Văn hóa – Di sản

Ngô Thì Ức – nhà giáo, nhà thơ

Hà Thanh Vân 29/11/2023 15:39

Ngô Thì Ức hiệu Tuyết Trai, sinh ngày 27 tháng 4 năm 1709 tại làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, Hà Đông cũ (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội). Thân phụ Ngô Thì Ức là Ngô Trân, danh sĩ đời Lê Hiển Tông, làm quan đến Đại lí tự khanh. Gia đình họ Ngô 7 đời nối nhau sản sinh những nho sĩ có tên tuổi trong sử sách và học thuật nước nhà. Các tác phẩm của Ngô gia được Ngô Thì Điển, con trai cả Ngô Thì Nhậm tập hợp, biên chép thành một công trình đồ sộ lấy tên là Ngô gia văn phái.

ngo-thi-uc.jpg
Một trong những tác phẩm lớn của dòng họ Ngô.

Ngô Thì Ức thông minh, giỏi thơ phú, kinh sách, biết chơi đàn, hiểu nghề y và viết chữ đẹp. Ban đầu theo học Thị lang bộ Hình Vũ Huy, sau học ông Bùi Sĩ người Thái Bình, chức Tự Khanh. Phan Huy Ích (1749 - 1822) đánh giá: “Nước ta từ thời Lý - Trần về sau đã có tiếng là một nước văn hiến. Những nhà văn giỏi trước sau rất nhiều, không thể kể hết được. Nhưng nói tới những nhà văn nhiều đời nối nhau thì thực ít thấy, chỉ có Ngô ta là văn mạch lâu dài... Tính ngược lên các đời trước thấy cụ Tuyết Trai (Ngô Thì Ức) tài cao học rộng nổi tiếng đời bấy giờ, người đã mở ra đường lối văn chương làm vẻ vang cho đời trước, để phúc ấm đời sau, thực là ông tổ của một gia đình văn học” (Tựa Ngô gia văn phái). Ngô Thì Trí cũng viết: “Ông cố ta (Ngô Trân) và tổ khảo ta (Ngô Thì Ức) mở nguồn văn nhà. Cha ta (Ngô Thì Sĩ) tiếp theo mà khơi dòng. Lại có chú ta (Ngô Thì Đạo) do tài văn học đỗ đầu khoa hoành từ là hàng anh em. Anh trưởng ta (Ngô Thì Nhậm) kế tục mà lớn thêm ngọn sóng. Lại có anh thứ ta (Ngô Thì Chí) do tài văn chương ứng thí khoa văn học điển lệ, cũng là hàng em giỏi” (Tựa Ngô Gia văn phái).

Năm 1733, Ngô Thì Ức thi Hương, đỗ Á nguyên. Năm 1734 đi thi Hội nhưng bị hỏng. Sau lần đó ông bỏ thi cử, dời ngôi nhà ở phường Cổ Vũ đất kinh thành về quê hương mở trường dạy học, cuốc đất trồng rau, xếp đá làm núi, trồng hoa mẫu đơn, làm bạn với người cày, người đánh cá. Ông tự giới thiệu mình là “một gã tiêu dao bên bờ sông Nhuệ”. Ngô Thì Ức thích ngâm vịnh thơ ca, vẽ tranh đề thơ tỏ chí; thường cùng bạn bè bày rượu cắm hoa rồi cùng nhau làm thơ xướng họa, bình thơ. Ngôi nhà của ông ở làng Tó trở thành một “thi xã”, nơi sinh hoạt văn hóa, văn chương được nhiều sử sách nhắc đến. Chính trong thời gian ấy ông đã sáng tác bài Tiêu dao ngâm, được xem như một tuyên ngôn về chí hướng, quan niệm sống của ông.

Ở ăn nhờ sức mình thôi,

Không buồn, không sợ, chẳng hoài lo âu.

Thi Thư đọc, bắt đầu từ nhỏ,

Sách Thánh hiền chịu khó chuyên cần...

Mỏm đằng đông, một khoanh ruộng xấu,

Đất sỏi trợ, khó đậu mùa màng.

Ngày ngày bừa cỏ phát hoang,

Cùng người cày cuốc rộn ràng gặp nhau.

Gặp chi nói chuyện dâu, chuyện lúa,

Bàn kỹ càng về cữ nắng mưa...

Năm 1736 triều đình mở khoa thi Hội, bị cha thúc ép ông đành phải ứng thí, thi đến tam trường thì bị hỏng. Ông cười nói rằng: “Trường ốc không phải chí của tôi”. Ông mất ngày 20 tháng 10 năm 1736, để lại hai người con, sau này đều trở thành các nhà văn có tên tuổi (Ngô Thì Sĩ, Ngô Tưởng Đạo). Sau khi mất, ông được phong tước Phong Trạch bá.

Ngô Thì Ức tính cách phóng khoáng, ít chịu ràng buộc bởi giáo lí Nho giáo: “Gần đây, chẳng học theo thi cử/ Khoáng đãng, đâu chịu sự buộc ràng” (Tiêu dao ngâm). Ông quan niệm về sáng tác: “Lời cốt đạt, chẳng mài văn/ Mà văn nước chảy, mấy vần khác nao”. Ngô Thì Ức để lại khá nhiều văn thơ, được tập hợp trong Tuyết Trai thi tập. Tác phẩm này là một phần trong Ngô gia văn phái, sau được Ngô Thì Sĩ cho khắc in, đặt tên là Nghi vịnh thi tập gồm 90 bài thơ “phóng khoáng, có phong thái cao thượng”. Chẳng hạn:

Bên đường hoa cỏ giấu Thiền lâm,

Chuông vắng nơi tiếng bổng trầm.

Chẳng biết chốn này Thiền định chửa,

Cửa ngoài sao tạc quá nhiều “tâm”?

(Đề chùa Càn Đà)

Đi vào thơ ông thường là đề tài dân dã, bình dị. Có lúc ông tái hiện “cái vui của nhà thuyền chài”:

Cá tôm đổi rượu uống chơi,

Gió trăng nong túi thơ vơi lại đầy.

Lưới giăng bến Sở quang mây,

Câu buông vào lúc tối ngày sông Ngô.

Nhà sàn một tiếng mưa xô,

Xuân sang đầu bến, xướng thơ ba bài...

Có khi ông dụng công miêu tả cảnh “bà già đi chợ chiều”, dựng thành công một bức tranh dân gian in đậm hồn quê, tình quê thường rất hiếm thấy trong thơ chữ Hán:

Việc con cháu, việc nhà xong cả,

Chợ phiên đi, tất tả, chiều rồi.

Chuyện bàn phấn sáp mặc ai,

Chỉ lo tính toán chút hời rau, dưa.

Định giá trước cho vừa tùy ý,

Gánh đường trường có chị đỡ vai.

Khi về, bọn trẻ đón cười,

Quây quần dưới gối mừng vui nhận quà...

(Bà già đi chợ chiều)

Ngoài ra, ông còn có Nam trình liên vịnh tập gồm 50 bài thơ ngâm vịnh cùng Trương Hạo Trai nhân buổi dạo chơi ở Đông Quan, Sơn Nam năm 1733, được Ngô Thì Sĩ viết tựa, Phan Huy Chú sao lục lại trong sách của mình. Trong bài Tựa Nam trình liên vịnh, Ngô Thì Sĩ có viết: “Cha tôi ngày xưa với ông Hiệu Trai họ Trương người làng Bạch Sâm huyện Sơn Lãnh là bạn đồng song, chơi với nhau rất thân, thận trọng chắc chắn từng lời nói, khuyên răn giúp đỡ nhau. Mỗi khi thấy trăng vào nhà, mây trên sông, lại nhớ đến nhau... Mùa đông năm Quý Sửu có việc đi Đông Quan đến mấy chục ngày. Những nơi đã từng trông thấy, phàm non sông danh thắng, đền chùa u linh, hoa cỏ hiếm, chim muông lạ, những chỗ khói nhạt mưa phùn, những xóm đánh cá, những chỗ lúa tốt rủ bông hoặc trại nhà nông, cờ quán rượu gió... đủ cả tình cảnh, cho nên có thể thốt nhiên thành ngâm, đắc ý là vịnh như Tập Mỹ và Phủ Lý, như Tiểu Đỗ và Ỷ Lâu... Chẳng bao lâu cha tôi mất, Trương công cũng bận việc quan, tập thơ này chỉ là vật bỏ xó trong tráp nát hòm cũ lâu năm... thế là tôi thu nhặt, tập hợp lại đem khắc in để làm gia bảo trong nhà, cũng là để nó được tồn tại lâu dài trong bia, chí vậy. Các bậc vương tử cao minh, nếu cũng coi tập thơ này như của mình, thì không những cha tôi được cái may gặp bạn tri âm, mà cả tôi cũng được chịu ơn. Nếu tìm bới cân nhắc từng chữ, từng ý cũng là soi mói uốn cong để làm dẫn chứng cho công danh vận mệnh của cha tôi thì ý nghĩ ấy cũng sẽ không đúng, không phải là điều mong muốn của chúng tôi” (Đỗ Văn Hỷ: Người xưa bàn về văn chương). Ngô Thì Ức còn có tác phẩm An Nam chí, nhưng nay không còn thấy văn bản.

Qua thơ, ta thấy Ngô Thì Ức là một con người tài hoa, ưa thích cuộc sống tiêu dao nhàn tản, thoát khỏi mọi công danh tục lụy, chỉ lo giúp nước, giúp đời. Ngô Thì Ức gần gũi với nhân dân lao động, gắn bó, yêu tha thiết làng quê bình dị chất phác của mình, gìn giữ tình bạn thắm thiết với người cùng chí hướng. Nhân cách, thi tứ đẹp đẽ của ông được các tác gia con cháu trong Ngô gia văn phái kế thừa, phát huy xứng đáng, tạo ra nét chung cho cả một dòng văn./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Từ Đạo Hạnh – thiền sư, thi nhân
    Từ Đạo Hạnh là pháp danh, còn tên thật là Từ Lộ. Ông là thiền sư và là nhà thơ nổi tiếng thời Lý. Chưa thấy tài liệu nào ghi về ngày sinh của Từ Lộ, chỉ biết ông sống vào thời Lý Nhân Tông (1072 - 1128), và qua đời năm 1117. Ông người hương Yên Lãng, tục gọi làng Láng, một làng rất cổ ở ven thành Thăng Long xưa.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Hà Nội dự kiến giảm 5 sở, 2 đảng ủy khối sau khi sắp xếp
    Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã ký ban hành Thông báo Kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo TP Hà Nội về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW sau khi tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương (Thông báo số 07-TB/BCĐ)
  • Thưởng lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam
    Từ ngày 17/12/2024 đến hết ngày 23/12/2024, tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam.
  • Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế: “Đường băng” để Hà Nội tiến vào kỷ nguyên mới
    Quán triệt quan điểm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, văn hóa phải được coi trọng và đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; Thành phố Hà Nội thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong chính trị và trong kinh tế, xác định đây là giá trị, chất lượng, trình độ phát triển của chính trị, kinh tế với tư cách là hai lĩnh vực cơ bản, trọng yếu nhất của đời sống xã hội.
  • Triển lãm "Quân đội anh hùng - Quốc phòng vững mạnh"
    Sáng 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Triển lãm “Quân đội anh hùng - Quốc phòng vững mạnh”. Triển lãm giới thiệu gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật khái quát quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, thành tựu 35 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
  • Hà Nội - 36 khúc giao thời: Khám phá sự giao thoa quá khứ và hiện tại của 36 phố phường
    “Hà Nội - 36 khúc giao thời” - chuỗi hoạt động khám phá 36 phố phường Hà Nội và những nét văn hóa đặc sắc từ Hà Nội xưa sẽ diễn ra vào ngày 15/12/2024 tại Cafe Phố Hàng (251 Phố Hồng Hà, Phường Phúc Tân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đến với không gian mang đậm dấu ấn đặc trưng của từng góc phố cổ Hà Nội, công chúng, đặc biệt là giới trẻ sẽ có cơ hội khám phá và hiểu hơn những giá trị văn hóa của Thủ đô.
  • Các di tích ở Hà Nội mở cửa đón khách tham quan trong tất cả các ngày nghỉ Tết 2025
    Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 853/KH-SVHTT ngày 9/12/2024 về việc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, quản lý lễ hội, trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
  • Từ giao thông thông minh đến mục tiêu “Hà Nội - Thành phố thông minh”
    Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Giao thông thông minh trên địa bàn Thành phố. Triển khai Đề án này, Hà Nội sẽ hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, “Hà Nội - thành phố thông minh” trong tương lai gần, góp phần làm nền tảng để Thủ đô cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
  • Hà Nội phê duyệt phương án, vị trí công trình cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng
    UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định 6316/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án, vị trí công trình cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu tỉ lệ 1/500 tại quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh.
  • [Podcast] Văn hóa thưởng thức cà phê của người Hà Nội
    Thủ đô nghìn năm văn hiến, nơi mỗi điều dù nhỏ bé cũng đều dung chứa những nét văn hóa rất riêng của người Hà Nội. Trong thưởng thức cà phê cũng thế, người Hà Nội cũng có cách thưởng thức rất riêng, để rồi thời gian trôi qua đã tạo nên nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người Hà Nội.
  • Nghệ thuật "Hát sắc bùa" được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia
    Hát sắc bùa mang đậm giá trị lịch sử, gắn liền với sự hình thành và phát triển của các cộng đồng ngư dân tại mảnh đất Minh Hóa và thành phố Đồng Hới, nó tồn tại từ bao đời nay. Hát sắc bùa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình từ trước đến nay, vừa kế thừa Hát sắc bùa của các vùng khác trên mọi miền Tổ quốc...
Ngô Thì Ức – nhà giáo, nhà thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO