khâm liệm, chôn cất, dân làng Kim Giang lại lo được đầy đủ. Tác giả quyển Bài ngoại liệt truyện là Phan Trọng Mưu đã ghi lại được bài của Tôn Thất Thuyết điếu Nguyễn Cao như sau:
Tằng thập niên tiền thức hào kiệt,
Sinh bình tự hứa giả khí tiết.
Tòng ngã Giang Bắc hiệu trì khu,
Dũng cảm thanh danh quân đồng liệt.
Thân kỳ hứa quốc thụ kỳ huân,
Khước tích đương niên tố trung liệt.
Tự công thị tử chân như du,
Chính khí lẫm nhiên truy cổ triết.
Niên lai tựu nghĩa bất thiểu nhân,
Tranh đạo Cách Bi quân thù tuyệt.
Tinh linh ưng vị dực sơn hà,
Vạn cổ Đức Giang lưu phương khiết.
Trần Huy Liệu, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch:
Trước đây mười năm tôi đã biết,
Biết ông hứa mình cho khí tiết.
Theo tôi rong ruổi vùng Bắc Giang,
Dũng cảm đứng đầu bạn đồng liệt.
Rắp mong vì nước lập công to,
Ôi! Tới năm nay ông lại chết.
Ông coi cái chết thực như chơi,
Chính khí bốc lên theo cố triết.
Lâu nay tử nghĩa không thiếu người,
Riêng ở Cách Bi ông giỏi tuyệt.
Tinh linh còn mãi giúp non sông,
Thơm sạch Đức Giang mãi bất diệt.
Cái chết anh dũng của Nguyễn Cao đã để thương để nhớ cho mọi người như thế đó. Người ta nói hôm đưa đám Nguyễn Cao, những câu đối và bức trướng đã phủ kín cả một cánh đồng. Không phải chỉ có những bạn chiến đấu khóc ông mà nhân dân các nơi nghe tin ông tử tiết đều khóc ông.
Đặc biệt là nhân dân Kim Giang, người được chứng kiến tuổi thơ ấu cắp sách đi học và những ngày hoạt động cuối cùng của ông đã tỏ ra có cảm tình hết su nồng nhiệt đối với ông. Mặc dù bị thực dân Pháp phạt 1000 đồng vì tội chưa chấp và che giấu ông; nhưng nhân dân Kim Giang vẫn tìm mọi cách mong cứu ông thoát nạn, vẫn lo làm ma chu đáo cho ông sau khi chét. Không những thế, hàng năm vào đúng ngày tuẫn tiết, họ vẫn đặt bài vị để tưởng nhớ và tế lễ ông./.
Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội