Tác giả - tác phẩm

Ngỡ ngàng Phùng Khắc Bắc, một chấm xanh

Nhà thơ Vũ Quần Phương 13/05/2024 07:41

hùng Khắc Bắc sinh năm 1944, tên khai sinh là Phùng Khắc Toàn. Anh tham gia quân đội từ 1966 đến 1988 và được biết đến như một cây bút văn xuôi.

bia-tap-tho-mot-cham-xanhgukl-i.jpg

Ra quân, đại úy Phùng Khắc Bắc về Hội Nhà văn Việt Nam làm phó văn phòng, tiếp tục luyện nghề trên các trang văn. Không ai nói đến chuyện Phùng Khắc Bắc làm thơ. Nhưng sau ngày anh mất do bạo bệnh (năm 1991), bạn bè mới biết anh có tập thơ chưa in. Tập thơ “Một chấm xanh” được các đàn anh và bè bạn trong giới văn chương quân đội biên tập đặt tên và xuất bản. Năm sau, được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Tập thơ toát ra một tầm nghĩ sâu sắc của người lính vừa rời tay súng trước cuộc sống còn đầy gian khổ, thiếu đói của người dân; khiến người đọc ngỡ ngàng như xúc động trước một bức điện, xúc động ở nội dung chứa trong ngôn ngữ…

Phùng Khắc Bắc có cách cảm nhận việc đời không đơn giản, không ước lệ. Anh tôn trọng hiện thực, dù hiện thực khắc nghiệt đến đâu. Anh can đảm trải nghiệm nghĩa là sống đến đáy với hiện thực ấy và có ý kiến riêng, thường sâu sắc và đa diện. Anh tìm vào bản chất sự kiện, tìm vào chỗ nó đụng vào trái tim mình, rồi từ đấy mà khái quát thành nhận thức, những nhận thức thật sự làm giàu trí tuệ người đọc. Nhiều lúc anh đã chạm vào triết học. Mặt khác tình cảm ở thơ anh cũng là thứ tình cảm nảy sinh từ nhận thức. Đây là nét hơi khác với truyền thống thơ dân tộc. Chúng ta thường nghe: thơ là tiếng nói của tình cảm. Đọc Phùng Khắc Bắc muốn bổ sung: thơ là trải nghiệm, là nhận thức kết tinh thành tình cảm.

“Cầm vàng mà lội qua sông/ Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng”. Vàng rơi mà tiếc vàng là tình cảm tự nhiên. Nhưng vàng rơi mà tiếc vàng không bằng tiếc cái công mình đã bỏ ra để cầm vàng thì lại là tình cảm của trí tuệ. Sống nhập cuộc và chịu đúc kết những từng trải của chính mình mới có được tình cảm này. Thơ Phùng Khắc Bắc không đổ ập vui buồn vào lòng người đọc mà nó làm người ta sống lại, sống kỹ với những gì đã trải. Và từ đó, một tình cảm mới, giàu năng lượng, có sức tác động mạnh như khí oxy tươi sẽ nảy sinh. Anh không truyền tình cảm, anh buộc người đọc tự tìm lấy tình cảm, tự đối chiếu mà tạo nên bản lĩnh tình cảm của chính mình. Anh không áp đặt tình cảm bằng lan truyền vô thức mà anh tạo tình cảm bằng tác động vào ý thức.

Buổi gia đình tiễn anh tòng quân trong năm chiến tranh 1966, anh kéo người đọc hướng về bốn ánh nhìn anh của cha, của bà nội, của mẹ, của người yêu. Người đọc lặng đi, trong ánh nhìn của bà nội, nỗi sinh ly đã chan vào tử biệt. Nhưng không nước mắt. Nỗi đau như đúc lại, rắn chắc. Việc cần làm thì phải làm. Người lính ấy, sau những năm chiến đấu đã “kiểm kê” lại mình, một cuộc kiểm kê thẳng thừng, không khoan nhượng: “Đi làm đảng viên/ Đi làm liệt sỹ/ Tất cả đều không thành/ Chỉ là thương binh/ Thương binh không vết xước ngoài da/ Thương binh có những vết rách trong phổi/ Được hàn lại bằng kháng sinh và tình đồng đội”. Những bạn viết sống gần Bắc nói tính anh rụt rè, như tự giấu mình đi nhưng ở mạch văn này, anh là người can đảm lắm.

Đến thăm mộ người em trai, anh viết: “Sau bảy trăm ngày anh lại đến tìm em/ Cả hai lần đều gặp/ Cả hai lần em đều vắng mặt”. Tác động đầu tiên của đoạn thơ này chưa phải là tình cảm mà là cái nghịch lý đều gặp và em đều vắng mặt. Khi hiểu được cái nghịch lý ấy, người ta sẽ hiểu được nỗi xót xa tuyệt vọng. Gặp mà vẫn là vắng mặt thì sự vắng mặt ấy là vô phương cứu chữa. Mà lại sau bảy trăm ngày. Đếm từng ngày và đã đếm tới con số bảy trăm. Một nỗi xót thương lặng chìm, không bật thành lời, mà lặn vào riêng mình, nhức buốt. Phùng Khắc Bắc vốn ít nói, càng ít nói về tình cảm riêng. Có lẽ vì vậy tập thơ này - chủ yếu nói về thân về phận của riêng anh - không ai được nghe anh tâm sự. Có phải anh đã linh cảm căn bệnh hiểm nghèo của mình mà trong bài có những ý thơ như trối trăng, những cảm nhận nỗi ngắn ngủi đời người, đầy tiếc nuối, nhiều nghĩ ngợi cho cuộc sống có ý nghĩa nhất. Chủ đề tập thơ do vậy hướng vào những việc chính yếu của đời người. Con người là gì? Thơ anh giải thích: đó là tinh túy của đất đai, của đại dương và mặt trời, qua hàng triệu năm chưng cất mà thành. Phát hiện này này chưa được khoa học nào chứng minh. Nhưng nó đủ làm chứng cứ cho một thái độ sống trân trọng với cuộc đời. Vậy mà cái khung hữu hạn của mỗi đời người lại chật hẹp quá. Phùng Khắc Bắc tự hỏi: “Nhà hộ sinh và nghĩa địa là cái khung chân dung/ thời gian của mỗi đời người/ Vượt ra ngoài cái khung ấy là gì?”. Và anh tự trả lời: Đó là tình yêu người khác ngoài mình.

Phùng Khắc Bắc có nhiều suy nghĩ vượt qua cái khung thông thường của cuộc đời thực dụng nhưng anh không cao giọng. Làm thơ mà như tập thiền, lặng lẽ mà giác ngộ, mà tự soi chính mình. Nó là kết quả của một quá trình trải nghiệm, có cay đắng, có kiên trì. Anh thấy người đời mừng vì được hơn cảnh ngộ người ăn mày hay mừng vì thoát hòn tên mũi đạn, anh nghĩ đó là những người thật thà. Nhưng anh vẫn băn khoăn. Hình như trong nỗi mừng ấy có điều gì không ổn: “Sung sướng mừng vui vì điều đó/ và quên đi một điều/ Ta đã bị thu mình rất nhỏ”. Cách nghĩ ấy theo tôi là thỏa đáng. Không nghiến răng trợn mắt nhưng đủ để người ta biết xấu hổ mà lương thiện. Phùng Khắc Bắc không đóng vai người phê phán hay biểu dương, đứng trên bục cao mà phán. Anh là người tham gia sống cái đời thường, đời thật, với mọi người. Sống và quan sát, kể cả quan sát chính mình, tự rút ra nhận thức cho mình để hiểu vào thực chất. Thơ anh thường ngập trong ý tưởng. Đôi khi chỉ một ý tạt ngang cũng đủ sức làm ta phải sững lại, nghĩ ngợi và có thể mở cho ta một thế giới ứng xử khác trước. Bài thơ “Trước mộ em trai ở nghĩa địa Hà Lầm”, một ý tạt ngang, khi anh qua những hàng mộ chí xây đủ kiểu, đủ kích cỡ và thứ bậc sang trọng, tạt ngang mà làm ta nhận thức lại đời: “Ta đi giữa sự công bằng ở tầng dưới/ và sự bất công ở tầng trên”.

Sự phong phú trong cảm nghĩ phùng Khắc Bắc chính là tài năng anh. Ở ta tư duy kiểu này không nhiều. Nó gần với thơ châu Âu. Đọc anh, tôi nhớ nhiều đến bút pháp nhà thơ Hi Lạp Yanis Ritsos trong tập thơ “Nhà cho thuê”. Xin nói cụ thể vào một bài Phùng Khắc Bắc để thấy rõ đức tính này của thơ anh. Bài “Ngày hòa bình đầu tiên” người chiến sỹ từ mặt trận trở về sau chiến tranh, phút anh gặp mẹ cũng là phút gặp cơn mưa: nhà dột. Thơ được bắt đầu từ cơn mưa dột ấy. Nơi anh nghỉ đêm ấy: một khoảng hẹp còn khô ráo chỉ đủ để mắc võng. Lại mắc võng. Anh lại nằm như trong chiến tranh ngay ở trong căn nhà thân yêu của mẹ khi đất nước đã yên tiếng súng. Người lính nằm im nghe âm thanh chiến tranh trong người mình cất giọng. Cuộc chiến tranh này thiêng liêng hơn, lớn lao hơn vì nó dấy lên tự lòng người đã qua chiến trận. Và với anh, nó ác liệt hơn vì anh không gì che chắn/ vũ khí lúc này: hai bàn tay. Bài thơ không có câu nào để lộ chủ đề. Ngoại cảnh là nhà dột. Nội tâm là ngổn ngang nỗi lòng thương mẹ, thương trở lại những năm chiến tranh, một mình mẹ xoay trở trong căn nhà này… Mối liên hệ giữa vết thủng sáng của mái nhà và những mảng trắng trên tóc mẹ là một sáng tạo, dắt ý nghĩ từ thực tại vào liên tưởng. Chính mong đợi của mẹ làm cho con được sống. Chiến thắng của mẹ là con trở về lành lặn. Hòa bình của con là canh cua, rau mồng tơi và cà. Bài thơ không vần mà sao nghe nhịp điệu tâm hồn rất rõ, đậm đà vị quê hương non nước nhà mình. Bài thơ có một cái tứ chung, được tựa lên nhiều ý cụ thể. Chi tiết làm hiện lên đầy đủ những nỗi đời lắt léo. Thơ Phùng Khắc Bắc không ước lệ là thế. Hướng viết này rất cần cho nền thơ chúng ta, vốn trọng tình cảm mà hơi xao nhãng phẩm chất trí tuệ. Chi tiết đời thực trong thơ Phùng Khắc Bắc tác động thật sự vào nghĩ ngợi, nâng tình cảm lên thành trí tuệ, có sức hoàn thiện tâm hồn con người.

Phùng Khắc Bắc luôn hướng tới tâm trạng. Đề tài, bối cảnh chỉ là chỗ đi qua để tìm ra tâm trạng. Hãy tha thứ cho anh là một tâm trạng ăn năn hối hận nhưng hối hận vì điều gì thì anh không nói. Điều cần chia sẻ, cần giải tỏa là cái tâm trạng hiện hữu ấy thôi. Anh mở ra đến vũ trụ hay thu lại chỉ một mảnh thủy tinh cũng là để nói cái đời người ngắn ngủi, dễ vỡ. Anh như thường xuyên phải đối diện với cái kết thúc của chính mình. Đối diện để nghĩ, để sống, để viết. Anh linh cảm cái phút ra đi nhiều dang dở: “Nhà làm lại chưa xong/ Vợ học chưa xong/ Con học chưa xong/ Nhiều cái chưa xong”.

Giọng thơ thật thà như anh đang tính trên đầu ngón tay. Tội nghiệp lắm. Anh nhận thức cái tự do cho từng đời người không dễ có. Tự do cho một đất nước có thể giành được bằng cách mạng, như ta đã làm. Nhưng còn tự do cho mỗi đời người cụ thể? Khó lắm! Hết sợi dây này đến sợi dây khác thay nhau trói buộc. Đấy là một chiêm nghiệm sâu sắc nhưng thơ không thể viết như cáo trạng, anh chỉ nhẹ nhàng nêu ví dụ, người đọc tự suy thêm. Anh nói: những sợi dây ấy, đầu tiên là lót ấm chăn êm đã làm nín bặt tiếng khóc chào đời vốn rất tự do của đứa trẻ. Rồi lớn lên, bao nhiêu nhu cầu là bấy nhiêu ràng buộc. Phùng Khắc Bắc không tư biện siêu hình, không hư vô chủ nghĩa. Anh tìm phương án hữu hiệu, thực thi. Trong hai con đường tìm tự do: tìm trong cõi tâm linh và tìm ở trần gian, anh đã chọn cách thứ hai: giành tự do đích thực giữa đời thường dù trong một lời, dù trong một phút. Là thương binh có vết rách trong phổi, có siêu vi trùng nằm ngủ trong gan, có chất độc màu da cam mỉm cười thâm hiểm trong máu nhưng anh mừng vì không có gì chết đi trong bộ óc.

Phẩm chất lý tưởng của người lính này bền chắc vì nó bắt rễ vào đời thực. Thực trong tất cả mọi hay dở, mọi cao cả, thấp hèn. Anh thấy chiến tranh tan những gia đình. Nhưng anh cũng thấy chiến tranh gắn chặt xã hội. Cha ông nói Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Anh bổ sung: đi để học từ những điều dại. Phùng Khắc Bắc tìm thơ từ cảnh ngộ của riêng mình để nói về cuộc đời của tất cả. Thơ anh có bài còn như phác thảo. Thì sinh thời, anh đã dám công bố thơ đâu. Nhưng tầm vóc tâm hồn và tư tưởng trong thơ anh đã có sức hút lớn lao, rất đáng quý, đáng trọng. Anh không “làm thơ”, không chế tạo ra thơ. Anh trải nghiệm, cảm nhận, giãi bày. Và còn bí mật giấu thơ trong ba lô chờ nhuận sắc kỹ mới trình làng. Cả đời văn dồn lại chỉ bốn năm sáng tác 1984-1987. Cả ba tác phẩm đều xuất bản sau khi anh tạ thế. Trong đó, tập thơ “Một chấm xanh” khi xuất hiện như một xúc động văn chương trong giới viết và bạn đọc. Hơn 30 năm đã trôi qua, những cây bút thuộc lứa nhà văn thời chống Mỹ hồi đó đã vào tuổi thượng thọ, tuổi đại lão. Cơ ngơi đất nước cũng ấm cúng, nguy nga, giàu đẹp lên nhiều nhưng mở lại trang thơ “Một chấm xanh”, nhìn vào tấm chân dung Phùng Khắc Bắc mỏng mảnh, gầy guộc, mét mét màu da sốt rét, mạch máu đầu ngón tay chúng ta lại làm run lên trang giấy đọng thơ anh.

bo-20doi-1-.jpg

Ngày hòa bình đầu tiên

Anh về lại ngôi nhà mình
Sau mười năm chiến tranh

Mẹ đón anh buổi bình minh nhập nhoạng
Cơn mưa đón anh buổi hừng đông chạng vạng

Mưa… Mưa… Mưa…
Mưa ngoài trời
Khắp nơi
Mưa ngoài sân
Cũng mưa cả trong nhà
Sau lời mẹ là lời mưa reo ca

