Tiến sĩ Doãn Mậu Diệp cho biết, việc nâng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, là vì lợi ích quốc gia chứ không phải vì lý do lo ngại vỡ Quỹ BHXH.
Việc sửa đổi Bộ luật Lao động đã và đang thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, của các tổ chức, doanh nghiệp và cả các tổ chức quốc tế có liên quan.
Theo Tiến sĩ Doãn Mậu Diệp - Phó Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho rằng, câu chuyện nâng tuổi nghỉ hưu là câu chuyện được bàn luận rất nhiều và cũng nhận ý kiến rất trái chiều trong công luận.
Thực ra, chuyện nâng tuổi nghỉ hưu là chuyện của tất cả các nước để thích ứng với quá trình già hóa dân số và nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương lai. Ban soạn thảo Dự án BLLĐ sửa đổi đã nghiên cứu kỹ lưỡng và thấy có nhiều lý do cần điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu.
Tiến sĩ Doãn Mậu Diệp cho biết, đầu tiên cần phải thấy rằng nâng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, là vì lợi ích quốc gia chứ không phải vì lý do lo ngại vỡ Quỹ BHXH. Các lý do có thể kể ra là Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số và tốc độ già hóa dân số được dự báo diễn ra rất nhanh.
Hai là, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động nếu không mở rộng độ tuổi lao động thông qua việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.
Ba là, mặc dù quy định tuổi nghỉ hưu là 60 với nam, 55 với nữ nhưng sau độ tuổi này, có tới 70 - 72% nam giới tuổi 60 - 65 và nữ giới tuổi 55 - 60 vẫn còn tiếp tục tham gia lực lượng lao động, và điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một trong những biện pháp thừa nhận và đảm bảo quyền được làm việc của người dân.
Bốn là, thu hẹp khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ là biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trên thị trường lao động, đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử theo Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam đã cam kết từ năm 1982.
Năm là, sau tuổi 55 của nữ và 60 tuổi của nam, người lao động vẫn có thể làm việc khi số năm khỏe mạnh sau tuổi 60 của Việt Nam ở mức rất khá theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới.
Sáu là, mở rộng độ tuổi lao động, tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những biện pháp quan trọng góp phần đảm bảo cân đối tài chính quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn.
Trong phương án đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu, Tiến sĩ Doãn Mậu Diệp cho biết dự thảo Bộ luật Lao động cũng đề xuất nâng theo lộ trình chậm chứ không phải nâng ngay lập tức lên 62 đối với nam và 60 đối với nữ. Thêm vào đó tuổi nghỉ hưu 62 với nam và 60 với nữ là trong điều kiện làm việc bình thường.
Quy định như vậy có nghĩa là trong điều kiện không bình thường thì có thể được nghỉ sớm hơn như các người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm hoặc ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; có thể nghỉ muộn hơn nếu đó là người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Tất nhiên nghỉ hưu muộn hơn chỉ khi người lao động có đủ sức khỏe, có nguyện vọng và người sử dụng lao động có nhu cầu sử dụng lao động đó.
Trong ngày làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Bộ Trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, việc sửa Bộ luật Lao động (sửa đổi lần này) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế có liên quan.
Bộ Trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi (Ảnh: Quochoi.vn).
Liên quan đến nội dung về tuổi nghỉ hưu, Báo cáo tiếp thu và giải trình chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ phương án và lập luận về nhóm người lao động nghỉ hưu sớm, nhất là lao động nặng nhọc, độc hại.
Hiện nay, Bộ Lao động đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, xác định 1.810 ngành nghề, lĩnh vực, công việc nặng nhọc độc hại. Theo đó, với điều kiện như thế, thì những đối tượng này sẽ thuộc nhóm nghỉ hưu hưu sớm, thậm chí có thể nghỉ sớm tới 10 năm.