Nhà dột
Chỗ nằm chỉ còn đủ độ dài giữa hai chiếc cột
Chiều rộng bằng khuôn chiếc tăng
Mắc võng
Lại mắc võng
Vẫn là cây theo anh từ rừng về đây làm cột
Võng đưa sẽ ướt
Nhưng đã có con mọt trong cột làm âm thanh đung đưa

Ngày xưa,
Chỗ ướt mẹ nằm
Sau mười năm
Vẫn chỗ mưa mẹ đứng
Mẹ trao cho anh chiếc đèn và bảo
Đừng để ngọn lửa rụng!
Mẹ xếp những thùng, chậu, nồi, xoong…
Khúc nhạc mưa nhà dột tấu lên
Ru êm cánh võng
Người lính nằm im
Nghe âm thanh chiến tranh trong người mình cất giọng
Trong đêm hoà bình đầu tiên.

Phùng Khắc Bắc

Bài liên quan
  • Men của mùa xuân đã rót về
    Nhà thơ Vũ Quần Phương sinh năm 1940 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Y khoa năm 1965 và chuyển sang viết văn chuyên nghiệp từ năm 1972. Đến nay ông đã xuất bản 13 tập thơ, 5 tập phê bình văn học và 1 tập văn xuôi. Ở tuổi 85 ông vẫn bền bỉ và giàu sức chiêm nghiệm trên cánh đồng thơ, cánh đồng chữ nghĩa. Mùa thu năm 2023 ông ra mắt bạn đọc tập thơ “Ngỗng trời kêu xa xứ” (NXB Hội Nhà văn).
(0) Bình luận
  • 9 tác giả tiêu biểu châu Á hội ngộ trong tuyển tập truyện ngắn “Tuyệt duyên”
    Chín truyện ngắn đương đại của các tác giả trẻ tiêu biểu ở châu Á vừa được NXB Trẻ giới thiệu với độc giả trong tuyển tập truyện ngắn “Tuyệt duyên”.
  • Ra mắt sách “Ai nói? Tại sao lại nói như thế” của nhà văn Văn Giá
    Tác phẩm văn học được các nhà phê bình đánh giá cao về sự sáng tạo, đầy dũng khí trong lối viết; tính đời, sự tự trào đa chiều trong nội dung và tạo nên “biệt danh” mới cho nhà văn: “Người kể chuyện hiểu chuyện”.
  • Tôi “phải lòng” hội họa như cách tôi từng say mê văn chương
    Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu tình cờ đến với hội họa từ năm 2016. Chọn dòng tranh lụa kén người vẽ, chị đã nhanh chóng thể hiện tài năng sử dụng cọ và màu không thua kém tài năng ngôn ngữ. Với chị, điểm chung trong các sáng tạo nghệ thuật của mình là chất thơ và tính nữ. Xoay quanh góc nhìn “viết hay vẽ cũng chỉ là phương tiện nghệ thuật để người nghệ sĩ tỏ bày với thế giới, về thế giới”, tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu đã dành cho tạp chí Người Hà Nội một cuộc trò chuyện thú vị.
  • Ra mắt bộ sách kĩ năng Dám mơ - Biết nói - Giỏi làm
    Với mong muốn giúp bạn đọc trẻ trang bị những kĩ năng mềm, Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu bộ sách Dám mơ - Biết nói - Giỏi làm gồm 2 cuốn “Tiệm sữa Chào buổi sáng” và “Người biết đi đường dài”.
  • Lê Bá Thự và những dấu ấn trong dịch thuật, sáng tác
    Trong 303 trên tổng số 436 trang của tập sách “Lê Bá Thự - Tiểu luận & phê bình văn học”, Lê Bá Thự đã giới thiệu ngắn gọn về 30 tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ của Ba Lan mà ông đã dịch sang tiếng Việt.
  • Thêm nhiều đầu sách mùa Trung thu cho thiếu nhi
    Nhân dịp Tết Trung thu, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt nhiều ấn phẩm với nội dung, thông điệp ý nghĩa dành cho thiếu nhi.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • [Podcast] Câu chuyện truyền thanh: Quy định về phối hợp giữa cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng chức năng liên quan
    Tổ công tác rời UBND thành phố sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, ngày mai họ sẽ xuống các huyện, xã để tiếp tục công việc của mình. Đêm cuối tại thành phố nên Nam bảo mọi người tuỳ ý di tản đi chơi. Trời đêm phố biển sáng rực rỡ bởi ánh đèn ở khắp nơi, Nam và Hải đang vừa đi vừa nói chuyện thì chợt có tiếng gọi...
  • Triển lãm ảnh "Hà Nội trong tôi" - lời tỏ bày tình yêu với Hà Nội
    Từ 28/9/2024 đến 29/10/2024, tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm (đoạn đối diện tượng đài Vua Lê Thái Tổ), Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Chi hội Nhiếp ảnh - Báo chí (Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội) tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Hà Nội trong tôi”. Triển làm là một hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
  • Liên hoan hát then - đàn tính và xòe Thái lần thứ VI
    Với chủ đề "Hát Then, đàn Tính và nghệ thuật Xòe Thái Lai Châu - tinh hoa tỏa sáng", các hoạt động nghệ thuật diễn ra tại Liên hoan có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người, nét đẹp trong đời sống tín ngưỡng mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo, thông qua hình thức hát Then, đàn Tính, múa trong Then và nghệ thuật Xòe Thái của đồng bào dân tộc Thái.
  • Hội sách Hà Nội 2024: Cầu nối của tri thức, lan tỏa văn hóa đọc
    Tối 27/9, Hội sách Hà Nội lần thứ IX - năm 2024 với chủ đề “Hà Nội: Thủ đô văn hiến, anh hùng - Thành phố Vì hòa bình” đã khai mạc tại Vườn hoa đền Bà Kiệu, trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.
  • [Video] “Hà Nội và Tôi”: Bồi đắp và lan tỏa tình yêu Hà Nội
    Ngày 27/9 tại phố Sách Hà Nội (phố 19/12, quận Hoàn Kiếm). Tạp chí Người Hà Nội đã tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi”. Nhà báo Vương Minh Huệ - Tổng biên tập Tạp chí Người Hà Nội, Trưởng ban tổ chức cuộc thi khẳng định, hàng trăm tác phẩm dự thi cuộc thi viết Hà Nội và tôi đã phản ánh sinh động những nét văn hóa đặc trưng của mảnh đất Hà thành, góp phần lan tỏa một Hà Nội văn hiến – văn minh – hiện đại.
  • [Podcast] Một số nội dung mới cơ bản của Luật Thủ đô (sửa đổi)
    Luật Thủ đô (sửa đổi) Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật Thủ đô (sửa đổi) được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, áp dụng riêng cho Thủ đô.
  • Phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống ở A Lưới
    Phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc của huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) để đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.
  • "Đào, phở và piano" tham dự giải Oscar
    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lựa chọn bộ phim: Đào, Phở và Piano (Công ty Cổ phần Phim truyện 1 sản xuất), đại diện Việt Nam tham dự Vòng sơ tuyển giải thưởng Phim truyện quốc tế - Oscar (2024 – 2025)
  • Long Biên: Khai mạc chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
    Tối 26/9, UBND quận Long Biên tổ chức khai mạc chuỗi sự kiện, hoạt động xúc tiến thương mại - văn hóa thể thao chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
  • Xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hóa quận Bắc Từ Liêm
    Chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), tối 26/9, tại Công viên Hòa Bình (Hà Nội), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liêm khai mạc Hội chợ xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hóa quận Bắc Từ Liêm.
Ngỡ ngàng Phùng Khắc Bắc, một chấm xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO